Nhận diện nguy cơ
Thiên tai xảy ra trong bối cảnh dịch Covid-19 trở thành thách thức kép khi có khả năng tàn phá nặng nề với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới. Thực tế đã xảy ra tại nhiều Quốc gia như Indonesia, Ấn Độ và một số nước Châu Âu khi khủng hoảng kép xảy ra do dịch Covid-19 đang hoành hành thì thiên tai lớn lại xuất hiện như bão, lũ lụt, lũ quét, sạt lở đất… gây ra những hậu quả nghiêm trọng. Chính vì thế, việc đảm bảo an toàn cho người dân và cho lực lượng phòng chống thiên tai trước thách thức kép đang là nhiệm vụ quan trọng được đặt ra trong năm 2021 và những năm tiếp theo với 2 mục tiêu lớn nhất là giảm thiểu thiệt dại do thiên tai và đảm bảo phòng dịch.
Việt Nam là một trong những quốc gia chịu tác động nặng nề nhất bởi biến đổi khí hậu, thường xuyên phải chống chịu với nhiều loại thiên tai, nhất là bão, lũ, sạt lở đất, hạn hán, xâm nhập mặn. Suốt hơn 30 năm qua, mỗi năm trung bình thiên tai làm khoảng 300 người chết và mất tích, thiệt hại về kinh tế khoảng 1-1,5% GDP.
Vì thế, công tác phòng, chống thiên tai luôn được Đảng, Nhà nước, Chính phủ Việt Nam, cấp ủy, chính quyền các địa phương, Mặt trận tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội quan tâm, đặc biệt là sự tham gia tích cực, trách nhiệm, hiệu quả của toàn thể nhân dân.
Bên cạnh những kết quả nổi bật đã đạt được, công tác phòng, chống thiên tai vẫn còn nhiều hạn chế về dự báo, cảnh báo, về nguồn lực, phương tiện, trang thiết bị, cơ sở hạ tầng, về lực lượng, về ứng dụng khoa học kỹ thuật, về khắc phục hậu quả, phục hồi sau thiên tai… Trong khi biến đổi khí hậu, nước biển dâng đã và đang tác động nhanh và mạnh hơn so với dự báo. Đặc biệt, dịch bệnh Covid-19 đặt ra yêu cầu phải ứng phó hiệu quả với rủi ro khi thiên tai và dịch Covid-19 cùng xảy ra.
Theo dự báo của cơ quan khí tượng thủy văn, ngoài bão, từ tháng 10 đến nửa đầu tháng 12-2021, các tỉnh miền Trung sẽ xuất hiện nhiều trận mưa lớn trên diện rộng, kéo dài gây lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt...Trong khi đó, các địa phương sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc huy động nguồn nhân lực, phương tiện, vật tư... để xử lý do dịch Covid-19. Đây là những nguy cơ lớn, đòi hỏi phải có giải pháp phòng ngừa sớm.
Chủ động giải pháp phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai
Trước bối cảnh dịch Covid-19 còn phức tạp cũng như chủ động ứng phó trước mùa mưa bão, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai; Tổng cục Phòng, chống thiên tai đã có văn bản chỉ đạo cụ thể đối với Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố để đảm bảo các phương án vừa an toàn dịch bệnh, vừa chủ động phòng, chống thiên tai. Mùa bão, lũ diễn ra trong bối cảnh dịch Covid-19 nên trong công tác phòng, chống thiên tai cần căn cứ vào tình hình cụ thể của từng địa phương để ứng phó. Bên cạnh đó, các địa phương, đơn vị có thể thực hiện việc diễn tập, họp thông qua công nghệ thông tin; tuyệt đối tuân thủ thông điệp 5K của Bộ Y tế.
Tổng cục Phòng, chống thiên tai đã tham mưu Bộ NN&PTNT, Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống thiên tai ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương chủ động rà soát, chuẩn bị phương án ứng phó với thiên tai trong bối cảnh dịch bệnh. Trong đó lưu ý địa phương phải xác định rõ các loại hình thiên tai thường xuyên hoặc có khả năng xảy ra trên địa bàn; nguy cơ xâm nhập, lây nhiễm dịch Covid-19 để xây dựng phương án, kế hoạch phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả theo phương châm “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ; hậu cần tại chỗ).
