Kinh nghiệm phỏng vấn để giành học bổng du học Chevening

GD&TĐ - Trần Ngọc Linh Tâm – cô gái có thành tích học tập “khủng” về môn Luật giành học bổng Chevening hiện đang theo học Luật tại Queen Mary University of London – đã có những chia sẻ về trải nghiệm của riêng mình trong vòng phỏng vấn học bổng Chevening trên ebook của các Chevener Việt Nam năm 2017 – 2018.

Trần Ngọc Linh Tâm chia sẻ kinh nghiệm phỏng vấn để giành học bổng du học Chevening. Ảnh: Trần Ngọc Linh Tâm
Trần Ngọc Linh Tâm chia sẻ kinh nghiệm phỏng vấn để giành học bổng du học Chevening. Ảnh: Trần Ngọc Linh Tâm

Sắp xếp thời gian

Linh Tâm chia sẻ, trong tuần chuẩn bị đầu tiên, cô tìm các câu hỏi mẫu cho vòng phỏng vấn của Chevening trên Internet, chia các câu hỏi thành 6 nhóm: Kỹ năng lãnh đạo, kỹ năng tạo dựng và duy trì các mối quan hệ, kế hoạch học tập tại Anh, kế hoạch nghề nghiệp trong tương lai, giá trị của nước Anh mà Linh Tâm yêu thích và các vấn đề về xã hội.

Sau đó, cô nghĩ ra thật nhiều ý tưởng nhất cho từng câu hỏi và soạn câu trả lời nháp.

Sang tuần thứ hai, Linh Tâm tập trả lời phỏng vấn mỗi ngày 15 phút với một người chị trong công ty.

Cách tư duy

Ý tưởng yếu là ý tưởng nếu trình bày thì sẽ không để lại dấu ấn cá nhân của mình với hội đồng phỏng vấn.
Trần Ngọc Linh Tâm

Linh Tâm tự nhận thấy trong khi tập phỏng vấn, khuyết điểm của cô là có rất nhiều ý tưởng cho một câu trả lời, nhưng ý đầu tiên luôn gây ấn tượng, còn các ý sau thì càng yếu dần và lạc đề.

Để khắc  phục nhược điểm này, Linh Tâm áp dụng một quá trình suy nghĩ về câu trả lời cho từng câu hỏi như sau:

- Thứ nhất, vấn đề mấu chốt cần giải quyết của câu hỏi là gì.

- Thứ hai, nghĩ ra nhiều ý tưởng để trả lời cho vấn đề mấu chốt đó.

- Thứ ba, sắp xếp các ý tưởng theo thứ tự từ mạnh nhất đến yếu nhất. Ý tưởng mạnh là ý tưởng trả lời ngay vào trọng tâm câu hỏi và liên quan đến công việc định hướng của Linh Tâm.

- Thứ tư, gạch bỏ các ý tưởng yếu. Ý tưởng yếu là ý tưởng nếu trình bày thì sẽ không để lại dấu ấn cá nhân với hội đồng phỏng vấn. Như vậy, mỗi câu trả lời của Linh Tâm chỉ có từ một đến hai ý.

- Thứ năm, từ một đến hai ý tưởng cốt lõi được chọn ra, Linh Tâm phát triển thành một câu trả lời hoàn chỉnh theo cách trả lời ngay vào trọng tâm câu hỏi trước và sau đó diễn giải thêm một đến hai phút.

Tòa nhà The Queen (Ảnh: Queen Mary University of London)
Tòa nhà The Queen (Ảnh: Queen Mary University of London)

Quản lý thời gian

Khi mới bắt đầu, hội đồng phỏng vấn nói sẽ phỏng vấn Linh Tâm trong 30 phút. Với khoảng 20 câu hỏi, Linh Tâm suy nghĩ kỹ và áp dụng cách tư duy ở trên để đưa ra câu trả lời ngắn gọn, vừa đủ thông tin hội đồng muốn biết.

Toàn bộ phần hỏi đáp và phổ biến yêu cầu về học bổng từ hội đồng đã diễn ra trong vòng đúng 30 phút.

Phong cách cá nhân

Một người bạn đã chỉ cho  Linh Tâm một mẹo là hãy lắng nghe, quan sát người đối diện rồi bắt chước cách nói và cử chỉ của họ. Các giảm khảo đều là những người thân thiện và dễ gần nên Linh Tâm cảm thấy khá thoải mái, thả lỏng cơ thể và nói chuyện một cách tự nhiên. 

Đôi khi, cô còn chêm vào một số chi tiết nhỏ biểu đạt cảm xúc để giám khảo cùng tham gia vào câu chuyện. Khi trình bày những vấn đề cần dưa ra quan điểm cá nhân, Linh Tâm tránh tạo ra tranh cãi và chủ động tìm ra điểm chung để mọi người cùng đứng về một phía.

Sau khi phỏng vấn

Dù khá hài lòng về tổng thể, có một số câu trả lời khi ngẫm lại Linh Tâm vẫn thấy nếu chỉnh sửa một ít thì có lẽ sẽ tốt hơn. Theo Linh Tâm, kỹ năng trả lời phỏng vấn của cô không thật sự xuất sắc, nhưng điều quan trọng là trải nghiệm này đã cho cô cơ hội nhận ra những khiếm khuyết của mình để trau dồi nhiều hơn.

Linh Tâm nhắn gửi: Biết đâu bản thân sự không hoàn hảo đôi khi lại giúp mình để lại một dấu ấn riêng không thể lẫn vào đầu được, như một câu mà mình rất thích: “We are flaw-some” – awesome, but not without our flaws.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