Lan tỏa lửa khởi nghiệp: Hành trình dấn thân

GD&TĐ - Những năm qua, Nghệ An liên tiếp có nhiều học sinh, sinh viên tham gia vào sân chơi sáng tạo khoa học kỹ thuật (KHKT), khởi nghiệp và đạt kết quả ấn tượng.

Trường THCS Diễn Hải là một trong những đơn vị đi đầu trong phong trào sáng tạo KHKT.
Trường THCS Diễn Hải là một trong những đơn vị đi đầu trong phong trào sáng tạo KHKT.

Từ dự án KHKT đến sản phẩm khởi nghiệp thành công là hành trình dài không chỉ đòi hỏi sự dấn thân của cả thầy lẫn trò, nguồn lực của nhà trường mà còn cần sự hỗ trợ từ nhiều phía.

Không có giới hạn cho sự sáng tạo

Dự án “Thảo mộc bảo vệ rau và hoa màu ProSafe” của em Long Hoàng Bảo, Vi Đức Quân và Nguyễn Thị Minh (Trường THPT 1/5, huyện Nghĩa Đàn, Nghệ An) vừa giành giải Nhì cuộc thi SV-STARTUP 2020. Đây cũng là lần đầu tiên, học sinh Nghệ An đạt được thành tích ở cuộc thi khởi nghiệp này. Nói về ý tưởng dự án, em Vi Đức Quân cho biết: Nghĩa Đàn là huyện có đất đai màu mỡ và có nhiều trang trại trồng rau màu, hoa quả của bà con nông dân. Hàng ngày, chúng em thấy mọi người vẫn phải dùng hóa chất phòng trừ sâu bệnh nên muốn sáng chế loại thảo mộc có tác dụng tương tự, nhưng thân thiện với môi trường và an toàn cho người dân.

Được cô Bùi Thị Thùy Dung – giáo viên Hóa học khích lệ, hướng dẫn, cung cấp tài liệu, 3 bạn tìm được 6 loại thảo mộc dùng để bào chế sản phẩm. Đó là thầu dầu tía, sài đất, ớt cay, cúc dã quỳ, quả bồ kết, mồng tơi và rượu 30 độ. Đây cũng là những loại cây có sẵn tại địa phương. Nhóm bạn hào hứng ngâm tất cả làm một và cho ra dung dịch đầu tiên thử nghiệm. Nhưng kết quả không có tác dụng. Cả 3 lại ngồi với nhau, tìm hiểu xem không đúng ở khâu nào. “Nhiều đêm, bốn cô trò soi đèn bắt sâu trên các luống rau xanh để thực nghiệm. Thấy vất vả, nhưng chúng em tin dự án khả thi nên kiên trì thực hiện, không bỏ cuộc”, Hoàng Bảo chia sẻ.

Cũng trong dịp cuối năm 2020, niềm vui lớn đến với thầy trò ngôi trường bãi ngang ven biển THCS Diễn Hải khi dự án “Guồng nước đa năng” đã giành Nhất tại cuộc thi Sáng tạo Thanh, thiếu niên, nhi đồng toàn quốc. Điều bất ngờ là chủ nhân của dự án lại là 2 học sinh đầu cấp Bùi Thái Trung (lớp 7) và Đặng Văn Phát (lớp 6).

Dự án “Guồng nước đa năng” xuất phát hoàn toàn bất ngờ từ hình ảnh minh họa trong sách giáo khoa. Thầy Nguyễn Hà Nam tích hợp vào bài dạy giới thiệu về tính năng của guồng nước – một sản phẩm của đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó bà con vùng cao Nghệ An đã sử dụng lâu đời. Đồng thời thầy đặt câu hỏi: Theo các em, guồng nước còn có thể làm được những gì? Từ vấn đề thầy giáo đặt ra, các bạn đã nêu ra ý tưởng từ năng lượng nước có thể tạo ra cơ năng để xử lý rác thải. Em học sinh lấy dẫn chứng gần trường có trạm bơm thủy lợi, nhiều rác thải đổ về. Có thể lợi dụng sức nước tạo ra guồng quay để vớt rác.

