Lây truyền bệnh dại từ mẹ sang con là có thể xảy ra

GD&TĐ - Các chuyên gia cho biết, tình trạng lây truyền bệnh dại từ mẹ sang con là có thể xảy ra, nhưng hiếm gặp.

Phụ nữ mang thai bị chó dại và nghi dại cắn cần đến khám bác sĩ ngay sau khi rửa chỗ cắn đúng quy cách và tiêm phòng vắc-xin. Ảnh minh họa: ITN
Phụ nữ mang thai bị chó dại và nghi dại cắn cần đến khám bác sĩ ngay sau khi rửa chỗ cắn đúng quy cách và tiêm phòng vắc-xin. Ảnh minh họa: ITN

Các chuyên gia cho biết, tình trạng lây truyền bệnh dại từ mẹ sang con là có thể xảy ra, nhưng hiếm gặp. Bởi, virus dại không có trong máu. Song, việc dự phòng sau phơi nhiễm cho trẻ sơ sinh vẫn vô cùng cần thiết.

Phụ nữ mang thai mắc bệnh dại

Vào tháng 5/2013, một phụ nữ 25 tuổi (Trung Quốc), mang thai 4 tháng bị chó cắn vào mu bàn chân phải khi đang đi trên đường làng Xiaoying. Bệnh nhân đến trạm y tế khám vì vết cắn chảy máu. Y tá đã khử trùng vết thương bằng iốt và rượu, nhưng không thực hiện biện pháp nào liên quan đến việc chủng ngừa bệnh dại. Ba ngày sau, vết thương đã lành.

Vào tháng 11 cùng năm, người phụ nữ sinh con tại Bệnh viện Y học cổ truyền Trung Quốc Baofeng ở thành phố Bình Đỉnh Sơn. Đêm hôm đó, cô cảm thấy đau ở chân phải, bồn chồn và mất ngủ.

Sáng hôm sau, cô hạ sinh một bé trai tại phòng cấp cứu bằng phương pháp sinh mổ. Cân nặng khi sinh của trẻ là 2,5 kg và hoàn toàn khỏe mạnh. Trong quá trình phẫu thuật, mặc dù người phụ nữ run rẩy nhưng vẫn tỉnh táo và huyết áp ở mức bình thường.

Sau sinh, bệnh nhân bắt đầu xuất hiện các triệu chứng như khát nước, nhức đầu, sợ hãi, tức ngực, ra mồ hôi và khó nuốt. Bác sĩ trực đã kê đơn thuốc an thần. Sau đó, các biểu hiện gồm sợ nước, nôn mửa, điên loạn, khó nuốt và sợ hãi xuất hiện. Bệnh nhân được chẩn đoán lâm sàng mắc bệnh dại và được chuyển đến Bệnh viện Bệnh truyền nhiễm tỉnh Hà Nam.

Mặc dù đã được điều trị, nhưng các triệu chứng ngày càng nặng hơn. Bệnh nhân thường xuyên khạc nhổ nước bọt và không thể nằm do tức ngực. Các triệu chứng không cải thiện.

Bệnh nhân tử vong tại nhà sau đó trong tình trạng suy hô hấp. Chồng và con trai của bệnh nhân được chẩn đoán phơi nhiễm bệnh dại loại III theo phân loại của Tổ chức Y tế Thế giới WHO (vết cắn hoặc vết trầy xước qua da một hoặc nhiều lần, nhiễm bẩn do nước bọt). Người chồng và em bé được tiêm vắc-xin dại (tế bào Vero) tại bệnh viện y học cổ truyền Trung Quốc ở huyện Baofeng.

Năm 2016, các nhà khoa học đã báo cáo hai trường hợp mắc bệnh dại ở phụ nữ mang thai tại châu Phi và châu Á. Trong đó, một trẻ được sinh bằng phương pháp đẻ mổ. Trẻ còn lại được sinh thường. Cả hai trẻ đều được điều trị dự phòng sau phơi nhiễm (PEP), bao gồm RIG và vắc-xin. hai đều sống và khỏe mạnh lần lượt ở mức 9 và 24 tháng.

Nhóm nghiên cứu đã ghi nhận 14 trường hợp trẻ sơ sinh có mẹ mắc bệnh dại. Trong đó, có một trường hợp được xác nhận lây truyền bệnh dại. Những đứa trẻ khác sinh ra từ người mẹ mắc bệnh dại, sinh thường hoặc mổ, vẫn khỏe mạnh tại thời điểm được ghi nhận. Trong đó, trẻ có hoặc không điều trị dự phòng sau phơi nhiễm.

vac-xin phong dai anh huong den suc khoe (2).jpg
Bệnh dại là mối đe doạ với phụ nữ mang thai. Ảnh minh họa: INT

Dự phòng bệnh cho trẻ sơ sinh

Theo các nghiên cứu trước đây, tại Trung Quốc, hàng trăm phụ nữ mang thai có nguy cơ bị thương do chó gây ra mỗi năm. Gần như tất cả bệnh nhân ở khu vực thành thị Trung Quốc đều được điều trị dự phòng sau phơi nhiễm có hiệu quả và an toàn.

