Những ký ức không thể nào quên
Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước; 53 năm Đoàn Nhà giáo, chiến sĩ các tỉnh phía Bắc đi B Quảng Trị, TS Lê Thị Hương - Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Trị đã có những chia sẻ về ý nghĩa, vai trò của các thầy cô năm xưa không quản ngại hi sinh, gian khổ để vào "đất lửa" với khát vọng "gieo chữ" cho người dân vùng mới giải phóng.
Năm 1972, Quảng Trị trở thành chiến trường trọng điểm, nơi diễn ra cuộc đối đầu lịch sử giữa ta và địch. Bom đạn cày xới, trường lớp tan hoang, cuộc sống của người dân vô cùng khó khăn.
Trong bối cảnh đó, ngành Giáo dục Quảng Trị đứng trước những thử thách chưa từng có. Tuy nhiên, với tinh thần yêu nước nồng nàn, ý chí kiên cường và lòng yêu nghề sâu sắc, hàng trăm thầy cô giáo đã tình nguyện lên đường, gác lại những lo toan cá nhân, vượt qua mọi hiểm nguy để thực hiện sứ mệnh, sự nghiệp “trồng người” cao cả.

Các thầy cô đã đến với những vùng quê ác liệt nhất, bám trụ lại những lớp học tạm bợ, thậm chí là hầm hào, dựng lán để dạy học, truyền đạt con chữ, thắp lên ngọn lửa tri thức và niềm tin cho các em học sinh. Tiếng giảng bài vẫn vang lên giữa tiếng bom đạn, những trang vở vẫn thấm đẫm mồ hôi và cả máu.
Các thầy cô không chỉ là người truyền thụ kiến thức mà còn là những người đồng chí, người bạn, người anh, người chị, động viên, che chở cho các em vượt qua những khó khăn, mất mát của chiến tranh.
Cô Nguyễn Thị Yên, quê ở Hà Nội tâm sự: “Dù phải đối mặt với bao gian khổ nhưng chúng tôi được các cấp lãnh đạo, người dân yêu thương, đùm bọc, chia sẻ. Nhờ đó, chúng tôi yên tâm hơn để hoàn thành nhiệm vụ”.

Cô Trần Thị Hằng, quê ở xã Nam Thắng (Tiền Hải, Thái Bình) tâm sự, do bom đạn kẻ thù còn rình rập trên đầu nên phải khoét đất đào hầm làm phòng học, kiếm que gỗ gác lên rồi đi lấy tranh về che. Đêm đến thì đốt đuốc sinh hoạt, hoặc tập văn nghệ. Do chiến tranh tàn phá nên trường lớp phải che tạm để học. Phải lấy ván gỗ ghép lại thành bàn, lấy tôn ở sân bay ghép lại, lấy tranh lợp lên để học.
Thầy giáo Bùi Duy Hằng, quê ở Hà Nội cho biết, năm 1973 thầy vào dạy ở Triệu Lễ, huyện Triệu Phong, đến năm 1975 thì di chuyển lên dạy học ở Khe Sanh, huyện Hướng Hóa. Lúc ấy trường rất đơn sơ, mọi người đi lượm lại táp lô, gạch vỡ dựng lên, lấy tranh làm mái. Chúng tôi ở cùng người dân để dạy học.
Và còn nhiều thầy cô nữa luôn mang theo bao kỷ niệm, ký ức gian khó của một thời thanh xuân, cống hiến, hy sinh cho sự nghiệp giáo dục cao quý và rất đỗi vinh quang này.
Tiếp nối truyền thống anh hùng

Thế hệ hôm nay rất tự hào, vinh dự được tiếp nối truyền thống của những lớp thế hệ thầy cô đi trước. Chúng tôi xin bày tỏ sự biết ơn sâu sắc đối với những cống hiến và hy sinh cao cả của các thầy cô đi B Quảng Trị. Những gì các thầy cô đã làm sẽ mãi mãi là niềm tự hào của ngành Giáo dục Quảng Trị, là tấm gương sáng cho các thế hệ nhà giáo hôm nay và mai sau học tập, noi theo.
Chúng em nguyện sẽ tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp của ngành, không ngừng đổi mới, sáng tạo, nâng cao chất lượng giáo dục, góp phần xây dựng một nền Giáo dục Quảng Trị ngày càng vững mạnh, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Kế thừa những thành tựu của giáo dục cách mạng qua các thời kỳ, sau ngày tái lập tỉnh (từ năm 1989 đến nay), Giáo dục Quảng Trị đã từng bước vượt qua khó khăn, đạt nhiều thành tích quan trọng. Quy mô, mạng lưới trường lớp không ngừng phát triển, đội ngũ cán bộ, giáo viên ngày càng lớn mạnh, đáp ứng nhu cầu học tập của các tầng lớp nhân dân.

Đến nay, toàn ngành có gần 400 cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông và các trung tâm, với gần 180.000 học sinh. Đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên toàn ngành có gần 15.000 người; đội ngũ nhà giáo ngày càng phát huy được phẩm chất tốt đẹp, đổi mới, tâm huyết với nghề.
Nhiều cán bộ quản lý giỏi, năng động, sáng tạo, có nhiều cách làm mang tính đột phá để xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện, nâng cao chất lượng giáo dục; nhiều giáo viên giỏi về chuyên môn, tâm huyết, trách nhiệm cao với công việc, hết lòng vì học sinh thân yêu. Cơ sở vật chất và trang thiết bị trường học được tăng cường đầu tư theo hướng chuẩn hóa và hiện đại, đáp ứng yêu cầu đào tạo nhân lực trong thời kỳ mới...
Ngành Giáo dục Quảng Trị đang tích cực triển khai thực hiện Nghị quyết số 29 của Trung ương về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo. Toàn ngành tiếp tục ra sức nỗ lực, thi đua đổi mới, sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số vào công tác quản lý, dạy học để nâng cao chất lượng giáo dục, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp đổi mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Những ngày này, khi cả nước đang hân hoan chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước và kỷ niệm 53 năm ngày các nhà giáo, chiến sĩ các tỉnh phía Bắc đi B Quảng Trị, chúng em được gặp lại thầy cô, mặc dù tuổi đã cao, sức không còn khỏe như thời kỳ trước, nhưng chúng em cảm nhận rõ được tinh thần, bản lĩnh kiên cường, tình sâu nghĩa nặng của các thế hệ thầy cô giáo đi B tại chiến trường Quảng Trị, nơi mà quý thầy cô đã sống, lao động, công tác, chiến đấu và cống hiến, tạo nền móng vững chắc ban đầu cho Giáo dục Quảng Trị sau giải phóng và ngày hôm nay.