Mẹ hối hận vì con 18 tuổi không biết làm việc nhà

GD&TĐ - Chị Lê Ngọc than thở: “Con học lớp 12 rồi nhưng ngoài sách vở ra, không biết làm một việc gì. Mẹ nhờ rửa bát thì kêu mệt, nấu ăn thì càng không...".

Nên giao việc cho trẻ tuỳ theo độ tuổi. Ảnh minh họa.
Nên giao việc cho trẻ tuỳ theo độ tuổi. Ảnh minh họa.

>>> Lập quy tắc và thời gian biểu để con không lười biếng

Rất nhiều cha mẹ thắc mắc có nên giao việc nhà cho trẻ hay không? Nhiều người sẵn sàng ôm đồm hết việc nhà để con cái dành hết thời gian cho học tập. Chuyên gia cho rằng, điều này vô hình trung đã tước mất “quyền được lao động” của con.

Bố mẹ khiến trẻ lười biếng, dựa dẫm

Chuẩn bị bước vào lớp 6, tuy nhiên, con trai của chị Thu Huyền (Đông Anh, Hà Nội) chưa phải “đụng tay đụng chân” vào bất cứ công việc nào trong nhà.

Chị Huyền chia sẻ: “Bây giờ học hành đều vất vả, cảm giác bọn trẻ phải học nhiều hơn so với thời xưa vì cần học thêm nhiều kỹ năng hơn. Chưa kể, lịch trình hàng ngày của con bận rộn chẳng khác gì người lớn, từ học trên lớp, học năng khiếu, rồi tập thể thao… Thấy con vất vả như vậy, tôi thường làm hết việc nhà để con có thể chuyên tâm học hành và phát triển tốt hơn”.

Đây không phải là trường hợp hiếm gặp, nhất là trong cuộc sống hiện đại, những người làm cha, làm mẹ luôn muốn bù đắp cho con. Thậm chí, nhiều bậc phụ huynh, mặc dù muốn giao cho con cái việc nhà, nhưng cứ nghĩ đến cảnh phải dọn “bãi chiến trường” do trẻ bày ra, thì lại tặc lưỡi “thôi, để mẹ tự làm cho nhanh”.

Chuyên gia cho rằng, những suy nghĩ này của cha mẹ đã vô tình cướp đi của con trẻ nhiều điều thú vị mà chỉ khi con tự làm, tự lao động thì mới cảm nhận được. Điều này cũng khiến trẻ trở nên lười biếng, ỷ lại và dựa dẫm vào người khác.

Chị Lê Ngọc (Hoàng Mai, Hà Nội) than thở: “Con học lớp 12 rồi nhưng ngoài sách vở ra, không biết làm một việc gì. Mẹ nhờ rửa bát thì kêu mệt, nấu ăn thì càng không, hỏi đến đồ dùng gì cũng không biết để ở đâu. Thậm chí, cái bật lửa con còn không biết cách dùng. Đến việc đơn giản là phơi quần áo cũng phải dạy đi dạy lại vài lần”.

Trước đây, ngày con gái còn nhỏ, chị chỉ yêu cầu con một việc duy nhất là… học giỏi, còn những công việc khác trong nhà đều có bà và bố mẹ lo. Bây giờ nhìn lại cô con gái “học giỏi thì có nhưng vừa lười vừa đoảng”, chị vô cùng lo lắng. Chị Ngọc nhận ra rằng, nếu con chỉ học giỏi thôi thì chưa đủ, mà khi lao động con sẽ có thêm nhiều kỹ năng sống, biết cách giải quyết vấn đề và không nao núng khi gặp khó khăn.

Giống với trường hợp này, chị Chu Thúy Quỳnh (Ninh Bình) chia sẻ câu chuyện của cậu con trai duy nhất. Lấy nhau nhiều năm mới sinh con và là con một trong nhà nên chị chiều con hết mực. Đừng nói đến việc lao động, chị thường xuyên tạo mọi điều kiện tốt nhất để con hưởng thụ cuộc sống sung sướng.

Lớn lên, khi con lên thành phố học, chị lo lắng cho con từng ngày. Dù đã 18 tuổi nhưng mẹ vẫn lo từ bữa ăn đến chuyện sinh hoạt nhỏ nhặt. Lâu dần, chị Quỳnh nhận thấy mình đã sai vì không thể theo con mãi được. Sự nuông chiều từ bé đã vô tình khiến con chỉ biết cuộc sống hưởng thụ, không lo nghĩ hay đặt ra mục tiêu phấn đấu.

