Sau đó, một loạt các nghiên cứu lớn bắt đầu cho thấy nguy cơ xuất huyết máu rất lớn, và các hướng dẫn đã được thay đổi. Giáo sư Jeremy Pearson, Phó Giám đốc y tế tại Quỹ Tim mạch Anh cho biết: “Các hướng dẫn hiện tại không chấp nhận điều trị bằng Aspirin cho những người chưa mắc bệnh tim và các bệnh có liên quan đến tuần hoàn máu”.
Lợi ích rất ít
Theo một nghiên cứu mới từ Trung tâm Y tế Harvard, Mỹ và Beth Israel Deaconess, khoảng 29 triệu người từ 40 tuổi trở lên đã dùng Aspirin mỗi ngày mặc dù không có bệnh tim mạch trong năm 2017. Khoảng 6,6 triệu người trong số họ đã tự sử dụng thuốc mà không có khuyến nghị của bác sĩ.
Và gần một nửa số người trên 70 tuổi không mắc bệnh tim – ước tính khoảng 10 triệu người – đang dùng Aspirin mỗi ngày để phòng ngừa, các nhà nghiên cứu báo cáo trong Annals of Internal Medicine.
“Nhiều bệnh nhân bối rối về điều này”, Colin O’Brien - một bác sĩ nội khoa cao cấp tại Beth Israel, người đứng đầu nghiên cứu cho biết.
Trong nhiều năm, các bác sĩ kêu gọi mọi người tận dụng các đặc tính làm loãng máu của Aspirin để giảm nguy cơ đau tim hoặc đột quỵ đầu tiên.
Năm ngoái, 3 nghiên cứu mới đã thay đổi điều đó. Đây là một trong những nghiên cứu lớn nhất và dài nhất để thử nghiệm Aspirin ở những người có nguy cơ đau tim thấp và trung bình, và chỉ tìm thấy lợi ích cận biên nếu có (thu được lợi ích từ việc dùng thuốc rất thấp), đặc biệt là đối với người lớn tuổi.
Gây bệnh nguy hiểm
Và những người sử dụng Aspirin bị chảy máu đường tiêu hóa rõ rệt hơn, cùng với một số tác dụng phụ khác.
Hàng triệu người dùng Aspirin để ngăn ngừa cơn đau tim có thể cần phải suy nghĩ lại về việc uống thuốc, các nhà nghiên cứu của Trung tâm Y tế Harvard đã viết trong báo cáo mới đây.
Theo AP, chúng ta thường được nghe lời khuyên rằng, nên dùng Aspirin liều thấp hàng ngày cho những người bị đau tim, đột quỵ và cho những người được chẩn đoán mắc bệnh tim.
Nhưng đối với người khỏe mạnh, lời khuyên đó đã bị đảo ngược. Các hướng dẫn được đưa ra trong năm nay đã loại trừ việc sử dụng Aspirin thường quy cho nhiều người lớn tuổi không mắc bệnh tim – và nói rằng nó chỉ dành cho một số người trẻ tuổi theo y lệnh của bác sĩ.
Nghiên cứu của các nhà khoa học Mỹ cho thấy, người dùng Aspirin hàng ngày để ngừa đau tim và đột quỵ có thể tăng nguy cơ chảy máu não. Từ thực tế này, một nghiên cứu mới thống kê dữ liệu từ hơn 160.000 người Anh đã kết luận, những người không có tiền sử bệnh tim sử dụng Aspirin có nguy cơ gây xuất huyết máu lớn hơn đáng kể.
Aspirin đã được chứng minh không còn tác dụng lớn trong việc phòng ngừa. Các nhà nghiên cứu cho thấy, trong số những người khỏe mạnh lựa chọn sử dụng Aspirin, người có nguy cơ bị đau tim hoặc đột quỵ giảm 11%, nhưng người có nguy cơ xuất huyết máu tăng lên 43%.
Trưởng nhóm nghiên cứu, Tiến sĩ Sean Zheng, chuyên gia lâm sàng về tim mạch tại Đại học King London, cho biết: “Nghiên cứu này chứng minh rằng sử dụng Aspirin thường xuyên không có tác dụng phòng ngừa đau tim, đột quỵ và tử vong do tim mạch ở những người không mắc bệnh tim mạch.
Sử dụng Aspirin buộc phải có sự đồng ý giữa bệnh nhân và bác sĩ và phải được cân nhắc trước những nguy cơ tiềm năng thực sự”.
Các nhà nghiên cứu từ Đại học Southampton (Anh) và Đại học Maastricht (Hà Lan) đã tiến hành khảo sát hồ sơ sức khoẻ của khoảng 30.000 bệnh nhân tim mạch. Họ nhận thấy những bệnh nhân dùng Aspirin để ngăn ngừa đột quỵ có nguy cơ mắc chứng đau tim cấp tính cao gấp 1,9 lần so với những người dùng warfarin, một loại thuốc chống đông máu kháng vitamin K (Vitamin K Antagonists - VKA).
