Sôi kinh nấu sử khi đi lính
Tư nghiệp Quốc Tử Giám Lê Hiếu Trung, người xã Chi Nê, huyện Chương Đức, nay là làng Chi Nê, xã Trung Hòa (Chương Mỹ, Hà Nội). Ông là một trong các nhà khoa bảng lớn của đất nước, một trong những bề tôi tiết nghĩa thời nhà Lê. Cái chết của ông cho đến nay đã trải qua hơn 500 năm nhưng vẫn vẹn nguyên về tinh thần tôi trung – đúng như tên tự của ông: Hiếu Trung.
Tiến sĩ Lê Hiếu Trung là một trong 10 vị đại khoa của làng Chi Nê. Ông thi đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân tại khoa thi Nhâm Tuất (1502) niên hiệu Cảnh Thống triều vua Lê Hiến Tông. Tuy nhiên, không giống các sĩ tử khác cùng thời xuất thân là nho sinh đèn sách, khi đi thi Lê Hiếu Trung đang đứng trong hàng ngũ quân đội nhà Lê, ông giữ quân hạng Định Huân.
Mặc dù làm nghĩa vụ bảo vệ đất nước nhưng ông vẫn không quên việc ngày đêm dùi mài kinh sử. Tại khoa thi Nhâm Tuất (1502), Lê Hiếu Trung thi đỗ đại khoa, là người thứ hai của làng Chi Nê đỗ Tiến sĩ.
Văn bia đề danh Tiến sĩ khoa thi Nhâm Tuất (1502) do Đông các Đại học sĩ Khuông nghĩa doãn Đàm Văn Lễ vâng sắc soạn, có đoạn miêu tả như sau: “Mùa Xuân, mở khoa thi Hội các cử nhân trong nước, số dự thi đông đến 5.000. Qua bốn trường lấy trúng cách được 61 người, đưa tên dâng lên. Hoàng thượng đích thân hỏi thi ở sân rồng.
Hoàng thượng đích thân xem xét, ban cho bọn Lê Ích Mộc 3 người đỗ Tiến sĩ cập đệ, bọn Nguyễn Cảnh Diễn 24 người đỗ Tiến sĩ xuất thân, bọn Phạm Khiêm Ích 34 người đỗ đồng Tiến sĩ xuất thân. Tư thiên giám chọn ngày tốt, hoàng thượng ngự điện Kính Thiên, sai truyền loa xướng tên người thi đỗ, trăm quan mặc triều phục chúc mừng. Mấy năm trước bảng vàng treo ngoài cửa Đông Hoa.
Nếu như sau trước khác nhau, ngoài là ngọc mà trong là đá, hoặc học tà, hoặc biến tiết, hoặc nham hiểm, hoặc gian tà, những điều người ta đọc thấy không giống như dư luận người ta đã nghe, việc làm trái với điều đã học, thì người đời sau xem bia sẽ chỉ vào tên mà chỉ trích chê cười, ngàn năm sau, tấm đá này đã bị tì vết thì làm sao có thể mài rửa được?”.
Tư liệu viết về Tiến sĩ Lê Hiếu Trung đến nay không còn nhiều, cũng không có nguồn chính sử ghi rõ ràng sau khi thi đỗ ông được bổ nhiệm chức gì. Chỉ biết vào năm 1507, Lê Hiếu Trung khi đó đang giữ chức Giám sát Ngự sử thì được triều đình cử làm Phó sứ sang nhà Minh để tạ ơn về việc sắc phong. Sau khi trở về, ông được thăng chức Tư nghiệp Quốc Tử Giám.
Sách “Lịch triều hiến chương loại chí” có ghi lại chức trách của Tế tửu, Tư nghiệp: “Phụng mệnh trông coi nhà Văn Miếu, rèn tập sĩ tử, phải chiếu theo chỉ truyền, hằng tháng theo đúng kỳ cho (học trò trường Giám) tập làm văn, để gây dựng nhân tài, giúp việc thực dụng cho nước”.

Bất khuất tử tiết
Theo quy định thời kỳ này, chức vụ Tư nghiệp Quốc Tử Giám mà Tiến sĩ Lê Hiếu Trung được lựa chọn bổ dụng - phải là những bậc đại khoa. Thời Lê sơ, Tư nghiệp là chức quan thứ 2 sau Tế tửu, làm phó cho Tế tửu, giúp Tế tửu trong việc rèn tập sĩ tử. Quan chế thời Lê xếp Tư nghiệp hàm Tòng ngũ phẩm. Từ năm Bảo Thái thứ 2 (1721), Tư nghiệp cùng với Tế tửu tham gia giảng dạy tại trường.
