Phương tiện (bao gồm mô tô, xe máy và ô tô) đã chuyển sở hữu qua nhiều người nhưng thiếu hoặc không có giấy tờ chuyển quyền sở hữu, tức xe không chính chủ, sẽ bị phạt từ 400 - 600 nghìn đồng đối với xe mô tô, xe máy cá nhân và từ 800 nghìn đến 1,2 triệu đồng đối với tổ chức. Với ô tô, mức phạt tương ứng là 2 - 4 triệu đồng đối với cá nhân và từ 4 - 8 triệu đồng với tổ chức.
Chưa có báo cáo thống kê trong 5 ngày qua đã có bao nhiêu xe không chính chủ bị phạt vì Thông tư này, song có một thực tế là người dân rất “tâm tư” xung quanh câu chuyện xử phạt nói trên.
Mặc dù, cơ quan quản lý đã ra văn bản quy định về việc đổi chủ sang tên dành cho ô tô, xe máy từ nhiều tháng trước, song ai cũng biết, chuyện chuyển đổi biển số xe từ người này sang người khác là điều không hề đơn giản, nhất là người đứng tên chủ xe ở miền Nam mà người đang đi xe lại ở các tỉnh phía Bắc và ngược lại.
Hơn nữa, đất nước vừa trải qua nhiều tháng dịch dã, việc đi lại để làm các thủ tục như quy định của Thông tư nói trên của người dân là hết sức vất vả, nếu không nói là bất khả kháng.
Lấy ví dụ như chiếc xe máy của ông X quê ở Lạng Sơn, cho con là Y học đại học ở TPHCM, giờ đứa con đã tốt nghiệp đại học, quay về Lạng Sơn làm việc, thấy vận chuyển chiếc xe khó khăn, vả lại giá trị xe chẳng đáng là bao nên ông bố bèn cho tiếp đứa cháu đang học tại TPHCM. Để đứa cháu hợp thức tên của mình, đứa cháu ấy không thể mang xe ra Lạng Sơn để làm các thủ tục như quy định. Nếu có làm được đi nữa thì tiền đi lại cũng ngang chiếc xe rồi.
Trả lời báo chí, đại diện cho cảnh sát giao thông - đơn vị có chức năng xử phạt xe không chính chủ - cho biết, chỉ phạt những xe không chính chủ khi xe ấy gây tai nạn giao thông hoặc trong trường hợp vi phạm luật giao thông! Đã có độ “thông thoáng” của Thông tư 58/2020/TT-BCA như thế, song khi đã là luật thì bất luận trong trường hợp nào, hễ vi phạm (tức không sang tên đổi chủ) là bị phạt chứ không phải phạt lỗi này lại đi “nhờ” vào lỗi khác!
Sẽ có vô vàn những câu chuyện phức tạp, gây khó cho người dân xung quanh Thông tư 58. Ví dụ như một ông chủ kinh doanh việc giao hàng cho khách. Ông ta có 20 nhân viên nên phải “cấp” 20 xe máy do chính ông đứng tên cho số nhân viên đó để họ đi giao hàng hằng ngày. Giờ không lẽ ông chủ kia phải sang tên cho cả 20 nhân viên! Nếu trong số 20 người kia họ xin nghỉ… 5 người, ông chủ lại phải… sang tên tiếp.
Nhiều năm trước, người dân đã kêu trời xung quanh quy định “chỉ bán xe cho người có bằng lái”, thế là “dịch vụ làm bằng lái để mua được xe” mọc lên nhan nhản. Rồi quy định ai có hộ khẩu ở các quận nội thành ở Hà Nội và TPHCM không được mua xe máy.
Thế là có một cuộc đổ bộ về quê của người nội thành để mượn tên ai đó ở quê đứng giùm tên để mua xe máy. Hậu quả của các quy định này thế nào thì ai cũng rõ rồi.
Một quy định mà ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân ngay trong lúc này thì cũng phải hết sức cân nhắc vậy.