Lưu ý ôn tập thi tốt nghiệp THPT môn Ngữ văn từ đề tham khảo

GD&TĐ - Đề tham khảo Ngữ văn cấu trúc quen thuộc, không khó, nhưng để đạt điểm cao, HS cần vững kỹ năng đọc hiểu, viết; sáng tạo, thể hiện quan điểm cá nhân.

Thí sinh thi tốt nghiệp THPT.
Thí sinh thi tốt nghiệp THPT.

Đánh giá năng lực học sinh chính xác hơn

Theo cô Phạm Thị Diễm Hương, giáo viên môn Ngữ văn Trường THPT Chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm, Vĩnh Long, đề tham khảo môn Ngữ văn Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 có cấu trúc giống như đề thi tốt nghiệp THPT năm 2023.

Câu hỏi bám sát chương trình, SGK Ngữ văn và hướng đến học sinh thực hiện đủ các thang nhận thức (nhận biết, thông hiểu, vận dụng thấp, vận dụng cao).

Ngoài ra, đề thi có những câu hỏi nhằm giải quyết các vấn đề thực tế cuộc sống, xã hội. Học sinh sẽ có cơ hội thể hiện suy nghĩ, sự sáng tạo của cá nhân trong bài làm, giúp đánh giá năng lực học sinh chính xác hơn. Vì vậy, đây là dạng đề phù hợp với học sinh hiện nay.

Cô Hồ Thị Lệ Hằng, Tổ trưởng chuyên môn Ngữ văn, Trường THPT Phú Bài (Thừa Thiên Huế) nhận định, đề tham khảo Ngữ văn với hai phần (Đọc hiểu, Làm văn) đã bảo đảm các cấp độ kiến thức: Nhận biết, thông hiểu, vận dụng.

Phần Đọc hiểu, có 4 câu hỏi: Câu 1, 2 (mỗi câu 0,75 điểm), thuộc phần nhận biết; câu 3 (1 điểm) thuộc phần hiểu; câu 4 (0,5 điểm), thuộc phần vận dụng.

Phần Làm văn, câu 1 yêu cầu viết đoạn văn nghị luận xã hội, lượng chữ 200, trình bày suy nghĩ về một vấn đề/ chủ đề được gợi ra từ phần Đọc hiểu. Câu 2 yêu cầu viết bài nghị luận văn học về một trích đoạn từ một tác phẩm (tác phẩm kí), đề có hai vế: Phân tích sau đó nhận xét đánh giá.

Nhận định chung: Đề tham khảo cấu trúc ổn định như các năm học trước; đảm bảo các cấp độ kiến thức, trọng tâm, phù hợp với học sinh 12. Đề thi có tính giáo dục, nâng cao nhận thức cho học sinh, mặt khác giúp các em phát huy năng lực, kỹ năng của bản thân một cách hiệu quả nhất.

Thí sinh thi tốt nghiệp THPT.

Thí sinh thi tốt nghiệp THPT.

Nắm chắc kiến thức về đặc trưng thể loại, rèn kỹ năng đọc

Cô Nguyễn Thị Hương Giang, giáo viên Trường THPT Trần Quang Khải (Hưng Yên) nhận định: Với đề thi tham khảo môn Ngữ văn năm 2024, Bộ GD&ĐT đã bám sát vào các định hướng trong hoạt động kiểm tra, đánh giá của chương trình hiện hành dành cho khối 12. Học sinh cần nắm chắc kiến thức về đặc trưng thể loại, rèn thật kỹ kỹ năng, năng lực đọc, hiểu các loại văn bản được học trong chương trình thì hoàn toàn có khả năng chinh phục đề thi.

Về thời gian làm bài: Thời lượng 120 phút là hoàn toàn phù hợp với cấu trúc của đề, học sinh đủ thời gian hoàn thành tốt yêu cầu đặt ra.

