Kỹ sư 9X tạo sự khác biệt trong giáo dục

GD&TĐ - Xuất thân từ Srinagar, thuộc bang Jammu và Kashmir của Ấn Độ, Shoaib Dar đã đến phương Nam theo học ngành Kỹ sư Cơ khí của Học viện Công nghệ Vellore. 

HS thích thú với giờ học máy tính. 
HS thích thú với giờ học máy tính. 

Sau khi ra trường vào năm 2013, anh trở về nhà để suy tính xem mình sẽ phải làm gì trong tương lai. Và bước ngoặt đến với anh. Từ kỹ sư, anh chuyển sang làm giáo viên, giúp học sinh tiếp cận với tin học, công nghệ.

Từ kỹ sư chuyển sang thầy giáo

“Cha tôi và đồng nghiệp của ông ấy ở Srinagar đang điều hành một tổ chức phi chính phủ địa phương có tên là “Dawn”. Họ tập trung vào những vấn đề như thúc đẩy các chương trình cai nghiện ma túy, làm việc với địa phương để nâng cao nhận thức của cộng đồng về vấn đề sức khỏe tâm thần, cùng nhiều vấn đề khác. Tôi đã làm việc ở đó khoảng 8 tháng”, Shoaib Dar, sinh năm 1991, nói.

Sau đó, anh chuyển đến Bengaluru, làm nghề tự do, thiết kế các bộ phận máy móc, tạo mô hình 3D cho áo phao... Thời gian này, anh nhận ra mình yêu thích công việc thực tế hơn là chỉ tập trung vào các môn học trên lý thuyết. “Khi còn nhỏ, tôi thích mày mò khám phá khoa học hơn là chỉ ngồi và đọc bài, chẳng hạn các thí nghiệm dựa trên những bài học. Tuy nhiên, hệ thống giáo dục của chúng tôi không cung cấp cho HS không gian để khám phá sáng tạo. Tôi từng tự hỏi làm cách nào để góp phần mang lại sự thay đổi thực trạng này”, anh nói.

Shoaib kể, muốn thế anh sẽ phải tham gia vào lĩnh vực giáo dục. Cuối năm 2014, sau khi biết thông tin về học bổng của Tổ chức Teach for India (TFI), anh đã nộp đơn ngay. Đây là học bổng tuyển dụng SV tốt nghiệp đại học để làm GV toàn thời gian trong các trường thu nhập thấp trong vòng hai năm. 

Anh được tuyển và được phân công làm việc tại Rajashri Shahu Maharaj PMC, một trường học thuộc khu vực Mundhwa ở Pune. Học bổng kéo dài từ năm 2015 đến năm 2017, anh đảm nhận dạy các môn Khoa học, Địa lý và Toán cho 60 HS lớp 7 và 8.

Đây là một giai đoạn học tập bổ ích đối với Shoaib. Anh nhận thấy hệ thống giáo dục phát triển ở phương Tây tập trung vào các môn học như Toán, Khoa học và Máy tính. Bằng cách rèn luyện kỹ năng cho HS, họ đã tạo ra một đội ngũ những nhà sáng tạo thông minh, sẽ tiếp tục giải quyết các vấn đề của thế giới. “Điều này hoàn toàn trái ngược với hệ thống giáo dục và mô hình học tập ở Ấn Độ, nơi mà người ta tập trung vào điểm số hơn là phổ biến các kỹ năng thực hành. Nhưng chính những kỹ năng thực tế này sẽ giúp thanh thiếu niên không chỉ kiếm được việc làm ổn định sau này mà còn trở thành những nhà sáng tạo, đổi mới”, Shoaib chia sẻ.

Trung tâm ý tưởng

Shoaib nhận giải thưởng của Diễn đàn Đổi mới Xã hội NASSCOM năm 2018.
Shoaib nhận giải thưởng của Diễn đàn Đổi mới Xã hội NASSCOM năm 2018.

Để có được tư duy phản biện và kỹ năng giải quyết vấn đề, anh đã thiết lập một không gian sinh hoạt cộng đồng trong trường. Vì trường không có phòng thí nghiệm khoa học nên không gian này phục vụ như một “Trung tâm ý tưởng”.

