Kiểm tra, đánh giá giữa kỳ: Mới lạ đề Ngữ văn

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Đợt kiểm tra giữa học kỳ vừa qua ghi nhận những đổi mới đáng kể trong đề Ngữ văn ở nhiều địa phương.

Thầy Nguyễn Phương Bắc đại diện nhóm giáo viên cốt cán tỉnh Bắc Ninh báo cáo sản phẩm tập huấn mô-đun kiểm tra đánh giá học sinh môn Ngữ văn cấp THCS tại lớp tập huấn do Bộ GD&ĐT tổ chức.
Thầy Nguyễn Phương Bắc đại diện nhóm giáo viên cốt cán tỉnh Bắc Ninh báo cáo sản phẩm tập huấn mô-đun kiểm tra đánh giá học sinh môn Ngữ văn cấp THCS tại lớp tập huấn do Bộ GD&ĐT tổ chức.

Cụ thể là việc có thêm câu hỏi trắc nghiệm và thực hiện triệt để hơn lấy ngữ liệu nằm ngoài nội dung sách giáo khoa (SGK).

Thay đổi tích cực

Theo chủ trương chung của Sở GD&ĐT Phú Thọ, năm nay, Trường THCS Giấy Phong Châu, huyện Phù Ninh đã đưa câu hỏi trắc nghiệm vào đề kiểm tra môn Ngữ văn đối với học sinh (HS) lớp 6, 7. Các em đã được tiếp xúc với dạng câu hỏi này trong quá trình kiểm tra thường xuyên với ngữ liệu trong SGK đối với các tiết học buổi sáng.

“Năm nay, đề kiểm tra Ngữ văn giữa kỳ có 60% là câu hỏi đọc hiểu, 40% làm văn với thời gian làm bài 90 phút. Đề có khoảng 4 điểm trắc nghiệm khách quan. Do được tiếp xúc nhiều lần với dạng câu hỏi này nên chúng em không bỡ ngỡ. Em đặc biệt hứng thú với phần văn bản đọc hiểu ngoài chương trình vì được tiếp xúc với những văn bản mới theo đúng đặc trưng thể loại đã học để hoàn thiện bản thân”, em Vũ Phú Trọng, HS lớp 6A4 chia sẻ.

Còn với dạng đề ngữ liệu đọc hiểu ngoài SGK, HS được thầy cô chủ động cho làm quen vào các buổi chiều học thêm của nhà trường. Đổi mới của đề kiểm tra được HS đón nhận tương đối tích cực, hứng thú. Một phần do các em được tiếp xúc với những ngữ liệu đọc hiểu mới; hơn nữa, dạng bài trắc nghiệm cũng khá quen thuộc ở những môn học khác.

Thầy Nguyễn Bá Giang, giáo viên (GV) Trường THCS Giấy Phong Châu (Phù Ninh, Phú Thọ), cho biết: Tháng 8/2022, Sở GD&ĐT Phú Thọ tổ chức tập huấn chuyên môn cho 100% GV Ngữ văn trong tỉnh về đổi mới kiểm tra, đánh giá theo Chương trình GDPT 2018. Tại đây, GV được hướng dẫn cụ thể, chi tiết và thực hành lập bảng ma trận, bảng đặc tả đối với môn Ngữ văn 4 khối 6, 7, 8, 9. Khi về trường, tổ nhóm chuyên môn đã trao đổi, thống nhất về việc đưa câu hỏi trắc nghiệm vào đề kiểm tra định kỳ môn Ngữ văn với số lượng khoảng 7 - 8 câu hỏi cho mỗi bài.

“Văn bản đọc hiểu ngoài chương trình giúp kiểm tra, đánh giá năng lực HS theo yêu cầu cần đạt được quy định trong chương trình môn học. Câu hỏi đọc hiểu trắc nghiệm khách quan kiểm tra kiến thức của HS trên diện rộng (mức độ nhận biết, thông hiểu, vận dụng; năng lực tạo lập bài viết phù hợp với chương trình bộ môn)”, thầy Nguyễn Bá Giang chia sẻ.

Từ năm học 2021 - 2022, thực hiện chỉ đạo của ngành Giáo dục Bắc Ninh, Trường THCS Lâm Thao (huyện Lương Tài) cũng tiếp cận và triển khai kiểm tra đánh giá HS theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực người học. Theo thầy Nguyễn Phương Bắc, GV Ngữ văn nhà trường, đề kiểm tra được xây dựng theo ma trận và bảng đặc tả, với cấu trúc gồm 2 phần. Phần I (đọc hiểu, từ 3 - 4 điểm) dạng câu hỏi trắc nghiệm và trả lời ngắn. Phần II (viết, từ 6 - 7 điểm) dạng câu hỏi tự luận, mức độ tư duy tùy theo đối tượng HS cần kiểm tra.

