Do đó, việc chuẩn bị nhân lực và phương án kiểm tra/thanh tra trong bối cảnh dịch Covid-19 được ngành Giáo dục các địa phương tính toán cẩn trọng.
Chủ động phương án
Tại Hội nghị trực tuyến về công tác tổ chức thi tốt nghiệp THPT năm 2021, Bộ GD&ĐT đề nghị các sở GD&ĐT chủ động xây dựng phương án thanh tra, kiểm tra thi tốt nghiệp THPT năm 2021 của địa phương bám sát kế hoạch tổ chức kỳ thi của Bộ; có phương án ứng phó với tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp…
Với tinh thần đó, ông Nguyễn Văn Đông – Chánh Thanh tra Sở GD&ĐT Lào Cai cho biết: Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021, Lào Cai có 20 điểm thi, do đó sẽ huy động gần 50 cộng tác viên thanh tra (cả dự phòng) làm nhiệm vụ.
40 cán bộ thanh tra sẽ làm nhiệm vụ thanh tra cắm chốt tại 20 điểm thi, mỗi điểm thi 2 cán bộ; 2 cán bộ làm nhiệm vụ tại 2 điểm thi dự phòng, còn lại 6 cán bộ dự phòng tham gia kiểm tra/thanh tra công tác ở các khâu của kỳ thi…
Kỳ thi tốt nghiệp THPT diễn ra trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp (đặc biệt nhiều người Lào Cai trở về từ vùng dịch Bắc Giang) nên ngành GD-ĐT Lào Cai căn cứ theo tình hình thực tế để lên phương án cụ thể cho công tác kiểm tra/thanh tra thi…
Chánh Thanh tra Sở GD&ĐT Lào Cai cũng cho biết: 50 cán bộ làm công tác thanh được lên danh sách dự kiến để thực hiện tiêm phòng dịch Covid-19 theo chỉ đạo của tỉnh Lào Cai trước khi làm nhiệm vụ.
“Ngành phải chuẩn bị sẵn phương án để ứng phó với tình huống có thể xảy ra (xuất hiện F1 với GV, HS…) ở tất cả điểm thi, kể cả điểm dự phòng…” – ông Nguyễn Văn Đông chia sẻ.
Ninh Bình có 24 điểm thi, số lượng cộng tác viên dự kiến sẽ tham gia công tác thanh tra/kiểm tra lên tới 80 - 90 người. Ứng phó dịch Covid-19, Sở GD&ĐT Ninh Bình đã xây dựng kế hoạch xác định rõ từng khâu của kỳ thi, mốc thời gian kiểm tra/thanh tra… Đặc biệt, xây dựng phương án kiểm tra/thanh tra bảo đảm về chuyên môn nghiệp vụ giáo dục và công tác y tế.
Ông Phan Việt Dũng – Chánh Thanh tra Sở GD&ĐT Ninh Bình thông tin: Lực lượng làm công tác kiểm tra/thanh tra tại Kỳ thi tốt nghiệp THPT của Ninh Bình được tham gia nhiều vào công tác thanh tra/kiểm tra nên chuyên môn nghiệp vụ vững vàng. Mặt khác, khi chọn cán bộ làm công tác thanh tra, bên cạnh đáp ứng theo hướng dẫn, yêu cầu chung của Bộ GD&ĐT, sở còn duy trì cộng tác viên thanh tra vững chuyên môn để phát huy kinh nghiệm, năng lực… trong mọi tình huống và suốt quá trình làm thi.
Đặc biệt năm nay, ứng phó dịch Covid-19, sở tăng cường lực lượng thanh tra dự phòng để sẵn sàng thay thế, ứng phó tình huống bất ngờ (cán bộ làm thi, thanh tra thi tới thời điểm làm nhiệm vụ mới phát hiện liên quan đến F1, F2...).
Theo bà Vũ Thị Kim Chung – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Giang, Sở GD&ĐT Hà Giang dự kiến huy động 90 cộng tác viên thanh tra (cả dự phòng) từ các trường THPT làm công tác thanh tra thi tại 29 điểm thi trên toàn tỉnh.
“Hiện, dịch bệnh ở Hà Giang không phức tạp như các tỉnh khác song công tác chuẩn bị lực lượng tham gia kiểm tra/thanh tra thi được xây dựng theo các tình huống. Ngành xác định đặt phòng, chống dịch lên hàng đầu. Lực lượng dự phòng công tác thanh tra thi năm nay cũng tăng khoảng 15%...” - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Giang cho biết.
Sửa lỗi cán bộ hay mắc phải
Theo Chánh Thanh tra Bộ GD&ĐT – ông Nguyễn Đức Cường, Bộ sẽ tập huấn cho lãnh đạo sở và lực lượng cốt cán của Thanh tra 63 sở GD&ĐT về công tác thanh tra, kiểm tra ở tất cả khâu của kỳ thi. Trên cơ sở đó, các sở GD&ĐT tổ chức tập huấn đến tất cả thành viên viên tham gia đoàn thanh tra, kiểm tra…
Mặt khác, Bộ sẽ chuyển tài liệu nghiệp vụ và tài liệu tập huấn (dạng clip video) trước để các sở GD&ĐT, cơ sở giáo dục đại học tổ chức học tập, thảo luận trước khi tập huấn, chủ động trong công tác tập huấn.
Căn cứ kế hoạch tập huấn của Bộ, các sở GD&ĐT đã lên kế hoạch tập huấn cho cán bộ tham gia công tác thanh tra/kiểm tra thi. Ông Nguyễn Văn Đông khẳng định: Sở tính đến 2 phương án tập huấn. Nếu dịch diễn biến như hiện tại và giảm hơn sẽ chia 50 cán bộ làm công tác kiểm tra/thanh tra thành nhiều đợt để tập huấn trực tiếp. Nếu dịch phức tạp hơn sẽ tập huấn trực tuyến với những tài liệu và video của Bộ cho tất cả cán bộ làm công tác thanh tra thi.
Để nâng cao hiệu, trước mắt sở yêu cầu các trường, lực lượng GV, quản lý, cộng tác viên thanh tra nghiên cứu nắm rõ quy chế thi của Bộ. Như vậy, khi được tập huấn sẽ thêm vững vàng, có thời gian đi sâu, lưu ý các khâu kiểm tra/thanh tra thi mà cán bộ hay mắc phải…
Việc xây dựng kế hoạch bồi dưỡng đang được ngành GD Hà Giang xây dựng cụ thể và sẽ tiến hành sau khi Bộ tập huấn chung cho các địa phương. Theo bà Vũ Thị Kim Chung, nếu dịch Covid-19 được khống chế ở mức an toàn hơn sẽ tập huấn trực tiếp. Nếu dịch vẫn phức tạp sẽ tổ chức tập huấn trực tuyến cho 100% cán bộ làm công tác thanh tra thi. Tập huấn trực tuyến sẽ chia theo vùng, tuyến cụ thể để tránh cán bộ phải di chuyển quá xa.
Quá trình tập huấn sẽ đặc biệt lưu ý những gì công tác thanh tra hay vướng mắc, còn yếu. Mặt khác, tại các điểm cầu tập huấn trực tuyến sẽ cử cán bộ phụ trách, có kiểm tra đánh giá kết quả tập huấn sau khi kết thúc tập huấn và trước khi bước vào làm nhiệm vụ thanh tra/kiểm tra thi.