Về cấu trúc, phân chia điểm số: Rõ ràng, phù hợp cả 4 yêu cầu (nhận biết, thông hiểu, vận dụng thấp và vận dụng cao); đánh giá được kỹ năng đọc và viết của học sinh đối với môn Ngữ văn.

Về nội dung của từng phần, phần Đọc hiểu (3 điểm) đưa văn bản thơ “Những đám mây cuối trời” - Đoàn Văn Mật, với 4 yêu cầu tương đương 4 câu hỏi tự luận. Trong đó có đến 1 câu nhận biết, 1 câu thông hiểu giúp học sinh dễ có điểm; 1 câu vận dụng thấp rất quen thuộc với học sinh từ chương trình THCS đến THPT. Các em học lực trung bình sẽ gặp chút khó khăn nhỏ ở câu 3 khi đề yêu cầu: Nêu nội dung của những dòng thơ: “Đã có lúc ... tận lưng trời”.

Phần Viết (7 điểm) chia thành 2 câu. 1 câu viết đoạn văn 200 chữ, được 2 điểm; 1 câu viết bài văn phân tích đoạn văn được 5 điểm.

Câu 1: Nghị luận xã hội viết đoạn văn khoảng 200 chữ trình bày suy nghĩ về ý nghĩa của thái độ sống tích cực trước thử thách. Nội dung câu hỏi gần gũi, thiết thực với học sinh. Các em không gặp khó khăn khi triển khai đoạn văn nghị luận xã hội. Dạng đề này, giáo viên THPT rèn kỹ lưỡng qua các tiết Làm văn trong chương trình học.

Câu 2: Nghị luận văn học, yêu cầu viết bài văn phân tích vẻ đẹp của sông Hương trong tác phẩm “Ai đã đặt tên cho dòng sông?” của Hoàng Phủ Ngọc Tường, đoạn miêu tả vẻ đẹp của dòng sông gắn liền với nền âm nhạc cổ điển; đoạn khắc họa sông Hương trước khi rời khỏi thành phố. Từ đó nhận xét về tình cảm của nhà văn đối với sông Hương.

Đây cũng là mô típ đề quen thuộc với học sinh, không làm khó được các em. Song muốn được điểm cao ở câu này, học sinh cần thể hiện rõ khả năng của bản thân: Nắm vững những đặc điểm nổi bật trong phong cách nghệ thuật của nhà văn, hiểu rõ giá trị của từng đoạn; nắm chắc thao tác, kỹ năng viết dạng đề nghị luận văn học; vận dụng linh hoạt, sáng tạo các bước làm bài, diễn đạt rõ ràng, thể hiện quan điểm, cảm nhận của cá nhân... khi phân tích và thực hiện tiêu chí phụ của đề.

“Qua việc phân tích đề tham khảo môn Ngữ văn Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024, chúng tôi thấy đề bám sát chương trình học sinh đã được học. Các em không gặp nhiều khó khăn khi trả lời câu hỏi; điểm 6,75 đến 7,25 nhiều thí sinh dễ dàng đạt được.

Song, nếu học sinh muốn đạt điểm từ 7,5 trở lên thì cả giáo viên và học sinh đều cần có những định hướng về việc vận dụng kỹ năng, thao tác phân tích linh hoạt, sáng tạo và những kiến thức về lý luận văn học phù hợp khi làm bài”, cô Nguyễn Thị Hương Giang nhận định.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Đưa các vấn đề phát triển của trẻ em nhà giàu vào chương trình nghiên cứu và dành cho chúng sự quan tâm đã trở thành một vấn đề của thời đại. (Ảnh: ITN)

Áp lực 'nghẹt thở' của con nhà giàu

GD&TĐ - Đầu tư quá mức vào của cải vật chất khiến đứa trẻ nhà giàu trở thành nhóm có nguy cơ cao mới được phát hiện về lạm dụng chất gây nghiện và trầm cảm.