Tỷ lệ kiểm tra phần đọc và viết phù hợp với mục tiêu bài học trong Chương trình, SGK mới. Hệ thống câu hỏi trong ma trận đề kiểm tra được thiết kế theo thang nhận thức biết - hiểu - vận dụng. Phần đọc hiểu: Ngữ liệu lấy ngoài SGK, có thẩm định về nguồn gốc, tính chính xác. Phần viết: Nội dung bám sát kỹ năng của dạng viết trong mỗi chủ đề HS đã được học. Từ năm học 2022 - 2023, nhà trường tiếp tục triển khai sâu hơn việc kiểm tra đánh giá HS trong Chương trình GDPT 2018 thông qua các văn bản của cấp trên.

Ảnh minh họa/ INT

Ảnh minh họa/ INT

“Hình thức kiểm tra này được HS vui vẻ đón nhận, nhiều em thích thú với đề kiểm tra đan xen trắc nghiệm và tự luận. Tiếp xúc với các văn bản, ngữ liệu mới trong các buổi ôn tập trên lớp, nhiều em còn lên YouTube, mạng xã hội, thư viện của trường để tìm các văn bản tương đồng, xem phim được biên tập từ các tiểu thuyết có đoạn trích văn bản đã học. Đề kiểm tra được thiết kế cơ bản phù hợp đối tượng nên chưa thấy có phản ánh về đề”, thầy Nguyễn Phương Bắc cho hay.

Cần sự “kích hoạt” từ kỳ thi đại trà

Để triển khai kiểm tra đánh giá Ngữ văn tốt hơn trong thời gian tới, cô Nguyễn Ngọc Thúy, Tổ trưởng Tổ Ngữ văn Trường THCS Phan Chu Trinh (TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk), cho rằng cần chú trọng cả đánh giá thường xuyên, định kỳ. Với những nội dung không kiểm tra được trong đánh giá định kỳ, GV cần thực hiện trong đánh giá thường xuyên và coi đánh giá là một khâu của hoạt động dạy học. Với việc đưa hình thức trắc nghiệm (kết hợp với tự luận) vào đề kiểm tra định kỳ, mỗi tổ, nhóm chuyên môn trong trường phải tích cực tự bồi dưỡng về kỹ thuật đặt câu hỏi và xây dựng các phương án trả lời.

Có thể đưa nội dung này vào hoạt động sinh hoạt tổ/nhóm chuyên môn. Tuy nhiên, để nâng cao năng lực GV trong kỹ thuật viết câu hỏi trắc nghiệm, nhất thiết phải có sự “kích hoạt” của các kỳ thi đại trà (thi tuyển sinh vào lớp 10, thi tốt nghiệp THPT). Nếu các kỳ thi này không sử dụng câu hỏi trắc nghiệm thì việc nâng cao chất lượng kiểm tra theo hình thức này sẽ gặp khó khăn.

Từ đặc thù môn học Ngữ văn, thầy Nguyễn Bá Giang đưa ra một số lưu ý khi xây dựng câu hỏi trắc nghiệm khách quan nhiều lựa chọn. Theo đó, cần kết nối với văn bản đọc; có từ 4 đến 5 phương án lựa chọn (nên đồng nhất trong đề); cách viết “nhiễu” tránh sai lộ liễu.

Đề nên hạn chế và thận trọng kiểu phương án “tất cả đều đúng/sai”; hạn chế dùng câu lệnh phủ định; phải chắc chắn có một phương án đúng. Cần tránh một số lỗi thường gặp khi viết câu trắc nghiệm khách quan nhiều lựa chọn như: Phương án đúng viết dài hơn, quen thuộc hơn, khái quát hơn phương án nhiễu; chỉ có phương án đúng phù hợp ngữ pháp với câu dẫn; nhiễu có từ ngữ ngô nghê, dễ dãi, không hợp văn cảnh.

Ở Bắc Ninh, Sở GD&ĐT đã tổ chức tập huấn xây dựng ma trận cho 100% GV để thầy cô có kiến thức, kỹ năng thiết kế đề kiểm tra đúng nguyên tắc, phù hợp với đối tượng, vì vậy chưa có hiện tượng HS phản ánh về đề kiểm tra. Ban đầu có thể GV, HS còn bỡ ngỡ, nhưng qua thực hiện đối với lớp 6 tại trường, tôi thấy hình thức này được nhiều phụ huynh HS hưởng ứng. GV cũng bắt đầu thay đổi về quan điểm kiểm tra đánh giá HS. Đặc biệt, nhiều HS có cơ hội thể hiện năng lực cá nhân rõ hơn, môn Ngữ văn càng gần gũi với đời sống. Theo tôi, đây là hướng mới bắt nhịp với xu thế kiểm tra của nền giáo dục tiên tiến, thể hiện sự đột phá của Bộ GD&ĐT. - Thầy Nguyễn Phương Bắc

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thủ môn Quan Văn Chuẩn thận trọng trước trận gặp U23 Iraq.

U23 Việt Nam 'đọc vị' U23 Iraq

GD&TĐ - Trước trận so tài với U23 Iraq ở tứ kết U23 châu Á, thủ môn đội trưởng U23 Việt Nam Quan Văn Chuẩn tỏ ra khá thận trọng.