Máy khử khuẩn đa năng hữu ích phòng dịch trong trường học

GD&TĐ - Máy khử khuẩn đa năng do Nguyễn Việt Hưng, HS Trường THPT chuyên Thái Bình đang được sử dụng khá rộng rãi. Đây cũng là dự án giành giải nhì quốc gia thi Khoa học-Kỹ thuật dành cho HS trung học, năm học 2020-2021.

Học sinh tiểu học sử dụng máy khử khuẩn đa năng.
Học sinh tiểu học sử dụng máy khử khuẩn đa năng.

1 tháng - từ ý tưởng đến sản phẩm

Khi đợt dịch thứ nhất xuất hiện tại Việt Nam vào đầu năm 2020, cả nước thực hiện giãn cách, cả hệ thống chính trị vào cuộc, toàn dân tham gia chống dịch. Đó cũng là thời điểm đòi hỏi cấp bách phải có những sản phẩm hữu ích phục vụ phòng, chống dịch Covid-19.

Nguyễn Việt Hưng cho biết ý tưởng về máy khử khuẩn đa năng xuất hiện không lâu sau thời điểm này.

“Em quan sát thấy dung dịch khử khuẩn thường được lấy từ bình xịt dùng chung, tiềm ẩn nguy cơ lây chéo trong quá trình sử dụng. Các máy phun dung dịch khử khuẩn trên thị trường khi đó chỉ có một tính năng phun dung dịch, gắn cố định một chỗ, bất tiện cho trẻ em, người khuyết tật khi sử dụng... Đó là lý do em quyết tâm thiết kế máy khử khuẩn an toàn, nhiều tiện ích hơn” - Hưng chia sẻ.

Để giải bài toán này, cậu học trò trường chuyên phải trả lời hàng loạt câu hỏi: Làm thế nào để phun dung dịch khử khuẩn tự động, không tiếp xúc? Làm sao để sau khi phun, tay nhanh khô, không cần sử dụng khăn giấy? Làm sao để khử khuẩn các vật dụng tiếp xúc nhiều hàng ngày như điện thoại, kính mắt, ví tiền... mà không cần phun dung dịch khử khuẩn lên bề mặt của chúng? Làm thế nào tự động điều chỉnh độ cao của máy? Làm thế nào để sử dụng máy ở nơi không có nguồn điện lưới?...

Học sinh trường dạy nghề dành cho người khuyết tật sử dụng máy khử khuẩn đa năng.

Học sinh trường dạy nghề dành cho người khuyết tật sử dụng máy khử khuẩn đa năng.

Hưng nhớ lại, đó là một hành trình khó khăn, dù được sự hướng dẫn tận tình của cô Nguyễn Thị Bích Thanh, giáo viên môn Công nghệ, Trường THPT Chuyên Thái Bình và được TS Nguyễn Viết Huy, Phó Trưởng phòng, phụ trách Phòng Giáo dục chuyên nghiệp-Công tác học sinh sinh viên, Sở GD&ĐT Thái Bình cố vấn.

“Đầu tiên, em tập trung cao độ để nghiên cứu các tài liệu trong và ngoài nước. Một số tài liệu nghiên cứu đã chỉ ra rằng, có thể sử dụng cảm biến hồng ngoại để điều khiển đóng ngắt mạch điện tự động. Điều này gợi ý cho việc tạo ra cơ cấu phun dung dịch khử khuẩn, sấy khô tự động hay nâng hạ máy tự động.

Về vấn đề khử khuẩn, dung dịch cồn 70 độ thích hợp để khử khuẩn tay; trong khi đó, tia tử ngoại (UV) lại thích hợp trong việc khử khuẩn các vật dụng như điện thoại, đồng hồ, kính mắt, ví tiền và đặc biệt là các thiết bị y tế” – Hưng chia sẻ về những ý tưởng ban đầu cho sự hình thành của máy khử khuẩn đa năng.

Từ ý tưởng nghiên cứu đến khi sản phẩm thành hình đưa vào thử nghiệm chỉ khoảng 1 tháng. Tự đặt ra áp lực về thời gian như vậy, dưới sự giúp đỡ của giáo viên hướng dẫn, Hưng đã làm việc cật lực để hoàn thành kế hoạch.

Khi đó, cả nước vẫn thực hiện giãn cách nên việc có được các linh kiện của máy gặp không ít khó khăn vì phải đặt từ Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh... Thiếu một số linh kiện là máy không thể được lắp đặt. Kinh phí cũng là một rào cản vì giai đoạn dịch bệnh phức tạp, mọi chi tiêu phải tiết giảm để bảo đảm sinh hoạt tối thiểu hàng ngày.

“Thật may mắn em được bố mẹ ủng hộ, cùng với tiền mừng tuổi của bản thân và em gái, em đã đủ kinh phí để đặt mua linh kiện lắp ráp máy” - Hưng cho hay.

Đầu tháng 4, máy khử khuẩn đa năng thành hình và được đưa vào thử nghiệm. Chia sẻ về sản phẩm của học trò, cô Nguyễn Thị Bích Thanh cho biết, máy đã tích hợp các tính năng: Phun dung dịch khử khuẩn tự động; sấy khô tự động; khử khuẩn bề mặt một số vật dụng (điện thoại, kính mắt, chìa khóa, ví...); có thể điều khiển tự động nâng, hạ máy phục vụ cho trẻ em và người khuyết tật khi muốn sử dụng; có hệ thống acquy riêng để sử dụng đuợc ở những nơi không có nguồn điện lưới.

