Lai Châu: Chủ động “4 tại chỗ, 3 sẵn sàng”

GD&TĐ - Chú trọng phòng chống thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ, 3 sẵn sằng” là giải pháp của Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn huyện Phong Thổ, Lai Châu nhằm giảm thiệt hại về người và tài sản.

 Lai Châu: Chủ động “4 tại chỗ, 3 sẵn sàng”

Phòng là chính

Năm 2020, trên địa bàn huyện Phong Thổ có trên 8 đợt thiên tai xảy ra, đã gây thiệt hại tổn thất lớn về người, tài sản, cơ sở hạ tầng nhà cửa, hoa màu, nông nghiêp, vật nuôi của Nhân dân trên địa bàn huyện. Tổng thiệt hại ước tính khoảng trên 129 tỷ đồng. Hơn hết, thiên tai đã làm chết 4 người và khiến 15 người bị thương.

Ngay từ đầu năm 2021, tình hình thiên tai diễn biến phức tạp, cực đoan, bất thường đã tiếp tục gây thiệt nặng cho bà con nơi đây.

Trước thực trạng đó, ngay từ những ngày đầu của mùa mưa năm nay, UBND huyện đã tập trung chỉ đạo Ban chỉ huy PCTT&TKCN huyện, UBND các xã thị trấn tập trung theo phương châm “lấy phòng tránh là chính”.

Chú thích ảnh: Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Huổi Luông cùng các lực lượng giúp dân lợp lại nhà.

Ông Vương Thế Mẫn, Chủ tịch UBND huyện Phong Thổ cho biết: “Huyện đã chỉ đạo các địa phương xây dựng phương án ứng phó với rủi ro thiên tai sát với tình hình thực tế tại địa phương. Phân công công việc cụ thể rõ ràng cho các thành viên. Chủ động xây dựng kế hoạch bổ sung nhằm đảm bảo đủ trang bị, phương tiện thiết yếu phục vụ cần thiết để có thể huy động kịp thời khi có rủi ro thiên tai xảy ra.  Cùng với đó, xây dựng phương án cụ thể trong việc tổ chức di dời, bảo vệ dân ở vùng chịu ảnh hưởng của lũ ống, lũ quét, sạt lở đất đến nơi an toàn”.    

Song song với đó, huyện Phong Thổ đã tăng cường kiểm tra, đánh giá mức độ an toàn của các công trình thủy lợi, nhất là hồ chứa trên địa bàn. Đồng thời, theo dõi sát sao mực nước tại hồ thủy điện để chủ động xả lũ, đảm bảo an toàn vùng hạ du…

Tại xã vùng cao biên giới Vàng Ma Chải, mọi giải pháp về phòng chống thiên tai tiếp tục được xã triển khai sớm trên tinh thần “Phòng hơn chống”. Ngay từ đầu năm, UBND xã đã kiện toàn lại Ban Chỉ huy PCTT&TKCN cấp xã. Đồng thời, có văn bản triển khai công tác phòng chống mưa đá, gió lốc gửi đến các bản.

Bên cạnh đó, xã đã quan tâm, nắm bắt diễn biến thời tiết thông qua kênh dự báo Đài Khí tượng thủy văn Lai Châu. Tổ chức thông báo và đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục về ý thức, trách nhiệm của hệ thống chính trị từ xã đến bản và tận người dân trong việc PCTT&TKCN.

Ông Vũ Hữu Lưỡng, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Phong Thổ cho biết: “Phòng đã chỉ đạo các xã, thị trấn xây dựng phương án điều chỉnh cơ cấu cây trồng, vật nuôi, mùa vụ phù hợp với dự báo, cảnh báo và tình hình diễn biến của khí hậu. Hướng dẫn người dân thay đổi khung thời vụ gieo trồng để tránh những đợt rét đậm, rét hại khi gieo cấy và mưa lũ khi thu hoạch.

Cùng với đó, áp dụng quy trình sản xuất phù hợp, hướng tới nền nông nghiệp hiện đại. Thực hiện các biện pháp kiểm soát, phòng chống dịch bệnh cây trồng và vật nuôi, hướng dẫn người dân chủ động phòng chống rét cho gia súc, gia cầm, hạn chế chăn thả, chủ động dự trữ thức ăn cho gia súc”.

Cũng theo ông Lưỡng, hiện trên địa bàn còn một số hộ đang nằm trong vùng có nguy cơ sạt lở, cần phải di chuyển. Thời gian tới, huyện Phong Thổ sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nâng cao ý thức tự chủ động phòng, tránh thiên tai của người dân, nhất là đối với các gia đình đang sinh sống tại các sườn núi, ven sông, suối có nguy cơ xảy ra sạt lở, lũ quét cao để hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra.

