Xưa nuôi tằm thắng hay không phải phụ thuộc vào thời tiết, thu nhập vừa bấp bênh lại vất vả. Ngày nay, bà con nông dân xã Hồng Phong (Vũ Thư, Thái Bình) nuôi tằm trong phòng lạnh thì mọi việc đơn giản hơn. Phương pháp này giúp hiệu quả kinh tế tăng gấp 3 lần so với nuôi ngoài điều kiện bình thường.
Đổi mới để thích ứng
Người xưa thường nói “nuôi lợn ăn cơm nằm, nuôi tằm ăn cơm đứng”, ý muốn so sánh, nuôi lợn thì nhàn nhã, có nhiều thời gian nghỉ ngơi nên được “ăn cơm nằm”. Còn nuôi tằm thì vất vả, tất bật cả ngày, không có thời gian rảnh nên phải “ăn cơm đứng”. Thế nhưng từ thời xa xưa đến nay, người dân ở xã Hồng Phong lại chọn con “ăn cơm đứng” này làm mũi nhọn trong phát triển kinh tế gia đình.
Trước đây, bà con ở xã Hồng Phong trồng dâu nuôi tằm gắn với ươm tơ. Hiện nay, người dân nơi đây đã chuyển hướng sang sản xuất kén tằm để lấy nhộng tằm thương phẩm.
Ông Nguyễn Văn Ngọ (71 tuổi, xã Hồng Phong) đã có gần 60 năm gắn bó với nghề này. “Trước kia, chúng tôi nuôi tằm lấy kén gắn với ươm tơ hoặc sản xuất kén tằm cung cấp cho các cơ sở ươm tơ trong và ngoài tỉnh. Nhưng từ năm 2015 trở lại đây, bà con ở đây chuyển sang nuôi tằm ré để lấy con nhộng, xuất bán đi các thị trường lớn như Hà Nội, Hải Phòng. Hiện nay, ở đây vẫn có một số hộ nuôi tằm lấy kén để bán cho người ươm tơ”, ông Ngọ nói.
So với cấy lúa hoặc thâm canh một số cây trồng ở địa phương hiện nay thì hiệu quả kinh tế từ trồng dâu nuôi tằm cao hơn hẳn. Cả hai vợ chồng ông Ngọ đều đã lớn tuổi, không còn sức nuôi nhiều như trước, nhưng vẫn trồng 6 sào dâu để duy trì nguồn thức ăn nuôi tằm. Mỗi tháng gia đình ông Ngọ thu hoạch khoảng gần tạ kén. Sau khi trừ hết chi phí, lãi từ 5 đến 7 triệu đồng.
Vừa nhặt những con tằm chín rơi ra ngoài, bà Lê Thị Ngoan (xã Hồng Phong) cho biết, nghề nuôi tằm tuy không nặng nhọc nhưng cần sự kiên trì chăm chỉ. Khi tằm “ăn lên”, mỗi ngày phải cho ăn 6 - 7 lần, kể cả ban đêm cũng phải thức dậy để cho ăn rồi thay phân cho chúng 1 hoặc 2 lần/ngày.
Tằm là loại vật nuôi rất khó tính, thường sống trong môi trường vệ sinh sạch sẽ và rất kén ăn. Do vậy, lá dâu cho tằm phải sạch, không bị nhiễm thuốc trừ sâu, không được để héo nhưng cũng không được ướt. Tùy vào độ tuổi của tằm mà lá dâu thái thành sợi mảnh hay cắt cỡ nửa bàn tay.
Khi con tằm chuyển sang màu vàng, trong suốt đó là lúc đã “chín”. Khi đó, phải đưa tằm lên né - tấm phên đan bằng tre, có những lỗ hổng vuông rộng mỗi bề độ mười phân. Tiếp đó, đưa né ra chỗ có ánh nắng nhẹ cho tằm làm tổ, nhả tơ bao bọc quanh, tạo thành chiếc kén. Sau khi tằm đóng kén, sẽ thu hoạch và bán cho thương lái.
“Do nhu cầu tằm làm thực phẩm tăng cao, chúng tôi khôi phục nuôi giống tằm ré, loại tằm truyền thống đặc trưng của làng nghề Hồng Phong. Tuy con nhộng tằm nhỏ nhưng cho chất lượng cao, tỷ lệ đạm cao và thơm hơn nhộng tằm lai, sản phẩm được thị trường ưa chuộng. Nhộng tằm ré hiện được coi là đặc sản của xã Hồng Phong”, bà Ngoan chia sẻ.
