Lực lượng đặc biệt tinh nhuệ: Họ là ai?

Trong cái nắng oi nồng của miền Đông Nam bộ vào những ngày cuối năm 2014, chứng kiến những màn luyện công, công phá, leo trèo nhà cao tầng hay các bài bắn chuyên ngành chống khủng bố (CKB) của lính đặc công, chúng tôi mới hiểu hết nỗi vất vả mà các anh phải vượt qua.

Vận khí công dùng yết hầu bẻ cong cây thương và đập tấm bê tông 45 kg trên lưng
Vận khí công dùng yết hầu bẻ cong cây thương và đập tấm bê tông 45 kg trên lưng

Những gương mặt đen sạm vì nắng gió, những bộ quân phục ướt đẫm mồ hôi và những cơ bắp cuồn cuộn của các anh càng tôn thêm vẻ đẹp rắn chắc của người lính đặc công hôm nay.

Luôn xứng với 16 chữ vàng

Để báo cáo kết quả huấn luyện năm 2014 trước Thủ trưởng Bộ Quốc phòng và các quan khách, những chiến sỹ đặc công thực sự phấn khởi. 

Điều đó thể hiện rõ trong từng nụ cười, ánh mắt và những động tác kỹ thuật, chiến thuật thuần thục. Nội dung báo cáo trình diễn sẽ bao gồm 5 phần: Kỹ thuật ngụy trang; Võ chiến đấu; Kỹ thuật bắn súng; Kỹ thuật vận động và Chiến thuật đặc công.

Thành phần tham gia trình diễn do Lữ đoàn Đặc công 429 thực hiện có tăng cường một số lực lượng của các đơn vị trong Binh chủng Đặc công và của Bộ Tư lệnh thông tin liên lạc. 

Buổi trình diễn được bắt đầu bằng loạt bắn bia thể hiện tinh thần: “Đặc biệt tinh nhuệ, anh dũng tuyệt vời, mưu trí táo bạo, đánh hiểm thắng lớn”. Đó chính là 16 chữ vàng truyền thống của lực lượng Bộ đội đặc công.

Tiếp theo là mà trình diễn của hơn 500 cán bộ chiến sĩ thực hiện kỹ thuật ngụy trang quần áo cỏ, quần áo cộc, cởi trần bôi vẽ, bôi trát và ẩn mình dưới cát. 

Tùy theo từng chuyên ngành trong Binh chủng để có những chế phẩm và phương pháp ngụy trang riêng, bảo đảm phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ, địa bàn, môi trường và đối tượng mục tiêu tác chiến.

Đại úy Vũ Văn Nam (chiến đấu viên Liên đội 9) chia sẻ: “Đã là lính đặc công thì không thể không biết nội dung võ chiến đấu đặc công. Đặc trưng của võ chiến đấu đặc công là đơn giản, hiệu quả, hạ gục nhanh, tiêu diệt gọn”. 

Những động tác nhào lộn qua hệ thống các vật cản như giá nhiều người, qua hàng rào cự mã, lộn mèo qua vòng lửa khiến người xem thích thú không rời mắt.

Những người lính đặc công luôn có sức khỏe dẻo dai, trình độ kỹ thuật điêu luyện, khả năng quan sát phát hiện mục tiêu tốt, sẵn sàng xử trí các tình huống trong quá trình vận động vượt qua các chướng ngại vật tường 1,1 m, cầu độc mộc, thang tay, thang dây, đi trên dây thép.

Khi vận động các anh luôn quan sát sẵn sàng nổ súng tiêu diệt địch bằng nhiều loại súng khác nhau.

Khi sử dụng võ thuật trong thực hiện nhiệm vụ chiến đấu, bộ đội đặc công thường kết hợp dùng các loại binh khí như côn nhị khúc, trường côn… để chế ngự, hóa giải hành động của địch. 

Nhiều bài quyền hiện đang được vận dụng trong huấn luyện chiến đấu của bộ đội đặc công như đao pháp, quyền pháp, thương pháp, Kankudai, Taekwondo, Long hổ quyền, Kim cương quyền, La hán quyền, Nhật nguyệt đại đao pháp và Côn trận Tây Sơn.

Lực lượng đặc biệt tinh nhuệ: Họ là ai? ảnh 1 Màn cường tập tấn công chiếm lĩnh mục tiêu. Ảnh: Ngọc Trường

Côn nhị khúc còn được gọi là Lưỡng tiết côn (song tiết côn) là loại binh khí đơn giản, gọn nhẹ và uy lực tuyệt vời được sử dụng 1 tay hoặc cùng lúc cả 2 tay cực kỳ hiệu quả. 

