(GD&TĐ) - Đã bao lần dự định thăm Thành cổ Quảng Trị, mảnh đất anh hùng đi vào lịch sử cùng 81 ngày đêm oanh liệt, kể cả đôi lần BCH Hội cựu chiến binh Trường Đại học KHXH và NV Hà Nội tổ chức cho các cựu chiến binh đi thăm thành cổ, nhưng vì có công việc đột xuất, nên tôi đành lỗi hẹn. Không thể để lỡ hẹn thêm được nữa, ơi mảnh đất anh hùng đã làm nức lòng tuổi thanh xuân của thế hệ chúng tôi, những chàng trai thuở ấy đang độ tuổi náo nức “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước. Mà lòng phơi phới dậy tương lai”.
Mùa hè đỏ lửa 1972
Đò xuôi Thạch Hãn xin chèo nhẹ/ Đáy sông còn đó bạn tôi nằm/ Có tuổi hai mươi thành sóng nước...Đài Chứng tích sinh viên - chiến sĩ Thành cổ Quảng Trị! (khánh thành tháng 4/2002) đây là nơi tưởng niệm những người lính trẻ trước lúc nhập ngũ là sinh viên các trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Mỏ địa chất… Khoảng 3700 sinh viên đã “xếp bút nghiên” lên đường vào Nam chiến đấu, cụ thể là vào Quảng Trị. “Mấy chàng lính trẻ măng tơ. Nghêu ngao gõ bát hát chờ cơm sôi”. Người lính thư sinh đã ra đi mãi mãi không về.
Lại nhớ lời của cô hướng dẫn viên, hình ảnh Thành cổ cùng với thị xã Quảng Trị 41 năm về trước tơi bời dưới bom đạn hủy diệt của kẻ thù. Trong tòa thành chu vi vỏn vẹn 2080 m, hơn 328.000 tấn bom, hơn 600.000 đạn pháo các loại; hơn 615.000 viên đạn hải pháo, hơn 2200 lượt không kích của máy bay đã nhằm vào cái đấu ấy. Tổng số bom đạn quân thù ném xuống Thành cổ Quảng Trị trong chiến dịch tái chiếm 81 ngày đêm năm 1972 với sức công phá tương đương 7 quả bom nguyên tử Mỹ ném xuống Hirosima và Nagasaki năm 1945. Người ta đã ước tính mỗi m2 cổ thành hứng chịu hơn 400 quả bom và đạn pháo cày xới. Khoảng một vạn ngôi nhà bị phá hủy hoàn toàn. Dưới hỏa lực ấy gang thép cũng phải tan chảy, cọng cỏ cũng không sống được.
Đất thiêng Thành cổ Quảng Trị. Ảnh: Xuân Tùng |
Vậy mà trong suốt 81 ngày đêm liên tục của “mùa hè đỏ lửa”, mỗi ngày một đại đội vượt sông Thạch Hãn sang tiếp ứng, để rồi hôm sau lác đác chỉ còn lại vài người và một đại đội khác thay thế. Cứ như vậy, mỗi ngày cả trăm con người hòa máu xương mình vào đất cổ thành. Và 81 ngày đêm là 81 ngày mà hàng ngàn chiến sĩ là sinh viên - trí thức của đất nước, những chàng trai, cô gái mười tám, đôi mươi tâm hồn trong như suối nguồn đã lấy máu xương mình giữ gìn thành cổ Quảng Trị. “Mùa hè đỏ lửa” đã diễn ra như một huyền thoại, với chiến công oanh liệt: 26.000 tên địch bị loại khỏi vòng chiến đấu, trong đó 10.000 tên đủ sắc lính đã phơi xác dưới chân Thành cổ, 349 xe (có 200 xe tăng) và 230 khẩu pháo bị phá huỷ, 205 máy bay các loại bị bắn rơi. Thành cổ cùng với thị xã Quảng Trị đã được tuyên dương AHLLVT, dẫu rằng “Huân chương khó đủ từng viên gạch” (Trần Bạch Đằng).
Lá thư chưa kịp gửi
Đã có nhiều bài báo, cuốn sách viết về sự hy sinh và lòng dũng cảm của những người lính bảo vệ Thành cổ Quảng Trị mùa hè 1972. Nhưng điều gây ấn tượng mạnh đối với tôi là khi đọc bức thư liệt sĩ Lê Văn Huỳnh gửi người thân yêu ở quê nhà, được trưng bày ở Bảo tàng Thành cổ. Thư viết ngày 11/9/1972, ngày thứ 77 trong Chiến dịch 81 ngày đêm, khi mà sự khốc liệt của đạn bom đã lên đến tột cùng.
Theo thuyết minh của cô hướng dẫn viên, năm 1999 khi bảo tồn Thành cổ, người ta phát hiện được một số di vật của các chiến sĩ, trong đó có một số tư trang cá nhân. Và lá thư gửi của người liệt sĩ gửi người thân yêu ở hậu phương đã được phục chế lại nội dung. Lá thư đã được lưu giữ trong lòng đất mẹ 27 năm trời, để rồi trở về với những người đang sống, với thế hệ trẻ hôm nay.
Lê Văn Huỳnh gửi thư cho người vợ trẻ ở hậu phương, trong đó gửi gắm lời dặn dò đến tất cả các thành viên gia đình hai bên nội, ngoại. Thư được viết trên 10 trang sổ tay khổ nhỏ, loại sổ tay vốn rất quen thuộc vào những năm 1970. Ở góc trên bên phải trang thư ghi “Quảng Trị 11/9/72”, được bắt đầu từ những lời sau:
“Toàn gia đình kính thương.
