Kinh nghiệm của thủ khoa khi vào phòng thi

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Nhiều thủ khoa tốt nghiệp xuất sắc đã chia sẻ bí quyết giúp các sĩ tử bình tĩnh, tự tin và làm bài tốt hơn.

Phạm Đình Dương, thủ khoa kép Trường Đại học Bách khoa Hà Nội năm 2021. Ảnh: NVCC
Phạm Đình Dương, thủ khoa kép Trường Đại học Bách khoa Hà Nội năm 2021. Ảnh: NVCC

Tận hưởng lần cuối được giải đề

Phạm Đình Dương, thủ khoa kép Trường Đại học Bách khoa Hà Nội năm 2021, chia sẻ, các môn đều là trắc nghiệm, nên việc đọc cẩn thận đề và tính toán nhanh nhạy rất cần thiết. Tuy nhiên, bài nào đã làm được thì phải kiểm tra kỹ, làm đề thi ít nhất 2 lượt, đánh dấu các bài chưa làm được để làm lại. Có thể lưu nháp các bài đang làm dở để quay lại làm tiếp. Đồng thời, không nên dành quá nhiều thời gian cho các câu hỏi khó mà không kiểm tra lại một lần cuối toàn bài.

Theo thủ khoa này, với các bạn học lực giỏi không nên đầu tư quá nhiều vào câu khó. Khi chắc chắn phần dễ rồi thì mới làm những câu khó đúng sở trường của mình. Còn các bạn học lực khá thì nên tập trung làm chắc 6 đến 8 điểm đầu và kiểm tra thật cẩn thận, đừng cố gắng để mất quá nhiều thời gian cho các câu vượt sức mình.

Đồng thời, bước vào phòng thi quan trọng nhất là sự tự tin và tâm lý thật vững vàng. Các sĩ tử không nên quá lo lắng và cũng hạn chế lên mạng trước ngày thi để tránh bị nhiễu bởi những cảm xúc của bạn bè.

Khi bước vào làm bài thi, Nguyễn Kiều Vi, thủ khoa tốt nghiệp Trường ĐH Văn hóa, khuyên các sĩ tử hãy nhớ tập trung làm những câu dễ trước, câu khó làm sau. Câu khó ở đề môn Lịch sử và môn Địa lý cần đọc thật kỹ, tìm ra từ khóa quan trọng để có hướng giải quyết vấn đề. Rất dễ nhầm lẫn và bị đánh lừa bởi những ý nghĩa, mục đích các trận chiến nên phải hiểu thật ra bản chất của từng giai đoạn.

Đối với đề Ngữ văn, ngay sau khi nhận được đề bài, cần lập tức viết ra các dàn ý, vì những điều thoáng qua đầu tiên khi đọc đề là điều đúng nhất, phản xạ này luôn đúng cho mọi môn thi.

Tiếp đó, cần gạch các ý cụ thể như bộ khung sơ lược bài làm để tránh đi lan man, xa rời vấn đề. Và điều quan trọng là phải thật bình tĩnh khi đối diện với đề bài.

“Với mình, trong phòng thi yếu tố quan trọng để có kết quả cao là phải có tinh thần thoải mái. Bởi kỳ thi này các bạn đã chuẩn bị rất lâu, đặc biệt cao độ nhất là năm học lớp 12. Vì vậy, lúc bước vào phòng thi hãy giữ cho bản thân một sự tự tin, tận hưởng như đây là lần cuối được giải đề. Hãy cố gắng hết sức mình”, Vi nói.

Cũng theo thủ khoa này, trước khi bước vào làm bài thi các bạn hãy hít thở thật sâu, trò chuyện với giám thị và bạn cùng phòng thi để luôn giữ cho mình tinh thần thoải mái nhất. Khi gặp bài khó đừng hoảng, bởi khó thì khó chung, không riêng bản thân mình. Hãy cố gắng hoàn thành những câu dễ trước, tối ưu điểm số hết khả năng mình.

