Phòng chống thiên tai: Không được lơ là, chủ quan trong mọi tình huống

GD&TĐ - Trong những năm qua, thiên tai xảy ra ở khắp các khu vực trên cả nước, các hình thái thời tiết cực đoan diễn ra với cường độ ngày càng mạnh, gây ra nhiều tổn thất to lớn về người, tài sản. 

Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai, Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, các cơ quan, đơn vị chức năng, luôn sẵn sàng ứng phó, sẵn sàng huy động mọi lực lượng cần thiết để ứng phó kịp thời”

Các địa phương phải tổng kiểm tra mọi khu vực nguy hiểm, nhất là các khu vực có nguy cơ sạt lở đất, lũ quét ảnh hưởng các khu dân cư; kiểm tra những công trình đê điều trọng điểm, hồ đập xung yếu, dễ hư hỏng. Đề phòng mưa lũ lớn kéo dài nhiều như ở một số nước lân cận; tránh bị động, bất ngờ; chú ý công tác vận hành hồ chứa, liên hồ chứa, bảo đảm an toàn hồ đập; sẵn sàng có phương án di dời dân khi mưa lũ lớn; các địa phương phải rà soát, có phương án sơ tán dân kết hợp với bảo đảm phòng chống dịch, an toàn cho người dân, nhất là ở những vùng có dịch.

Các bộ, ngành, địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến thiên tai, kịp thời chỉ đạo công tác PCTT theo phương châm “4 tại chỗ”, coi trọng từ cơ sở là chính.

Một ví dụ tại Hà Nội, các cấp, ngành, địa phương đã nghiêm túc triển khai công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai, tìm kiếm cứu nạn đúng phương án, kế hoạch được phê duyệt… Do vậy, thành phố Hà Nội đã kiềm chế, giảm đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra.

Tiềm ẩn nhiều nguy cơ

Tháng 7/2021, sự cố nứt đê hữu Hồng, đoạn Km46+160, thuộc địa bàn xã Liên Hà (huyện Đan Phượng) do thi công hố móng trạm bơm nước thô thuộc dự án xây dựng nhà máy nước mặt sông Hồng gây ra, đã cơ bản được khắc phục. Chủ đầu tư dự án đã đắp lấp hố móng tạo cơ phản áp; gia cố mặt, mái cơ đê bằng thảm đá, bên dưới lót vải địa kỹ thuật; xử lý vết nứt mặt đê, đường hành lang, ngăn không cho nước chảy vào khe nứt. Đồng thời, thi công khép kín tuyến đê quây hố móng và lắp đặt hệ thống quan trắc để theo dõi thường xuyên diễn biến sự cố.

Cần thường xuyên tổ chức kiểm tra, đánh giá hiện trạng đê, kè, cống, hồ đập và các công trình phòng, chống thiên tai để kịp thời phát hiện hư hỏng, sửa chữa, khắc phục bảo đảm an toàn công trình.
Cần thường xuyên tổ chức kiểm tra, đánh giá hiện trạng đê, kè, cống, hồ đập và các công trình phòng, chống thiên tai để kịp thời phát hiện hư hỏng, sửa chữa, khắc phục bảo đảm an toàn công trình. 

Theo đánh giá của đại diện Tổng cục Phòng, chống thiên tai (PCTT), đây là sự cố hết sức nghiêm trọng trên tuyến đê bảo vệ Thủ đô. Chủ đầu tư phải phối hợp chặt chẽ các đơn vị liên quan xây dựng phương án bảo vệ để bảo đảm an toàn tuyệt đối đoạn đê trong mùa mưa, lũ. Tổng cục PCTT đề nghị thành phố Hà Nội xem khu vực này là trọng điểm thiên tai ngay từ mùa mưa, bão năm nay để có phương án bảo vệ.

UBND thành phố Hà Nội vừa công bố tình huống khẩn cấp sự cố sạt lở bờ hữu sông Bùi, đoạn qua địa bàn xã Hồng Phong, huyện Chương Mỹ, tại ba khu vực, với tổng chiều dài khoảng 1.340m. Cụ thể, khu vực từ trạm bơm Chợ Sẽ đến đầu kè tuyến Đồng Vực, thôn Mới xảy ra hai cung sạt, vách sạt thẳng đứng; khu vực từ hộ gia đình ông Lê Văn Trung, thôn Thượng đến hết địa phận thôn Trung xảy ra bảy cung sạt và khu vực từ cống tiêu thôn Yên Cốc đến hết địa phận xã Hồng Phong xảy ra năm cung sạt.