Làm chủ thời tiết
Tằm là loại côn trùng có nhiệt độ cơ thể phụ thuộc vào nhiệt độ môi trường. Nhiệt độ thích hợp cho sinh trưởng phát triển của tằm là 25 - 30 độ C. Nếu nhiệt độ cao hơn hoặc thấp hơn quá nhiều sẽ ảnh hưởng xấu đến sự sinh trưởng của tằm, thậm chí dễ phát sinh bệnh rồi chết.
Nếu như trước kia, nuôi tằm thắng hay thua còn trông vào thời tiết nóng hay lạnh, nhưng nhiều năm nay, người dân ở xã Hồng Phong đã lắp điều hòa trong phòng để nuôi tằm. Nhờ chủ động được nhiệt độ, không chỉ bớt vất vả, nặng nhọc mà tằm còn sinh trưởng tốt, tỷ lệ sống cao và năng suất kén cao hơn hẳn so với cách nuôi truyền thống.
Ông Lê Văn Tiến là một trong những hộ đầu tiên ở xã mạnh dạn sử dụng điều hòa cho tằm. Theo ông Tiến, thời tiết mùa Hè nắng nóng, nhiệt độ thường xuyên ở mức trên 30 độ C. Với nhiệt độ này, tằm khó phát triển được, thậm chí là tỷ lệ chết sẽ cao. Vì thế, ngoài những kỹ thuật chăm sóc cẩn thận, tỉ mỉ còn phải luôn bảo đảm nhiệt độ trong khu vực nuôi từ 25 - 27 độ C, độ ẩm từ 75 - 80% để tằm phát triển bình thường, đảm bảo tỷ lệ sống cao.
Từ năm 2016, nhà ông đã đầu tư gần 20 triệu đồng lắp đặt máy điều hòa hai chiều công suất 12 nghìn BTU, máy phát điện dự phòng. Từ khi lắp điều hòa, nhà ông nuôi mẻ tằm nào là thắng mẻ đấy.
“Đầu năm vừa rồi, gia đình tôi tiếp tục đầu tư xây thêm phòng diện tích 25m2 và lắp đặt điều hòa để mở rộng quy mô nuôi. Hiện có 2 phòng lạnh nuôi 2 loại tằm, tằm trắng và tằm vàng, mỗi tháng thu hoạch được 2 - 3 lứa, với giá bán tằm vàng hiện nay khoảng 105 nghìn đồng/kg kén, tằm trắng khoảng 180 nghìn đồng/kg kén, cho thu nhập 1 tháng từ 25 đến 30 triệu đồng”, ông Tiến chia sẻ thêm.
Nhận thấy việc nuôi tằm trong phòng lạnh đạt hiệu quả, thay vì phải phụ thuộc thời tiết, đến nay gần như 100% hộ nuôi tằm tại xã Hồng Phong đã đầu tư xây phòng lạnh, để đảm bảo nhiệt độ cho tằm sinh trưởng và phát triển tốt.
Giống như gia đình ông Tiến, gia đình bà Ngoan cũng đã đầu tư 1 máy điều hòa công suất 9 nghìn BTU cho phòng 20m2. Mỗi tháng nuôi 3 lứa tằm giúp bà thu về 12 đến 14 triệu đồng, trừ chi phí cũng lãi hơn 10 triệu đồng. Phương pháp này giúp hiệu quả kinh tế tăng gấp 3 lần so với nuôi ngoài điều kiện bình thường.
“Nuôi tằm trong phòng lạnh thì mọi việc đơn giản hơn. Điều kiện đặt ra là đã nuôi tằm trong phòng thì không được tắt điều hòa, vì khi thay đổi không khí́ thì̀ con tằm rất dễ bị bệnh”, bà Ngoan nói.
Hiện nay, xã Hồng Phong có tổng diện tích trồng cây dâu khoảng 275ha, với khoảng hơn 1.200 hộ trồng dâu nuôi tằm. Từ khi áp dụng phương pháp nuôi tằm trong phòng lạnh, hiệu quả kinh tế cao, nhiều hộ đã thoát nghèo nhanh và vươn lên làm giàu.
Ông Lê Mạnh Trường, Chủ tịch UBND xã Hồng Phong phấn khởi cho biết, đến thời điểm này, cây dâu tằm trên mảnh đất Hồng Phong đã khẳng định được vị thế, có chỗ đứng rõ ràng trong việc phát triển kinh tế địa phương. Trong tương lai, xã quyết tâm duy trì làng nghề truyền thống trồng dâu nuôi tằm. Đây là nghề mũi nhọn của địa phương, mang lại thu nhập gấp 10 lần trồng lúa cho bà con.