Nền giáo dục Ấn Độ đang ở đâu?

GD&TĐ - Một loạt các vụ tử tự do thất vọng về điểm số trong kỳ thi vừa qua của học sinh Ấn Độ khiến người ta muốn biết thêm về thứ hạng nền giáo dục của đất nước đông dân thứ hai trên thế giới. Xếp hạng của các tổ chức quốc tế chỉ ra rằng, nền giáo dục của Ấn Độ đứng ở vị trí thứ 37 trên thế giới.

Ấn Độ chỉ xếp thứ 37 trên bảng xếp hạng giáo dục.
Ấn Độ chỉ xếp thứ 37 trên bảng xếp hạng giáo dục.

Phải thay đổi nếu muốn tiến xa

Các quốc gia từ hạng 36 trở lên đã chi nhiều hơn 6% GDP cho GD, so với tỉ lệ 3,3% của Ấn Độ.

“Hệ thống giáo dục của chúng tôi chú trọng về điểm số hơn là chất lượng. Chính sách giáo dục của chúng ta nên được thay đổi để giải quyết các mối quan tâm về chất lượng”, Tiến sĩ Srini Bhupalam - một chuyên gia GD cho biết.

Cũng theo ông Bhupalam, phần lớn sinh viên Ấn Độ đều chỉ học vẹt, bởi vậy, việc đưa ra phương pháp giảng dạy mới một cách thực tế và có tính ứng dụng cao, dựa trên lý thuyết là điều vô cùng cần thiết nếu Ấn Độ muốn tiến xa hơn trên bảng xếp hạng GD.

Tiến sĩ Narsimha Reddy, Hiệu trưởng Trường công lập Hyderabad (Ấn Độ), cho biết: “Chính phủ phải coi GD là một lĩnh vực đầy thách thức. Có bao nhiêu trường có thể khiến học sinh thực sự cảm thấy tò mò và hứng thú trong học tập?”. Ông Reddy cũng nhấn mạnh, phương pháp GD và giáo trình giảng dạy cần được thay đổi.

Tuy nhiên, theo Hiệu trưởng Trường P. Obul Reddy, ông Anjali Rajdan, học lực của học sinh Ấn Độ khá tốt, đặc biệt là môn Toán và Khoa học, nhưng bảng xếp hạng không phản ánh điều đó.

“Tôi có thể chấp nhận thứ hạng này vì phòng thí nghiệm và cơ sở hạ tầng của chúng tôi không thể sánh ngang tầm với các quốc gia khác”, vị Hiệu trưởng cho biết.

Nền giáo dục Ấn Độ đang ở đâu? ảnh 1
  • Bộ trưởng Manish Sisodia phát biểu tại Hội nghị ASES.

Chất lượng đi xuống và giải pháp

Tại Hội nghị Thượng đỉnh Đông Nam Á về Giáo dục và Kỹ năng (ASES), người đứng đầu lĩnh vực GD của vùng Dheli, ông Manish Sisodia cho rằng, chất lượng của các trường công lập ngày càng trở nên tồi tệ do sự phụ thuộc lớn vào các doanh nghiệp tư nhân.

“Thách thức lớn nhất của Ấn Độ là hệ thống GD của chúng ta phụ thuộc rất nhiều vào tư nhân. Chất lượng GD trong các trường công ngày càng xuống cấp vì chúng ta không thể duy trì nó”, ông Sisodia nói.

Theo ông Sisodiacho, vấn đề này có thể được cải thiện bằng việc đào tạo giáo viên đúng cách và cải thiện lòng tin của mọi người: “Giải pháp cho vấn đề này sẽ là duy trì chất lượng GD trong các trường công và xây dựng niềm tin trong cộng đồng, vì công chúng ngày càng thiếu niềm tin vào hệ thống GD”.

Ngoài ra, ông nhấn mạnh, việc đào tạo giáo viên cũng đóng một vai trò lớn bởi GD “bắt đầu và kết thúc đều với giáo viên”.

