Làng vĩ cầm duy nhất ở VN

Làng vĩ cầm duy nhất ở VN

(GD&TĐ) - Đó là làng Then xã Thái Đào, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang, cách thành phố Bắc Giang gần chục cây số. Ngôi làng bình dị như bao ngôi làng khác ở vùng nông thôn đồng bằng Bắc Bộ với nghề chính là trồng lúa, rau màu, hằng ngày họ gắn bó với ruộng đồng, trâu bò, cày cuốc, nhưng khi cầm cây vĩ cầm trong tay, họ lại trở thành những nghệ sĩ đích thực. 

Cổng làng
Cổng làng

Những “nghệ sĩ chân đất”

Ông Nguyễn Quang Khoa 53 tuổi, người được coi là “một nghệ sĩ vĩ cầm cự phách” ở làng Then và hiện là Đội trưởng Đội Vĩ cầm của làng Then khoe: hiện làng Then có hẳn một “Đội vĩ cầm” với 11 người ở đủ mọi lứa tuổi, thế hệ. Họ có thể chơi được các bản nhạc từ cổ điển cho đến tân thời và không chỉ chơi giỏi một loại nhạc cụ Violon, mà các thành viên của “dàn nhạc giao hưởng làng Then” còn có thể chơi thành thạo, bài bản nhiều loại nhạc cụ khác như sáo trúc, ghi ta, đàn bầu, oóc gan, nhị... để hòa âm hoàn chỉnh cho bản nhạc. Ngoài ra trong làng cũng có tới hơn 100 người biết chơi vĩ cầm. 

Ông
Ông Nguyễn Quang Khoa

Có điều người làng Then không tập đàn, chơi đàn vào ban ngày, trừ ngày lễ, tết hay dịp đặc biệt nào đó, bởi do họ còn phải bươn trải cho cuộc sống, chăm sóc cho thửa ruộng, mảnh vườn. Chỉ buổi tối, họ mới tập trung đến sân đình, hoặc một nhà rộng rãi nào đó để cùng hoà tấu. Và họ chơi vĩ cầm cũng không phải để kiếm lợi nhuận gì, mà họ chơi chỉ bởi thấy yêu thích thứ âm nhạc này, coi đó là niềm vui, và để thỏa cái say, cái thích của mình. Họ luôn tâm niệm phần thưởng quý giá nhất chính là được biểu diễn để cho tiếng đàn vĩ cầm đến được với đông đảo công chúng.

Đến nay người làng Then cũng không nhớ được Đội nhạc của làng đã đi biểu diễn được bao nhiêu lần, mà chỉ mang máng rằng diễn được rất nhiều, không chỉ trong xã, trong huyện, trong tỉnh mà đã từng được biểu diễn ở các sân khấu lớn như biểu diễn phục vụ tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV năm 1976 tại Quảng trường Ba Đình và Lễ hội làng Sen năm 2005 tại quê Bác, hay mới đây nhất là tham dự bán kết Việt Nam’s Got Talent 2012 tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Nguồn gốc phong trào chơi vĩ cầm làng Then

Nghe kể lai lịch xuất hiện của cây đàn Violon quý tộc trong ngôi làng thuần nông này đó là vào những năm 50 của thế kỷ trước, Đoàn văn nghệ Trung ương có thời gian lưu diễn phục vụ nhân dân tại các vùng quê tỉnh Bắc Giang. Những người nông dân làng Then suốt ngày chỉ biết có cây lúa củ khoai, nào ngờ khi nhìn thấy chiếc đàn bỗng như bị hút hồn bởi tiếng kêu thanh thoát của nó. 

Vậy là một vài chàng thanh niên trong làng mon men theo ban nhạc học lỏm. Những nhạc công của đội văn nghệ hồi đó cũng rất nhiệt tình chỉ dạy nên những người nông dân theo học đã nhanh chóng tiếp thu được yếu lĩnh của cách chơi vĩ cầm. Sự say mê và khả năng cảm nhận âm nhạc của những nông dân làng Then khiến ông Đỗ Hữu Bài người chỉ huy đội vĩ cầm của đoàn văn nghệ bất ngờ, ông đã trực tiếp về dạy cho các thanh niên làng Then và tặng cho dân làng mấy cây đàn cũ làm kỷ niệm. 