“Sau vài tháng sử dụng thử nghiệm tại bệnh viện, trung tâm cách li và một số hộ gia đình, cô trò đã cùng điều chỉnh, hoàn thiện sản phẩm… Máy sau đó được thiết kế thêm mô-đun nâng hạ máy tự động, giúp trẻ em và người khuyết tật thuận tiện khi muốn sử dụng máy; lắp thêm các bánh xe lăn để máy dễ dàng di chuyển; có thiết bị chuyển đổi điện áp 12V DC-220V AC để máy có thể sử dụng khi mất điện và ở nơi không có điện lưới” - cô Thanh chia sẻ.

Cô Nguyễn Thị Bích Thanh và Nguyễn Việt Hưng (giữa) nhận bằng khen tại Cuộc thi Khoa học-Kỹ thuật dành cho HS trung học, năm học 2020-2021.
Cô Nguyễn Thị Bích Thanh và Nguyễn Việt Hưng (giữa) nhận bằng khen tại Cuộc thi Khoa học-Kỹ thuật dành cho HS trung học, năm học 2020-2021.

Gần triệu lượt sử dụng

Tính năng máy khử khuẩn đa năng do Nguyễn Việt Hưng chế tạo đã được trải qua đánh giá thực tiễn khi trao tặng, đưa vào sử dụng ở Trung tâm cách li tỉnh (2 máy); Bệnh viện đa khoa thành phố (1 máy); bếp ăn Tỉnh ủy (1 máy); Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy (1 máy); Ban Tổ chức Tỉnh ủy (1 máy); Sở GD&ĐT (1 máy); Trường THPT Chuyên Thái Bình (1 máy); một số hộ gia đình (5 máy)...

Theo TS Nguyễn Viết Huy, Phó Trưởng phòng, phụ trách Phòng Giáo dục chuyên nghiệp-Công tác học sinh sinh viên, Sở GD&ĐT Thái Bình, sau hơn 1 năm sử dụng liên tục, máy khử khuẩn đa năng được người sử dụng đánh giá là tiện dụng, có độ ổn định cao và ít hỏng hóc. Đặc biệt, tại các nơi có tần suất sử dụng rất lớn, như Trung tâm cách li tỉnh (khoảng 800 lượt người sử dụng/ngày), Bệnh viện đa khoa thành phố (khoảng 1200 lượt người sử dụng/ngày).

Sau khi cải tiến, bổ sung hệ thống nâng hạ tự động, hỗ trợ trẻ em, người khuyết tật, máy đã được đưa vào sử dụng tại Trường dạy nghề cho người khuyết tật tỉnh (1 máy) và trường tiểu học trên địa bàn thành phố (1 máy).

Số lượt người sử dụng máy khử khuẩn đa năng từ lúc đưa vào sử dụng ước tính khoảng 960.000 lượt (chưa tính ở các đơn vị và hộ gia đình khác).

Đến nay, Nguyễn Việt Hưng vẫn tiếp tục theo đuổi dự án, hoàn thiện sản phẩm ngày càng tốt hơn. Chia sẻ về kế hoạch tiếp theo, Hưng cho biết sẽ nghiên cứu tích hợp pin năng lượng mặt trời để máy có thể được sử dụng ở những nơi không có điện lưới quốc gia. Tích hợp hệ thống đo thân nhiêt tự động để phục vụ tốt nhất cho công tác phòng chống dịch Covid-19. Tiếp tục phát triển, hoàn thiện để chuyển thành sản phẩm thương mại, tham gia vào quá trình khởi nghiệp sáng tạo của học sinh, sinh viên.

“Em cũng mong được giới thiệu sản phẩm và các thành tựu trong phòng, chống Covid-19 ở Việt Nam tới bạn bè quốc tế trong những dịp thích hợp” - Nguyễn Việt Hưng bày tỏ.

Sau 1 năm nỗ lực, trái ngọt cậu học trò Trường THPT chuyên Thái Bình đạt được không chỉ là sản phẩm hữu ích với cộng đồng, mà còn là kiến thức, kỹ năng, trải nghiệm làm nghiên cứu khoa học - lĩnh vực mà mình đam mê.

“Quá trình thực hiện dự án đã rèn cho em kỹ năng tự học, giải quyết vấn đề và kỹ năng nghiên cứu khoa học, vận dụng kiến thức đã học để giải quyết các bài toán trong thực tiến. Đây sẽ là nền móng để em tiếp tục học lên và thực hiện các dự án tiếp theo” – Nguyễn Việt Hưng cho hay.

Với việc được đưa vào ứng dụng rộng rãi trong thực tiễn, góp phần hiệu quả vào công tác phòng, chống dịch Covid-19 ở địa phương, sản phẩm máy khử khuẩn đa năng đã đạt được thành tích:

Giấy khen của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Thái Bình vì đã có sáng kiến khoa học góp phần phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả trên địa bàn tỉnh. 

Giấy khen của Sở GD&ĐT Thái Bình cho giải Nhất Cuộc thi Khoa học-Kỹ thuật dành cho học sinh trung học cấp tỉnh, năm học 2020-2021, dự án "Nghiên cứu, chế tạo máy khử khuẩn đa năng phục vụ phòng, chống Covid-19".

Bằng khen của Bộ GD&ĐT cho giải Nhì Cuộc thi Khoa học-Kỹ thuật học sinh trung học cấp quốc gia, năm học 2020-2021.
Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Khơi nước gần dập lửa xa

GD&TĐ - Iran đã bước vào giai đoạn xung khắc mang bản chất mới với Mỹ và Israel nên càng cần yên bình ở phía biên giới chung với Pakistan.
Minh họa/INT

Khai mở động lực tăng trưởng mới

GD&TĐ - Về tổng thể, kết thúc quý I/2024, kinh tế Việt Nam được đánh giá là có nhiều điểm sáng nhưng thực tế, các doanh nghiệp vẫn đang gặp khá nhiều khó khăn.