Theo Diễn đàn Kinh tế Thế giới, Singapore có nền giáo dục tốt nhất về khoa học và toán học trên thế giới, tiếp theo là Phần Lan, Thụy Sĩ, Lebanon, Hà Lan, Qatar, Bỉ, Estonia, Hồng Kông và Mỹ. Ấn Độ chỉ khiêm tốn đứng ở vị trí thứ 37. 

ASES là một cuộc họp thường niên toàn cầu của các Bộ trưởng, nhằm mang đến những giải pháp mới trong GD. Hội nghị có sự tham gia của đại diện từ 15 quốc gia trong năm nay. Chủ đề của ASES năm 2019 là “Học hỏi vì một thế giới ngày mai”.

“Các chương trình như thế này có thể không tạo ra những thay đổi trực tiếp nhưng giúp tạo ra nhận thức và thay đổi tư duy”, ông Aditya Gupta, CEO Hiệp hội Giáo khoa Ấn Độ (IDA) phát biểu với truyền thông.

Phát biểu về trao đổi ý tưởng, ông Sisodia cho biết các nền tảng này đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy việc học của sinh viên giữa các quốc gia cũng như các tổ chức giáo dục.

“Chúng tôi phải đưa ra những phương pháp sáng tạo để làm cho GD trở nên vui vẻ và bớt gánh nặng cho sinh viên. Ở Delhi, chúng tôi đã cắt giảm 25% chương trình giảng dạy để giảm bớt gánh nặng cho sinh viên và giới thiệu chương trình giảng dạy hạnh phúc”, ông nói thêm.

Tỉ lệ đỗ kỳ thi CBSE được cải thiện

Mới đây, Hội đồng GD Trung học Ấn Độ đã công bố kết quả trong kỳ thi chứng chỉ GD trung học (CBSE) lớp 12. Trong đó, 83,4% thí sinh vượt qua kỳ thi.

Có tới hơn 3.100.000 ứng viên đã có mặt tham dự kỳ thi CBSE lớp 12 năm nay. Tuy nhiên, số lượng thí sinh nữ và chuyển giới áp đảo so với nam sinh tham gia thi. Tỷ lệ vượt qua kỳ thi ở nữ sinh là 88,7%, nhiều hơn so với con số 83,3% học sinh chuyển giới và 79,4% nam sinh.

Theo thống kê, thành phố Thiruvananthapuram là nơi có tỷ lệ số thí sinh đỗ bài kiểm tra cao nhất với con số 98,2%. Theo sau đó là khu vực Chennai ở mức 92,93%, và xếp thứ 3 là Delhi ở mức 91,87%.

So với năm 2018, số thí sinh lớp 12 đạt đủ điểm để qua kỳ thi CBSE 2019 đã được cải thiện nhẹ, từ 83,01% lên 83,4%. Khác với năm nay, số nam sinh đỗ kỳ thi ở năm 2018 có sự vượt trội hơn so với nữ sinh, đạt ngưỡng 88,31% trong khi số nữ sinh đỗ chỉ là 78,99%.

Sau hàng loạt điểm số thấp trong kỳ thi lớp 10 vừa qua, Bộ GD đã cho khoảng 60 giáo viên vào danh sách cần phải chú ý. Quyết định này đã gây ra sự hoang mang trong các giáo viên của nhiều trường THPT và buộc họ phải có trách nhiệm trong việc cải thiện kết quả học tập.

Theo Deccanchronicle, Zeenews, India Express

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ronaldo và Messi văng khỏi danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Ronaldo và Messi đón tin kém vui

GD&TĐ - Bộ đôi siêu sao của bóng đá thế giới vắng mặt trong danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Minh họa/INT

Truyện ngắn: Hậu phương yêu thương

GD&TĐ - Mấy hôm nay gió bấc đã tràn về đảo nhỏ. Lão gió gào thét lùng sục khắp các ngõ ngách, thấy cái gì cũng lật tung lên như thể để tìm kiếm thứ gì đó.