Theo nghiên cứu được công bố trên tạp chí Journal of Clinical Pharmacology của Anh, loại thuốc kháng đông đường uống (Direct Oral Anticoagulants – DOAC) cũng có liên quan đến việc tăng nguy cơ đau tim.
Nhóm nghiên cứu tiến hành xem xét lịch sử dùng thuốc và các vấn đề về tim mạch của các bệnh nhân. Trong đó có 15.400 người sử dụng Aspirin, 13.098 người sử dụng VKA, 1.266 người sử dụng DOAC và 382 người uống lẫn lộn các loại thuốc.
Những người dùng DOAC được theo dõi tình trạng sức khỏe trong thời gian một năm, những người dùng VKA và Aspirin được theo dõi trong ba năm.
Trưởng nhóm nghiên cứu, Tiến sĩ Leo Stolk, từ Đại học Maastricht, cho biết: “Điều trị và phòng huyết khối tĩnh mạch bằng thuốc kháng vitamin K là nền tảng cho việc phòng ngừa đột quỵ trong suốt nhiều thập kỷ qua. Chúng tôi đã xác định được những người đang và đã sử dụng Aspirin có nguy cơ bị đau tim cao hơn so với dùng các loại thuốc VKA. Chúng tôi nghĩ rằng dùng Aspirin sẽ có hại nhiều hơn có lợi đối với bệnh nhân bị rung tâm nhĩ”.
Rung tâm nhĩ (Atrial Fibrillation) là một loại rối loạn nhịp tim, khiến tim đập nhanh, loạn nhịp, làm tăng nguy cơ đột quỵ và có thể dẫn tới tử vong. Bệnh ảnh hưởng tới khoảng 900.000 bệnh nhân ở Anh, nhưng có đến 1/7, tương đương với khoảng 120.000 bệnh nhân vẫn đang dùng Aspirin mặc dù nó ít mang lại hiệu quả.
Nguyên nhân của tình trạng trên là trong suốt gần một thập niên qua, các bác sĩ tim mạch luôn được khuyến khích kê Aspirin trong đơn thuốc, vì người ta cho rằng, nó có thể ngăn ngừa các cục máu đông gây đột quỵ. Nhưng bằng chứng gần đây cho thấy Aspirin làm tổn hại niêm mạc dạ dày, loét dạ dày tá tràng, thậm chí xuất huyết dạ dày.
Nhiều nghiên cứu khác cũng cho thấy, Aspirin ít có hiệu quả hơn các loại thuốc chống cục máu đông khác như warfarin và một số loại NOACS (New Oral Anticoagulants) bao gồm: Rivaroxaban, dabigatran và apixaban.
Biện pháp can thiệp và phòng ngừa các tác hại
Những phát hiện trên đã thúc đẩy sự thay đổi trong hướng dẫn của Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ và Đại học Tim mạch Hoa Kỳ bao gồm: Những người trên 70 tuổi không mắc bệnh tim – hoặc trẻ hơn nhưng có nguy cơ chảy máu cao hơn – nên tránh dùng Aspirin hàng ngày để phòng ngừa.
Một số người từ 40 – 70 tuổi nhất định không mắc bệnh tim, nhưng có nguy cơ đủ cao có thể dùng 75 – 100 mg Aspirin mỗi ngày theo y lệnh của bác sĩ. Không có gì thay đổi đối với những người sống sót sau cơn đau tim: Aspirin vẫn được khuyến nghị cho họ.
Hi vọng khuyến nghị này đến sớm với những người đang dùng Aspirin để ngăn ngừa các tác dụng phụ của loại thuốc này gây ra với sức khỏe người sử dụng.
Để đối phó với hai tác hại chảy máu dạ dày và loét dạ dày, cần có biện pháp can thiệp thích hợp như ngừng ngay việc sử dụng thuốc Aspirin, dùng thuốc bảo vệ niêm mạc dạ dày như Sucralfat, Prostaglandin (biệt dược là Euprostol, Mesoprostol);
Cũng nên dùng thuốc ức chế tiết acid chlohydric, kháng histamin H2 như Cimetidin hoặc thuốc ức chế H+K+ATPase (bơm proton) như Omeprazol. Ngoài ra cần can thiệp biện pháp hồi sức trong các trường hợp chảy máu tiêu hóa nặng.
Để đề phòng các tác hại có thể xảy ra do dùng thuốc, Aspirin chỉ sử dụng khi thật cần thiết, uống vào bữa ăn với liều lượng tối thiểu đủ tác dụng.
Ở những người bệnh có sẵn bệnh lý dạ dày mà bắt buộc phải dùng Aspirin do yêu cầu điều trị của một bệnh nào đó có khả năng đe dọa đến tính mạng hay tiên lượng của bệnh thì cần phải phối hợp với thuốc bảo vệ niêm mạc dạ dày hoặc ức chế tiết acid chlohydric như đã nêu ở trên.