Trong bối cảnh các cơ sở giáo dục đại học đang nỗ lực “lấp đầy” tiêu chí tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ, nhiều địa phương đã hậu thuẫn trường đại học bằng những chính sách thu hút đặc biệt.
Thảm đỏ đón giảng viên tiến sĩ
Tháng 12/2024, HĐND TP Hải Phòng thông qua Nghị quyết số về chính sách hỗ trợ đào tạo, thu hút giảng viên trình độ cao cho Trường Đại học Hải Phòng trong giai đoạn 2025 - 2030.
Theo đó, đối với giảng viên các ngành đào tạo mũi nhọn gồm công nghiệp công nghệ cao, dịch vụ cảng biển, logistics, du lịch - thương mại, công nghệ thông tin, phần mềm bao gồm trí tuệ nhân tạo, thiết kế chip bán dẫn và AI, thiết kế vi mạch; các ngành ngôn ngữ Hàn Quốc, Nhật Bản được tiếp nhận hoặc tuyển dụng từ năm 2025 được hỗ trợ 500 triệu đồng khi đạt chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư là 400 triệu đồng và tiến sĩ là 300 triệu đồng khi về giảng dạy tại Trường Đại học Hải Phòng.
Mức hỗ trợ kinh phí đào tạo đối với giảng viên Trường Đại học Hải Phòng có quyết định tuyển dụng viên chức từ năm 2025 trở về trước và có ít nhất một năm công tác tại trường sau khi đạt trình độ tiến sĩ, đạt chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư là 200 triệu đồng.
Trường Đại học Hải Phòng đã thông báo rộng rãi về chính sách thu hút giảng viên trình độ cao của thành phố. Tuy nhiên, lực hút của chính sách chưa đạt như kỳ vọng khi chỉ nhận được sự quan tâm của giảng viên có trình độ tiến sĩ thuộc ngành Luật, Tổ chức quản lý vận tải và một giảng viên là phó giáo sư về lĩnh vực công nghệ thông tin đang làm việc ở nước ngoài.
Để thu hút nguồn nhân lực cao về tỉnh làm việc, tháng 9/2023, HĐND tỉnh Bạc Liêu thông qua nghị quyết quy định chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức; chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao trên địa bàn.
Theo đó, mức hỗ trợ thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao được hưởng chế độ một lần quy định: Đối với giáo sư, mức hỗ trợ là 500 triệu đồng, phó giáo sư là 400 triệu đồng, tiến sĩ là 300 triệu đồng, bác sĩ chuyên khoa II là 200 triệu đồng, cam kết thời gian làm việc tối thiểu 7 năm. Đối với thạc sĩ, mức hỗ trợ là 100 triệu đồng, bác sĩ nội trú là 150 triệu đồng, sinh viên tốt nghiệp đại học xuất sắc là 30 triệu đồng, cam kết thời gian làm việc tối thiểu 5 năm.
Đây không phải lần đầu Bạc Liêu ban hành chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao. Trước đó, từ năm 2013, Bạc Liêu công bố rộng rãi chế độ hỗ trợ kinh phí một lần cho các giáo sư, tiến sĩ khi về công tác tại địa phương với mức 500 triệu đồng/giáo sư. Tuy nhiên, trong suốt 10 năm ban hành chính sách, chưa có ai đăng ký làm việc tại địa phương để hưởng các chế độ đãi ngộ theo diện thu hút này.
Trước khi Trường Đại học An Giang chưa trở thành cơ sở giáo dục đại học thuộc Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, tỉnh An Giang có đề án đào tạo nhân lực trình độ cao bằng việc tài trợ kinh phí đào tạo. Thế nhưng, Trường Đại học An Giang chỉ có một giảng viên tham gia và khi học xong cũng không quay về công tác như cam kết ban đầu.
Theo nhận xét của PGS.TS Võ Văn Thắng - Hiệu trưởng Trường Đại học An Giang, bài toán nhân lực trình độ cao ở các địa phương và trường đại học địa phương khó có lời giải vì nếu chỉ riêng tiền thưởng thì chưa đủ sức hút với các ứng viên.

