Làm sao xử lí gốc rễ bạo lực học đường?

GD&TĐ - Bạo lực học đường không dừng lại ở cảnh báo mà còn đang trực tiếp đe dọa đến sự an toàn của thế hệ trẻ ngay tại những môi trường vô cùng quen thuộc. Tuy nhiên, nhiều phụ huynh vẫn chưa nhận thức được sự nghiêm trọng của bạo lực học đường và cách thức bảo vệ con trước vấn nạn này.

Làm sao xử lí gốc rễ bạo lực học đường?

Còn các bạn học sinh vẫn chưa hiểu rõ được khái niệm “bạo lực học đường” và không biết liệu chúng ta có đang bị bắt nạt hay vô tình bắt nạt bạn bè. Nhà trường đã có những cách để hạn chế nhưng vẫn chưa hiệu quả. Vậy làm thế nào để có thể xử lý được gốc rễ của bạo lực học đường?

Dịp này, cuốn sách “Marion - mãi mãi tuổi 13” của tác giả Nora Fraisse và Jacquenline Remy - cuốn sách gây chấn động nước Pháp về nạn quấy rối học đường –  mới được xuất bản tại Việt Nam. Nhân dịp cuốn sách xuất bản tại Việt Nam, sự kiện  “Bạo lực học đường – làm sao để phòng tránh?” cũng được tổ chức với mục đích đưa ra nhiều góc nhìn về bạo lực học đường, tạo cơ hội cho mọi người cùng chia sẻ những câu chuyện và cách phòng tránh vấn nạn này.

Dựa trên một câu chuyện có thật tại Pháp, hơn 200 trang sách “Marion, mãi mãi tuổi 13” đã tái hiện lại một câu chuyện đầy hoang mang và phẫn uất về cái chết của một học sinh 13 tuổi trong một vụ án quấy rối học đường. Cuốn sách này khiến tất cả chúng ta không thể thờ ơ trước vấn nạn BLHĐ được nữa.

Điều gì có thể xảy ra? Cô bé đã chết vì nỗi đau tâm hồn, tình yêu bị tổn thương? Một nỗi đau tình yêu tuổi mới lớn? Hay cậu bạn trai đã trút lên cô những điều khủng khiếp nhất? Điều đó có thể là gì?

Cha mẹ cô đã đi tìm kiếm câu trả lời. Sau đó đã khám phá ra các tin nhắn trong điện thoại, một tài khoản facebook bí mật, những thông báo xúc phạm trên mạng xã hội cô bé dùng.  Đột nhiên, hành động Marion trở nên có ý nghĩa.

Cuốn sách là cuộc chiến đấu của người mẹ đi tìm lại công lý cho cô con gái Marion. “Marion, mãi mãi tuổi 13” gây tiếng vang lớn tại Pháp năm 2015, mở ra cuộc chiến đấu cho những phụ huynh cũng chịu nỗi đau âm ỉ - có con bị quấy rối và được đạo diễn Bourlem Guerdjou chuyển thể thành phim năm 2016.

Những phụ huynh học sinh ở Việt Nam có quan tâm đến nạn BLHĐ có thể tham gia sự kiện “Bạo lực học đường – làm sao để phòng tránh?” tại Trung tâm Văn hóa Pháp – L’Espace (Hà Nội) vào 14h30, thứ sáu ngày 02 tháng 02 năm 2018.

Thông tin về những diễn giả trong sự kiện:

Thạc sĩ Vũ Thu Hà

Cô là thạc sĩ chuyên ngành tâm lý - hiện đang công tác tại phòng tâm lý học đường - trường THCS Ngô Sĩ Liên, Hà Nội. Cô Thu Hà có 5 năm kinh nghiệm đồng hành, tư vấn, hỗ trợ học sinh tuổi teen trên các “mặt trận” tâm lý. Chính đặc thù môi trường đã giúp cô có nhiều trải nghiệm về những vấn đề bạo lực học đường.

Cô giáo Bùi Thị Ngọc Thủy – giáo viên trường THPT Trần Hưng Đạo – TP Nam Định.

Cô Bùi Thị Ngọc Thủy là giáo viên môn Văn trường THPT Trần Hưng Đạo – TP Nam Định. Là giáo viên có nhiệt huyết với ngành giáo dục, cô có những ý tưởng xây dựng một môi trường lành mạnh, tích cực cho các em học sinh. Ngay khi cuốn sách “Marion, mãi mãi tuổi 13” được phát hành, cô đã kêu gọi các thầy cô khác cùng sáng lập ra dự án “Break the Silence - Nâng cao giải pháp chống quấy rối học đường” nhằm nâng cao nhận thức về Bạo lực học đường cho các em học sinh và đẩy mạnh sự kết nối của cha mẹ với con cái trong giai đoạn các em thay đổi rất mạnh về tâm sinh lý.

Đại diện dự án “Break the Silence” – phòng chống bạo lực học đường

Đứng trước thực trạng đáng báo động của vấn nạn bạo lực học đường, một nhóm giáo viên cô Bùi Thị Ngọc Thủy, cô Phạm Phương Anh, thầy Lê Huy Tưởng và các học sinh khối 10 trường THPT Trần Hưng Đạo đã sáng lập dự án “Break the Silence – Nâng cao giải pháp chống quấy rối học đường”. Dự án bắt đầu đi vào hoạt động từ tháng 12 năm 2017, hoạt động tại các trường THCS và THPT trên toàn thành phố Nam Định. Đến nay, dự án đã nhận được nhiều phản hồi tích cực và sự hợp tác từ nhiều em học sinh khối 10,11,12 và các thầy cô giáo tại các trường.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