Tuy nhiên, một số người tiếp xúc với bệnh dại, đặc biệt là ở khu vực nông thôn, không được tiêm phòng vì họ phớt lờ sự nguy hiểm của bệnh dại và không đủ tiền mua vắc-xin. Ngoài ra, vẫn còn rất nhiều chó ở những khu vực này chưa được quản lý. Vì những lý do trên, bệnh dại đã trở thành mối đe dọa nghiêm trọng đối với người dân địa phương.

Mặc dù chẩn đoán trong phòng thí nghiệm đóng vai trò quan trọng trong việc quản lý bệnh dại, hầu hết các trường hợp mắc bệnh xảy ra ở nông thôn của Trung Quốc, nơi không có cơ sở y tế có điều kiện kỹ thuật để phát hiện virus.

Các nhà khoa học cho rằng, chính phủ nên thành lập những trung tâm giám sát để xác định virus bệnh dại trong phòng thí nghiệm ở những khu vực có tỷ lệ mắc bệnh cao, nhằm ngăn chặn sự lây truyền của nó.

Ví dụ, các nước Mỹ Latinh gần như có thể loại trừ bệnh dại bằng cách tăng cường những biện pháp chống lại virus thông qua tiêm chủng hàng loạt cho chó. Những kinh nghiệm thành công này cho thấy, có thể chống lại căn bệnh dại bằng các biện pháp kiểm soát và phòng ngừa virus.

Các chuyên gia cho biết, tình trạng lây truyền bệnh dại từ mẹ sang con hiếm gặp. Sự tiếp xúc qua niêm mạc của em bé với các chất dịch và mô truyền nhiễm của mẹ dường như bị hạn chế.

Tuy nhiên, vẫn nên có một cách tiếp cận thận trọng. Đồng thời, trẻ sinh ra từ những người mẹ bị bệnh dại cũng nên được điều trị dự phòng sau phơi nhiễm càng sớm càng tốt. Việc sinh mổ có mang lại hiệu quả phòng ngừa rõ ràng hay không vẫn chưa rõ ràng.

Bệnh dại có thể được ngăn ngừa ở phụ nữ mang thai bằng cách sử dụng PEP. Vắc-xin nuôi cấy tế bào bệnh dại an toàn và hiệu quả, có thể được tiêm cho phụ nữ mang thai và cho con bú cũng như trẻ sơ sinh.

Bệnh dại được coi là một vấn đề sức khỏe cộng đồng lớn ở các quốc gia, còn phổ biến ở các nước đang phát triển. Nguy cơ phát triển bệnh dại lớn nhất rơi vào các khu vực nghèo nhất trên thế giới, đặc biệt là ở vùng nông thôn châu Phi và châu Á, những khu vực chưa chú trọng tới việc tiêm phòng cho vật nuôi.

Điều không thể tránh khỏi là trong những môi trường như vậy, một số nạn nhân bị động vật nghi mắc bệnh dại cắn sẽ là phụ nữ mang thai. Một số sản phụ sẽ tiến triển thành bệnh dại nếu không sử dụng PEP kịp thời và hiệu quả. Song, khi bệnh dại xảy ra ở phụ nữ mang thai thì tính mạng của thai nhi cũng bị tổn hại.

Nếu các triệu chứng bệnh dại xảy ra ở phụ nữ đang mang thai trong thời kỳ sinh nở - khi không thể làm gì để cứu người mẹ - vấn đề là liệu trẻ sơ sinh có thể được cứu hay không và bằng cách nào. Hiện, các nhà khoa học vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể liên quan và ít dữ liệu để hướng dẫn bác sĩ lâm sàng.

Phụ nữ mang thai bị chó dại và nghi dại cắn cần đến khám bác sĩ ngay sau khi rửa chỗ cắn đúng quy cách và tiêm phòng vắc-xin. Bên cạnh đó, cần được xử lý vết thương (nếu vết cắn rộng, sâu, hay ở vị trí gần thần kinh trung ương như mặt, cổ, hay vết thương gần mạch máu). Tùy theo bà bầu ở thai kì nào, tình trạng và vị trí vết thương, bác sĩ sẽ có xử trí thích đáng: Cầm máu, khâu vết rách, kháng sinh chống nhiễm trùng, phòng bệnh uốn ván, tình hình thai nhi... để mang lại an toàn nhất có thể cho mẹ và con.

Theo Ncbi; Science Direct

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.