“Kỳ thi tốt nghiệp THPT là một kỳ thi hết sức quan trọng nhưng đừng quá áp lực hay đặt nặng mục tiêu nguyện vọng 1. Kết thúc mỗi phần thi, nhớ rằng đừng kiểm tra đáp án trên mạng, điều đó sẽ làm ảnh hưởng tâm lý đến môn thi sau, hãy chờ đáp án chính thức của Bộ Giáo dục và Đào tạo”, Nguyễn Kiều Vi đưa ra lời khuyên.

Đừng nhớ thứ này quên thứ kia

Lê Thị Nguyệt, thủ khoa kép Trường ĐH KHXH&NV, khuyên rằng, những ngày sát kỳ thi, không quan trọng bạn học được bao nhiêu mà hãy đảm bảo chất lượng mỗi giờ học. Bạn hãy ôn lại một lượt các kiến thức cơ bản, rà soát lỗ hổng, nếu không ổn phần nào thì bổ sung ngay. Đừng quá phụ thuộc vào các thuật toán tính nhanh khi chưa chắc kiến thức.

Với câu hỏi khó, việc giải được hay không tùy thuộc lực học của học sinh. Nguyệt cho rằng, những người làm nhiều đề, nắm chắc kiến thức sẽ chinh phục được câu hỏi khó để lấy điểm 10. Nhưng nếu học lực khá, hãy tận dụng những câu hỏi sở trường, tránh để sai sót chủ quan ở chính những câu dễ mà để rơi mất điểm. Quan trọng nhất trong phòng thi là “Mình học đến đâu, làm bài đến đó”.

Cũng theo thủ khoa này, ngoài tâm lý trong phòng thi và các bí quyết làm bài đạt điểm cao, thí sinh cần lưu ý cả những yếu tố ngoại cảnh. Đừng để đến ngày thi, bạn mới chợt nhận ra rằng bạn không nhớ đường đến địa điểm thi hoặc những vật dụng được phép mang vào phòng thi. Vì thế, hãy kiểm tra tất cả các quy định và lập kế hoạch lộ trình đến địa điểm thi, tính xem bạn sẽ di chuyển mất bao lâu để chắc chắn rằng bạn sẽ đến đúng giờ. “Hãy nhớ đặt báo thức, ăn sáng đầy đủ. Đừng bước vào phòng thi với chiếc bụng đói”, Nguyệt nói.

Cô gái này lý giải, nếu không có kế hoạch cụ thể, chuẩn bị kỹ càng, bạn sẽ có thể rơi vào tình trạng “nhớ thứ này, quên thứ kia”. Từ đó dẫn tới việc bối rối hoặc đến địa điểm thi gấp gáp, cũng ảnh hưởng tới tâm lý làm bài của bạn.

Bên cạnh đó, nhiều thí sinh thường không đặt nặng việc có mặt vào ngày làm thủ tục dự thi vì tin rằng mình đã biết hết các quy định cũng như thân thuộc với địa điểm thi. Tuy nhiên, lời khuyên của nhiều thủ khoa là buổi làm thủ tục thi có vai trò quan trọng để bạn an tâm hơn. Đó là cơ hội để bạn ngồi vào phòng thi và quen dần với không khí thi cử.

Ngoài ra, tâm lý chung của nhiều thí sinh là sợ giám thị. Có em còn căng thẳng lo lắng khi quan sát các giám thị làm việc. “Hãy nhớ rằng, các giám thị không phải là “kẻ thù bên kia chiến tuyến” mà hãy nhìn nhận họ như những người hỗ trợ bạn và giúp kỳ thi diễn ra nghiêm túc và an toàn hơn. Đừng quá sợ hãi các giám thị rồi mất tập trung. Việc cần làm lúc này là dồn hết trí não và tinh thần vào bài thi sắp tới”, thủ khoa kép Trường ĐH KHXH&NV nhấn mạnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Giáo viên Trường Tiểu học Lê Đình Chinh với sáng kiến tổ chức cho học sinh viết thư “điều con muốn nói” gửi đến ba, mẹ trong buổi họp sơ kết học kỳ I năm học 2023 - 2024. Ảnh: PV

Chống 'sốc' cho giáo viên trẻ

GD&TĐ - Không chỉ gặp khó khăn về phương pháp sư phạm, nhiều giáo viên trẻ còn hạn chế trong kỹ năng quản lý lớp học, tương tác với phụ huynh, học sinh…