Lớp học bơi miễn phí cho trẻ em trên dòng sông quê

Đã hơn 10 năm nay, ông Đỗ Xuân Tấn (49 tuổi) ở thôn Chợ Mới (xã Yên Thọ, Thanh Hóa) vẫn đều đặn dạy cho các cháu nhỏ trong làng những kĩ năng bơi lội, tránh trường hợp đuối nước có thể xảy ra trong các dịp hè khi mà nhu cầu bơi lội của các cháu tăng cao. Lớp học ở đây hoàn toàn miễn phí, thầy dạy từ thiện, học sinh tự nguyện đến học rất đông.

Lớp học bơi miễn phí cho trẻ em trên dòng sông quê
Lớp học bơi miễn phí cho trẻ em trên dòng sông quê ảnh 1

Cứ 5h chiều, các cháu nhỏ tại thôn Chợ Mới lại kéo nhau sang nhà ông Đỗ Xuân Tấn để tập trung cùng đi bơi. Ban đầu những người theo học ông chỉ là con cháu trong nhà, nhưng sau đó khi các cháu trong làng đều có nhu cầu học bơi, cha mẹ lại thấy sự nhiệt tình cũng như chăm lo, quan tâm của ông Tấn đối với những đứa trẻ nên đến xin cho con vào học lớp bơi của ông.

Ông Đỗ Xuân Tấn chia sẻ về việc dạy bơi cho các cháu nhỏ trong làng. (Ảnh: Tài Linh)
Ông Đỗ Xuân Tấn chia sẻ về việc dạy bơi cho các cháu nhỏ trong làng. (Ảnh: Tài Linh)

Lớp học bơi của ông Tấn bình thường có khoảng 10 – 15 cháu, nhưng vào những dịp nghỉ hè thời tiết lại nóng bức như bây giờ thì có lúc lên tới 30 cháu. Bà Nguyễn Thị Hằng – người dân thôn Chợ Mới chia sẻ: “Thời tiết nóng bức, cứ chiều là con tôi cùng với bạn bè của chúng ra kênh Nông Giang này tắm, may là có ông Tấn ở đây vừa dạy chúng tắm vừa trông nom chúng trong những lúc bận đi làm đồng áng nên tôi yên tâm hơn”.

Chia sẻ về việc mở lớp dạy bơi miễn phí, ông Đỗ Xuân Tấn cho biết: “Con gái nhà tôi rất thích đi tắm sông, nhưng thường là trốn bố mẹ đi tắm với các bạn trong khi không biết bơi. Ngày ấy có một vài trường hợp trong xã bị đuối nước rất thương tâm, mình lo lắng quá nên cứ chiều cháu đi học về là đưa ra dạy bơi, ban đầu chỉ 3 – 4 đứa, sau này các cháu trong làng đến xin học nhiều hơn”.

Tại lớp học bơi, cháu bé nhất cũng 3 tuổi, lớn nhất đến 15 tuổi, vào thời gian lớp học đông việc quán xuyến, trông coi các cháu cũng gặp khó khăn. Ông Tấn phải tự tìm cách đóng cọc giăng dây thừng ngang dòng kênh, phòng khi các cháu bơi quá giới hạn. Những dụng cụ bơi cũng là những vật ông tự chế rất sáng tạo, ông thường lấy những chiếc can quấn vào hai đầu thanh tre rồi buộc vào người các cháu, không thì lại lấy những vỏ chai nhựa cột chặt vào nhau để các cháu tập bơi.

Cứ như vậy, mỗi ngày lớp của ông Tấn thường học từ 1,5h – 2h đồng hồ, cháu biết bơi nhanh nhất chỉ sau một tuần học. Ông Tấn cười nói: “ Mỗi ngày dạy thấy các cháu tiến bộ hơn, mình lại cho thêm một ít nước vào can mà các cháu ôm bơi, tự chúng phải cố gắng để nổi trên mặt nước, đến khi can đầy nước mà chúng vẫn bơi được thì lúc đó tôi đã thành công”.

Đa số các cháu đã biết bơi, thậm chí bơi rất giỏi sau một thời gian được ông Tấn dạy dỗ. (Ảnh: Tài Linh)
Đa số các cháu đã biết bơi, thậm chí bơi rất giỏi sau một thời gian được ông Tấn dạy dỗ. (Ảnh: Tài Linh)

Cũng theo ông Tấn điều quan trọng nhất khi dạy bơi các cháu nhỏ là việc tập làm quen với nước và cách hít thở dưới nước. Vì không phải cháu nào cũng bạo dạn, có cháu rất thích học bơi nhưng lại sợ nước, có những cháu thì chưa định hình được học bơi là như thế nào, ông Tấn kể lại câu chuyện cách đây vài năm: “Khi ấy có cháu ở trong làng ra học bơi cũng 15 tuổi rồi, thấy các cháu khác bé mà vẫn biết bơi nên cháu này cứ thế nhảy xuống và bắt đầu chìm dần, tôi vội đến cứu thì cháu cứ bám siết lấy người và chân tay mình, loay hoay một lúc tôi mới gỡ được chân tay cháu ra và đưa lên bờ sơ cứu”.

Cũng chính từ ngày hôm đó, ông Tấn bắt đầu dạy kĩ năng để học bơi trước, quán xuyến chặt chẽ hơn và thường xuyên điểm danh quân số.

Khi được hỏi về lớp học bơi, cháu Nguyễn Văn Cường (8 tuổi) cười nói: “Cháu biết bơi được 4 năm nay rồi, bây giờ không sợ bị đuối nước khi đi tắm ở kênh nữa, cháu cũng có thể hướng dẫn các em nhỏ khác học bơi giúp bác Tấn nên vui lắm”.

Việc làm không lương thưởng, vừa phải dạy bơi và trông coi các cháu nhỏ, nhưng hằng ngày người dân thôn Chợ Mới vẫn thấy ông Tấn cùng đám trẻ trong làng học bơi lội trên kênh Nông Giang. Ông Tấn tâm sự: “Mình dạy bơi cho các cháu mong các cháu có thể tự bảo vệ bản thân mình cũng như cứu giúp được người khác lúc hoạn nạn, được đóng góp một phần công sức cho xã hội thế là tôi vui rồi”.

Theo Lao động

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