Tết xa, yêu xa, nhớ xa, nhưng mỗi trái tim Việt lại xích lại bên nhau thật gần bằng sự kết nối từ những ngày Tết cổ truyền dân tộc.
Mời hàng xóm cùng ăn Tết Việt
Xuân Đinh Dậu 2017 là năm đầu tiên chị Phạm Thị Bích Ngọc - Học viên Tiến sĩ, Trường Đại học Sydney, Giảng viên Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP Hồ Chí Minh (ĐHQG TP HCM), Học viên Chương trình Học bổng Chính phủ Australia Khóa 2016-2020 - sang Úc học tiến sĩ tại ĐH Sydney. Chị đã đón Tết cùng với con gái và những người bạn Việt Nam sang đây du học hoặc lập nghiệp.
Chị Ngọc vẫn còn nhớ như in cái cảm giác chông chênh, chới với những ngày giáp Tết khi liên lạc về nhà và khi xem facebook không khí chuẩn bị đón Tết ở Việt Nam. Ở Úc, chị Ngọc và các bạn không được nghỉ Tết nhưng tình cờ mồng Một và mồng Hai Tết lại đúng vào hai ngày cuối tuần nên có thời gian hơn để tổ chức đón Tết tại nhà.
Không có nhiều người thân bên cạnh nhưng chị Ngọc và các sinh viên tại Úc đã tự tạo ra không khí đón Tết theo đúng các nghi thức cổ truyền với những điều kiện sẵn có. Khu Dulwich Hill chị Ngọc ở có rất nhiều bạn đến từ các tỉnh phía Bắc của Việt Nam, vốn rất giỏi gói bánh chưng nên đã quyết định nấu bánh chưng cho có không khí tết quê nhà.
Thịt, đậu và nếp được mua từ siêu thị bán sỉ với giá rất phù hợp với túi tiền sinh viên. Lá gói bánh là những lá dong khô được gởi từ Việt Nam sang rồi luộc lại. Nồi và khuôn bánh được mượn từ một người bạn Úc rất mê văn hóa Việt Nam và ông đã đúc sẵn nồi cho dịp đặc biệt này.
Chị Ngọc vẫn nhớ cảm giác lo lắng làm sao để nấu bánh chưng bằng lửa trong sân vườn mà không bị báo cháy. Sau cùng, cả hội đã quyết định sang các nhà hàng xóm nói chuyện để họ hiểu việc nấu bánh chưng là một nét văn hóa quan trọng trong ngày Tết của dân tộc Việt Nam.
Khi nghe câu chuyện, mọi người đã rất vui vẻ ủng hộ và chung vui với sinh viên Việt Nam trong ngày đặc biệt đó. Những phần trang trí tết như hoa mai, hoa đào, tranh ông đồ đều do những người bạn cùng nhà với chị Ngọc tự chuẩn bị và cắt dán tỉ mỉ. Bé Minh Thi con gái chị rất háo hức, hăng hái phụ giúp tô màu, cắt dán, và trang trí cùng các cô chú trong nhà.
Dấu ấn đặc biệt nhất của ngày Tết ở Sydney là chị Ngọc cùng các bạn được Tổng Lãnh sự Việt Nam ở Sydney - anh Hoàng Minh Sơn - tạo điều kiện để có thể tổ chức chương trình gặp mặt đầu năm tại nhà của Tổng Lãnh sự - một bữa tiệc đứng vui vẻ, có cành đào, câu đối với các đồ ăn truyền thống Việt Nam như bánh chưng tự gói, chả, gà luộc mâm ngũ quả, gỏi cuốn, bún chả, thịt nướng…
Ngoài ra, chương trình còn có các trò chơi thiếu nhi cổ truyền như đập niêu (được biến tấu thành đập kẹo cho các con) và văn nghệ náo nhiệt. Không khí buổi gặp mặt đầu năm rất vui vẻ vì trẻ con được chơi, được ăn kẹo, được lì xì.
Các bác lớn tuổi sang Úc thăm con cháu hoặc định cư được dịp giao lưu với các bố mẹ của bạn các con, hẹn đi chơi chung khi sang Úc. Các bạn sinh viên ở các trường được dịp giao lưu để giúp đỡ nhau trong học tập. Đặc biệt, là các cô chú bác Việt kiều cũng đưa gia đình đến tham dự để giao lưu với Tổng Lãnh sự và các bạn sinh viên.