Đòn bẩy từ chính sách địa phương
Năm 2024, lần đầu tiên, Trường Đại học Đồng Tháp thành lập Hội đồng Giáo sư cơ sở và có 5/5 ứng viên được Hội đồng Giáo sư Nhà nước công nhật đạt tiêu chuẩn phó giáo sư. Cũng trong năm này, nhà trường có 2 giảng viên nhận bằng tiến sĩ và tuyển dụng mới thêm 12 tiến sĩ chuyên ngành về giảng dạy.
Trong lễ công bố quyết định bổ nhiệm chức danh phó giáo sư năm 2024, Trường Đại học Đồng Tháp đã chi gần 3 tỷ đồng hỗ trợ cho các tân phó giáo sư, tiến sĩ theo chính sách khuyến khích, đãi ngộ, thu hút nguồn nhân lực trình độ cao.
Theo đánh giá của đại diện Trường Đại học Hải Phòng, chính sách hỗ trợ, thu hút và đào tạo, bồi dưỡng giảng viên trình độ cao cho nhà trường là đòn bẩy để vừa thu hút và giữ chân giảng viên giỏi, đáp ứng yêu cầu về tiêu chuẩn đội ngũ theo yêu cầu mới.
Chỉ trong hơn một năm qua, nhà trường có thêm 15 giảng viên làm nghiên cứu sinh, 2 giảng viên được bổ nhiệm chức danh phó giáo sư và 14 giảng viên bảo vệ thành công luận án tiến sĩ. Nhà trường cũng đặt ra chỉ tiêu trong năm 2025 - 2026 phải có 60 giảng viên là thạc sĩ đang giảng dạy các khoa đăng ký làm nghiên cứu sinh.
Chia sẻ tại hội thảo Chính quyền địa phương ở Việt Nam và sự phát triển của các trường đại học, cao đẳng trực thuộc vào tháng 5/2024, PGS.TS Bùi Xuân Hải - Hiệu trưởng Trường Đại học Hải Phòng cho rằng, chính quyền giữ vai trò quyết định đến sự phát triển của trường đại học địa phương.
Luật Giáo dục đại học không có khái niệm đại học địa phương nhưng các trường đại học công lập có hai loại chủ sở hữu là các cơ quan Trung ương hoặc UBND cấp tỉnh, thành phố. Vì vậy, trường đại học nào được địa phương quan tâm thì trường đó có điều kiện phát triển.
Theo Hiệu trưởng Trường Đại học Hải Phòng, các trường địa phương có một khoảng cách nhất định so với các trường ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Do đó, khi chúng ta thu hút giảng viên là những giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ giỏi về trường thì họ có tâm huyết, gắn bó lâu dài không… đó là câu hỏi lớn. Còn các nhà trường đào tạo được người giỏi mà không giữ chân được thì họ cũng sẽ chuyển công tác.
GS.TS Trần Văn Nam - nguyên Giám đốc Đại học Đà Nẵng cho rằng, để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao cho các trường đại học, ngoài yếu tố thu nhập, còn là môi trường sống, làm việc, nghiên cứu đủ hấp dẫn và giữ chân người tài.
“Thu hút phải đi đôi với trọng dụng và nghiên cứu cẩn trọng, đề ra những giải pháp, chính sách cụ thể cho từng ngành, lĩnh vực,… thì mới phát huy hiệu quả của nguồn nhân lực. Hiện, nghiên cứu khoa học ở các cơ sở giáo dục đại học theo xu hướng liên ngành, nếu chỉ thu hút giảng viên tiến sĩ theo kiểu đơn lẻ, không hình thành được nhóm nghiên cứu mạnh thì khó để giữ chân giảng viên lâu dài”, ông Nam nhấn mạnh.
Song song với chính sách thu hút nhân tài, để giải quyết bài toán nguồn nhân lực chất lượng cao tại chỗ, từ năm 2004, Đà Nẵng bắt đầu triển khai chương trình hỗ trợ đào tạo bậc đại học tại các cơ sở giáo dục trong nước và ở nước ngoài bằng ngân sách Nhà nước dành cho học sinh các trường THPT trên địa bàn thành phố.