Trước tình hình sự cố sạt lở diễn biến phức tạp, nếu không được xử lý kịp thời có thể tiếp tục gây sạt lở, UBND thành phố yêu cầu lực lượng chức năng triển khai ngay các biện pháp xử lý giờ đầu các sự cố bảo đảm tuyệt đối an toàn cho khu vực dân cư ven sông Bùi; thực hiện biện pháp gia cố để hạn chế sự phát triển sự cố công trình; đồng thời thực hiện dự án xử lý cấp bách khắc phục sạt lở bằng nguồn vốn ngân sách thành phố…

Ngoài ra, trên gần 627 km đê của Thành phố còn xảy ra nhiều sự cố khác, như sạt lở kè Cổ Đô, địa bàn xã Cổ Đô (huyện Ba Vì), sạt lở đê sông Đáy, địa bàn xã Hoàng Diệu (huyện Chương Mỹ), sạt lở kè Linh Chiểu đê hữu Hồng, thuộc xã Sen Phương (huyện Phúc Thọ)…, đã được phát hiện, xử lý kịp thời theo phương châm "4 tại chỗ", bảo đảm an toàn công trình đê điều.

Không được lơ là chủ quan

Theo báo cáo của huyện Chương Mỹ, năm 2020, huyện đã huy động 126 tỷ đồng tu sửa hệ thống công trình phòng chống thiên tai, chuẩn bị đầy đủ nhân lực, phương tiện, vật tư phục vụ công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai…Nhờ vậy, toàn huyện đã hạn chế đến mức thấp nhất tổn thất do thiên tai gây ra.

Tuy nhiên lãnh đạo huyện Chương Mỹ cũng đã thẳng thắn chỉ ra một số hạn chế trong công tác phòng, chống thiên tai năm 2020. Đó là một số cán bộ, một bộ phận không nhỏ người dân còn chủ quan, chưa thực hiện tốt công tác chuẩn bị vật tư, phương tiện phục vụ công tác hộ đê, cứu hộ, cứu nạn, khắc phục hậu quả thiên tai. Nhiều vị trí đê, công trình thủy lợi bị hư hỏng, xuống cấp; một số địa phương chưa thường xuyên đào tạo, tập huấn cho người dân kỹ năng phòng ngừa, ứng phó một số loại hình thời tiết cực đoan…

Các chuyên gia đánh giá, vẫn còn một số hạn chế trong công tác phòng chống thiên tai cần khắc phục, đó là: Công tác phối hợp, nắm tình hình giữa các lực lượng chưa tỉ mỉ, chặt chẽ, kịp thời. Lực lượng trực tiếp làm nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn đều kiêm nhiệm, chưa được đào tạo chuyên sâu nên còn lúng túng trong xử lý một số tình huống phức tạp. Trang thiết bị, vật tư, phương tiện ở cấp huyện, cấp xã tuy đã được trang bị, nâng cấp nhưng chưa đáp ứng với tình hình thực tế, nhất là phục vụ chữa cháy rừng…

Đồng tình với những đánh giá trên, Phó Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai Phạm Quang Tuấn thông tin thêm những khó khăn, thách thức của huyện trong công tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn; đồng thời cho biết đang tập trung khắc phục những hạn chế, bất cập này, bảo đảm công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai trên địa bàn luôn chủ động, kịp thời, giảm đến mức thấp nhất thiệt hại…

Ðể chủ động phòng, chống thiên tai năm 2021, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Chỉ thị đề nghị các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị trên địa bàn nghiêm túc quán triệt, tiếp tục rà soát, hoàn thiện kế hoạch và tổ chức thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 42-CT/T.Ư ngày 24/3/2020 của Ban Bí thư Trung ương Ðảng về tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng đối với công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai; Chương trình số 05 của Thành ủy Hà Nội về "Ðẩy mạnh công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường; chủ động phòng, chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn, ứng phó biến đổi khí hậu giai đoạn 2021- 2025"

Theo đó, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội yêu cầu các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị tập trung xây dựng kế hoạch, phương án phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2021 cụ thể, sát thực tế của địa phương, đơn vị; triển khai công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố, thiên tai theo phương châm "4 tại chỗ"...

Bên cạnh đó, tập trung kiểm tra, rà soát các khu vực nguy hiểm, các trọng điểm xung yếu, nhất là các khu vực có nguy cơ cao về sạt lở, lũ quét, ngập lụt ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn dân cư để chủ động sơ tán, di dời khi xảy ra thiên tai. Thường xuyên tổ chức kiểm tra, đánh giá hiện trạng đê, kè, cống, hồ đập và các công trình phòng, chống thiên tai để kịp thời phát hiện hư hỏng, sửa chữa, khắc phục bảo đảm an toàn công trình.

Ngoài ra, các cơ quan, đơn vị đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, triển khai thực hiện các quy định của pháp luật về phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn để toàn thể nhân dân biết, chủ động phòng ngừa, ứng phó theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn; tổ chức diễn tập phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn...

Đây là bài viết truyền thông về phòng, chống thiên tai – Chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu từ cộng đồng của Bộ Thông tin và Truyền thông năm 2021

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