Ba sinh viên Thụy Sĩ treo cờ Việt Nam trên nóc Nhà thờ Đức Bà Paris: Cho một Việt Nam hòa bình

GD&TĐ - Cách đây 56 năm, 3 thanh niên người Thụy Sĩ là Olivier Parriaux, Bernard Bachelard và Nóe Graff lái xe hơi từ quê nhà đến thủ đô Paris của Pháp. Đêm 18/1/1969, họ bí mật treo lá cờ của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam lên đỉnh tháp của Nhà thờ Đức Bà.

Ông Olivier Parriaux kể lại 30 tiếng cùng 2 người bạn treo lá cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam trên đỉnh Nhà thờ Đức Bà Paris. Ảnh: L.N.
Ông Olivier Parriaux kể lại 30 tiếng cùng 2 người bạn treo lá cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam trên đỉnh Nhà thờ Đức Bà Paris. Ảnh: L.N.

Nhiệm vụ hoàn thành trong 30 giờ

GS.TS Trình Quang Phú - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển phương Đông đánh giá: “Chuyến thăm lần này của 2 người bạn Thụy Sĩ là dịp để các nhân vật cảm nhận rõ hơn sự thay đổi của TPHCM nói riêng và Việt Nam nói chung sau những năm tháng đau thương của chiến tranh. Đặc biệt, chuyến thăm có ý nghĩa sâu sắc hơn trong bối cảnh Việt Nam chuẩn bị kỷ niệm 50 năm thống nhất. Đây là khoảnh khắc nhìn lại những thành tựu mà Việt Nam đạt được, tri ân những người bạn đồng hành cùng Việt Nam trong suốt chặng đường lịch sử.

Tháng 11/2024, ông Olivier Parriaux (80 tuổi) và Bernard Bachelard (81 tuổi) - 2 trong 3 thanh niên Thụy Sĩ năm xưa đã đến thăm Việt Nam. Họ được chính quyền TPHCM đón tiếp nồng hậu như những vị khách quý. Vì lý do sức khỏe nên ông Nóe Graff vắng mặt.

Câu chuyện của họ diễn ra vào thời điểm bắt đầu những cuộc đàm phán về hòa bình cho Việt Nam, ngày 18/1/1969. Khi đó, Bernard Bachelard (26 tuổi) là giáo viên thể dục, Olivier Parriaux (25 tuổi) là sinh viên Vật lý và Noé Graff (24 tuổi) là sinh viên khoa Luật. Họ cũng là những thanh niên hoạt động tích cực trong các phong trào phản đối chiến tranh do người Mỹ và người Pháp tiến hành trước đó, tại Việt Nam.

Ông Olivier Parriaux kể: “Năm đó tôi là sinh viên ngành Vật lý. Tôi đã giảng dạy môn Vật lý ở nhiều nước và là giáo sư ưu tú của một thành phố tại Pháp”. Khi nghe tin Tổng thống Mỹ Johnson tuyên bố tạm ngừng ném bom miền Bắc Việt Nam, sẵn sàng ngồi đàm phán, 3 sinh viên Thụy Sĩ nhận ra rằng, việc tiến hành các cuộc đàm phán tại Paris sẽ là một sự kiện đáng mừng, vì điều đó dẫn đến sự công nhận quốc tế đối với Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, sau 9 năm thành lập.

Để kỷ niệm sự kiện này một cách ấn tượng và gây tiếng vang, họ quyết định lựa chọn một địa điểm cao, một nơi mang đậm tính nhân văn và được cả thế giới kính trọng, đó chính là Nhà thờ Đức Bà Paris. Kế hoạch do Olivier Parriaux nghiên cứu và xây dựng, Noé Graff đảm nhiệm việc lái xe và canh gác, Bernard Bachelard leo lên chóp tháp Nhà thờ Đức Bà với sự hỗ trợ của Olivier Parriaux, treo ngọn cờ của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam trên đỉnh ngọn tháp cao nhất.

cho-mot-viet-nam-hoa-binh1.jpg
Ông Olivier Parriaux (phải) và ông Bernard Bachelard chia sẻ câu chuyện với báo chí Việt Nam, chiều 18/11/2024. Ảnh: L.N.

Ông Olivier Parriaux hồi tưởng, Nhà thờ Đức Bà Paris có 2 tháp chuông giống Nhà thờ Đức Bà ở TPHCM hiện nay. Đây là mái nhà thờ và là đỉnh tháp hình mũi tên. Trên đỉnh tháp có cây thập giá, nơi nhóm 3 thành viên dự định treo lá cờ.

