Liệu còn may mắn?

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ -Sáng 18/8, chốt quản lý bảo vệ biên giới và phòng chống dịch Covid-19 số 21 (khóm Tân Khánh, thị trấn Long Bình, huyện An Phú) phát hiện, tạm giữ 40 người bơi qua sông Bình Di vào Việt Nam.

Cảnh báo của cơ quan chức năng về những cái “bẫy” việc nhẹ lương cao rình rập ở Campuchia chưa giảm sức nóng, thì vụ đào thoát của hơn bốn chục người Việt về An Giang không chỉ gây xôn xao dư luận, mà còn cho ta thấy thêm được một phần nổi của tảng băng chìm.

Sáng 18/8, chốt quản lý bảo vệ biên giới và phòng chống dịch Covid-19 số 21 (khóm Tân Khánh, thị trấn Long Bình, huyện An Phú) phát hiện, tạm giữ 40 người bơi qua sông Bình Di vào Việt Nam. Qua sàng lọc, xác minh ban đầu, cơ quan chức năng cho biết, toàn bộ nhóm người trên (35 nam, 5 nữ) đều là người Việt.

Phần lớn họ xuất cảnh trái phép ở các tỉnh phía Nam. Sau khi sang Campuchia, họ làm việc tại casino Rich World. Một số khác, trước đó, đã làm việc tại các sòng bạc ở khu vực đối diện các tỉnh Tây Ninh, Long An của Việt Nam.

Do phải làm việc quá nhiều lại không được trả lương, nên cả nhóm bàn nhau tìm cách trốn về Việt Nam.

Sáng 18/8, lợi dụng sơ hở của bảo vệ, cả nhóm (gồm 42 người) đã chạy khỏi sòng bạc, nhảy xuống sông và bơi về phía Việt Nam. Trong quá trình chạy trốn, một người bị bảo vệ giữ lại, một người khác đã mất tích.

Lực lượng chức năng đã tổ chức tìm kiếm người mất tích và xác minh nhân thân, làm thủ tục để gia đình bảo lãnh cho 40 người, đến từ nhiều tỉnh, thành ở Việt Nam.

Vụ việc đang trong quá trình xử lý nên chúng ta cũng chưa thể biết liệu nhóm người kia có biết đến những cảnh báo từ rất nhiều cấp của cơ quan chức năng hay không.

Đơn cử, cuối tháng 6, Công an Q.12 (TPHCM), phát đi cảnh báo người dân về thủ đoạn lừa đảo, mua bán người xảy ra trên phạm vi cả nước. Bằng những lời mật ngọt như việc nhẹ lương cao, không cần bằng cấp, được đào tạo có lương, bao mọi chi phí… làm việc tại Campuchia, đã có rất nhiều nạn nhân ở khắp các tỉnh, thành sa bẫy, bị bóc lột sức lao động, sống như “địa ngục trần gian”.

Hay đầu tháng 7 vừa qua, Bộ Công an cũng phát đi cảnh báo tương tự. Theo đó, cơ quan Công an xác định, các nạn nhân bị lừa sang Campuchia chủ yếu trong độ tuổi từ 18 - 35 tuổi, thông qua tìm kiếm trên mạng xã hội (Zalo, Facebook...), hoặc từ bạn bè, người quen, giới thiệu sang Campuchia làm “việc nhẹ nhàng, lương cao”.

Sau khi qua Campuchia, nạn nhân bị đưa vào làm việc tại các cơ sở hoạt động lừa đảo như: Đánh bạc trực tuyến, kinh doanh tiền ảo...; bị cưỡng ép lao động từ 12 - 16 tiếng/ngày, không cho ra ngoài, bị bán cho các chủ sử dụng lao động khác, hoặc bắt gọi điện cho gia đình, người thân tại Việt Nam để nộp tiền chuộc với số tiền từ 3.000 USD đến 30.000 USD. Nhiều trường hợp bỏ trốn khi chưa có tiền chuộc, đã bị các đối tượng sử dụng lao động đánh đập, ngược đãi, bán sang cơ sở khác.

Trong 6 tháng đầu năm 2022, lực lượng chức năng Việt Nam đã phối hợp với phía Campuchia giải cứu hơn 250 trường hợp bị lừa sang lao động trái phép tại nước này.

Cảnh báo đã được phát đi, các phương tiện thông tin đại chúng đã có nhiều tin bài, phản ánh, phanh phui hoạt động lừa đảo, đưa người vượt biên trái phép cũng như ghi nhận không ít trường hợp bị ngược đãi, đánh đập ở Campuchia.

Không loại trừ khả năng nhiều người không biết đến những cảnh báo trên hoặc có biết nhưng cố tình lờ đi vì vẫn tin vào một cơ hội, chưa nói là đổi đời, mà chỉ có thể là sống tốt hơn.

Nếu cứ tiếp tục duy trì niềm tin kiểu như vậy, thì sớm muộn sẽ có thêm những vụ đào thoát, vượt sông trốn về quê nhà như vừa rồi. Và chưa chắc, họ sẽ may mắn về được Việt Nam như 40 người kia.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