Trong đó, các địa phương tiếp tục xác định, lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai và phòng, chống dịch Covid-19 luôn là nòng cốt và cần được tập huấn thuần thục kỹ năng xử lý các tình huống có thể xảy ra. Các địa phương cũng cần ưu tiên tiêm vắc xin phòng Covid-19 hoặc trang bị kiến thức về phòng, chống dịch bệnh, bảo hộ y tế, được xét nghiệm nhanh Covid-19 cho lực lượng này trước khi triển khai các hoạt động ứng phó thiên tai...
Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai Nguyễn Văn Tiến cho biết: “Để giảm nguy cơ lây nhiễm dịch Covid-19, các địa phương cần điều chỉnh kế hoạch theo hướng sơ tán dân tại chỗ, hạn chế sơ tán tập trung. Công trình phục vụ nơi sơ tán tập trung phải bảo đảm đủ khả năng chống chịu với thiên tai; đủ diện tích giãn cách theo quy định phòng, chống dịch Covid-19; thuận tiện cho việc chăm sóc các đối tượng yếu thế và công tác tiếp tế. Bên cạnh đó, các địa phương cần xét nghiệm nhanh Covid-19 cho người dân trước khi sơ tán tập trung. Việc thực hiện sơ tán phải triển khai trước khi thiên tai ập đến...
Liên quan đến vấn đề này, các địa phương cần thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống thiên tai, Bộ Y tế..., sẵn sàng triển khai phương án phòng ngừa, ứng phó thiên tai, sơ tán dân tại khu vực thực hiện giãn cách xã hội, cách ly y tế để phòng, chống dịch Covid-19”.
Chủ động ứng phó thiên tai, mưa lũ, bão lớn trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Công văn số 1100/TTg-NN. Để chủ động ứng phó thiên tai trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, góp phần bảo vệ an toàn tính mạng của nhân dân, hạn chế thiệt hại, nhất là trong tình huống xảy ra mưa lũ, bão lớn tại khu vực bị dịch Covid-19, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai, Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, các bộ, ngành, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được giao tổ chức rà soát phương án ứng phó thiên tai hiện có, chủ động xây dựng phương án ứng phó từng tình huống thiên tai cụ thể trong bối cảnh phải phòng, chống dịch Covid-19, đặc biệt là tình huống mưa lũ, bão lớn để triển khai thực hiện khi có tình huống xảy ra, không để bị động, bất ngờ.
Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn và các Bộ Quốc phòng, Công an chỉ đạo các đơn vị rà soát, chuẩn bị sẵn lực lượng, phương tiện, trang thiết bị để hỗ trợ địa phương ứng phó thiên tai, tổ chức cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu, đồng thời bảo đảm công tác phòng chống dịch.
Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức theo dõi sát tình hình, kịp thời đưa ra các bản tin dự báo, cảnh báo để các cấp, các ngành và Nhân dân biết chủ động ứng phó.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương theo chức năng quản lý nhà nước được giao chỉ đạo kiểm tra, rà soát và triển khai phương án bảo đảm an toàn đê điều, đập, hồ chứa nước, vận hành an toàn, hiệu quả hồ chứa thủy lợi, thủy điện, phù hợp với diễn biến mưa lũ.
Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo kiểm tra, rà soát, triển khai phương án đảm bảo an toàn giao thông trong tình huống xảy ra mưa, lũ lớn, kéo dài.
Bộ Y tế chỉ đạo xây dựng phương án bảo đảm an toàn cho các cơ sở y tế, cơ sở điều trị dã chiến, khu cách ly tập trung trong tình huống xảy ra thiên tai; phối hợp với Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai và các địa phương xây dựng phương án ứng phó thiên tai gắn với bảo đảm phòng, chống dịch Covid-19, sẵn sàng phương tiện, thiết bị đảm bảo an toàn phòng, chống dịch đối với công tác chỉ đạo, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai tại các địa phương có dịch.
Đây là bài viết truyền thông về phòng, chống thiên tai – Chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu từ cộng đồng của Bộ Thông tin và Truyền thông năm 2021.