'Toa thuốc' trị văn mẫu từ cấu trúc định dạng đề thi tốt nghiệp THPT năm 2025

GD&TĐ - Đề minh họa theo cấu trúc định dạng đề thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 ở môn Ngữ văn sẽ hạn chế tối đa tình trạng dạy và học theo văn mẫu. 

Học sinh Trường THPT Trần Phú (Đà Nẵng) tham gia "Ngày hội Văn hóa đọc Đà Nẵng năm 2023 lần thứ 2" do Thành Đoàn tổ chức.
Học sinh Trường THPT Trần Phú (Đà Nẵng) tham gia "Ngày hội Văn hóa đọc Đà Nẵng năm 2023 lần thứ 2" do Thành Đoàn tổ chức.

Thầy Nguyễn Đình Hòa, Tổ trưởng môn Ngữ văn, Trường THPT Trần Phú (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) nhận xét: "Đề minh họa môn Ngữ văn theo cấu trúc định dạng đề thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 thể hiện rõ sự đổi mới trong dạy học lẫn kiểm tra đánh giá theo Chương trình GDPT 2018. Điều dễ nhận thấy nhất là các yêu cầu của đề bám sát yêu cầu cần đạt theo đặc trưng thể loại của chương trình mới".

Ở phần đọc hiểu có 5 câu hỏi theo 3 mức độ: 2 câu nhận biết, 2 câu thông hiểu, 1 câu vận dụng. Phần viết (tạo lập văn bản) cũng chia thành 2 phần: nghị luận văn học và nghị luận xã hội. Ở phần viết, nghị luận văn học có sự giảm sâu về điểm số vì đã có phần kiểm tra kiến thức văn học ở đọc hiểu và yêu cầu phần này cũng bám vào đặc trưng thể loại trong một tác phẩm cụ thể. Phần nghị luận xã hội cơ bản như cấu trúc đề cũ.

Với cách ra đề này, theo thầy Nguyễn Đình Hòa, học sinh chỉ cần nắm được tri thức ngữ văn ở sách giáo khoa, yêu cầu cần đạt theo đặc trưng thể loại ở chương trình thì có thể đảm bảo 70% phần yêu cầu kiểm tra của lĩnh vực văn học.

Ở phần nghị luận xã hội chỉ cần các em có nhận thức về các vấn đề xã hội và kĩ năng viết thì dễ dàng giải quyết được yêu cầu của đề. Cách ra đề này sẽ hạn chế tối đa tình trạng dạy và học theo văn mẫu, giảm được cả áp lực thi cử của môn Ngữ văn cho học sinh.

Theo thầy giáo Nguyễn Đình Hòa, với yêu cầu đề như vậy thì khi dạy, giáo viên cần cho học sinh hiểu và nắm vững các kiến thức ngữ văn theo đặc trưng thể loại mà chương trình yêu cầu.

"Giáo viên cần tăng cường các bài tập thực hành với các văn bản ngoài sách giáo khoa để học sinh tìm hiểu, nhận biết. Tốt nhất là xong bài về thể loại nào thì có ngay những bài tập vận dụng cho thể loại đó với những yêu cầu phù hợp với yêu cầu cần đạt của khối lớp đó. Khi được rèn luyện suốt 3 năm thì đến kì thi THPT cuối cấp học sinh sẽ có thể bước vào kì thi với một tâm thế thoải mái nhất" - thầy Hòa gợi ý.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Sản phẩm Chăm sóc mũi cho bé Lovieứng dụng Tạo hình thẩm mỹ hiệu quảThuốc sevelamer 800mg