“HS cảm thấy máy tính là những thiết bị phức tạp điều khiển chúng. Tôi muốn các em hiểu thực tế là ngược lại. Trên hết, chương trình học cần được thay đổi mạnh mẽ để phù hợp với tư duy logic và giải quyết vấn đề”, Shoaib nhớ lại.

Nhưng vấn đề đặt ra trước mắt là phải tìm những chiếc máy tính không quá đắt để có thể mua nhiều hơn, đưa chúng đến với nhiều HS hơn. Shoaib bắt đầu nói chuyện với những người bạn kỹ sư của mình, họ đã nói với anh về Raspberry Pis. Đây là loại máy tính nhỏ, giá rẻ, từ 4.000 - 5.000 Rs (khoảng 1,2 - 1,5 triệu đồng).

Qua năm thứ hai, Shoaib quyết định thực hiện một dự án thí điểm tại ngôi trường đang giảng dạy. Anh tìm kiếm sự giúp đỡ từ hai người bạn của mình và họ thiết lập một chương trình đào tạo kéo dài 10 ngày. Với bốn máy tính Raspberry Pi, họ đã dạy lập trình Scratch cho HS để chúng tạo trò chơi, phim hoạt hình.

Khi thấy chương trình này mang lại hiệu quả, HS bắt đầu ham thích, họ cũng sử dụng kỹ năng lập trình máy tính của mình để đổi mới giải pháp cho các vấn đề hằng ngày. Vào tháng 9/2017, Shoaib quyết định chính thức thành lập Pi Jam Foundation, một tổ chức phi chính phủ, để mở rộng quy mô hoạt động của họ.

Hiện tại, Pi Jam Foundation đã tiếp cận được hơn 15.500 HS từ 51 trường học, khắp vùng Maharashtra, Telangana và Kashmir. Họ đã lắp đặt miễn phí hơn 400 máy tính tại các trường học ở khu vực này. Ngoài ra, tổ chức cũng đã đưa ra những phương pháp sáng tạo để bảo đảm HS không ngừng học tập trong thời gian phong tỏa, giãn cách do dịch bệnh. Họ phát triển “Game of Corona”, một trò chơi tương tác cung cấp thông tin cho trẻ về sự nguy hiểm của Covid-19.

Một ví dụ điển hình về giải pháp do một số HS phát triển nhằm theo dõi thời tiết và các thông số của nó như độ ẩm, nhiệt độ, lượng mưa và tốc độ gió. HS đã kết nối các cảm biến khác nhau với máy tính của họ và dữ liệu họ thu thập được đang được Hiệp hội Khí tượng Ấn Độ ở Pune sử dụng. Shoaib tin rằng, điều này cũng giúp các em hiểu rõ hơn về khí hậu địa phương, từ đó khiến chúng có ý thức về môi trường.

Điều hành một tổ chức phi chính phủ hoạt động với hơn 15.000 trẻ em rõ ràng không dễ. Nhưng, Shoaib nhận thấy phản ứng của HS, GV và thậm chí cả phụ huynh là rất tích cực. Điều này đã giúp họ có động lực và giữ vững niềm tin rằng công việc của họ đang tạo ra sự khác biệt. Tuy nhiên, thách thức liên quan đến sự tuân thủ và các quy định.

“Là một tổ chức phi chính phủ, mục tiêu của chúng tôi là cung cấp giáo dục máy tính miễn phí cho HS tại các trường do chính phủ điều hành, có nguồn lực hạn chế. Vì vậy, để thực sự mở rộng quy mô sáng kiến ​​của mình, chúng ta cần có doanh thu bền vững. Tuy nhiên, các thủ tục giấy tờ liên quan đến việc quyên góp mất rất nhiều thời gian. Đã có những trường hợp các nhà tài trợ quan tâm không thể đóng góp vì những quy trình phức tạp này”, anh giải thích và nói thêm rằng mọi chuyện sẽ được giải quyết ổn thỏa. 

Theo Thebetterindia

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Truyện ngắn: Sau lưng ba

Truyện ngắn: Sau lưng ba

GD&TĐ - Ngồi sau lưng ba, tôi vui vẻ hát vu vơ mấy bài hát trên lớp cô giáo dạy. Ba tôi khen tôi hát hay, càng làm tôi hưng phấn rống cổ hát to hơn.