Phương pháp trau dồi kiến thức
Trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 đợt 2, Trần Nguyễn Thanh Tùng, 19 tuổi, cựu HS lớp 12 Anh, Trường THPT chuyên Nguyễn Du, thành phố Buôn Ma Thuật, Đắk Lắk, là thủ khoa khối A1 của cả nước. Em đạt hai điểm 10 môn Toán, Tiếng Anh và 9,5 điểm môn Vật lý. Với điểm số ấn tượng, Thanh Tùng ghi danh vào Trường Đại học Ngoại thương TPHCM.
Nhớ lại ngày thi tốt nghiệp THPT một năm về trước, Thanh Tùng bày tỏ: Ban đầu em tương đối lo lắng vì phải thi vào đợt hai. Tuy nhiên, thầy cô giáo tại Trường THPT chuyên Nguyễn Du luôn đôn đốc, động viên học trò chuyên tâm học hành, giữ tâm lý thoải mái để hoàn thành kỳ thi.
Với việc học và ôn thi tiếng Anh, Tùng chia thành hai giai đoạn để xây dựng kế hoạch, mục tiêu rõ ràng. Giai đoạn một là thu nạp kiến thức thông qua ba hoạt động, gồm: Học trên lớp, ôn tập tại nhà và học thông qua giải trí. “Mục tiêu học tiếng Anh của em không chỉ là thi đạt điểm cao mà phải sử dụng được ngôn ngữ này trong đời sống. Trong những thời điểm ôn tập căng thẳng, em sẽ nghĩ về mục tiêu này để chuyển hóa áp lực thành động lực và giúp việc học không bị nhàm chán, khô khan”, Tùng tâm sự.
Không chỉ tiếng Anh, với bất kỳ môn học nào Tùng cũng áp dụng phương pháp kết hợp giữa học kiến thức mới và ôn lại kiến thức cũ. Như vậy, em vừa có thể trau dồi những điều chưa biết và hoàn thiện nền tảng có sẵn. Tùng chia sẻ: Khi ôn tập, em tập trung vào chất lượng hơn số lượng. Chẳng hạn, em có thể dành một tiếng để làm một bài đọc hiểu đoạn văn tiếng Anh nhưng hiểu hết nội dung đề bài, đáp án và ghi nhớ được nhiều từ mới. Thay vì làm liên tiếp 2, 3 đoạn văn nhưng chỉ kiểm tra đáp án đúng hay sai.
Không chỉ học trong sách giáo khoa, Tùng chủ động “đắm mình” vào tiếng Anh thông qua hoạt động vui chơi, giải trí. Thời gian rảnh, em thường nghe nhạc, đọc sách tiếng Anh để học từ vựng, cách phát âm, diễn đạt. “Thời gian đầu đọc sách, nghe nhạc nước ngoài rất khó vì em nghe không ra lời bài hát, đọc cũng không hiểu sách viết về nội dung gì. Nhưng mưa dầm thấm lâu, cứ như vậy em dần nắm bắt được. Nhiều từ mới đọc trong sách lại thấy xuất hiện trong đề tự luyện nên em có thể tìm ra đáp án đúng cho các câu hỏi”, Tùng nói.
Tùng chia sẻ thêm: Sau khi tích lũy được nhiều kiến thức mới từ việc đọc sách, nghe nhạc, em chuyển qua vận dụng bằng cách nhắn tin, nói chuyện với bạn bè tại Mỹ. Em thấy việc này giúp rèn luyện khả năng phát âm, phục vụ dạng bài ngữ âm, trọng âm, chức năng giao tiếp trong đề thi tốt nghiệp THPT. Đồng thời, em có thể ghi nhớ nhiều từ vựng, cấu trúc ngữ pháp.
Giai đoạn hai, Tùng tập trung giải đề của những năm trước và đề tự luyện dựa theo cấu trúc đề minh họa. Sau mỗi lần giải đề, em xem lại các câu sai để tìm nguyên nhân mắc lỗi, dịch nghĩa các câu, đoạn văn chưa hiểu rõ để học từ mới. Những kiến thức tích luỹ từ quá trình luyện đề được Tùng tổng hợp trong một cuốn sổ tay.
Tùng cho rằng không có thời gian cụ thể cho từng giai đoạn. Việc phân bổ thời gian phụ thuộc vào kiến thức và nền tảng của từng thí sinh. Những bạn học tốt tiếng Anh có thể luyện đề từ rất sớm. Ngược lại, bạn học chưa tốt nên tập trung trau dồi kiến thức nhưng cũng không nên luyện đề quá muộn vì hoạt động này giúp các bạn học cách phân bổ thời gian, làm quen với mô hình thi.
Kỹ năng làm bài thi
Đề thi tiếng Anh được phân bổ từ dễ đến khó, trong đó chứa không ít câu hỏi gây nhầm lẫn. Dạng bài khiến nhiều thí sinh lo lắng là đọc hiểu và tìm từ đồng, trái nghĩa. Đối với dạng bài đọc hiểu, Tùng gợi ý các bạn đọc cẩn thận, gạch chân từ khóa trong đoạn văn, câu hỏi để đối chiếu thông tin, từ đó lựa chọn đáp án phù hợp.
Với dạng bài tìm từ đồng, trái nghĩa, nhiều câu hỏi thí sinh không hiểu hết nghĩa của từ trong đề bài và đáp án nên phải vận dụng kỹ năng suy luận, phân tích. Để làm dạng bài này, các bạn nên xác định nghĩa của từ trong đề bài vì một từ có thể có nhiều nghĩa. Khi xác định đúng nghĩa mới có thể chọn đáp án chuẩn xác nhất. Tiếp đó, xem xét các từ trong đáp án có tiền tố hoặc hậu tố nào đặc biệt, có thể giúp phán đoán nghĩa của từ.
Về tổng thể đề thi, thí sinh không nên chủ quan ở những câu hỏi dễ vì nhiều trường hợp mất điểm ở phần này. Gặp câu khó, các bạn tránh dành quá nhiều thời gian, dẫn đến không kịp làm những câu khác. Thí sinh có thể đánh dấu câu khó đến cuối giờ quay lại làm, sau khi đã kiểm tra kỹ đáp án trong phiếu trả lời trắc nghiệm.
Bên cạnh trau dồi kiến thức, tâm lý cũng là yếu tố cần được lưu tâm. Tùng kể, khi luyện đề, em ngồi trong phòng yên tĩnh, bấm giờ như thi thật. Nhờ đó, em dần quen với áp lực thời gian, biết phân bổ thời gian làm bài hợp lý. Chàng thủ khoa quê Đắk Lắk đánh giá, mỗi HS có tốc độ học và ôn thi khác nhau. Em cho rằng, không nên so sánh tốc độ học của bạn bè xung quanh với tốc độ cá nhân. Vì nếu làm vậy, thí sinh sẽ tự tạo áp lực phải đuổi theo bè bạn, quên đi nhu cầu học tập và mục tiêu điểm số của bản thân.
* "Bí quyết bỏ túi" cho thí sinh dự kỳ thi tốt nghiệp THPT - xem TẠI ĐÂY