Điều đặc biệt thú vị, người đồng hành cùng các em – thầy Nguyễn Nam Hà - không phải là giáo viên Vật lý hoặc Công nghệ mà lại dạy tiếng Anh. Tuy nhiên, bản thân thầy có kiến thức các môn khoa học tự nhiên, thích sáng tạo ứng dụng. Bên cạnh đó, Ban giám hiệu và tập thể giáo viên Trường THCS Diễn Hải luôn ủng hộ và tạo điều kiện tốt nhất để học sinh thực hiện ý tưởng của mình. Ý tưởng là của học trò, nhưng thành công lớn nhất chính là sự dấn thân, không ngại giới hạn của cả nhà trường. 

Khởi nghiệp - chặng đường dài

Những năm qua, Nghệ An liên tiếp có HSSV tham gia vào sân chơi sáng tạo KHKT, khởi nghiệp và đạt kết quả ấn tượng. Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy, các dự án chỉ đi đến các cuộc thi và dừng lại ở đó. “Dù sản phẩm đạt giải của học sinh đều có tính khả thi nhất định, nhưng quay lại ứng dụng trong thực tiễn rất hạn chế, thậm chí bị lãng quên sau đó”, thầy Mai Văn Quyền, GV Trường THPT chuyên Phan Bội Châu nhìn nhận và cho biết: Quan trọng nhất là qua quá trình nghiên cứu, sáng tạo, đã hình hình thành cho học sinh tư duy khoa học, kỹ năng STEM, tin học, ngoại ngữ, khởi nghiệp...

Trường Cao đẳng Nghề Việt – Đức (Nghệ An) là một trong những đơn vị đào tạo thực hành ứng dụng có truyền thống và uy tín. Tuy nhiên, PGS.TS Bùi Văn Dũng – Hiệu trưởng nhà trường cũng thừa nhận: Sinh viên tốt nghiệp chưa có sản phẩm khởi nghiệp nào nổi bật. Các em chủ yếu khởi sự kinh doanh, mở xưởng nhỏ lẻ mang tính chất tự cung tự cấp.  

“Khởi nghiệp trong HSSV hiện nay đang chủ yếu mang tính chất phong trào. Còn những dự án tạo ra giá trị mới, chuyển nó thành sản phẩm hàng hóa, kêu gọi đầu tư, sản xuất và được thị trường chấp nhận đang rất hiếm. Nhiều dự án khi đưa ra thực tế gặp thất bại. Nguyên nhân có nhiều yếu tố cả khách quan, chủ quan. Chủ yếu do dự án tính khả thi chưa cao, nghiên cứu thị trường và xây dựng kế hoạch khởi nghiệp chưa đầy đủ. Sinh viên còn thiếu kinh nghiệm sản xuất kinh doanh, nguồn vốn nhỏ lẻ không đủ nuôi dự án trong thời gian dài”, PGS Bùi Văn Dũng cho hay.

PGS.TS Bùi Văn Dũng cũng cho rằng, để tạo phong trào khởi nghiệp cho sinh viên, còn tùy thuộc vào năng lực quản lý, lãnh đạo của nhà trường. Trường CĐ nghề Việt – Đức đã đưa vào chương trình đào tạo môn Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Qua đó trang bị cho HSSV kiến thức kỹ năng nghiên cứu, sáng tạo. Thổi cho các em khát khao cống hiến, ý chí vươn lên mãnh liệt để tạo ra sản phẩm riêng mình. Những yếu tố này sẽ là tiền đề để HSSV khởi sự kinh doanh và khởi nghiệp chắc chắn, thành công.

Để một dự án nghiên cứu KHKT thành một sản phẩm đưa vào sử dụng thực tiễn là hành trình dài, cần sự hỗ trợ của nhiều chuyên gia, nhà khoa học và doanh nghiệp. Nhưng qua các cuộc thi KHKT, khởi nghiệp, thúc đẩy phong trào đổi mới giáo dục theo hướng phát huy năng lực người học ở các nhà trường phổ thông. Nuôi dưỡng cho học sinh đam nghiên cứu, làm chủ kiến thức và có khát khao biến ý tưởng thành dự án khởi nghiệp trong tương lại. - Ông THÁI VĂN THÀNH - Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ronaldo và Messi văng khỏi danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Ronaldo và Messi đón tin kém vui

GD&TĐ - Bộ đôi siêu sao của bóng đá thế giới vắng mặt trong danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.