Bẫy lừa đảo 'việc nhẹ lương cao' tại Campuchia: Miếng phô mai chỉ có sẵn trên cái bẫy chuột!

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Những lời hứa hẹn “việc nhẹ lương cao” khi sang lao động tại Campuchia theo cơ quan chức năng thực chất chỉ là những “cái bẫy” được các đối tượng giăng sẵn ra để chờ những người nhẹ dạ cả tin bước vào.

Những lời hứa hẹn “việc nhẹ lương cao” khi sang lao động tại Campuchia theo cơ quan chức năng thực chất chỉ là những “cái bẫy” được các đối tượng giăng sẵn ra để chờ những người nhẹ dạ cả tin bước vào.
Những lời hứa hẹn “việc nhẹ lương cao” khi sang lao động tại Campuchia theo cơ quan chức năng thực chất chỉ là những “cái bẫy” được các đối tượng giăng sẵn ra để chờ những người nhẹ dạ cả tin bước vào.

Những cái bẫy được giăng sẵn

Thực tế, hiện tượng đưa người sang lao động trái phép tại Campuchia làm việc cho các cơ sở đánh bạc, karaoke... với lời hứa hẹn “việc nhẹ lương cao” đã xảy ra ở nước ta từ nhiều năm trở lại đây. Cơ quan công an của các địa phương cũng đã tiến hành triệt phá nhiều đường dây, bắt nhiều đối tượng có hành vi phạm pháp với thủ đoạn như trên.

Tiêu biểu có thể kể đến như vào ngày 28/9/2021, Công an huyện Châu Thành (Tây Ninh) đã bắt giữ 32 đối tượng liên quan đến đường đây đưa người xuất cảnh trái phép sang biên giới để lao động.

Cụ thể, vào khoảng 18h30’ ngày 28/9, tại khu vực biên giới thuộc ấp Phước Hoà (xã Phước Vinh, huyện Châu Thành), Công an huyện Châu Thành phát hiện, bắt giữ 5 đối tượng là người trong cùng gia đình có hành vi tổ chức đưa 11 người xuất cảnh trái phép.

Các đối tượng liên quan đến đường dây đưa người xuất cảnh trái phép ở Tây Ninh bị bắt.

Các đối tượng liên quan đến đường dây đưa người xuất cảnh trái phép ở Tây Ninh bị bắt.

Các đối tượng này gồm: Phạm Văn Kích (62 tuổi), Phạm Văn Thành (41 tuổi), Phạm Văn Lập (39 tuổi), Dương Thị Hoa Tươi (40 tuổi, vợ Lập), Hồ Thị Ngọc Thuỷ (41 tuổi, bạn gái của Kích, cùng ngụ ấp Phước Hoà, xã Phước Vinh, huyện Châu Thành).

Tiếp đó, sáng 29/9/2021, qua đấu tranh khai thác, Công an huyện Châu Thành bắt giữ thêm 16 đối tượng có liên quan đến đường dây tổ chức đưa người xuất cảnh trái phép. 27 đối tượng xuất cảnh trái phép đến từ Tây Ninh và các tỉnh, thành phố như TP. Hồ Chí Minh, Hải Dương, Thanh Hoá, Lào Cai, An Giang, Cao Bằng, Long An, Hà Nội, Sóc Trăng, Cần Thơ, Bến Tre…

Đầu năm 2022, Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Đồng Nai, đã bắt khẩn cấp 3 đối tượng gồm Nguyễn Tiến Dũng (SN 1998, trú tại xã Song Kim Trường, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh); Lộc Thị Luân (SN 2001, quê ở xã Diễn Tháp, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An) và Ngô Nguyễn Đông Khoa (SN 1969, trú tại phường 15, quận Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh) để điều tra về hành vi Tổ chức mua bán người qua Campuchia để hoạt động mại dâm.

Đối tượng Nguyễn Tiến Dũng bị Công an tỉnh Đồng Nai bắt giữ.

Đối tượng Nguyễn Tiến Dũng bị Công an tỉnh Đồng Nai bắt giữ.

Cơ quan công an xác định đường dây tổ chức đưa người trái phép qua Campuchia này do đối tượng Nguyễn Tiến Dũng cầm đầu. Qua đấu tranh khai thác, bước đầu các đối tượng đã thừa nhận hành vi phạm tội của mình.

Theo lời khai của các đối tượng, tính từ đầu tháng đến ngày 29/12/2021 đến thời điểm bị bắt, các đối tượng nói trên đã cấu kết, dụ dỗ hơn chục nạn nhân là phụ nữ Việt Nam bán cho một số đối tượng ở Campuchia để phục vụ khách tại động mại dâm và các cơ sở karaoke, massage trá hình.