Côn nhị khúc được bộ đội đặc công huấn luyện và sử dụng thuần thục, nhằm phục vụ cho nhiệm vụ tác chiến. Khi luyện tập Côn nhị khúc người học còn đem lại sức khỏe, sự cân bằng và nâng cao thể lực, để mỗi cán bộ chiến sỹ có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Nhật nguyệt đại đao pháp là bài quyền sử dụng binh khí đại đao (Thanh long của Việt võ đạo). Đại đao là vũ khí lợi hại thường thấy trong các tác phẩm văn học, điện ảnh. 

Hình ảnh người võ sĩ cưỡi ngựa tuấn mã thân mang hộ giáp, tay vung đại đao trong chiến trận thể hiện khí phách của mỗi người con đất Việt khi ra trận đánh đuổi giặc ngoại xâm. Bộ đội đặc công luyện tập bài quyền này để rèn ý chí, nâng cao thể lực và sự dũng mãnh trong chiến đấu.

Côn trận Tây Sơn được kế thừa và phát triển dựa trên các bài võ trận của dân tộc Việt Nam chống giặc ngoại xâm bảo vệ Tổ quốc. Bài tập Côn trận Tây Sơn là sự rèn luyện công phu của các chiến sỹ đặc công kết hợp côn, quyền và sự phối hợp trong chiến đấu, nhằm phát triển 5 bộ pháp trong võ học, đó là: Tấn pháp, quyền pháp, cước pháp, thân pháp và nhãn pháp.

Từ những bài quyền truyền thống và thực tiễn huấn luyện chiến đấu, cán bộ chiến sĩ đặc công đã nghiên cứu phát triển thành bài võ tổng hợp (1 đánh 4, 2 đánh 7, 1 đánh 5, 3 đánh 8) để vận dụng vào trong huấn luyện, chiến đấu.

Thiếu tá Nguyễn Đăng Đồng (Liên đội trưởng Liên đội 8) cho biết: “Trong bất kỳ nhiệm vụ chiến đấu nào, trình độ bắn súng là yêu cầu đặc biệt cao đối với bộ đội đặc công. 

Phải rèn luyện nghiêm ngặt để có trình độ sử dụng các loại súng một cách điêu luyện, yếu lĩnh động tác thuần thục, bắn nhanh, chính xác, hiệu quả trong mọi điều kiện hoàn cảnh và trong các tình huống chiến đấu”.

Lực lượng đặc biệt tinh nhuệ: Họ là ai? ảnh 2 Một số bài bắn CKB
Từ những bài bắn cơ bản, những bài bắn chính xác, bắn đội hình nhiều người, bộ đội đặc công đã nghiên cứu xây dựng các bài bắn trong thực hiện nhiệm vụ A2, CKB. 
Các bài bắn CKB được xây dựng tổ chức huấn luyện theo trình tự từ thấp lên cao, từ bắn ít mục tiêu đến bắn nhiều mục tiêu, từ sử dụng 1 loại súng đến nhiều loại súng. 
Chỉ trong vài phút, những chiến đấu viên (CĐV) đã hoàn thành xuất sắc nội dung bắn súng các bài CKB, bắn chính xác vào hình nộm. Quá trình vận động phát hiện mục tiêu, bắn ở tư thế có lợi. 
Quá trình bắn lợi dụng triệt để các vật chắn, để tiêu diệt chính xác từng mục tiêu, bảo vệ an toàn cho các con tin. Bài bắn này đòi hỏi các chiến sỹ đặc công phải có khả năng quan sát và kỹ thuật cao bắn chính xác vào mục tiêu.

Xuất quỷ nhập thần, mình đồng da sắt

Chúng tôi đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác sau nội dung võ và bắn súng, những tiếng trầm trồ không ngớt khi chứng kiến kỹ thuật leo trèo nhà cao tầng với các động tác dây chiến thuật (gồm có tụt ngược, tụt xuôi, đi vuông góc với tường); động tác leo nhái; động tác kỹ thuật leo tường kính, tường sắt, tường nhẵn, tường ốp đá bằng một loại trang bị có tên gọi là “cơ cấu bám” do bộ đội đặc công nghiên cứu và sáng chế. Đối với tường kính, tường sắt, tường nhẵn, tường đá thường vận dụng khi kết cấu của mục tiêu được xây dựng bằng các loại vật liệu như kính, sắt, đá mà có thể vận dụng “cơ cấu bám” để vận động.

