Bẫy lừa đảo 'việc nhẹ lương cao' tại Campuchia: 'Tiền mất, tật mang' và những hệ lụy khôn lường

GD&TĐ - Luật gia cho rằng, việc đưa người sang Camphuchia để tìm kiếm công ăn, việc làm chỉ là vỏ bọc cho hành vi mua - bán người và cái kết sau cùng là các nạn nhân sẽ bị đe dọa và đòi tiền chuộc. Các đối tượng môi giới, lừa đảo đưa người sang Campuchia lao động trái phép có những dấu hiệu mua - bán người một cách tinh vi.

Công an tỉnh Thanh Hóa tìm hiểu thông tin tại một gia đình có người bị đưa sang Campuchia lao động trái phép.
Công an tỉnh Thanh Hóa tìm hiểu thông tin tại một gia đình có người bị đưa sang Campuchia lao động trái phép.

Thời gian qua, được sự hỗ trợ của cơ quan chức năng, Báo Giáo dục và Thời đại đã đăng tải nhiều bài viết liên quan đến tình trạng đưa người sang Campuchia để lao động trái phép tại các casino, quán karaoke…tại nhiều tỉnh thành trong đó đặc biệt là tỉnh Thanh Hóa.

Theo cơ quan chức năng địa phương, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này trong đó đặc biệt là sự thiếu hiểu biết về những quy định của pháp luật của một bộ phận những người dân.

Nhằm làm rõ hơn những quy phạm liên quan đến tình trạng này, PV báo Giáo dục và Thời đại đã có cuộc trao đổi với Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng (Trưởng Văn phòng Luật sư Kết Nối – Đoàn Luật sư TP. Hà Nội).

Một nạn nhân bị lừa đưa sang Campuchia lao động trái phép trình báo sự việc tới cơ quan Công an tỉnh Thanh Hóa.

Một nạn nhân bị lừa đưa sang Campuchia lao động trái phép trình báo sự việc tới cơ quan Công an tỉnh Thanh Hóa.

PV: Với tư cách một Luật sư, ông đánh giá như nào về hiện tượng đưa người sang Campuchia để lao động trái phép? Do đâu những người dân dễ dàng trở thành “nạn nhân” cho những đối tượng đưa người bán sang Campuchia?

Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng: Thực tế, hiện tượng đưa người sang lao động trái phép tại Campuchia làm việc cho các cơ sở đánh bạc, karaoke... với lời hứa hẹn “việc nhẹ lương cao” đã xảy ra ở nước ta từ nhiều năm trở lại đây. Cơ quan công an của các địa phương cũng đã tiến hành triệt phá nhiều đường dây, bắt nhiều đối tượng có hành vi phạm pháp với thủ đoạn như trên.

Tình trạng đưa người sang Campuchia lao động trái phép, trong đó có nạn nhân bị bán vào casino, có nạn nhân bị đánh đập đến tử vong. Theo tôi, việc đưa người sang Camphuchia để tìm kiếm công ăn, việc làm chỉ là vỏ bọc cho hành vi mua - bán người và cái kết sau cùng là các nạn nhân sẽ bị đe dọa và đòi tiền chuộc. Các đối tượng môi giới, lừa đảo đưa người sang Campuchia lao động trái phép có những dấu hiệu mua - bán người một cách tinh vi.

PV: Theo ông, do đâu những người dân dễ dàng trở thành “con mồi” của những “cái bẫy” được các đối tượng giăng ra?

Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng: Tôi cho rằng, do nhiều nước đang thực hiện nhiều cơ chế thúc đẩy phát triển kinh tế biên mậu, xây dựng hạ tầng ở khu vực biên giới đối diện, khuyến khích di, giãn dân ra cư trú ở sát biên giới, kéo theo các tệ nạn xã hội nảy sinh khó kiểm soát, phát sinh nhiều người tham gia và thu hút người dân sang lao động làm thuê.

Bên cạnh đó, Việt Nam có hệ thống đường bộ, đường biển và đường hàng không thuận lợi cho việc xuất nhập cảnh. Do vậy, các đối tượng phạm tội cũng lợi dụng việc thông thương này để thực hiện hành vi mua bán người ở phạm vi toàn cầu.

Khác với trước đây, việc tiếp cận và làm quen với nạn nhân phải gặp gỡ trực tiếp để rủ rê thì hiện nay ngày càng nhiều đối tượng phạm tội thông qua các trang mạng xã hội và điện thoại thông minh để tiếp cận nạn nhân, hạn chế tối đa việc tiếp xúc trực tiếp với nạn nhân.

Ngoài ra, tâm lý thích làm ít hưởng nhiều, mong muốn đổi đời, sự nhẹ dạ cả tin của các bị hại đã góp phần làm cho tệ nạn này ngày càng phát triển.

Người thân của công dân bị đưa sang Campuchia lao động trái phép mong mỏi thông tin của cơ quan chức năng.

Người thân của công dân bị đưa sang Campuchia lao động trái phép mong mỏi thông tin của cơ quan chức năng.

PV: Được biết, việc các đối tượng đưa công dân sang Campuchia làm việc chủ yếu qua con đường vượt biên trái phép, với hành vi này, những người lao động có vi phạm luật và mức quy định của pháp luật về xử phạt những hành vi này ra sao?

Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng: Việc các đối tượng đưa công dân sang Campuchia làm việc chủ yếu qua con đường vượt biên trái phép. Với hành vi này, người lao động được đưa sang Campuchia làm việc cũng sẽ vi phạm pháp luật và bị xử lý theo chế tài của pháp luật.

Cụ thể, đối với những người xuất cảnh sang nước ngoài trái pháp luật sẽ bị xử lý về hành vi Qua lại biên giới quốc gia mà không làm thủ tục xuất cảnh, nhập cảnh theo quy định của pháp luật, mức phạt tiền từ 3 đến 5 triệu đồng.

Trong trường hợp đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn tái phạm có thể bị xem xét xử lý về hình sự theo quy định tại Điều 347 Bộ Luật hình sự năm 2015, với khung hình phạt cao nhất có thể lên đến 3 năm tù giam. Những người môi giới, rủ rê, lôi kéo, tổ chức cho người khác sang nước ngoài trái pháp luật sẽ bị xử lý hình sự với khung hình phạt tù cao nhất là 15 năm tù giam.

Lực lượng bảo vệ cảnh giới nghiêm ngặt tại nơi lao động.

Lực lượng bảo vệ cảnh giới nghiêm ngặt tại nơi lao động.

PV: Thưa Luật sư! Pháp luật quy định như thế nào về tội Mua bán người và tội Tội tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép?

Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng: Pháp luật quy định về tội Mua bán người và Tội tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép trong Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017. Cụ thể, quy định tại Điều 150 (tội Mua bán người), Điều 151 (tội Mua bán người dưới 16 tuổi) và Điều 348 (tội Tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép)

Theo đó, Điều 150 tội Mua bán người nêu rõ:

1. Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, lừa gạt hoặc thủ đoạn khác thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tù từ 5 năm đến 10 năm:

a) Chuyển giao hoặc tiếp nhận người để giao, nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác;

b) Chuyển giao hoặc tiếp nhận người để bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác;

c) Tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp người khác để thực hiện hành vi quy định tại điểm a hoặc điểm b khoản này.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 8 năm đến 15 năm:

a) Có tổ chức;

b) Vì động cơ đê hèn;

c) Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%, nếu không thuộc trường hợp quy định tại điểm b khoản 3 Điều này;

d) Đưa nạn nhân ra khỏi biên giới của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

đ) Đối với từ 2 người đến 5 người;

e) Phạm tội 2 lần trở lên.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:

a) Có tính chất chuyên nghiệp;

b) Đã lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân;

c) Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

d) Làm nạn nhân chết hoặc tự sát;

đ) Đối với 6 người trở lên;

e) Tái phạm nguy hiểm;

Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng, Trưởng Văn phòng Luật sư Kết Nối - Đoàn Luật sư TP. Hà Nội.

Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng, Trưởng Văn phòng Luật sư Kết Nối - Đoàn Luật sư TP. Hà Nội.

Điều 151 tội Mua bán người dưới 16 tuổi nêu rõ:

1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tù từ 7 năm đến 12 năm:

a) Chuyển giao hoặc tiếp nhận người dưới 16 tuổi để giao, nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác, trừ trường hợp vì mục đích nhân đạo;

b) Chuyển giao hoặc tiếp nhận người dưới 16 tuổi để bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lấy bộ phận cơ thể hoặc vì mục đích vô nhân đạo khác;

c) Tuyển mộ, vận chuyển, chứa chấp người dưới 16 tuổi để thực hiện hành vi quy định tại điểm a hoặc điểm b khoản này.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:

a) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

b) Lợi dụng hoạt động cho, nhận con nuôi để phạm tội;

c) Đối với từ 2 người đến 5 người;

d) Đối với người mà mình có trách nhiệm chăm sóc, nuôi dưỡng;

đ) Đưa nạn nhân ra khỏi biên giới của nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

e) Phạm tội 2 lần trở lên;

g) Vì động cơ đê hèn;

h) Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%, nếu không thuộc trường hợp quy định tại điểm d khoản 3 Điều này.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 18 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe hoặc gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

d) Đã lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân;

đ) Làm nạn nhân chết hoặc tự sát;

e) Đối với 6 người trở lên;

g) Tái phạm nguy hiểm.

4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt quản chế, cấm cư trú, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Điều 348 tội Tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép nêu rõ:

1. Người nào vì vụ lợi mà tổ chức hoặc môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép, thì bị phạt từ từ 1 năm đến 5 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 5 năm đến 10 năm:

a) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

b) Phạm tội 2 lần trở lên;

c) Đối với từ 5 người đến 10 người;

d) Có tính chất chuyên nghiệp;

đ) Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

e) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 7 năm đến 15 năm:

a) Đối với 11 người trở lên;

b) Thu lợi bất chính 500.000.000 đồng trở lên;

c) Làm chết người.

4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng hoặc cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Bình dân học vụ số

GD&TĐ - Sáng 18/11, tại Hà Nội, Tổng Bí thư Tô Lâm có cuộc gặp mặt đại diện nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam.