Người dân vùng cao thoát nghèo nhờ chăn nuôi gia súc

GD&TĐ - Những năm qua, nhờ đẩy mạnh chăn nuôi gia súc mà nhiều hộ dân ở huyện Sốp Cộp (Sơn La) đã vươn lên, thoát nghèo bền vững.

Nhiều hộ dân ở huyện Sốp Cộp có cuộc sống khấm khá nhờ nuôi trâu, bò.
Nhiều hộ dân ở huyện Sốp Cộp có cuộc sống khấm khá nhờ nuôi trâu, bò.

Chăn nuôi đại gia súc mang lại thu nhập cao

Huyện biên giới Sốp Cộp, tỉnh Sơn La có nhiều bãi cỏ tự nhiên phong phú, khí hậu mát mẻ cùng với nguồn nước dồi dào. Phát huy những thế mạnh của địa phương, UBND huyện đã tuyên truyền người dân chuyển sang nuôi đại gia súc như: Trâu, bò, dê, ngựa. Nhờ đó đã giúp các nông hộ phát triển kinh tế và nâng cao thu nhập.

Trên địa bàn huyện Sốp Cộp có gần 7.700 hộ chăn nuôi gia súc, với 12.520 con trâu, 18.288 con bò, ngựa gần 800 con, nhân dân chủ yếu là chăn thả tự do. Giai đoạn 2022 - 2023, huyện đã thực hiện phát triển chăn nuôi đại gia súc tại các xã khu vực III, bản đặc biệt khó khăn như: Mường Lèo, Mường Lạn, Dồm Cang, Sam Kha, với mục tiêu giúp các hộ dân có cuộc sống ổn định và thoát nghèo.

IMG_3320.JPG
Huyện Sốp Cộp tạo điều kiện cho người dân vay vốn ngân hàng mua giống bò về nuôi.

Là xã vùng III đặc biệt khó khăn của huyện Sốp Cộp, Mường Lèo giáp ranh với xã Mường Lói (tỉnh Điện Biên) và cụm bản Na Son, huyện Phôn Thoong, tỉnh Luông Pha Băng (nước CHDCND Lào). Những năm qua, cùng với hỗ trợ của huyện, Tỉnh, xã Mường Lèo đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng cao hiệu quả sản xuất, góp phần xóa nghèo bền vững tại địa phương. Nhờ vậy, số hộ nghèo, cận nghèo trên đại bàn giảm theo từng năm, cuộc sống của người dân được nâng lên rõ rệt.

Ông Lò Văn Chủ, Chủ tịch UBND xã Mường Lèo cho biết: Tỷ lệ hộ nghèo của xã còn trên 47%. Hàng năm, xã phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện tổ chức các lớp tập huấn cho người dân về kỹ thuật chăn nuôi gia súc, trồng và chăm sóc cây ăn quả, chiết ghép, cải tạo vườn tạp. Các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội tín chấp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện cho 454 hộ vay gần 30 tỷ đồng để xây dựng các mô hình sản xuất hiệu quả. Nhờ đó, người dân đã có việc làm ổn định, cuộc sống ngày càng khấm khá hơn.

71313262_690937678091263_9142435521350336512_n.jpg
Huyện Sốp Cộp có nhiều bãi cỏ tự nhiên nên việc chăn nuôi bò rất thuận lợi.

Nhờ sự quan tâm, hỗ trợ của huyện, tại xã Mường Lèo đã xuất hiện nhiều mô hình nuôi trâu, bò sinh sản đem lại giá trị kinh tế cao. Điển hình như gia đình ông Lường Văn Nguôn, bản Mạt. Gia đình ông Nguôn nuôi 16 con trâu, bò, dự kiến năm nay thu 130 triệu đồng. Hay như gia đình anh Lèo Văn Thinh, bản Huổi Luông. Gia đình này trồng hơn 8.000 m2 cỏ voi, nuôi nhốt chuồng 22 con trâu, bò, với giá bán từ 20 - 30 triệu đồng/con trâu và 11 -13 triệu đồng/con bò như hiện tại, dự kiến năm nay thu khoảng 200 triệu đồng.

Anh Lèo Văn Thịnh, bản Huổi Luông chia sẻ: “Trước đây, tôi chủ yếu làm nương rẫy. Thấy huyện và xã tuyên truyền nuôi trâu bò, nên tôi đã mạnh dạn vay vốn ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện mua trâu về nuôi. Nhờ bước đi đó, cuộc sống của gia đình tôi đã đổi thay, thu nhập ổn định hơn, không còn nghèo túng như trước nữa”.

Hỗ trợ, vận động người dân chăn nuôi

Để giúp người dân phát triển sản xuất và chăn nuôi, huyện Sốp Cộp đã hỗ trợ 153 con bò cái giống cho 153 hộ ở các xã Mường Và, Mường Lạn, Púng Bánh, Sam Kha, với số tiền trên 1,5 tỷ đồng. Đồng thời, huyện tổ chức các lớp tập huấn tự nguyện, đào tạo nghề; tuyên truyền, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi và phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi; thực hiện công tác hỗ trợ tái đàn sau thiên tai, dịch bệnh. Hiện nay, huyện đang hoàn tất các thủ tục để tiếp tục triển khai trong giai đoạn tiếp theo nhằm hỗ trợ nhân dân phát triển đàn gia súc hiệu quả.

IMG_9580.JPG
Anh Lèo Văn Thịnh nuôi bò theo kiểu nhốt chuồng.

Ông Vì Văn Định, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Sốp Cộp cho biết: Hiện nay, huyện đã quy hoạch 58 khu vực chăn thả, với diện tích gần 13.700ha, chủ yếu là những đồng cỏ tự nhiên giao cho cộng đồng các bản quản lý. Ngoài ra, huyện còn vận động nhân dân tận dụng đất nương trồng cỏ voi bổ sung nguồn thức ăn cho đàn đại gia súc.

Theo ông Định, đến nay, nông dân tại 8 xã của huyện đã trồng được 411 ha cỏ voi, cỏ chít, cung cấp nguồn thức ăn dồi dào cho gia súc. Việc trồng cỏ không chỉ giúp đảm bảo nguồn thức ăn cho vật nuôi mà còn giúp cải thiện chất lượng dinh dưỡng cho đàn gia súc, góp phần nâng cao hiệu quả chăn nuôi. Từ đó, tạo điều kiện thuận lợi giúp các nông hộ thoát gắn bó với nghề chăn nuôi phát triển kinh tế, hướng đến xóa nghèo bền vững ở các xã vùng cao của huyện.

Trước đây, nhân dân xã Púng Bánh chủ yếu khai thác cây bông chít là loại cây mọc tự nhiên gần rừng và có hàm lượng dinh dưỡng cao hơn cả cỏ voi để làm thức ăn cho gia súc. Thực hiện phát triển mô hình nuôi gia súc nhốt chuồng, xã đã vận động người dân mở rộng diện tích trồng cây bông chít, cỏ voi, với điều kiện thổ nhưỡng phù hợp nên phát triển rất tốt. Hiện trên địa bàn xã, bà con đã phát triển được 220 ha, đảm bảo đủ lượng thức ăn cho đàn gia súc.

Ông Lò Văn Thắng, Phó Chủ tịch UBND xã Púng Bánh cho biết: Tận dụng thế mạnh về tự nhiên, xã vận động người dân đẩy mạnh chăn nuôi trâu, bò theo hướng nhốt chuồng, trồng cỏ làm thức ăn. Đến nay, xã có 2.460 con trâu, 2.470 con bò và 170 con ngựa, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho các hộ chăn nuôi. Đời sống vật chất của bà con ngày càng nâng lên rõ rệt.

IMG_3319.JPG
Nhờ sự quan tâm của huyện, người dân đã được tham gia các lớp tập huấn chăm sóc đàn đại gia súc.

Nhờ vào những nỗ lực từ chính quyền và nhân dân, đàn gia súc của huyện Sốp Cộp ngày càng phát triển cả về số lượng lẫn chất lượng. Số lượng gia súc tăng lên đáng kể, góp phần nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống của người chăn nuôi. Không chỉ vậy, việc phát triển chăn nuôi gia súc còn giúp tạo có việc làm ổn định, thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển và xóa nghèo bền vững.

Ông Vì Văn Định, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Sốp Cộp cho hay: Việc phát triển đại gia súc ở huyện là một hướng đi hiệu quả, phù hợp với nhu cầu của người dân. Huyện đang tập trung chỉ đạo xây dựng các mô hình chăn nuôi đại gia súc tiêu biểu, gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm. Tuyên truyền nhân dân đầu tư, tạo sự chuyển biến nhanh, bền vững từ hình thức chăn nuôi đại gia súc quy mô nhỏ sang chăn nuôi tập trung với hình thức gia trại, trang trại quy mô lớn, hiệu quả. Đồng thời, huyện đang phối hợp với các ban, ngành, doanh nghiệp mở rộng thị trường tiêu thụ trâu, bò ổn định cho người dân.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thức ăn ướt Pate mèo Snappy Tom 400g