Ngoài ra leo tường sắt còn có thể vận dụng khi chiến đấu dưới nước cơ động để leo lên thành sắt và mạn tàu. “Cơ cấu bám” có thể vận dụng tốt trong điều kiện chiến đấu ở đô thị với cấu trúc mục tiêu là nhà cao tầng, có các thiết bị như tường kính, tường sắt, tường nhẵn, tường đá hoặc trong tác chiến biển đảo, cấu trúc mục tiêu là các bức tường sắt như thành tàu, mạn tàu. Khi thực hiện người chiến sỹ đặc công vừa leo vừa thu trang bị “cơ cấu bám” để xóa dấu vết.

Lực lượng đặc biệt tinh nhuệ: Họ là ai? ảnh 3 Thực hành leo tường sắt bằng trang bị “cơ cấu bám”

Thượng úy Lê Văn Toàn (Đội trưởng Đội CKB) cho biết: “Nội dung huấn luyện kỹ thuật leo trèo nhà cao tầng thường vận dụng trong chiến đấu A2, CKB, đặc điểm địa hình, địa bàn hoạt động, cấu trúc tính chất các loại mục tiêu phức tạp. 

Khi tác chiến ở địa bàn đô thị cần tập trung huấn luyện những động tác kỹ thuật leo trèo nhà cao tầng. Đây là nội dung được thực hiện theo một quy trình nghiêm ngặt, chặt chẽ, bảo đảm an toàn cao, các động tác kỹ thuật được hiệp đồng phối hợp chính xác, thuần thục đến từng chi tiết”.

Vô cùng khâm phục và cực kỳ ấn tượng với màn luyện tập công phá của các CĐV. Trung úy Nguyễn Ngọc Quý (CĐV Đội 10) tâm sự: “Đối với bộ đội đặc công, việc luyện tập khí công tâm pháp là một nội dung không thể thiếu trong huấn luyện võ thuật. 

Bởi nó giúp cho người tập phát triển toàn diện cả về sức mạnh cơ bắp và sự tập trung cao độ về mặt tinh thần. Để luyện tập môn này đòi hỏi người lính đặc công phải có ý chí quyết tâm cao, lòng dũng cảm gan dạ, tính kiên trì bền bỉ và sáng tạo”.

Các anh đã thể hiện các bài luyện tập khí công tâm pháp thật nhuần nhuyễn và điêu luyện khi thực hiện thành công các tiết mục: vận khí công dùng cây thương đẩy xe ô tô; thiết bộ sam công (đập đá trên tâm bụng); dùng yết hầu bẻ cong cây thương và đập đá trên lưng; dùng yết hầu bẻ cong 4 cây thương; vận khí công lên các chi và cơ thể dùng gậy công phá; và đặc biệt là màn tập luyện dùng yết hầu bẻ cong 3 cây sắt phi 16…

Đại tá Nguyễn Văn Quynh (Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn đặc công 429) cho biết: “Lữ đoàn 429 rất vinh dự được đại diện cho cán bộ chiến sỹ toàn Binh chủng Đặc công báo cáo trình diễn kết quả huấn luyện xuất sắc năm 2014 trước các thủ trưởng Bộ Quốc phòng và các quan khách. 

Có thể nói trong thời bình, nhiệm vụ của bộ đội đặc công vẫn cực kỳ quan trọng, cần thiết và vô cùng cam go với các nhiệm vụ A2 và CKB. Bộ đội đặc công là lực lượng nòng cốt trong nhiệm vụ CKB của toàn quân mà đã được Bộ Quốc phòng giao trọng trách. 

Chính vì vậy nội dung buổi trình diễn báo cáo ngày 8/12 rất quan trọng và có ý nghĩa thiết thực phục vụ cho buổi hội thảo Đề án “Hiện đại hóa lực lượng CKB toàn quân diễn” ra ngày 9/12 tại TPHCM”.

Theo tienphong.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa: Vietpink

Truyện ngắn: Mở trái tim yêu

GD&TĐ - Hạnh phúc của người đàn bà chính là có người đàn ông để nương tựa, nhưng Hiền thấy, đàn ông chỉ đem đến sự khổ đau...