Hiện, nếu mẹ không lên chăm sóc được thì con trai thường dùng tiền để giải quyết: Đi ăn nhà hàng, mang quần áo ra tiệm giặt là,…

“Tôi có gọi điện lên nhắc nhở, nhưng chỉ được vài ngày thì đâu lại vào đấy. Cơ bản con sướng quen rồi, lại thêm tính lười biếng, không muốn đụng đến việc nhà” - chị Quỳnh chia sẻ.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Giúp con tự lập nhờ lao động

Nêu quan điểm về việc có nên để con cái làm việc nhà, anh Trần Hùng (Hà Nội) cho rằng, không phải bố mẹ cứ tranh làm hết mọi việc nhà để con có thời gian học bài mới là tốt.

“Tôi thấy nhiều gia đình cứ nghĩ bằng mọi cách để con dành hết thời gian cho việc học hành, mong sau này ra trường kiếm được công việc tốt. Tuy nhiên, nhiều trường hợp, những người con đó trưởng thành, lập gia đình chẳng nấu nổi bữa cơm, con người cũng ỳ ạch không linh hoạt, tiến bộ và khó phát triển trong công việc”, anh Hùng nói.

Theo cô Nguyễn Hồng Hạnh (giáo viên Trường THPT Nguyễn Du, Nam Định), tạo điều kiện cho con cái học tập là điều nên làm, nhưng song song với đó, cha mẹ cũng nên dành những khoảng trống để dạy con làm việc nhà. Có như vậy, con cái mới trở nên tự lập.

“Gia đình là tập thể, do đó, mọi việc trong nhà cần sự sẻ chia của mọi người, từ vợ chồng cho đến con cái”, cô Hạnh nói.

Theo cô Hạnh, nên hướng dẫn các bé làm việc nhà từ sớm để hình thành thói quen cho trẻ, những việc nhỏ như quét nhà, quét sân… cũng sẽ dạy con bài học về sự tỉ mỉ hay tính kiên nhẫn. Trẻ cũng rất hài lòng sau khi quan sát căn nhà sạch sẽ do chính mình dọn dẹp. Lợi ích lớn nhất khi cho con làm việc nhà là giúp con cảm nhận được giá trị của lao động. Bởi chính nhờ làm công việc nhà, con sẽ có cơ hội được rèn luyện những kỹ năng sống cơ bản và cảm thấy tự tin hơn.

Tuy nhiên, để tạo động lực cho con, người lớn không bắt con làm việc nhà liên tục mà xen kẽ các ngày trong tuần. Khi con hoàn thành nhiệm vụ, cha mẹ đừng quên dành lời khen, và đôi khi là những phần thưởng nho nhỏ như: Đi công viên, đi bơi, mua đồ chơi mà con thích.

Cô Hạnh cho rằng, việc rèn luyện tính tự lập, tự giác, cách thích nghi và hòa nhập cho trẻ có ảnh hưởng tích cực tới cuộc sống trưởng thành sau này. Trong đó, làm việc nhà là một trong những kỹ năng sống cơ bản cần được cha mẹ chú ý sớm.

Theo cô Hạnh, ở mỗi độ tuổi, cha mẹ có thể hướng dẫn cho trẻ làm những công việc phù hợp. Ở giai đoạn từ 2 - 3 tuổi, trẻ nên được giao những việc đơn giản như nhặt đồ chơi, bỏ quần áo vào sọt…

Khi đi học, trách nhiệm tăng lên, phụ huynh nên dạy trẻ dọn dẹp bàn học, phòng cá nhân, tưới nước cho cây. Lớn lên một chút, trẻ có thể học giặt giũ hay nấu những món đơn giản. Những kỹ năng sống này sẽ rất quan trọng sau khi học trung học để thanh thiếu niên có thể sống tự lập.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Toạ đàm “Trí tuệ nhân tạo và ảnh hưởng trong các trường ĐH” trong khuôn khổ Hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH”.

AI và tương lai giáo dục đại học

GD&TĐ - Ngày 11/12, hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH” được tổ chức nhằm chia sẻ nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn của trí tuệ nhân tạo trong giáo dục ĐH.