Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát là một trong 4 nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao Bộ GD&ĐT tại Chỉ thị về tăng cường chỉ đạo, phối hợp tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, giáo dục nghề nghiệp năm 2023.
Đến thời điểm này, các văn bản chỉ đạo liên quan tới Kỳ thi tốt nghiệp THPT, trong đó có văn bản về công tác thanh tra, kiểm tra được Bộ GD&ĐT ban hành đầy đủ. Có thể kể đến: Quy chế thi tốt nghiệp THPT; hướng dẫn tổ chức Kỳ thi; phê duyệt phương án, ban hành kế hoạch tổ chức thanh tra, kiểm tra Kỳ thi; hướng dẫn công tác thanh tra, kiểm tra Kỳ thi; kế hoạch tổ chức hội nghị tập huấn nghiệp vụ công tác thanh tra, kiểm tra Kỳ thi; quyết định điều động, quyết định kiểm tra các khâu Kỳ thi và các thông báo kết quả kiểm tra.
Đặc biệt, Bộ GD&ĐT đã xây dựng sổ tay nghiệp vụ, tài liệu điện tử và bộ câu hỏi/đáp án đánh giá nghiệp vụ thanh tra, kiểm tra Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023. Sổ tay hỗ trợ các đoàn thanh tra, kiểm tra nắm chắc, rõ hơn nội dung cần làm; trách nhiệm, thẩm quyền của Bộ GD&ĐT, UBND cấp tỉnh và sở GD&ĐT trong hoạt động thanh tra, kiểm tra các khâu của Kỳ thi. Một trong 4 hội nghị tập huấn về công tác thanh tra, kiểm tra Kỳ thi năm nay đã được tổ chức. 3 hội nghị còn lại dự kiến hoàn thành trong đầu tháng 6 này.
Nói về mục đích hoạt động thanh tra, kiểm tra, Chánh Thanh tra Bộ GD&ĐT Nguyễn Đức Cường nhấn mạnh đến việc góp phần giúp Kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế thi; kịp thời nắm bắt thông tin, phản ánh về Kỳ thi, giúp cơ quan quản lý, tổ chức, cá nhân tham gia thực hiện đúng quy chế, các văn bản liên quan đến việc tổ chức Kỳ thi và chỉ đạo của Bộ GD&ĐT. Đặc biệt, thanh tra, kiểm tra nhằm phòng ngừa, phát hiện hạn chế, bất cập để xử lý hoặc kiến nghị xử lý vi phạm (nếu có); kiến nghị cơ quan có thẩm quyền hoàn thiện các quy định về Kỳ thi những năm tiếp theo.
Để thực hiện được mục đích trên, hoạt động thanh tra, kiểm tra Kỳ thi trước hết phải tuân thủ quy định của pháp luật; thực hiện đúng quy chế thi và các văn bản liên quan đến tổ chức Kỳ thi, chỉ đạo của Bộ GD&ĐT. Người làm công tác này thực hiện đúng vị trí, chức trách, nhiệm vụ được giao. Phân định rõ trách nhiệm, thẩm quyền của Bộ GD&ĐT, UBND tỉnh và sở GD&ĐT trong hoạt động thanh tra, kiểm tra các khâu của Kỳ thi.
Chỉ đạo, tổ chức hoạt động thanh tra, kiểm tra cần linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tế; bảo đảm nguyên tắc độc lập của hoạt động thanh tra, kiểm tra, không bỏ sót, khoảng trống, không bị động. Tổ chức các đoàn thanh tra, kiểm tra thi khoa học, phù hợp, không chồng chéo trong hoạt động thanh tra, kiểm tra.
Điều động cơ sở đào tạo làm nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra phù hợp, khách quan, không bố trí cơ sở đào tạo của địa phương làm việc trực tiếp tại địa phương, trừ trường hợp bất khả kháng… Công tác lựa chọn nhân sự làm công tác thanh tra, kiểm tra - những người “gác cửa” Kỳ thi là vô cùng quan trọng. Tất cả điều này đều được thể hiện trong các văn bản chỉ đạo của Bộ GD&ĐT.
Trên thực tế, thanh tra, kiểm tra thi tốt nghiệp THPT là công việc được triển khai nhiều năm qua, nên địa phương, trường đại học đều có kinh nghiệm thực hiện hiệu quả. Trong công tác này, sự phối hợp giữa Bộ GD&ĐT, các sở GD&ĐT và trường đại học ngày càng tốt hơn.
Tin rằng, Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 sẽ thành công tốt đẹp với sự đóng góp thiết thực, hiệu quả của các lực lượng, trong đó có đội ngũ làm công tác thanh tra, kiểm tra - như chia sẻ của Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng, Trưởng ban Chỉ đạo cấp quốc gia Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023.