![]() |
Anh Phạm Thái Hùng – Phó chủ tịch Hội người mù tỉnh kiêm giáo viên dạy tin học đang chỉ cho anh Đỗ Phú Kim trong tiết kiểm tra giữa kỳ |
Không còn đôi mắt thì… còn đôi tay
Chúng tôi đến hội người mù vào một ngày trung tuần, khi đến nơi thấy các học viên tham gia kỳ thi giữa kỳ của khoá. Tiếp chúng tôi là Phó chủ tịch của hội người mù Phạm Thái Hùng. Anh Hùng cho biết: Người mù học chữ nổi đã khó khăn rồi, nhưng tham gia vào lớp tin học này còn khó gấp bội lần, chữ nổi có 29 chữ cái và 5 dấu, nhưng học tin học thì ngoài chữ cái và dấu còn có quá nhiều lệnh để nhớ phải đòi hỏi người học phải kiên trì, siêng năng. Cái khó nữa là chữ nổi nếu sai một chữ còn có thể đọc được nhưng vi tính nếu gõ sai thì lệnh không đọc được, lúc đầu dạy cho các anh chị ở đây rất khó khăn, chỉ từng chút, có lúc cả 6 học viên cùng kêu tên thầy Hùng! nhưng các học viên học một tuần là nhớ hết các ký tự trong bàn phím… “người có tật có tài mà anh”. Khi chứng kiến những người khiếm thị không còn nhìn thấy cuộc sống yêu thương bằng đôi mắt của mình ngồi trước máy vi tính mày mò gõ từng chữ, chúng tôi thật sự cảm phục tinh thần ham học của họ những con người kém may mắn này, nhưng may mắn của họ là còn có “đôi tay”
![]() |
Hoàng Thị Tuyến đang mày mò từng chữ bên bàn phím để viết ra giấy bằng chữ nổi |
Nếu muốn học được tin học thì các học viên phải học lý thuyết (tất nhiên là bằng chữ nổi). Với người bình thường, học lý thuyết không phải là khó bởi vừa học, vừa quan sát trên bàn phím hoặc màn hình nên dễ dàng thuộc và nhớ. Thế nhưng, với người khiếm thị, học lý thuyết phải thuộc lòng mới có thể thực hành trên bàn phím được. Xong lý thuyết, người mù mới bắt đầu học trên máy. Đây được xem là khổ sở nhất đối với họ vì bàn phím đâu phải chữ nổi.
Tâm sự với học viên Đỗ Phúc Kim (SN 1962, quê Đại Lộc), cho biết: ban đầu không biết “chỗ mô mà lần” vì hồi nhỏ đến giờ đâu có biết bàn phím vi tính thù hình ra làm sao, nhưng nhờ siêng năng học hỏi ba tháng qua, nay cũng biết chút chút về vi tính rồi, có thể đánh văn bản được, có thể vào truy cập Internet rồi.
![]() |
Toàn cảnh lớp tin học của người mù |
Nhìn lớp tin học của Hội lúc nào cũng tràn đầy tiếng cười tiếng nói khá vui vẻ. Nhưng trong lớp tin học này có một học viên nữ đó là Hoàng Thị Tuyến (23 tuổi, quê Phước Sơn là người dân tộc Mơ Nông) Tuyến đã học xong 12/12 của trường hoà nhập cộng đồng, nhưng nay muốn học thêm tin học, hoàn cảnh của Tuyến không như các học viên khác, khó khăn gấp bội lần, mẹ bị tâm thần đang điều trị ở Đà Nẵng hơn 1 năm nay, còn bố thì đã đi bước nữa, Tuyến phải sống với bà ngoại, Tuyến xuống đây tham gia vào lớp tin học này hai tháng nay chưa về nhà, mọi sinh hoạt đều nhờ các anh em trong hội giúp đỡ em, nếu học xong khoá tin học này mong sao tìm được một công việc nhỏ để kiếm thêm thu nhập giúp mẹ chữa bệnh và giúp bà ngoại - Tuyến tâm sự.
![]() |
Thầy Hùng tận tình chỉ từng ly từng chút cho các học viên |
Nhìn hai bàn tay “giữ chặt” các phím trên bàn phím máy tính của các học viên mày mò tìm từng chữ để gõ, nếu tìm không ra chữ cái thì mình như đi lạc vào rừng vậy”, học viên Tuyến nói.
Ước mơ trở thành dân công nghệ thông tin giỏi
Trao đổi với ông Nguyễn Văn Hoá - Chủ tịch hội người mù tỉnh Quảng Nam cho biết: Dự án trung tâm tin học dành cho người khiếm thị tổ chức tại Hội Người mù tỉnh do tổ chức Onnet Nippon và Trung tâm Tin học vì người mù Sao Mai (TP. Hồ Chí Minh) tài trợ máy móc và kinh phí. Đây là khoá thứ 2 dành cho các cán bộ hội của các huyện, thành phố nhằm giúp cho họ soạn thảo văn bản, đọc báo trên mạng, còn khoá trước bế giảng rồi. Khoá này còn một tháng nữa là bế giảng, sau đó còn mở 4 lớp nữa, mỗi lớp 6 học viên, vì trung tâm có 6 máy, nếu có thêm máy tính thì chúng tôi sẽ tuyển thêm học viên khiếm thị vào để dạy….
![]() |
Đôi tay của học viên người khiếm thị lúc nào cũng chỉ để trên bàn phím |
Máy vi tính dành cho người khiếm thị cũng như máy vi tính của người bình thường, để sử dụng được thì máy vi tính phải có thêm những thiết bị “buộc phải có”. phần mềm chương trình JAWS và chương trình NĐC. Đây là chương trình giúp cho họ biết được mình vừa gõ chữ gì hoặc lệnh gì bằng cách đọc lên sau mỗi lần thao tác. Chẳng hạn, gõ chữ “a” thì máy sẽ đọc “a”, gõ chữ “b” thì máy sẽ đọc chữ “b”. Thiết bị buộc phải có loa hoặc dây phone. Người bình thường không cần nhưng người khiếm thị phải có loa hoặc dây phone là để theo dõi những thao tác mình sử dụng. Người khiếm thị sử dụng vi tính bằng tay và bằng tai, vì vậy nếu không có thiết bị này thì họ gần như không thể thực hiện được.
Ông Hoá cho biết thêm: Hiện hội chỉ có 6 máy vi tính, và một giáo viên đó là anh Hùng, anh Hùng cũng bị khiếm thị nhưng anh giỏi tin học, người mù trong tỉnh Quảng Nam vẫn còn nhiều, nhưng do vật chất ít nên mỗi lần mở khoá chỉ có 6 học viên, nếu được các nhà tài trợ chúng tôi sẽ mở thêm để đưa người mù về đây dạy vi tính, và mong sao ở một trung tâm lớn chứ không như thế này. Chúng tôi mong muốn công nghệ thông tin chẳng còn xa lạ với người mù, mà còn trở nên quen thuộc hơn, giúp cho người mù hòa nhập sâu hơn với cuộc sống tốt hơn, ước mơ nhỏ nhoi của những người mù như vậy không biết bao giờ được thực hiện - ông Hoá nói.
Nguyên Khang - Thanh Thuý