Để đảm nhiệm được trọng trách, ngay từ đầu khi tuyển chọn nhân sự cho Quốc Tử Giám, triều đình thường chọn những bậc tài năng, đạo cao đức trọng. Đợt tuyển chọn Tư nghiệp đầu tiên của nhà nước dưới thời Trần, Tư nghiệp là người phải có tài, có đức và thông hiểu kinh sách. Dưới thời Trần, Chu Văn An nổi tiếng học vấn uyên thâm, đạo đức trong sáng được vua Trần Minh Tông mời ra làm Tư nghiệp, đồng thời dạy học cho Thái tử.
Sau này, từ thời Lê trung hưng, triều đình quy định những người được giữ chức Tế tửu, Tư nghiệp phải là các nhà khoa bảng, đang giữ những trọng trách quan trọng của triều đình (Thượng thư, Thị lang) kiêm nhiệm. Thời kỳ này, do yêu cầu về canh tân giáo dục, phục hưng đất nước nên việc tuyển chọn học quan của Quốc Tử Giám rất được chú trọng.
Tế tửu, Tư nghiệp Quốc Tử Giám không chỉ là nhà quản lý về giáo dục, mà còn là những nhà giáo mẫu mực, đức trọng tài cao, là những trụ cột quốc gia giúp triều đình trong việc “trị quốc, bình thiên hạ”, là những cây đại thụ trong nền văn hóa, nước nhà. Tiến sĩ Lê Hiếu Trung với tài năng, đạo đức của mình đã không phụ sự mong đợi của triều đình trong việc quản lý và đào tạo ra nhân tài cho đất nước.

Giai đoạn ông làm quan cũng là quãng thời gian triều đình nhà Hậu Lê gặp nhiều biến động, tranh giành phe nhóm, đấu đá quyền lực dẫn đến bất ổn về chính trị - xã hội. Đặc biệt là sự nổi lên và trỗi dậy của các phe phái quyền lực gây ra sự phản loạn, thay thế ngôi vua, xâu xé đất nước. Trong hoàn cảnh đó, Tư nghiệp Lê Hiếu Trung vẫn kiên định một lòng tận trung với triều đình, nhất quyết không theo bè phái.
Theo “Đại Việt sử ký toàn thư”, năm 1521 vua Chiêu Tông sai Mạc Đăng Dung đem quân đánh con Trần Cảo là Cung ở Kinh Bắc, Lạng Nguyên, bắt được Cung và chấm dứt hoàn toàn loạn Trần Cảo. Quyền thế Đăng Dung càng lớn, năm 1522 hoàng đế cùng một số cận thần lánh khỏi Đông Kinh, hiệu triệu thiên hạ diệt Mạc Đăng Dung. Vua Chiêu Tông mới đầu thuận lợi, tưởng chừng như có thể thống nhất cơ đồ thì lại vụng về làm Trịnh Tuy bất mãn.
Tháng 8/1522, vua Lê Chiêu Tông sai người vào Thanh Hóa triệu Trịnh Tuy, nhưng Trịnh Tuy nghe tin vua Lê Chiêu Tông không nghe lời các tướng, lại tin dùng tiểu nhân, nên dùng dằng không đến. Mãi đến tháng 10, Trịnh Tuy điều hơn một vạn quân từ Thanh Hóa ra cần vương, sai Nguyễn Bá Kỳ vào hầu vua Chiêu Tông.
Cận thần của vua Chiêu Tông là Phạm Điền sợ Bá Kỳ tranh quyền, bèn tâu Chiêu Tông giết Kỳ. Chiêu Tông nghe theo, sai chém Kỳ rồi cử người mang đầu đến dinh quân Trịnh Tuy. Trịnh Tuy rất tức giận, từ đó nuôi chí khác, quyết định không hợp tác với các tướng ở kinh kỳ mà một mình nắm lấy Chiêu Tông để sai khiến, như Mạc Đăng Dung đang sử dụng vua Thống Nguyên.
Ngày 18/10/1522, Trịnh Tuy cùng thuộc tướng phao tin đi xem mặt bằng để dựng doanh trại trấn thủ ở xã Dịch Vọng. Tảng sáng hôm sau, Trịnh Tuy bắn ba tiếng súng, đem quân reo hò ầm ĩ, đụng độ với thân binh của vua Chiêu Tông, bắt vua Chiêu Tông về Thanh Hóa. Tư nghiệp Lê Hiếu Trung lúc đó đã tử tiết để phản đối Trịnh Tuy.

Gương sáng nghìn năm
Năm 1523, sau khi Trịnh Tuy đem Chiêu Tông về Thanh Hoá, quân lực của vua Chiêu Tông bị giảm đáng kể, Mạc Đăng Dung liên tiếp sai thuộc hạ đi đánh Trịnh Tuy ở Thanh Hóa. Sau này, Mạc Đăng Dung bắt được Chiêu Tông ở động An Nhân đem về kinh sư giam ở phường Đông Hà. Nghe tin Chiêu Tông bị bắt, các quần thần đều bị truy lùng và giết chết, bấy giờ triều đình đều nằm trong tay Mạc Đăng Dung.
