Phát huy tính chủ động của cơ sở
Giám đốc Sở GD&ĐT Gia Lai yêu cầu thủ trưởng các trường tiểu học, THCS, THPT, các Trung tâm GDNN-GDTX chủ động tổ chức rà soát đội ngũ giáo viên, xác định giáo viên theo lộ trình thực hiện Chương trình, SGK giáo dục phổ thông (GDPT) mới và đề xuất với cấp trên có biện pháp giải quyết số giáo viên thừa, thiếu từng khối học, môn học báo cáo Sở (Phòng) GD&ĐT tổng hợp báo cáo theo quy định.
Chủ động kiểm tra, rà soát cơ sở vật chất, thiết bị trường học phục vụ đổi mới chương trình, SGK mới ở đơn vị mình, trong đó ưu tiên mục tiêu dạy học 2 buổi/ngày ở tiểu học.
Đồng thời, tuyên truyên sâu rộng trong đội ngũ cán bộ giáo viên, việc chuyển dần khái niệm thi sang khái niệm kiểm tra đánh giá các kiến thức phổ thông, cơ bản của học sinh.
Tích cực đổi mới soạn giảng, đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá theo hướng phát triến năng lực của học sinh, đáp ứng thực hiện chương trình, SGK GDPT mới.
Đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong kiểm tra đánh giá, tiến tới tổ chức kiểm tra, đánh giá trên máy tính, bồi dưỡng, tập huấn chuyên môn qua mạng Internet.
Tăng cường giáo dục cho học sinh kỹ năng nhận biết, ứng xử nguy hiểm và các tình huống không an toàn về tình trạng đuối nước và tai nạn gây thương tích. Đồng thời có giải pháp để ngăn chặn tình trạng bạo lực học đường.
Sở GD&ĐT cũng nhấn mạnh việc tăng cường kỷ cương, nề nếp, nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục, kiên quyết không để tình trạng học sinh ngồi nhầm lớp. Tiếp tục đổi mới công tác quản lý, đổi mới sinh hoạt chuyên môn theo mô hình sinh hoạt chuyên môn dựa trên nghiên cứu toán học. Thực hiện nghiêm túc đánh giá cán bộ quản lý, giáo viên theo chuẩn nghề nghiệp.
Có biện pháp giải quyết số giáo viên thừa, thiếu từng cấp học
Giám đốc Sở GD&ĐT yêu cầu Phòng GD&ĐT các huyện, thị xã, thành phố tham mưu UBND huyện, thị xã, thành phố về các giải pháp thực hiện đổi mới chương trình, SGK GDPT ở địa phương, đồng thời chỉ đạo các cơ sở giáo dục phổ thông thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ, giải pháp của ngành.
Chỉ đạo các trường tiểu học, THCS thuộc thẩm quyền quản lý rà soát về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, xác định giáo viên theo lộ trình thực hiện chương trình SGK GDPT mới và có biện pháp giải quyết số giáo viên thừa, thiếu từng cấp học, môn học báo cáo Sở GD&ĐT theo yêu cầu.
Cùng với đó, chỉ đạo các đơn vị thực hiện nghiêm túc đánh giá CBQL, giáo viên theo chuẩn nghề nghiệp và có biện pháp giải quyết đối với giáo viên, CBQL chưa đạt chuẩn. Chủ động kiểm tra, rà soát trong việc đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học phục vụ đổi mới chương trình, SGK GDPT, trong đó ưu tiên mục tiêu dạy học 2 buổi/ngày ở cấp tiểu học.
Xây dựng kế hoạch dự báo nhu cầu đào tạo giáo viên từ năm 2018 theo chương trình SGK phố thông mới (theo hướng dẫn của Sở, Bộ). Tổng hợp báo cáo kịp thời các yêu cầu của Sở GD&ĐT khi triển khai thực hiện chương trình, SGK GDPT mới (rà soát cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng giáo viên).
Các Phòng GD&ĐT cũng được đề nghị thực hiện nghiêm túc về việc tinh giảm các cuộc thi dành cho giáo viên và học sinh phổ thông, từ đó giảm áp lực cho giáo viên và học sinh, góp phần ngăn chặng bệnh thành tích trong giáo dục.
Lưu ý xây dựng chương trình bồi dưỡng giáo viên
Với Trường CĐSP Gia Lai, Giám đốc Sở GD&ĐT yêu cầu chuẩn bị đội ngũ để tham gia tập huấn theo yêu cầu của Sở và triển khai tập huấn, bồi dưỡng đại trà cho đội ngũ giáo viên tiểu học, THCS của tỉnh về chương trình SGK GDPT mới.
Đồng thời, xây dựng chương trình bồi dưỡng giáo viên đáp ứng yêu cầu chương trình SGK GDPT mới. Rà soát, lựa chọn giảng viên trẻ có năng lực để cử đi học nước ngoài đào tạo chuyên gia về phát triển chương trình giáo dục phổ thông theo yêu cầu của Bộ GD&ĐT.
Xây dựng lộ trình thực hiện đổi mới chương trình mới
Các phòng chuyên môn, nghiệp vụ của Sở GD&ĐT được yêu cầu xây dựng kế hoạch và lộ trình thực hiện đổi mới chương trình SGK GDPT của tỉnh, dựa trên kế hoạch của Bộ GD&ĐT trình UBND tỉnh phê duyệt trước ngày 15/3/2018.
Rà soát về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, xác định giáo viên theo lộ trình thực hiện chương trình SGK GDPT mới và có biện pháp giải quyết số giáo viên thừa, thiếu từng cấp học, môn học báo cáo với Bộ trước ngày 30/6/2018.
Xây dựng kinh phí để triển khai thực hiện chương trình, SGK GDPT mới tại tỉnh trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt trên cơ sở các văn bản hướng dẫn có liên quan.
Chuẩn bị thẩm định nội dung, đối tượng để liên kết với các cơ sở đào tạo bồi dưỡng đã được Bộ GD&ĐT giao nhiệm vụ, tổ chức các lớp bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên theo hướng xã hội hóa trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, thành lập Tổ công tác truyền thông và làm tốt công tác truyền thông giáo dục.