(GD&TĐ) - Meena không dám kể với bố mẹ khi bị các anh lớp trên sàm sỡ trên đường tới ngôi trường tại Madanpur Khadar, nam Delhi. Cô bé sợ rằng nếu biết chuyện, bố mẹ sẽ không cho đi học vì lo sợ “danh dự” của họ sẽ bị ảnh hưởng nếu con bị xâm hại tình dục. Họ cũng đã muốn cho con nghỉ học ở tuổi 16 này để kết hôn.
Gulafsha may mắn hơn khi bà mẹ quyết tâm cho con trở thành bác sĩ. Thế nhưng ước vọng có vẻ xa vời với hiện trạng giáo dục hiện tại. Lớp học có 70 học sinh và giáo viên chẳng thể quan tâm tới từng học sinh, các bình nước cáu bẩn tới mức học sinh phải mang nước uống riêng tới trường. Gulafsha, 14 tuổi, cho biết chưa bao giờ đi vệ sinh ở trường vì quá bẩn thỉu…
Đó là những mảng mầu u ám phổ biến của nền giáo dục Ấn Độ hiện nay trong bối cảnh nền kinh tế này đang tăng trưởng mạnh. 4 năm trước, Ngân hàng Thế giới nâng hạng Ấn Độ từ một nước “nghèo” thành nước thu nhập bậc trung. Năm ngoái, Liên hiệp Anh cho biết sẽ ngừng viện trợ cho Ấn Độ từ năm 2015 do nền kinh tế Ấn Độ đã phát triển. Ấn Độ có cả chương trình nghiên cứu vũ trụ, có 48 tỉ phú đô la… Theo Luật Quyền Giáo dục trẻ em, thông qua năm 2009, giáo dục phổ cập và miễn phí được dành cho toàn bộ trẻ em từ 6 đến 14 tuổi và theo con số thống kê gần đây nhất cho thấy tỉ lệ tuyển sinh ở mức ấn tượng là 98%.
Học sinh trường tiểu học Madanpur Khadar, New Delhi, thiếu giáo viên trầm trọng |
Tuy nhiên bên cạnh việc đạt được mục tiêu Thiên niên kỉ của Liên Hợp Quốc về phổ cập giáo dục tiểu học thì điều lo ngại cho chất lượng giáo dục cũng lớn dần. Trong các trường công lập, tồn tại dai dẳng lớp học quá tải, giáo viên bỏ tiết và điều kiện vệ sinh quá bẩn thỉu khiến phụ huynh “ngại” cho con tới trường.
Một báo cáo năm 2010 của Hiệp hội Giáo viên quốc gia ước tính cần phải có thêm 1,2 triệu giáo viên mới có thể đáp ứng được Luật Quyền Giáo dục trẻ em. Còn theo báo cáo của Diễn đàn Quyền GD trẻ em, tập hợp khoảng 10.000 tổ chức phi chính phủ, năm ngoái nêu ra chỉ 5% trường công đảm bảo tiêu chuẩn cơ bản về hạ tầng, 21% không được đào tạo sư phạm bài bản. Khoảng 40% trường tiểu học có nhiều hơn 30 HS so với qui chuẩn và 60% không có điện. Năm 2012, báo cáo Tình trạng GD hàng năm tại trường học nông thôn cho thấy kết quả học tập suy giảm, với hơn một nửa trẻ em lớp 5 – 10 tuổi – không hoàn thành được bài đọc chuẩn lớp 5.
Mặc dù Ấn Độ có thể lạc quan về mặt số lượng nhưng con số cũng phản ánh tồn tại lớn. Số trẻ trong độ tuổi tiểu học không đến trường năm 2008 là 2,3 triệu nhưng thực tế có thể tới 8 triệu. Theo một báo cáo của chính phủ Ấn Độ, tỉ lệ bỏ học ở tiểu học năm 2009 là 25%.
Những tồn tại khác của giáo dục là nhóm đối tượng học sinh nữ, nghèo và khuyết tật thường bị tụt lại sau. Trong khi tỉ lệ đến trường ở tiểu học cân bằng nam và nữ thì khoảng cách ngày càng lớn ở các lớp học cao hơn khi nữ sinh phải ở nhà giúp việc hoặc kết hôn. Trong số trẻ bỏ học năm 2008, 62% là nữ; phụ nữ cũng chiếm 2/3 số người mù chữ từ 15 đến 24 tuổi.
Chiến dịch Giáo dục Toàn cầu (GCE), liên hiệp 26 tổ chức phi chính phủ và hiệp hội giáo viên, đề nghị Chính phủ cấp ngân sách ít nhất 6% GDP cho giáo dục như đã hứa hẹn từ năm 1968. Mức ngân sách thực tế chưa bao giờ đạt 4% và hiện chỉ là 3,7%.
Bảo Chi (tổng hợp)