Trước đó, ngày 28/12/2021, Phòng Cảnh sát Hình sự, Công an tỉnh Đồng Nai cũng đã triệt phá thành công chuyên án Tổ chức mua bán người qua Campuchia để hoạt động mại dâm bắt giữ 4 đối tượng. Đường dây này do đối tượng Phan Thị Kim Huệ (44 tuổi, ngụ tại xã An Ninh Tây, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên) cầm đầu.

Qua điều tra ban đầu của cơ quan công an, trong thời gian từ đầu tháng 1/2021 đến tháng 6/2021, các đối tượng này đã đưa gần chục phụ nữ Việt Nam có độ tuổi từ 18-25 sang Campuchia, ép phục vụ khách tại các động mại dâm, quán karaoke, massage trá hình.

Mới đây nhất, Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Đồng Nai phối hợp với công an một số địa phương gồm Long An, TP. Hồ Chí Minh, Tây Ninh tiến hành bắt giữ các đối tượng: Nguyễn Văn Khánh (29 tuổi, quê tỉnh Long An); Phạm Thanh Quy (33 tuổi, quê tỉnh Long An); Lê Văn Lộc (24 tuổi, quê tỉnh Long An); Huỳnh Thanh Phong (42 tuổi, ngụ tỉnh Tây Ninh); Chế Minh Nhựt (42 tuổi, quê tỉnh Tây Ninh); Vòng Phát Chương (36 tuổi, ngụ TP. Hồ Chí Minh) và Huỳnh Văn Út (29 tuổi, quê tỉnh Long An) là những đối tượng nằm trong đường dây đưa người xuất cảnh sang Campuchia trái phép.

Bên cạnh đó, lực lượng công an cũng đã kịp giải cứu thành công 3 nạn nhân đang chuẩn bị đưa qua biên giới Campuchia.

Các đối tượng trong đường dây đưa người trái phép sang Campuchia vừa bị Công an tỉnh Đồng Nai triệt xóa.

Các đối tượng trong đường dây đưa người trái phép sang Campuchia vừa bị Công an tỉnh Đồng Nai triệt xóa.

Tiến hành khám xét khách sạn nơi các đối tượng đang tập kết người để chuẩn bị đưa qua biên giới, cơ quan chức năng phát hiện và thu giữ 3 ô tô, 3 xe máy, số tiền hơn 40 triệu đồng cùng nhiều tài liệu liên quan khác.

Theo xác minh của cơ quan chức năng, từ đầu năm 2022 đến nay, với thủ đoạn nêu trên đường dây này đã đưa gần 200 người trót lọt sang Campuchia và hưởng lợi khoảng 60 triệu đồng.

Là một địa phương đang “nóng” trước tình trạng công dân bị lôi kéo, dụ dỗ sang Campuchia để lao động trái phép, Công an tỉnh Thanh Hóa, hiện nay trên địa bàn có khoảng 381 công dân xuất cảnh sang Campuchia lao động trái pháp luật. Trong số đó, cơ quan chức năng đã phối hợp đưa 179 công dân về nước (giải cứu 19 trường hợp bị cưỡng bức lao động tại các sòng bạc, casino, game online). Ngoài ra, có 13 trường hợp được gia đình nộp tiền chuộc để được về nước.

Đặc biệt, từ đầu năm 2022 đến nay, Công an tỉnh Thanh Hóa đã điều tra làm rõ 4 vụ, 8 đối tượng có hành vi đưa người xuất cảnh sang Campuchia lao động trái pháp luật; kết luận vụ án, chuyển Viện KSND các cấp đề nghị truy tố 2 vụ, 2 bị can phạm tội Tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép.

Điển hình, ngày 10/2, Cơ quan An ninh điều tra, Công an tỉnh Thanh Hóa đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với bị can Nguyễn Văn Linh (SN 1987, trú tại xã Anh Sơn, thị xã Nghi Sơn) về tội Tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép. Theo cơ quan chức năng, đầu năm 2020, thông qua các mối quan hệ quen biết Nguyễn Văn Linh đã tổ chức cho 6 công dân đều ở thị xã Nghi Sơn vượt biên sang Campuchia lao động trái pháp luật.

Ngày 4/3, Cơ quan An ninh điều tra, Công an tỉnh Thanh Hóa tiếp tục khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối đối với bị can Lê Quang Màu (SN 1989, trú tại xã Anh Sơn, thị xã Nghi Sơn) về tội Tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép. Vào tháng 3/2021, Lê Quang Màu được xác định đã tổ chức cho 3 người khác vượt biên sang Campuchia lao động trái pháp luật.

