Giải pháp hiệu quả trong bồi dưỡng học sinh giỏi môn Ngữ văn

GD&TĐ - Thầy Nguyễn Thanh Nhân, giáo viên Trường THPT Phú Điền (Tháp Mười, Đồng Tháp) chia sẻ một số giải pháp hiệu quả trong bồi dưỡng học sinh giỏi môn Ngữ văn. Sáng kiến này đã áp có hiệu quả tại Trường THPT Phú Điền.

Thầy Nguyễn Thanh Nhân và học trò.
Thầy Nguyễn Thanh Nhân và học trò.

Lựa chọn học sinh để thành lập đội tuyển

Chọn học sinh để thành lập đội tuyển được xem là bước đầu tiên, đóng vai trò quan trọng. Việc này được tiến hành vào đầu mỗi năm học qua tìm nguồn, gặp gỡ học sinh có năng khiếu, đam mê văn học, vận động các em tham gia vào đội tuyển.

Với quan điểm đội tuyển phải có sự kế thừa của năm học này sang năm học khác, như vậy chất lượng bồi dưỡng mới được nâng cao, chuyên sâu, nên ngoài chọn những học sinh đang học lớp 12, thầy Nguyễn Thanh Nhân còn quan tâm chú ý đến những học sinh đang học lớp 10, 11 để tạo nguồn cho năm sau. Khi tham gia bồi dưỡng sẽ chia làm 2 nhóm (nhóm lớp 10, nhóm 11-12).

Do học sinh lớp 10 chưa đủ điều kiện để tham gia dự thi theo quy định của sở GD&ĐT, nên tiến hành ôn kiến thức cơ bản trong chương trình sách giáo khoa Ngữ văn 11-12. Học sinh khối 11-12 sẽ ôn theo kế hoạch. Trong quá trình ôn tập, dựa vào sự tiến bộ của học sinh, kết quả thi vòng trường sẽ thành lập đội tuyển chính thức dự thi cấp tỉnh.

Để duy trì được số lượng đội tuyển, thầy Nguyễn Thanh Nhân cho biết: trong quá trình ôn tập sẽ phối hợp chặt chẽ với phụ huynh học sinh qua điện thoại, thông báo lịch học tập, mức độ tiến triển của học sinh. Phối hợp chặt chẽ với giáo viên bộ môn xin giảm bớt bài tập trên lớp. Đồng thời, luôn tạo động lực, hứng thú để học sinh tích cực tham gia bồi dưỡng.

”Tôi lập nhóm Zalo với khẩu hiệu ”Vững niềm tin - Vững bước tương lai” để các em trao đổi trong nhóm về những vấn đề trong học tập. Khi học sinh gặp khó khăn, nản chí, muốn xin ra khỏi đội tuyển, tôi đã lắng nghe các em trình bày nguyên nhân để tìm cách tháo gỡ kết hợp với an ủi động viên...” - thầy Nhân chia sẻ.

Thầy Nguyễn Thanh Nhân cùng đồng nghiệp và học trò tại Trường THPT Phú Điền.
Thầy Nguyễn Thanh Nhân cùng đồng nghiệp và học trò tại Trường THPT Phú Điền.

Xây dựng kế hoạch bồi dưỡng khoa học

Trong quá trình giảng dạy, trước một số khó khăn vì nội dung thi dàn trải, kiến thức bài tập đọc hiểu nhiều, chưa cập nhật thông tin xã hội kịp thời để giúp học sinh làm tốt nghị luận xã hội..., thầy  Nguyễn Thanh Nhân đã nghiên cứu kỹ cấu trúc, đề thi của những năm trước.

Theo đó, trong đề thi, phần đọc hiểu thường ra dạng câu hỏi thường gặp (giống cấu trúc đề thi tốt nghiệp THPT). Ở phần này, câu hỏi số 1 (mức độ nhận biết), thường hay ra về phương thức biểu đạt, phong cách ngôn ngữ, từ ngữ, hình ảnh;

Câu 2 hay cho ở dạng thông hiểu, bao gồm một trong những cách hỏi như: “Hiểu thế nào...? Theo tác giả….? Theo anh/ chị, tại sao tác giả cho rằng…?”;

Câu 3 thường yêu cầu chỉ ra và nêu tác dụng của biện pháp tu từ. Câu 4 thường yêu cầu rút ra thông điệp hay yêu cầu đưa quab điểm đồng tình/ không đồng tình...

