Dân bức xúc vì thủy điện không xả nước
Theo một số người dân xã Tân Lập (huyện Kon Rẫy, tỉnh Kon Tum) phản ánh, gần một tháng qua dòng sông Đăk Snghé cạn khô khiến cây trồng không đủ nước tưới. Nguyên nhân chính là do thủy điện tích nước khiến sông bị cạn khô. Kéo theo đó là khoảng 100ha hoa màu, cây công nghiệp bị khô héo, nguy cơ chết.
Gia đình ông Đặng Văn Thương (SN 1970, thôn 3, xã Tân Lập) phản ánh: “Gia đình tôi đang vay ngân hàng gần 700 triệu để đầu tư 6ha cà phê. Tuy nhiên, những ngày qua do thiếu nước nên 1ha cà phê trồng năm thứ 2 không thể cứu vãn được. Ngoài ra gần 5ha cà phê đang cho thu hoạch đứng trước nguy cơ chết nếu những ngày tới tiếp tục không đủ nước.
Để cứu cà phê gia đình tôi phải đặt 5 máy bơm, thuê người tưới. Tuy nhiên, nước không đủ khiến cây cà phê rủ lá, thân còi cọc. Nếu tình hình này cứ tiếp diễn toàn bộ gần 6ha cà phê của gia đình coi như mất trắng. Số tiền nợ ngân hàng gia đình tôi không biết xoay xở ra sao”.
Không chỉ cà phê, hiện nhiều diện tích lúa đang chuẩn bị trổ đòng cũng héo úa, đất đai nứt nẻ do không có nước. Bà Trần Thị Kết (SN 1956, thôn 3) nói: “Cứ 3 - 4 ngày tôi lại thuê máy bơm nước từ sông vào ruộng lúa. Từ hôm thủy điện chặn dòng đến nay, tôi thuê máy bơm 5 lần, mỗi lần hết 500 nghìn đồng. Chúng tôi hy vọng thủy điện sớm xả nước để lúa và cây trồng của chúng tôi không bị ảnh hưởng. Tiền thuê máy bơm cao, nếu lúa được thu hoạch cũng không đủ vốn liếng bỏ ra. Tuy nhiên, người dân chúng tôi sống nhờ vào nông nghiệp nên cố gắng kéo dài sự sống cho lúa được ngày nào hay ngày đó”.
Theo ông Nguyễn Văn Nam, trưởng thôn 3 cho biết, trên dòng sông Đăk Snghé có 2 nhà máy thủy điện là thủy điện Thượng Kon Tum ở thượng nguồn sông Đăk Snghé (xã Đăk Kôi, huyện Kon Rẫy) và thủy điện Đăk Ne (xã Tân Lập).
Hàng chục năm qua khi thủy điện Đăk Ne đi vào hoạt động thì lượng nước tưới tiêu của bà con vẫn được đảm bảo. Tuy nhiên, từ ngày thủy điện Thượng Kon Tum tích nước khiến đập chứa của thủy điện Đăk Ne không đủ lượng nước để xả xuống môi trường. Chính vì vậy, người dân thiếu nước tưới cho hoa màu và cây công nghiệp.
Ông Đặng Tuấn Tịnh – Chủ tịch UBND xã Tân Lập thông tin, trước đây lượng nước tưới tiêu cho cây trồng của người dân không bao giờ thiếu. Hơn nửa tháng trở lại đâythủy điện Thượng Kon Tum chặn dòng thì khoảng 100ha lúa, cây công nghiệp của người dân khô héo do thiếu nước.
“Người dân đã nhiều lần ý kiến lên chính quyền. Sau đó, đơn vị đã trình lên các cấp để có hướng hỗ trợ, xử lý. Bởi nếu tình trạng này vẫn tiếp tục xảy ra thì nhiều diện tích cây trồng của người dân sẽ bị chết khô, không thể cứu được.
Tuy nhiên trong cuộc họp giữa các bên, phía thủy điện Đăk Ne không đồng ý ký vào biên bản“, ông Tịnh nói.
Tỉnh cho phép chặn dòng 2 tháng
Về vấn đề này, ông Hồ Thanh Tiến - Trưởng phòng Kĩ thuật, Công ty cổ phần Đầu tư năng lượng Trường Thịnh (đơn vị chủ quản nhà máy thủy điện Đăk Ne) cho biết, việc người dân không đủ nước tưới khiến cây trông khô héo, chết là do ảnh hưởng của thủy điện Thượng Kon Tum. Cụ thể, từ ngày 26/2 thủy điện Thượng Kon Tum bắt đầu chặn dòng, tích nước, đóng hoàn toàn dòng sông chính chảy về nhà máy Đăk Ne.
Cũng theo ông Tiến, trước đây lưu lượng nước chảy về thủy điện Đăk Ne từ 10 - 12 m3/s nhưng giờ chỉ còn lại chưa được 1m3/s. Tuy nhiên, đơn vị vẫn xả nước ra ngoài môi trường để người dân có nước tưới tiêu, tuy nhiên lượng nước không đủ.
“Ảnh hưởng lớn nhất là do nhà máy thủy điện Thượng Kon Tum. Mà theo kế hoạch tích nước thì còn lâu lắm mới có nguồn nước trở lại, ảnh hưởng rất lớn đến trữ lượng. Riêng nhà máy Đăk Ne có bao nhiêu nước xả bấy nhiêu nước ra phía hạ du để người dân sinh hoạt, tưới tiêu. Đơn vị nhận được 1m3/s thì cũng xả ra bấy nhiêu nước. Đơn vị không đồng ý với việc thủy điện Thượng Kon Tum đổ lỗi cho đơn vị”, ông Tiến khẳng định.
Trưởng phòng Kĩ thuật, Công ty cổ phần Đầu tư năng lượng Trường Thịnh cho biết, trong cuộc họp vừa qua giữa các bên được tổ chức tại UBND huyện, đơn vị không ký biên bản là do thủy điện Thượng Kon Tum không phối hợp, không đưa ra phương hướng, phương án để giải quyết về việc điều tiết nước cho người dân ở vùng hạ lưu.
Còn ông Lê Thanh - Phó Ban Quản lý Dự án Công ty Thủy điện Vĩnh Sơn – Sông Hinh (đơn vị chủ quản nhà máy thủy điện Thượng Kon Tum) cho hay, ngày 26/2 khi đơn vị chặn dòng tích nước trong vòng 2 tháng thì đơn vị đã thông báo và tỉnh cũng đã cho phép.
“Trong thời gian 2 tháng này thủy điện không có giọt nước nào chảy xuống. Toàn bộ chỉ có nước thấm, sau 60 ngày sau mới chảy xuống được. Dưới thủy điện Đăk Ne vẫn quy trình vận hành, thủy điện xả vào dòng sông là 7,8m3/s. Còn không có nước, mùa này Đăk Ne vẫn phải xả thường xuyên là 1,29m3/s nhưng mà đơn vị đó không xả. Lỗi tại Đăk Ne chứ không phải tại mình
Việc người dân phản ánh công ty chặn dòng, ngăn sông xả đi Quảng Ngãi nhưng thật ra không phải. Đây là chuyển nhượng nước nhưng chuyển nhượng nước vẫn đảm bảo môi trường sinh thái. Người ta tính toán hết rồi, người ta cho phép. Chỉ cần 60 ngày thôi, 60 ngày sau xả nước lại bình thường”.