Mới đây nhất, ngày 16/6, Cơ quan an ninh điều tra, Công an tỉnh Thanh Hóa đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam đối tượng Trần Ngọc Chung (SN 2003, khu phố Trung Thịnh, phường Quảng Tiến, TP. Sầm Sơn) về tội Tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép.

Trong quá trình tiếp xúc với những nạn nhân bị lừa đưa sang Campuchia để lao động trái phép tại tỉnh Thanh Hóa, những nạn nhân này đều dính “bẫy lừa” của các đối tượng với một kịch bản gần như giống nhau. Theo đó, các đối tượng môi giới lợi dụng mối quan hệ quen biết với các nạn nhân hoặc thông qua ứng dụng mạng xã hội làm quen, kết bạn sau đó dụ dỗ sang Capuchia để làm những công việc nhẹ nhàng với mức lương cao từ 700 – 1.000USD/tháng.

Đối tượng Trần Ngọc Chung làm việc với cơ quan công an.

Đối tượng Trần Ngọc Chung làm việc với cơ quan công an.

Để các nạn nhân yên tâm, các đối tượng hứa hẹn sẽ “bao” toàn bộ chi phí đi lại, ăn ở từ Việt Nam cho đến khi đến nơi làm việc bên Campuchia. Thậm chí, có nạn nhân cho biết còn được các đối tượng chi tiền để làm nộ phí.

Đáng chú ý hơn, các nạn nhân qua tiếp xúc đều cho biết họ được đưa sang Campuchia lao động thông qua con đường vượt biên trái phép và qua tay nhiều trạm trung chuyển trước khi đến được nơi làm việc bên Campuchia.

Tại đây, các đối tượng người nước ngoài sẽ yêu cầu nạn nhân lập các tài khoản mạng xã hội để giả danh nhân viên tuyển cộng tác viên; nhân viên bán hàng cho các website mua sắm trực tuyến; nhân viên các sàn đầu tư tài chính; nhân viên cơ quan Nhà nước… nhằm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Các nạn nhân sẽ bị các công ty bắt buộc ký hợp đồng làm việc, thực hiện các chỉ tiêu về số tiền lừa đảo được trong tháng. Nếu người nào không hoàn thành chỉ tiêu sẽ bị phạt tiền, đánh đập, không cho ăn uống hoặc bán nạn nhân cho các công ty khác.

Từ lời khai của các nạn nhân đã được trở về cho thấy, sau khi bị lừa xuất cảnh sang Campuchia, nếu muốn trở về Việt Nam thì phải liên hệ với gia đình đóng số tiền chuộc từ 80 triệu đến hơn 100 triệu đồng/người.

Nỗ lực ngăn chặn

Tại buổi họp báo thường kỳ ngày 24/6, thông tin với báo chí, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng đã trả lời về thông tin nhiều người Việt Nam bị lôi kéo sang Campuchia để làm việc bất hợp pháp trong các sòng bài tại đây.

Bà Lê Thị Thu Hằng cho biết, các cơ quan đại diện Việt Nam tại Campuchia thời gian qua đã nhận được một số thông tin và yêu cầu giúp đỡ của công dân Việt Nam bị lôi kéo làm việc bất hợp pháp tại Campuchia.

Ngay sau khi nhận thông tin, các cơ quan đại diện Việt Nam tại Campuchia đã khẩn trương làm việc với quan chức năng sở tại để xác nhận thông tin và tiến hành các biện pháp bảo hộ công dân. Các cơ quan chức năng của Việt Nam đang tiến hành điều tra làm rõ các vụ việc đưa người Việt Nam nhập cảnh làm việc trái phép để xử lý theo pháp luật.

Để ngăn chặn các vụ việc như trên, bà Hằng cho biết, thời gian vừa qua Việt Nam đã tích cực đẩy mạnh tuyên truyền về các phương thức thủ đoạn đưa người nhập cảnh trái pháp, rủi ro khi di cư qua các kênh không chính thức, nhằm nâng cao ý thức của người dân về di cư bất hợp pháp, an toàn và trật tự, cũng như các quy định về xuất nhập cảnh trong phòng chống Covid-19.

Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao cũng thông tin thêm với thông tin về tội phạm di cư bất hợp pháp, công dân có thể liên hệ với các cơ quan đại diện Việt Nam ở sở tại hoặc liên hệ với đường dây nóng về bảo hộ công dân của Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao.

Thông tin với báo chí, ông Nguyễn Gia Liêm, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước cho hay, từ đầu năm đến thời điểm giữa tháng 6/2022, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là 51.677 người.