Hiệu quả từ “4 tại chỗ, 3 sẵn sàng”

Xã Lản Nhì Thàng (huyện Phong Thổ), có 9 bản, 10 điểm dân cư, với 2 dân tộc Mông, Dao cùng sinh sống. Bà con nơi đây có tập quán sinh sống trên các sườn đồi, núi. Đây là những địa điểm hay xảy ra sạt lở, lũ ống, lũ quét khi mưa lớn kéo dài.

Để chủ động phòng chống và giảm thiểu thiệt hại thiên tai, xã Lản Nhì Thàng đã kiện toàn lại Ban Chỉ huy PCTT&TKCN. Xây dựng các phương án ứng phó theo phương châm “4 tại chỗ” gồm: chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện vật tư tại chỗ, hậu cần tại chỗ và “3 sẵn sàng” về phương tiện, con người, thuốc men.

Cùng với đó, xã thường xuyên tuyên truyền cho Nhân dân cách chằng chống nhà và các biện pháp đề phòng, chủ động ứng phó khi mưa lũ xảy ra. Khi không may chịu ảnh hưởng do mưa bão, xã đã huy động lực lượng cùng với người dân vào cuộc để khắc phục hậu quả.

Thực hiện phương châm “cứu nạn khẩn trương – khắc phục kịp thời”, Ban chỉ huy PCTT&TKCN huyện Phong Thổ đã chỉ đạo các xã, thị trấn tập trung nguồn lực để khi thiên tai xảy ra thực hiện tốt “4 tại chỗ”. Theo đó, tập trung thành lập 17 đội xung kích với 1.227 thành viên. Chuẩn bị sẵn các nhu yếu phẩm để đảm bảo phục vụ nhu cầu sinh hoạt cho người dân và sẵn sàng các phương tiện tham gia thực hiện tìm kiếm cứu nạn khi thiên tai xảy ra.

“Năm 2020, toàn huyện đã tổ chức tuyên truyền vận động, hỗ trợ khắc phục sửa chữa xong 3.452 nhà. Đồng thời, tổ chức bố trí di dời 16 hộ nằm trong vùng nguy cơ sạt lở đến nơi an toàn. Bổ sung diện tích giải phóng mặt bằng 1,1ha và 3 hộ vào Dự án di dân tập trung tại xã Lản Nhì Thàng. Trong năm 2021, huyện tiếp tục di chuyển 10 hộ ra khỏi khu vực ảnh hưởng của thiên tai. Trong đó, có 5 hộ bị thiệt hại năm 2021 và 5 hộ lũy kế thiệt hại năm 2019 -2020. Tổng kinh phí hỗ trợ di chuyển là 200 triệu đồng.”, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Phong Thổ cho biết.

Bên cạnh đó, huyện đã hỗ trợ 728kg giống lúa vào sản xuất vụ mùa, kêu gọi hỗ trợ 300kg giống ngô để sản xuất vụ xuân hè. Triển khai cấp phát 13.000kg giống lúa, 12.300 kg giống ngô và 164 kg giống rau để người dân khôi phục diện tích hoa màu bị thiệt hại. Bên cạnh đó, huyện đã lồng ghép các nguồn vốn để trồng mới 31ha chuối và triển khai 9 Dự án chăn nuôi với quy mô 39.102 con gia cầm được hỗ trợ cho các hộ trên địa bàn để khôi phục chăn nuôi.

Huyện đã chỉ đạo khắc phục 6 hạng mục công trình giao thông bằng nguồn vốn cân đối ngân sách địa phương với tổng kinh phí 3.650 triệu đồng. Có 2 công trình thủy lợi đã được khắc phục với tổng kinh phí 700 triệu đồng. Cùng với đó, huyện đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục lồng ghép vào nguồn vốn sự nghiệp giáo dục để khắc phục sửa chữa thiệt hại do thiên tai gây ra.

Chủ tịch UBND huyện Phong Thổ cho biết thêm: “Để chủ động phòng chống, giảm đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, huyện sẽ tiếp tục chỉ đạo các xã, thị trấn tăng cường các giải pháp theo phương án ứng phó với rủi ro thiên tai gắn với thực tế tại địa phương. Có kế hoạch dự trữ lương thực và nhu yếu phẩm phục vụ nhân dân đảm bảo đủ nhu cầu khi có thiên tai xảy ra.

Xây dựng phương án điều chỉnh cơ cấu cây trồng, vật nuôi, mùa vụ phù hợp với dự báo, cảnh báo và tình hình diễn biến của khí hậu. Chúng tôi sẽ hướng người dân “thuận thiên” để ứng phó trước tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu và thiên tai gây ra”.

Đây là bài viết truyền thông về phòng, chống thiên tai – Chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu từ cộng đồng của Bộ Thông tin và Truyền thông năm 2021

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