Như một định mệnh, họ yêu và say đắm với tiếng đàn vĩ cầm, nâng niu và gìn giữ. Cứ thế, người biết dạy cho người chưa biết, thế hệ trước truyền dạy cho thế hệ sau làm tiếng đàn lan tỏa. 

Hơn nửa thế kỷ qua biết bao thăng trầm bởi loại nhạc cụ “quý tộc” trở nên xa xỉ và tốn kém đối với nhiều người dân trong làng, nhất là giữa thời buổi kinh tế ngày một khó khăn, nên nhiều năm liền, những người dân làng Then vẫn “ngậm ngùi” chơi những cây đàn cũ qua thời gian đã bị hỏng nhiều bộ phận, chất lượng âm thanh kém đi, nhưng họ vẫn yêu, vẫn say tiếng đàn. Người làng Then thường bảo nhau rằng, không biết chơi vĩ cầm không phải trai làng Then và cái tên “làng vĩ cầm” cũng được người ta gọi từ đó. 

Thật may mắn, năm 2007, một nhóm thành viên trong Quỹ Phát triển văn hóa Việt Nam của Thụy Điển nghe danh đã tìm về làng và hỗ trợ một khoản tiền tương ứng với 10 chiếc đàn Violon mới cứng dành cho làng Then. Cũng từ đó phong trào chơi vĩ cầm không lúc nào ngưng dưới bóng tre nơi làng quê yên bình này.

Tiếng lành đồn xa và ước mơ để tiếng đàn ngân vang

Ngày nay nhắc tới tên làng Then, người ta biết ngay tới một làng vĩ cầm có tiếng. Chẳng thế mà mới đến Bắc Giang, dù còn cách những hơn chục cây số nhưng hỏi thăm từ bác xe ôm, tới cô hàng nước đường về làng Then thì ai cũng biết. Chỉ đường xong, họ còn mách, làng ấy nổi tiếng lắm, cả làng ai cũng biết chơi vĩ cầm. 

Mà quả cũng nổi tiếng thật, được biết hiện “dàn nhạc giao hưởng làng Then” đã thu hút được không chỉ nhiều khách trong nước mà cả khách nước ngoài tìm đến làng thăm quan. Những năm gần đây các đoàn khách quốc tế như: Pháp, Đức, Hàn Quốc, Nga đều đã tìm đến đây để tận mắt xem, nghe dân làng Then kéo vĩ cầm. Năm 2009, một cựu chiến binh người Mỹ cùng hơn 10 người chơi nhạc Jazz cũng về thăm làng. Nhiều Việt kiều khi về quê cũng ghé thăm làng Then. Họ đều thích thú và thán phục vì không ngờ ở một vùng nông thôn nghèo của Việt Nam mà có đến hàng trăm người biết chơi thứ nhạc cụ “uyên bác” này. 

Hiện nay những “nông dân nghệ sĩ” của làng Then vẫn đang mơ ước có được một bộ âm ly để mỗi buổi biểu diễn có chất lượng âm thanh tốt hơn và ấp ủ sẽ phát hành đĩa nhạc cho công chúng yêu nhạc thưởng thức rộng rãi. Không những thế, họ còn hy vọng, một ngày nào đó, tiếng vĩ cầm làng Then sẽ vang lên thường xuyên giữa khán phòng Nhà hát Lớn ở Thủ đô Hà Nội, cũng như ở nhiều quốc gia khác trên thế giới.

Minh Tư

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Hệ thống THAAD của Mỹ.

Kích hoạt vụ phóng Oreshnik mới

GD&TĐ - Theo Reuters, lực lượng tên lửa Nga có thể phóng tiếp tên lửa Oreshnik vào Ukraine, sau khi bị Kiev tập kích lãnh thổ bằng ATACMS.

Minh họa/INT.

Truyện ngắn: Hồi ức khó quên

GD&TĐ - Tôi từng nghĩ rằng mình có thể hóa thành một chiếc ô, chỉ dựa vào sức lực và ý chí của bản thân để che chở cho cả gia đình trước những cơn giông bão của cuộc đời.

Minh họa/INT.

Nhạc kịch Việt tự tin 'cất cánh'

GD&TĐ - Nhạc kịch 'Giấc mơ Chí Phèo' của Nhà hát Ca Múa Nhạc Thăng Long đang được khởi động bán vé cho suất công diễn cuối tháng 12.