Theo đó, Nhật Bản có 32.053 lao động, Đài Loan (Trung Quốc) là 15.633 lao động; Hàn Quốc là 1.209 lao động; Singapore có 853 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng... Tuy nhiên, trong số lao động đi làm việc nước ngoài theo hợp đồng không có thị trường Campuchia.

Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết thêm, thời gian qua, Cục Quản lý lao động ngoài nước đã nhận được phản ánh về việc nhiều lao động bị lừa đảo sang Campuchia làm việc với chiêu việc nhẹ, lương cao.

Cục Quản lý lao động ngoài nước khuyến cáo người lao động cần chủ động tìm hiểu thông tin về thị trường lao động ngoài nước. Người lao động có thể liên hệ trực tiếp với các đơn vị có giấy phép đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, danh sách các doanh nghiệp đều được đăng tải trên trang website của cục hoặc liên hệ với các cơ quan quản lý lao động tại địa phương nơi mình cư trú để được hướng dẫn thêm.

Trung tá Nguyễn Thanh Bình, Trưởng phòng An ninh đối ngoại, Công an tỉnh Thanh Hóa cho biết: Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này trước hết là do nhận thức và tinh thần thượng tôn pháp luật của một bộ phận người dân còn hạn chế, cùng với đó là tâm lý mong muốn có công việc nhẹ nhàng với thu nhập cao nên dễ bị các đối tượng lợi dụng, dụ dỗ, lôi kéo.

Lực lượng Công an tỉnh Thanh Hóa phối hợp với chính quyền cơ sở kiểm tra, rà soát người lao động sang nước ngoài trái pháp luật. Ảnh: Công an Thanh Hóa.
Lực lượng Công an tỉnh Thanh Hóa phối hợp với chính quyền cơ sở kiểm tra, rà soát người lao động sang nước ngoài trái pháp luật. Ảnh: Công an Thanh Hóa.

Bên cạnh đó, giới chủ tại các trung tâm game online, các casino nhắm tới lao động người Việt Nam và các nước trong khu vực ASEAN nhằm gia tăng cơ hội lôi kéo thêm nhiều người sang Campuchia để đánh bạc, mang lại lợi nhuận cho các casino…

Để nâng cao nhận thức và cảnh báo người dân cảnh giác trước các thủ đoạn lừa đảo của các đối tượng, Công an tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương chủ động tham mưu và phối hợp với các sở, ban, ngành, cấp ủy, chính quyền các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, cảnh báo phương thức, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng môi giới, lừa đảo đưa người sang Camphuchia lao động trái pháp luật; hậu quả của việc công dân sang Camphuchia lao động trái pháp luật để Nhân dân biết, chủ động phòng ngừa, đấu tranh, tố giác.

Thượng tá Đỗ Ngọc Dương, Trưởng Phòng An ninh điều tra, Công an tỉnh Thanh Hóa cho biết đa số các đối tượng xuất cảnh trái pháp luật sang làm việc tại Campuchia, đặc biệt tại các sòng bạc, các casino, trung tâm điều hành trò chơi trực tuyến đều bị giới chủ ép buộc tuyển thêm người với những lời mời chào hấp dẫn. Việc làm này là vi phạm pháp luật sẽ bị xử lý nghiêm.

Cụ thể, đối với những người xuất cảnh sang nước ngoài trái pháp luật sẽ bị xử lý về hành vi Qua lại biên giới quốc gia mà không làm thủ tục xuất cảnh, nhập cảnh theo quy định của pháp luật, mức phạt tiền từ 3 đến 5 triệu đồng.

Trường hợp đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn tái phạm có thể bị xem xét xử lý về hình sự theo quy định tại Điều 347 Bộ Luật hình sự năm 2015, với khung hình phạt cao nhất có thể lên đến 3 năm tù giam. Những người môi giới, rủ rê, lôi kéo, tổ chức cho người khác sang nước ngoài trái pháp luật sẽ bị xử lý hình sự với khung hình phạt tù cao nhất là 15 năm tù giam.

Người lao động cần liên hệ trực tiếp với các đơn vị có giấy phép đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, danh sách các doanh nghiệp đều được đăng tải tại địa chỉ: http://www.dolab.gov.vn/New/Default.aspx hoặc cơ quan quản lý lao động tại địa phương.

Để ngăn chặn lừa đảo, cơ quan công an và cơ quan chức năng khác cần tăng cường hợp tác và có biện pháp xử lý kịp thời khi phát hiện tổ chức, cá nhân không có chức năng đưa người đi làm việc ở nước ngoài.

Người lao động ở nước ngoài khi gặp các vấn đề, cần trợ giúp có thể phản ánh qua hotline của Cục Quản lý lao động ngoài nước theo số máy 024.3824.9517 (số máy lẻ 511, 512, 513).

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