Hôm nay con ngồi đây biên vài dòng chữ cuối cùng phòng khi đã “đi nghiên cứu bí mật trong lòng đất” thì gia đình khỏi thấy đó là điều đột ngột”.
Từ dòng chữ đầu tiên, người lính đã gửi đi thông điệp buồn với một dự cảm về sự hy sinh. Những trang thư tiếp theo, bên cạnh lời hỏi thăm là những lời dặn dò biệt ly gửi đến cha mẹ, anh chị, cùng người cháu nhỏ thân yêu trong gia đình. Với bất cứ ai khi xa quê, mẹ là người đầu tiên chúng ta nghĩ đến, như lá thư của Lê Văn Huỳnh viết:
“Mẹ kính mến! Lớn lên trong tay mẹ từ khi còn trứng nước, chưa đền đáp được công ơn to lớn đó của mẹ thì đứa con út của mẹ đã phải đi thăm bố con rồi. Thư này tới tay mẹ chắc mẹ buồn lắm. Lòng mang nặng đẻ đau giọt máu đào hơn ao nước lã, lá vàng còn ở trên cây lá xanh rụng xuống trời ơi hỡi trời…”. Anh an ủi người mẹ già ở quê nhà “Mẹ kính mến! Con đi mẹ ở lại trăm tuổi bạc đầu, coi như con lúc nào cũng nằm bên mẹ, mẹ đừng buồn cho linh hồn con được thoải mái bay đi… Thôi mẹ nhé đừng buồn, coi như con đã sống trọn đời cho Tổ quốc”.
Sau khi dành hơn một trang thư viết cho Mẹ, anh đã dành bốn trong số mười trang thư viết để nói với người vợ trẻ, với nhiều lời yêu thương, dặn dò đủ điều trong cuộc sống “Em thương yêu! Mọi lá thư đến với em là nguồn động viên em khi xa anh. Song lá thư này đến tay em là nỗi buồn nhất và có lẽ là nỗi buồn đầu tiên trong cuộc đời của em… Giờ đây anh biết nói gì với em, chỉ mong em khỏe, yêu đời”…
Trong Bảo tàng Thành cổ, nơi trưng bày bức thư có ghi chú “đây là những dự cảm của người lính trước khi bước vào trận chiến đấu ác liệt”. Điều đáng ngạc nhiên và thực sự cảm phục người lính trẻ ấy là sự bình thản trước khi đi vào trận đánh một mất một còn, anh dặn người vợ trẻ đọc lá thư này cho mọi người cùng nghe trong buổi dự lễ truy điệu mình: “Em sẽ đọc thư này cho mọi người trong gia đình nghe trong buổi truy điệu anh. Cho anh gửi lời chúc sức khoẻ tất cả những người quen thuộc trên quê hương trong buổi lễ truy điệu lịch sử này”.
Có một điều mà tôi không thể lý giải được về bản lĩnh và dự cảm của người chiến sĩ cách mạng, ở trang thư cuối cùng, anh nhắn gửi vợ thông báo cho người bạn của mình quê ở Thanh Hoá biết tin mình đã hy sinh. Và lạ kỳ thay, anh nói rõ ngày mất của mình là ngày 2/1/1973, tức là sau ngày viết lá thư 3 tháng 20 ngày “Em thương yêu! Nhận được tin này em sẽ báo tin cho người bạn của anh mà ngày nào đã có dịp về nhà ta chơi…..Nội dung: H. đã hy sinh ngày 2/1/1973 (Tức ngày 28/11/1972 âm)”.
Lá thư khiến người đọc thực sự xúc động, những dòng chữ tràn đầy niềm tin vào hòa bình, đất nước thống nhất cùng nỗi nhớ nhà và thương yêu chưa kịp đền đáp ân tình người thân. Biết được trong trận chiến đấu ngày mai, rất có thể sẽ hy sinh nhưng không vì thế mà dao động, những dòng chữ dặn dò người thân trong gia đình, từ cha mẹ, vợ, anh chị em đến người cháu nhỏ với những lời gửi gắm, dặn dò da diết yêu thương. Anh không quên một người nào, với lời chào cuối cùng “Thôi con đi đây, chào tất cả gia đình và hàng xóm quê hương”. Lời chào của người lính trước khi đi vào trận chiến ác liệt, nhẹ nhàng như bạn bè chào chia tay nhau sau một lần gặp gỡ.
Đã 14 năm kể từ khi tìm được lá thư chưa kịp gửi của liệt sĩ Lê Văn Huỳnh, không biết có bao nhiêu người khi tham quan Thành cổ Quảng Trị đã dừng đọc những dòng chữ trong lá thư này chưa kịp gửi này? Có thể xem lá thư như lời Di chúc của người liệt sĩ đối với những người còn sống hôm nay. Sẽ có ý nghĩa vô cùng nếu lá thư này được Trung tâm bảo tồn di tích và danh thắng Quảng Trị in trong cuốn giới thiệu về Thành cổ Quảng Trị, để khách tham quan, nhất là khách quốc tế hiểu thêm đất nước của những người con bình thản đi vào cõi chết thì sẽ không sợ bất cứ kẻ thù nào.
Hoàng Nguyễn Tử Khiêm