Nhiều năm nay, tỷ lệ thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT lựa chọn bài thi tổ hợp Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân) luôn áp đảo so với bài tổ hợp Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học).
Năm 2023, trên tổng số 1.024.063 thí sinh đăng ký dự thi, chỉ có 323.187 em (chiếm 31,52%) đăng ký thi bài tổ hợp Khoa học tự nhiên; có đến 566.921 (chiếm 55,30%) thí sinh đăng ký thi bài tổ hợp Khoa học xã hội.
Con số này trong năm 2022 cũng không khác nhiều với tỷ lệ lựa chọn bài Khoa học tự nhiên là 31,94%, Khoa học xã hội là 55,53%. Tương tự, số thí sinh đăng ký thi Khoa học xã hội trong hai năm 2021, 2020 cũng vượt trội với lần lượt là 53,38% và 55,38%.
Riêng năm 2024, tại hội nghị tập huấn nghiệp vụ thanh tra, kiểm tra Kỳ thi tốt nghiệp THPT, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) Huỳnh Văn Chương cho biết, có đến 63% thí sinh chọn bài thi Khoa học xã hội, tăng 7,7% so với năm 2023 và cao nhất kể từ năm 2017 năm trở lại đây.
Phân tích lý do bài thi Khoa học xã hội được thí sinh ưu tiên lựa chọn, nhiều ý kiến cho rằng, các môn thi thành phần trong tổ hợp này tương đối gần gũi với cuộc sống, có thể suy luận tình huống, suy đoán đáp án, môn Địa lý được sử dụng Atlat…; từ đó dễ “thoát” điểm liệt hơn.
Chọn bài thi Khoa học xã hội do đó được coi là phương án an toàn hơn, dễ học hơn, đặc biệt với thí sinh chỉ dự thi để xét tốt nghiệp THPT. Thí sinh lựa chọn tổ hợp xét tuyển đại học là Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh cũng thường có xu hướng lựa chọn tổ hợp Khoa học xã hội để giảm bớt áp lực, và có nhiều thời gian đầu tư hơn cho môn xét tuyển đại học…
Tuy nhiên, thực tiễn từ Kỳ thi tốt nghiệp THPT cho thấy, không phải năm nào bài thi tổ hợp Khoa học xã hội cũng ít điểm liệt hơn. Đơn cử năm 2023, kết quả thi tốt nghiệp THPT môn Vật lý có 23 điểm liệt, môn Hóa học có 14 điểm liệt, Sinh học có số điểm liệt là 36. Trong khi đó, môn Lịch sử, Địa lý có số điểm liệt cao hơn hẳn (lần lượt là 38 và 112).
Có ý kiến bày tỏ lo lắng, xu hướng lựa chọn bài thi tổ hợp của thí sinh như những năm qua có thể ảnh hưởng đến cạnh tranh đầu vào ở khối trường khoa học xã hội, hệ lụy trong đào tạo nguồn nhân lực. Bởi hiện nay, sự phát triển của nền kinh tế đòi hỏi nhiều lao động liên quan đến khoa học công nghệ, STEM - vốn yêu cầu đầu vào đại học là những môn khoa học tự nhiên.
Nhưng cần hiểu đúng, tỷ lệ thí sinh chọn bài thi Khoa học xã hội và Khoa học tự nhiên được đưa ra trên tổng số thí sinh đăng ký dự thi; nhiều em trong số này chỉ thi để lấy điểm xét tốt nghiệp THPT. Con số có ý nghĩa với tuyển sinh phải tính trên số thí sinh thi để lấy điểm xét tuyển vào đại học, cao đẳng.
Có lẽ, nếu tính tỷ lệ chọn bài thi tổ hợp Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội trên tổng số thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT với 2 mục đích (xét tốt nghiệp, xét tuyển đại học), thì chưa chắc sự chênh lệnh đã lớn như vậy.
Mặc dù vậy, việc gia tăng chênh lệch trong lựa chọn hai tổ hợp của thí sinh cũng là điều đáng suy ngẫm. Giải pháp cho vấn đề này có lẽ vẫn ở công tác hướng nghiệp trong trường phổ thông; sự đồng hành, hỗ trợ của nhà trường, thầy cô, gia đình để các em lựa chọn bài thi thực sự phù hợp với năng lực, cũng như định hướng xét tuyển đại học, dự định nghề nghiệp tương lai sau này.