Tuy nhiên, chỉ sau khoảng hơn 10 năm thực hiện bắt đầu xuất hiện nhiều vướng mắc, bất cập cả về cơ chế, chính sách cũng như chế độ đãi ngộ và hiệu quả sử dụng khiến dư luận đặt câu hỏi: Thu hút hay đào tạo nhân tài, cách nào hiệu quả và tránh được rủi ro?.
Đà Nẵng đã có sự điều chỉnh trong chính sách thu hút nhân tài trình độ cao. Theo đó, thành phố tập trung thu hút đối tượng là chuyên gia, khoa học ở khu vực ngoài Nhà nước, người Việt Nam sinh sống, làm việc ở nước ngoài đến làm việc theo hình thức hợp đồng ngắn hạn để phục vụ chương trình, dự án lớn của thành phố trên các lĩnh vực mũi nhọn. Sự chuyển hướng này sẽ đảm bảo được tính linh hoạt, sát với nhu cầu, tối ưu hóa mục đích sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao.

Sức hút từ môi trường làm việc
Cuối năm 2023, thầy Nguyễn Văn Ái chuyển công tác từ Trường THPT Kỳ Lâm (Kỳ Anh, Hà Tĩnh) về giảng dạy tại Trường Đại học Hà Tĩnh sau khi có bằng tiến sĩ chuyên ngành Vật lý. Dù không được hưởng chế độ theo chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao theo Nghị quyết 46/2021 của HĐND tỉnh Hà Tĩnh nhưng thầy Ái vẫn chọn chuyển công tác về môi trường đại học để có điều kiện nghiên cứu chuyên sâu.
Trong khi đó, ở chiều ngược lại, năm 2003, TS Nguyễn Duy Thái Sơn dù có một số lời mời về làm việc ở trường đại học nhưng vẫn chọn làm việc tại Đà Nẵng theo chính sách thu hút nhân tài của thành phố này và dạy học ở Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn. Trước đó, thầy Sơn có 5 năm được mời làm giáo sư và nghiên cứu sau tiến sĩ tại Trung tâm quốc tế về vật lý lý thuyết thuộc Cộng hòa Ý, Đại học Ohio (Hoa Kỳ), Đại học Kyoto Sangyo (Nhật Bản), Đại học Vienna (Cộng hòa Áo).
Thầy Sơn chia sẻ, thời điểm đó, không ít người ngạc nhiên về sự lựa chọn môi trường dạy Toán ở phổ thông của thầy. Điều kiện làm việc, nghiên cứu ở Đà Nẵng không thể sánh với hai thành phố lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Thế nhưng, chính cách đối xử trọng thị của lãnh đạo thành phố trong chính sách thu hút, đãi ngộ nhân tài, tinh thần ham học hỏi của học trò đã giữ chân thầy Sơn ở lại dạy học, bồi dưỡng học sinh giỏi tại Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn thêm 2 năm so với thời gian ràng buộc theo hợp đồng.
Trong thời gian 7 năm giảng dạy tại Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, thầy Sơn đã mang về cho Đà Nẵng 2 Huy chương Bạc và 2 Huy chương Đồng Olympic Toán quốc tế, truyền lửa đam mê môn Toán cho nhiều thế hệ học trò. “Tôi có những học trò đam mê Toán học. Dạy các em, tôi thấy mình làm được những điều có ích”, thầy Sơn tâm sự.
Sau đó, thầy Sơn đã chuyển về giảng dạy tại Khoa Toán, Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng) và tiếp tục duy trì hỗ trợ đối với đội tuyển Toán của TP Đà Nẵng.
“Với chính sách đầu tư phát triển các nguồn lực phục vụ đào tạo nhân lực bán dẫn tại các trường đại học tại Đà Nẵng, chính quyền thành phố đã hỗ trợ trong triển khai các chương trình đào tạo, tập huấn cho đội ngũ giảng viên có chuyên ngành gần vi mạch bán dẫn.
Sự hợp tác giữa Đà Nẵng với các doanh nghiệp bán dẫn lớn (ví dụ Synopsys, Qualcomm, Nvidia) góp phần nâng chất lượng trong đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giảng viên tại cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố trong các lĩnh vực bán dẫn”. - PGS.TS Nguyễn Lê Hùng Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật (Đại học Đà Nẵng)