Tấm gương tiết nghĩa của Tư nghiệp Lê Hiếu Trung còn được ghi lại trong nhiều sách chính sử qua các triều đại về sau như: “Lịch triều hiến chương loại chí”, “Khâm định Việt sử thông giám cương mục”, “Đại Nam nhất thống chí”…
Trong “Lịch triều hiến chương loại chí” (Phan Huy Chú), tại phần “Bề tôi tiết nghĩa” đã đưa ra những tấm gương bề tôi tiêu biểu qua các triều đại phong kiến Việt Nam. Trong đó thời Trần có 6 người, thời Lê sơ có 40 người và cuối thời Lê có 1 người. Những người này đều là những người trung nghĩa vẹn toàn với triều đình, thà chịu chết chứ không chịu khuất phục thù trong giặc ngoài, để lại tiếng thơm muôn đời.
Lê Hiếu Trung là một trong số các bề tôi tiết nghĩa đó. Ông đã tử tiết để không chịu khuất phục bè phái Trịnh Tuy làm phản. Ông tử tiết để là một bề tôi trung nghĩa với triều đình, đúng như lời răn dạy khắc trên bia đề danh Tiến sĩ khoa thi năm Nhâm Tuất (1502): “Người được dự vào hàng thị tòng, người vào ban gián nghị, hoặc sung chức ở các bộ các ti vẫn nên giữ tiết trung thành, trau dồi đức hạnh, nuôi ý chí, gắng sự nghiệp, tiếng để đời mình, công dành hậu thế, trên không phụ thịnh ý triều đình cất nhắc, dưới không phụ ý chí hoài bão thường ngày. Được như vậy thì tấm đá này khắc ra, càng lâu càng thêm sáng vậy”.
Bản dịch gia phả dòng họ Lê ghi chép: Tư nghiệp Lê Hiếu Trung, lặn ngụp trong vực thánh hiền, du chơi trong biển học, văn chương nổi tiếng ở đời, thật đáng bậc cự nho. Gia phả cũng cho biết, Tiến sĩ Lê Hiếu Trung có 4 người con trai. Sau khi ông mất đi thì người con trưởng ở lại quê hương. Người con thứ là Thái Nham hầu di cư đến thôn La Khê, là người tính nết trung hiếu, ông đã mang quân để “phù Lê diệt Mạc”, là bậc đại công thần.
Con cháu các đời sau vẫn nối tiếp sự trung nghĩa và hiếu học của cha ông mình, dòng họ Lê có nhiều người đỗ đạt trong đó có người đỗ đại khoa nổi tiếng, như Tiến sĩ Lê Đăng Cử đỗ khoa thi năm Kỷ Hợi (1779), làm quan đến chức Đông các Hiệu thư.
Năm 2014, họ Lê Văn ở làng Chi Nê đã tổ chức khánh thành lăng bia Tiến sĩ Lê Hiếu Trung tại xóm Đồi. Hàng năm cứ đến ngày giỗ của Tư nghiệp Lê Hiếu Trung vào mồng 4 Tết, con cháu dòng họ Lê lại tổ chức tế lễ trang trọng tại văn bia Tiến sĩ Lê Hiếu Trung được đặt cạnh mộ tổ họ Lê Văn. Vào dịp này, dòng họ cũng tổ chức các hoạt động khuyến học, tặng quà cho con cháu có thành tích học tập tốt nhằm khuyến khích tinh thần học tập, noi gương sáng tiền nhân mà Tiến sĩ Lê Hiếu Trung đã để lại.
Theo TS Nguyễn Văn Tú - Phó Giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám: Bộ máy quản lý việc dạy và học ở Quốc Tử Giám thời Trần hầu như không thay đổi. Sang thời Lê, cùng với sự phát triển của Quốc Tử Giám, hệ thống quan chức của Quốc Tử Giám ngày càng được hoàn thiện.
Năm Giáp Dần niên hiệu Thiệu Bình thứ 1 (1434), vua Lê Thái Tông đặt chức quan Tế tửu đứng đầu Quốc Tử Giám. Chức quan Tư nghiệp đứng thứ 2 sau Tế tửu. Ngoài ra, học quan của Quốc Tử Giám còn có Giáo thụ, Trợ giáo, Ngũ kinh Bác sĩ...
Lê Hiếu Trung là một trong những vị Tư nghiệp có nhiều cống hiến trong hoạt động đào tạo nhân tài của Văn Miếu - Quốc Tử Giám, và là vị đại khoa để lại gương sáng về đức độ, lòng trung hiếu.