Đêm hôm đó, họ nhảy xuống phần rìa của mái nhà thờ rồi từ đó tiếp cận tháp mũi tên cao gần 100m so với mặt đất. Phải rất khó khăn vượt qua 4 bức tượng thánh, họ mới chạm được phần đế của ngọn tháp. Trên chóp tháp có những thanh ngang bằng kim loại để bám. Leo lên cao, thanh ngang càng mỏng. Do chúng được làm từ thế kỷ XIX nên không còn chắc chắn.

Tới gần đỉnh tháp, ông Olivier Parriaux dừng lại để ông Bernard Bachelard leo tiếp, vượt qua một nấc tròn làm bằng sắt chạm khắc hình hoa hồng. Ông Bernard là người đã vượt qua nấc khó nhất, móc được lá cờ vào đỉnh tháp và lại vượt qua cái nấc khó khăn ấy để leo xuống. Những nấc tròn hoa hồng cứa vào hai bàn tay ông Bernard Bachelard. Lúc đó, ông Olivier Parriaux và ông Bernard Bachelard buộc nhau lại bằng một sợi dây. Mục đích của việc này nhằm để ông Olivier có thể đỡ người bạn khỏi sẩy chân.

Sau khi móc thành công lá cờ vào đỉnh tháp, họ giật sợi dây thun buộc lá cờ. Dây đứt, lá cờ của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam tung bay trong gió.

Quá trình trở xuống, ông Olivier Parriaux dùng chiếc cưa mang theo để cưa đứt các thanh ngang, tạo ra một khoảng gián đoạn cỡ 10m để ngăn cảnh sát leo lên tháo lá cờ. Sau đó, họ đi xuống, đu dây bằng kỹ thuật của dân leo núi, lúc 2 giờ ngày 19/1.

Như vậy, sau 30 tiếng, nhóm 3 người hoàn thành nhiệm vụ và trở về nhà. Trên đường về nhà, cả 3 ghé nhật báo Le Monde, gửi thông cáo báo chí về hành động của mình. Lá cờ nửa đỏ nửa xanh với ngôi sao vàng rực rỡ của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam trở thành đề tài nóng hổi cho báo chí quốc tế khai thác khi tung bay trên nền trời xanh, dưới những ánh mắt thán phục của người dân Pháp và khách du lịch quốc tế.

cho-mot-viet-nam-hoa-binh2.jpg
Ông Olivier Parriaux và ông Bernard Bachelard trao quà tặng gia đình chính sách, nạn nhân bị nhiễm chất độc màu da cam. Ảnh: HCMCPV.

Thông điệp phản đối chiến tranh

Đây là lần thứ hai ông Bernard Bachelard đến Việt Nam. Người vợ đã khuất của ông Bernard Bachelard là người bí mật may lá cờ của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam với kích thước 5x3,5m. Hai thành viên của nhóm cho rằng, họ không phải là người leo trèo chuyên nghiệp nhưng họ đã thực hiện và không chùn bước trước nguy hiểm. Theo đó, họ muốn ủng hộ, chuẩn bị cho sự có mặt của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam tại Hội nghị Paris, hạ thấp chính quyền Sài Gòn và lên án chiến tranh.

Ông Olivier Parriaux khẳng định, tất cả động cơ được hình thành bởi lương tâm chính trị từ những năm 1960. Thời gian đó, nhiều tờ báo trong và ngoài nước Pháp đã viết về sự kiện lá cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam tung bay trên nóc Nhà thờ Đức Bà. Đó là sự kiện góp phần cho sự mở đầu của Hội nghị Paris.

Sau 55 năm, ông Olivier Parriaux vẫn nhớ như in điều bất ngờ mà họ phải liều lĩnh vượt qua. Bất ngờ đầu tiên xuất hiện khi họ đi từ tháp chuông ra rìa mái. Hai ông phải nhảy qua khoảng không rộng 2,5m, nhưng không có chỗ để bước lùi lấy đà. Ông Bernard nhảy đầu tiên, ông Olivier hơi hụt bước, nhưng được người bạn đồng hành níu lấy. Bất ngờ tiếp theo là việc vượt qua các bức tượng thánh tông đồ. Họ tưởng bức tượng chỉ cao 2m nhưng thực tế lại cao tới 4m. Cuối cùng là khi di chuyển đến báo Le Monde, họ gặp cảnh sát ở một quảng trường, ngỡ rằng chắc chắn sẽ bị bắt. Nhưng cảnh sát thấy biển số xe Thụy Sĩ nên đã cho họ đi.

cho-mot-viet-nam-hoa-binh-2.jpg
Lá cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam tung bay trên trên đỉnh nhà thờ Đức Bà Paris cao 100m ngày 19/1/1969. Ảnh: AP.

