Kinh nghiệm bồi dưỡng học sinh giỏi Văn của cô giáo người Thái

GD&TĐ - Cô Vi Thị Ỏn, Trường PTDTBT THCS Hữu Kiệm (Kỳ Sơn, Nghệ An) chia sẻ kinh nghiệm bồi dưỡng học sinh giỏi ở trường vùng khó.

Cô Vi Thị Ỏn và học trò trong giờ học.
Cô Vi Thị Ỏn và học trò trong giờ học.

Kinh nghiệm được cô Vi Thị Ỏn đúc rút từ kinh nghiệm nhiều năm giảng dạy Ngữ văn lớp 9, làm nhiệm vụ bồi dưỡng học sinh giỏi môn Ngữ văn.

Dù là trường đóng trên địa bàn khó khăn, học sinh đều là con em đồng bào dân tộc thiểu số như Thái, Hmông, Khơ Mú... nhưng khối 9 do cô giảng dạy, học sinh đều đạt kết quả với môn Ngữ văn từ trung bình trở lên; trong đó có trên 40% khá, giỏi. Cô đã bồi dưỡng 2 học sinh đạt học sinh giỏi môn Ngữ văn cấp huyện.

Không chỉ là giáo viên bồi dưỡng học sinh giỏi Ngữ văn, cô Vi Thị Ỏn còn là giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi cấp huyện, cấp tỉnh.

Phát hiện học sinh giỏi

Theo cô Vi Thị Ỏn, đây là khâu đầu tiên có tính chất quyết định chất lượng đội tuyển. Việc phát hiện học sinh giỏi môn Văn đòi hỏi giáo viên phải trực tiếp giảng dạy ở các lớp, lưu tâm ngay từ đầu năm học, không phải chờ đến gần kì thi mới tuyển chọn.

Khả năng của học sinh với môn học này được bộc lộ phần nào qua kĩ năng nghe, nói, đọc, viết. Nói năng rành mạch, diễn đạt lưu loát những ý nghĩ, quan điểm bản thân.

Thêm nữa, chỉ qua vài bài viết của học sinh, giáo viên cũng có thể nhận ra cách cảm, cách hiểu, cách nghĩ; thông qua đó phát hiện học sinh năng khiếu để có hướng bồi dưỡng.

Cô Vi Thị Ỏn đạt danh hiệu giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi cấp tỉnh năm học 2022-2023.

Cô Vi Thị Ỏn đạt danh hiệu giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi cấp tỉnh năm học 2022-2023.

Sau khi phát hiện được học sinh, giáo viên cần kiểm tra xem vốn kiến thức, khả năng cảm thụ của các em đến đâu. Sở dĩ, phải làm bước này bởi yêu cầu đối với học sinh giỏi ít nhất là phải có kiến thức cơ bản, phần nền để có cơ sở bồi dưỡng sau này.

“Ngoài ra, bản thân giáo viên phải từ chính tình cảm và lòng say mê môn Văn của mình, truyền đến cho học sinh lòng đam mê với môn học. Giáo viên giúp các em ý thức được tầm quan trọng, ý nghĩa của môn học, từ đó tạo được niềm say mê - sự khám phá sáng tạo của học sinh trong lĩnh vực văn chương”, cô Vi Thị Ỏn chia sẻ.

Lên kế hoạch bồi dưỡng

Bồi dưỡng học sinh giỏi, giáo viên phải tự lên chương trình nội dung kiến thức. Do đó, cô Vi Thị Ỏn cho rằng, giáo viên trước hết phải có tinh thần trách nhiệm cao, yêu nghề, yêu công việc và ý thức được tầm quan trọng của việc mình đang làm.

Chính vì vậy, giáo viên phải mày mò, tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm của đồng nghiệp để xây dựng được một chương trình với lượng kiến thức thích hợp với những điều học sinh đã học; đồng thời phải vừa rộng, vừa sâu, đáp ứng được tính vượt trội của đối tượng học sinh giỏi.

Cần chú trọng sắp xếp chương trình sao cho có hệ thống, khoa học, tránh tình trạng thích gì dạy nấy theo cảm tính.

Để xây dựng được một chương trình ôn luyện đạt hiệu quả cao mà không nhàm chán đối với học sinh (vì các kiến thức đều đã được học), giáo viên cần sáng tạo trong việc thể hiện nội dung kiến thức. Sắp xếp lượng kiến thức giữa phân môn phù hợp với yêu cầu.

Khi lên chương trình bồi dưỡng, giáo viên cũng cần chú ý đến tính thống nhất giữa các phân môn. Với Tiếng Việt, ngoài củng cố cách dùng từ, đặt câu, dựng đoạn, các biện pháp tu từ... thì đối với từng loại đơn vị kiến thức, giáo viên cần chuẩn bị một hệ thống bài tập ứng dụng đối với từng loại.

Với Tập làm văn, giáo viên hệ thống lại kiến thức đã học rồi chia ra từng mảng chuyên đề chủ đề. Do có sự lặp lại và nâng cao về nội dung kiến thức, nên việc ôn luyện lí thuyết có phần thuận lợi hơn. Do đó, khi lên chương trình, giáo viên đặc biệt chú trọng hơn đối với phần luyện tập. Thầy cô có thể bố trí sao cho học sinh được thực hành càng nhiều càng tốt; đối với mỗi kiểu loại, hay mỗi dạng đề, giáo viên cần có ví dụ minh họa cụ thể.