Chị Ngọc tâm sự: Ở Sydney, mình cảm nhận được sự quan tâm, đối đãi chân thành với nhau trong dịp Tết từ các giáo sư của trường đại học, các thầy cô giáo của trường con mình, các bạn bè các nước, từ chương trình Học bổng Chính phủ Australia và cả hàng xóm chung quanh khu nhà mình sinh sống.
Những ngày Tết dường như trở thành chiếc cầu nối để mang giá trị văn hóa Việt Nam đến Úc nhiều hơn thông qua những người con xa quê nhưng tấm lòng luôn hướng về Tổ quốc!
Các bạn trong VSUWA cùng nhau tổ chức ăn Tết cổ truyền 2017 tại công viên Kings Park, thành phố Perth, bang Tây Úc. (Trần Hùng Thanh là người đứng, mặc áo trắng). |
Đan xen bao nhiêu nhung nhớ
Trần Hùng Thanh - Học viên Học bổng Chính phủ Úc hiện đang học tại trường Đại học Tây Úc – VSUWA (Vietnamese Students at the University of Western Australia) – khi nói về cái Tết xa nhà ở xứ người, câu đầu tiên là: Đó là những khoảnh khắc đan xen nhiều nỗi nhớ!
Thanh kể: Đầu tiên là nhớ quê hương. Trong thời khắc thiêng liêng của đêm giao thừa tôi thấy nhớ quê hương của mình rất nhiều. Thời gian đó ở Việt Nam mọi người đang quây quần cúng tổ tiên, đi lễ chùa, hái lộc mừng năm mới. Đó là những việc làm quen thuộc mà năm nào tôi cũng làm cùng gia đình của mình. Nên năm nay, khi đi xa những hồi ức đó trở thành nỗi nhớ khắc khoải trong lòng tôi. Chưa bao giờ tôi thấy thèm Tết Việt như lúc này.
Sau đó là nỗi nhớ gia đình, người thân, bạn bè. Tết là thời gian sum họp gia đình, gặp gỡ người thân bạn bè. Người Việt mình có tục lệ dù đi đâu làm gì thì ngày Tết cũng quay về đoàn viên. Bản thân tôi từng đi học, đi công tác xa rất nhiều nhưng chưa bao giờ tôi đón một cái Tết xa gia đình. Nên cảm giác nhớ gia đình, người thân, bạn bè là không thể tránh khỏi.
Và tôi cũng thấy chạnh lòng. Vì ở Úc nói chung và thành phố Perth nói riêng không có Tết như người Việt mình nên trong ngày Tết mọi người vẫn đi làm, đi học bình thường. Điều đó làm tôi chạnh lòng giữa một thành phố mới, xa lạ mà tôi vừa đặt chân đến dù bản thân đã chuẩn bị rất kỹ để tránh tình trạng sốc văn hóa.
Nhưng sau tất cả, tôi vẫn cảm thấy ấm lòng. Vì dù nhớ quê, nhớ nhà, chạnh lòng khi phải ăn Tết xa nhưng xung quanh tôi có khá nhiều du học sinh Việt Nam và một số nước châu Á có tục ăn Tết cổ truyền như người Việt mình. Hội sinh viên Việt Nam tại trường Đại học Tây Úc – VSUWA chúng tôi đã tổ chức ăn Tết: trang trí nhà cửa, nấu các món ăn Việt để liên hoan, một số người trong chúng tôi cùng nhau đi chùa cầu an cho năm mới. Tất cả những điều đó làm tôi cảm nhận được không khí tết của quê nhà và tình đồng hương nơi xứ người.
Kỷ niệm đáng nhớ khi ăn Tết ở Perth của Hùng Thanh đó là ăn Tết Việt cùng các bạn Úc.Thanh cho rằng đây là một dịp tốt để giới thiệu Tết Việt với bạn bè quốc tế. Đó là một trong những trải nghiệm tuyệt vời mà Hùng nghĩ rằng nếu không đi du học thì khó mà có được.
Phạm Thị Bích Ngọc: “Mai này khi hoàn thành khóa học Chương trình Học bổng Chính phủ Australia, tôi sẽ trở về với gia đình, về với quê hương của tôi và tiếp tục thực hiện những ước mơ, hoài bão và trong hành trang mang theo trong ngày trở về chắc chắn sẽ có kỷ niệm về ngày Tết Việt tại xứ sở Kangaroo”.
Trần Hùng Thanh: “Những du học sinh như chúng mình muốn học thật nhiều, thật nhanh để quay về đóng góp cho sự phát triển chung của đất nước và cho các trường đại học ở Việt Nam”.