Đây là năm cuối cùng học sinh thi THPT theo chương trình GDPT 2006. Vì vậy, theo nhận định của thầy giáo Nguyễn Đình Hòa, Tổ trưởng tổ Ngữ văn, Trường THPT Trần Phú (Đà Nẵng) thì cấu trúc đề thi môn Ngữ văn về cơ bản cũng sẽ như các năm trước, gồm 2 phần chính: Đọc hiểu và Làm văn.
Đọc kỹ ngữ liệu
Phần Đọc hiểu chiếm 3 điểm, có 4 câu theo các mức: Nhận biết, thông hiểu, vận dụng và có thể vẫn giữ cấu trúc điểm số: 0.75 – 0.75 – 1.0 – 0.5.
Ở phần này, học sinh cần đọc kĩ ngữ liệu và trả lời ngắn gọn, chính xác các câu hỏi.
Câu 1 và 2 chủ yếu sẽ hỏi về biện pháp tu từ và tác dụng (hiệu quả) của biện pháp tu từ, phương thức biểu đạt, thao tác lập luận, phong cách ngôn ngữ, thể thơ,…
Câu 3 thường sẽ hỏi về mức độ hiểu đối với 1 nội dung, 1 khái niệm hay 1 ý nào đó trong văn bản theo cách diễn đạt của tác giả.
Câu 4 thường hỏi về suy nghĩ, thái độ của người đọc về 1 nội dung trong văn bản. Phần này các em nên làm cẩn thận bởi vì trả lời ngắn nên đúng sai rõ ràng, ảnh hưởng tới điểm số chung khá lớn.
Thời gian để trả lời phần đọc hiểu này khoảng tầm 10 – 20 phút.
|
Thí sinh Đà Nẵng dự thi môn Ngữ văn, Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023. |
Phần Làm văn có 2 phần nhỏ: Nghị luận xã hội chiếm 2 điểm và nghị luận văn học chiếm 5 điểm.
Ở phần nghị luận xã hội thường triển khai một nội dung ở ngữ liệu đọc hiểu. Theo thầy Nguyễn Đình Hòa, các câu trả lời đọc hiểu sẽ là cơ sở để thí sinh phát triển thành đoạn văn nghị luận xã hội.
"Các em nên triển khai câu mở đoạn chứa yêu cầu của đề (xác định vấn đề cần nghị luận). Sau đó là giải thích vấn đề nghị luận. Sử dụng ít nhất 1 dẫn chứng để chứng minh vấn đề đó tốt hay xấu (đúng hay sai , tích cực hay tiêu cực…). Từ đó nêu ngắn gọn giải pháp để phát huy mặt tốt, hạn chế mặt xấu… Lồng ghép với bài học nhận thức và hành động. Kết đoạn nhắc lại vấn đề cần nghị luận. Chú ý viết cẩn thận, tránh mắc lỗi chính tả, diễn đạt" - thầy Hòa gợi ý. Phần này thí sinh làm khoảng 2/3 đến 1 trang giấy thi và thời gian viết khoảng 15 -25 phút.
Tránh học tủ, học thuộc văn mẫu
Phần thời gian còn lại dành cho bài nghị luận văn học.
Bài văn phải đảm bảo cấu trúc một bài văn nghị luận với 3 phần: mở bài, thân bài, kết bài.
Theo thầy Nguyễn Đình Hòa, với những thí sinh có sức học từ khá trở xuống, nên chọn cách mở bài từ tác giả đi đến tác phẩm rồi đến vấn đề cần nghị luận. "Như vậy các em sẽ có điểm của cả phần tác giả - tác phẩm lẫn điểm xác định vấn đề cần nghị luận. Phần tác giả các em nêu ngắn gọn đặc điểm nổi bật phong cách sáng tác của tác giả. Phần tác phẩm nêu hoàn cảnh sáng tác, in trong tập nào… Nếu là phân tích một đoạn trích thơ dài hoặc một đoạn trích văn xuôi thì các em chỉ cần chỉ ra vị trí đoạn trích, nội dung chính của đoạn kèm yêu cầu của đề" - thầy Hòa phân tích.
Phần thân bài, thí sinh dựa vào kiến thức chung về tác phẩm để chia vấn đề cần nghị luận thành các luận điểm. Lưu ý các luận điểm này cũng bám sát ngữ liệu trích dẫn của đề. Dựa vào ngữ liệu là chính để làm rõ luận điểm. Khi phân tích về nội dung cần đánh giá luôn về nghệ thuật.
Phần cuối thân bài, cần lưu ý phải trả lời câu hỏi phụ (còn gọi là câu hỏi phân loại) mới có thể đạt điểm cao. Sau đó là đánh giá chung về nội dung và nghệ thuật. Phần này có thể kết hợp với kết bài.
Đây là năm cuối thi theo ngữ liệu của sách giáo khoa Ngữ văn 12 chương trình GDPT 2006 nên tất cả các tác phẩm đều có thể ra thi, thí sinh không nên học tủ học lệch.
"Tất cả các tác phẩm các em nên học thuộc vài nét về tác giả, tác phẩm để đưa vào mở bài, lấy điểm về tác giả tác phẩm. Các em cũng có thể học thuộc ghi nhớ trong sách giáo khoa để đưa vào phần đánh giá chung hay kết bài. Đối với thơ các em nên học thuộc thơ, nắm vững về những đặc điểm nghệ thuật của tác phẩm. Đối với truyện, các em nên học thuộc những chi tiết đắt giá làm dẫn chứng, tóm tắt được nội dung truyện theo từng nhân vật.
Nếu thực hiện được những yêu cầu đó cùng với khả năng viết được rèn luyện thường xuyên, bài văn của các em có học lực trung bình có thể đạt từ 6.5 trở lên.