Việc lên kế hoạch về thời gian bồi dưỡng hợp lí, khoa học cũng rất quan trọng. Các buổi học bồi dưỡng không nên gần nhau mà có thể phân đều trong tuần. Mỗi buổi không học quá ba tiết. Mục đích của việc làm này là tạo điều kiện cho các em có thời gian làm bài tập ở nhà và học các môn học khác. Đồng thời làm mềm hóa sự căng thẳng của áp lực thi cử.

Khối 9 do cô Vi Thị Ỏn giảng dạy, học sinh đều đạt kết quả với môn Ngữ văn từ trung bình trở lên; trong đó có trên 40% khá, giỏi.

Khối 9 do cô Vi Thị Ỏn giảng dạy, học sinh đều đạt kết quả với môn Ngữ văn từ trung bình trở lên; trong đó có trên 40% khá, giỏi.

Phương pháp bồi dưỡng kĩ năng

Các kĩ năng trong bồi dưỡng học sinh giỏi Ngữ văn được cô Vi Thị Ỏn nhấn mạnh là kĩ năng cảm thụ văn chương; kĩ năng đọc tài liệu tham khảo; kĩ năng tạo lập văn bản và kĩ năng hoàn thiện bài viết.

Về kĩ năng cảm thụ văn chương, theo cô Vi Thị Ỏn cần hướng dẫn cho học sinh nắm được những đặc trưng cơ bản của từng thể loại văn học. Trên cơ sở đó, học sinh có hướng phân tích cụ thể. Chẳng hạn, khi phân tích tác phẩm truyện sẽ khác với phân tích tác phẩm thơ. Với tác phẩm truyện, cần chú ý đến cốt truyện, tình huống, nhân vật, nghệ thuật kể chuyện, nghệ thuật miêu tả tâm lý nhân vật. Còn tác phẩm thơ cần chú ý đến hình ảnh, ngôn ngữ nhạc điệu tiết tấu, cảm xúc của nhà thơ.

Những chi tiết chọn lọc để phân tích tác phẩm phải là những chi tiết tiêu biểu để làm nổi bật được nội dung tư tưởng mà tác giả muốn thể hiện. Việc phân tích biện pháp nghệ thuật để làm nổi bật nội dung hay vừa phân tích nội dung vừa phân tích nghệ thuật - cũng tùy thuộc vào từng thể loại khi học sinh thành thạo về kĩ năng phân tích thì việc cảm thụ tác phẩm sâu sắc và tự nhiên hơn.

Để học tốt môn Ngữ Văn, cần phải đọc sách nhiều. Nhất là đối với học sinh giỏi môn Ngữ Văn việc đọc sách tham khảo là không thể thiếu. Đó là điều mà giáo viên cần hướng dẫn học sinh. Về việc này, giáo viên cần hướng dẫn các em cách chọn sách tham khảo cũng như cách đọc. Trên cơ sở đó, hình thành các kĩ năng đọc cho học sinh.

Để rèn luyện kĩ năng này, giáo viên chỉ cần hướng dẫn học sinh biết cách đọc, ghi chép, suy ngẫm. Từ đó, đối chiếu với phần lí thuyết của từng dạng bài, kiểu bài; tự rút ra những kĩ năng cơ bản khi trình bày một bài văn.

Ví dụ, trước một bài văn đạt giải, giáo viên hướng dẫn học sinh học cách triển khai bài viết. Với nội dung đó, đề bài đó thì cách mở bài được triển khai như thế nào? Phần thân bài được trình bày ra sao? Ở phần kết bài phải làm được những ý gì, kết quả nào?

Tiếp là luyện cho học sinh kĩ năng đọc, nhận xét văn người để bổ sung sửa chữa cho văn mình; không phải học thuộc lòng để sao chép một cách sáo rỗng.

Về kĩ năng tạo lập văn bản, theo cô Vi Thị Ỏn, nói đến kĩ năng này phải nói đến cách trình bày, diễn đạt, cách sắp xếp triển khai bài viết, cũng như cách điều chỉnh thời lượng bài viết cho phù hợp với học sinh. Đây là kĩ năng đòi hỏi thời gian rèn luyện; giáo viên kèm cặp sát sao, chỉ bảo chấm chữa bài tập kịp thời.

Với kĩ năng hoàn thiện bài viết, giáo viên phải thường xuyên đòi hỏi học sinh có năng lực biết tự nhận xét, tự đánh giá, điều chỉnh bài viết của mình; biết tìm ra chỗ mạnh, chỗ yếu; phân tích để thấy đâu là cái đúng, đâu là cái sai… trong bài viết.

Việc hoàn thiện, điều chỉnh có thể tiến hành ngay sau khi học sinh thực hành viết xong; cũng có thể ở buổi ôn sau, rồi giáo viên mới thu, chấm và nhận xét, chỉ ra những lỗi để học sinh điều chỉnh cho đúng, dựa theo sự gợi ý của giáo viên.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.

Ảnh: Quốc Bình

Cam Cao Phong

GD&TĐ - Bố khệ nệ mang về thùng cam mà đứa nào cũng… thờ ơ, dù chúng vừa chạy xe căng hải vượt 3 km từ trường về.