“Chúng tôi không phải là anh hùng”

Trong thế trận đàm phán giằng co hết sức căng thẳng, có lúc đi vào bế tắc, để tiếp tục làm tiêu hao sinh lực địch, làm thất bại chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của đế quốc Mỹ, tiếp tục “vừa đánh vừa đàm”, phá thế bế tắc của Hội nghị Paris, ngày 30/3/1972, quân và dân Việt Nam thực hiện cuộc Tổng tấn công chiến lược Xuân - Hè, đánh địch trên 5 mặt trận lớn từ Trị Thiên đến Đồng bằng sông Cửu Long. Thắng lợi của đợt tấn công chiến lược Xuân - Hè 1972 đã phục vụ tích cực cho đấu tranh chính trị và ngoại giao, nhất là thúc đẩy đưa đàm phán Paris đi vào thực chất. Ngày 13/7/1972, Mỹ chấp nhận họp lại Hội nghị toàn thể bốn bên ở Paris.

Ông Olivier Parriaux và Bernard Bachelard cho biết, khi đến Việt Nam, họ nhận ra chiến tranh chưa chấm dứt, vẫn còn hàng tấn bom đạn ẩn náu trong lòng đất chưa nổ, tiếp tục giết người dân trong công cuộc tái thiết đất nước. Chất độc da cam, tàn phá thiên nhiên, con người Việt Nam khủng khiếp.

Lần đến thăm Việt Nam sau này có sự góp mặt của bà Trần Tố Nga - người đấu tranh cho nạn nhân da cam. Do đó, trong khuôn khổ chuyến thăm TPHCM, ông Olivier Parriaux và ông Bernard Bachelard đến thăm Khu di tích lịch sử Địa đạo Củ Chi, trao tặng quà cho gia đình chính sách, nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam và trẻ em mồ côi, khuyết tật.

Ở đền Tưởng niệm liệt sĩ Bến Dược (huyện Củ Chi), trước anh linh Chủ tịch Hồ Chí Minh, hương linh các Mẹ Việt Nam anh hùng, hương linh 45.639 người con ưu tú của đất nước ngã xuống vì độc lập, tự do của dân tộc qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, các thành viên trong đoàn dâng lên nén nhang thơm, dành phút mặc niệm, kính cẩn nghiêng mình tỏ lòng biết ơn vô hạn với đồng bào, cán bộ, chiến sĩ đã chiến đấu, hy sinh anh dũng vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Sau khi được nghe giới thiệu về đền Tưởng niệm liệt sĩ Bến Dược và thăm khu di tích Địa đạo Củ Chi, bày tỏ vinh dự to lớn khi được đến thăm TPHCM lần này, ông Olivier Parriaux xúc động nói: “Những việc chúng tôi làm chỉ là một đóng góp rất nhỏ trong chiến tranh giành độc lập của Việt Nam. Chúng tôi không xem đây là một hành động anh hùng, chúng tôi không phải là anh hùng, những con người Việt Nam đã hy sinh nằm lại nơi đây mới là anh hùng.

Ngay bây giờ, vẫn còn những vết thương chiến tranh không thể chữa lành, những di hại dai dẳng mà chiến tranh để lại không thể khắc phục và vẫn còn sự tồn tại khủng khiếp của chất độc màu da cam, tàn phá cả thiên nhiên và con người Việt Nam. Để có nền hòa bình, các thế hệ người dân Việt Nam đã phải đánh đổi rất nhiều”...

Ngày 17/11/2024, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên đã có buổi gặp gỡ thân mật với ông Olivier Parriaux và ông Bernard Bachelard. Ông Nguyễn Văn Nên chia sẻ: “Chúng tôi cảm nhận sâu sắc thông điệp, động cơ làm việc này của hai đồng chí không phải vì quyền lợi của hai đồng chí hay vì đất nước của hai đồng chí mà vì điều lớn hơn, cao cả hơn. Đó là vì hòa bình, công lý, là đấu tranh ủng hộ cho cuộc chiến đấu của nhân dân Việt Nam, bảo vệ hòa bình, độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Trụ sở EU tại Brussels, Bỉ.

EU cảnh báo Serbia

GD&TĐ -Ủy ban Châu Âu thừa nhận, việc Tổng thống Serbia đến dự lễ kỷ niệm Ngày Chiến thắng tại Nga sẽ tác động tiêu cực đến nỗ lực gia nhập EU của Serbia.