Phần làm văn nghị luận xã hội ra ở dạng hướng mở (các hiện tượng, vấn đề mang tính thời sự...). Nghị luận văn học, thầy Nhân mạnh dạn ôn những tác phẩm “đắt giá”, chia theo giai đoạn văn học.

Bước tiếp theo sau khi đã phân tích kỹ là tiến hành xây dựng kế hoạch bồi dưỡng thích hợp, khoa học. Phần nào đề thi thường hay ra sẽ dành thời lượng ôn nhiều hơn; những phần còn lại cũng vẫn ôn kỹ năng cơ bản để đề ra dạng nào học sinh cũng sẽ làm bài được.

Dựa vào kế hoạch năm học của trường, thực tế giảng dạy của bản thân và thời gian thi học sinh giỏi văn hóa của sở GD&ĐT, thầy Nhân lập kế hoạch bồi dưỡng gồm 28 tuần chia làm 6 giai đoạn.

Giai đoạn 1 (tuần 1- 3): Ôn kiến thức cơ bản về kỹ năng đọc hiểu, kỹ năng làm các dạng đề nghị luận xã hội, nghị luận văn học. Giai đoạn này ôn đầu năm học, cung cấp kỹ năng cơ bản cho học sinh, truy bài lý thuyết về các bước cơ bản đối với từng dạng đề, ra đề yêu cầu học sinh vận dụng lý thuyết thực hành bài tập đọc hiểu. Đây là giai đoạn quan trọng vì các em phải nắm đưọc các kỹ năng thì mới giải được bài tập.

Giai đoạn 2 (tuần 4 đến tuần 7): Ôn kiến thức trọng tâm các tác phẩm văn học trong sách giáo khoa Ngữ văn 11, 12. Phần này chiếm 10/20 điểm trong tổng bài thi. Cách thực hiện là dạy kỹ kiến thức nền, sau đó cho học sinh đối chiếu so sánh giữa các tác giả, tác phẩm để khắc sâu tri thức, không nhầm lẫn kiến thức. Bên cạnh đó, giáo viên cũng dành 1, 2 buổi ôn để truy bài lý thuyết.

Giai đoạn 3 (tù tuần 8 đến tuần 14): Thực hành bài tập đọc hiểu, nghị luận xã hội, nghị luận văn học. Giáo viên sưu tầm những đề đọc hiểu ôn thi tốt nghiệp THPT của những năm trước của các trường trong tỉnh Đồng Tháp do hội đồng bộ môn gửi, tham khảo thêm trên mạng cho học sinh giải để khắc sâu kỹ năng. Phần nghị luận xã hội, nghị luận văn học, yêu cầu học sinh phân tích đề, lập dàn ý.

Giáo viên lồng ghép truy bài lý thuyết những câu nói hay, ca dao, thơ về ý chí nghị lực vươn lên trong cuộc sống, cho học sinh đối thoại, phát vấn làm rõ vấn đề. Giới hạn nội dung theo từng giai đoạn để học sinh chủ động, tạo tâm thế học tập. Truy bài những câu lý luận hay về thơ, truyện ngắn; những lý luận thường gặp trong đề thi, như chức năng văn học, đặc điểm thơ, hình tượng nhân vật, chi tiết, hình ảnh...

Giai đoạn 4 (tuần 15 đến tuần 19): Giải đề tổng hợp. Giáo viên cho học sinh giải đề thi thử của những năm trước; bên cạnh đó nghiên cứu, sưu tầm biên soạn thêm một số dạng đề theo cấu trúc thi của sở cho học sinh giải. Trong quá trình giải đề tổng hợp, lưu ý học sinh việc phân chia thời gian hợp lý. Ví như phần đọc hiểu làm trong khoảng 25-30 phút, phần nghị luận xã hội viết 60 phút và phần nghị luận văn học là 90 phút. Khi giải đề, giáo viên không giới hạn nội dung như ở giai đoạn 3. Ngoài ra, kết hợp với thi thử vòng trường sẽ yêu cầu học sinh nghiêm túc rút kinh nghiệm và có kế hoạch bổ sung, khắc phục những hạn chế trong bài thi

Giai đoạn 5 (tuần 20 đến 25 ): Luyện viết - tham khảo những đoạn, bài văn đạt giải. Một bài văn của học sinh muốn đạt điểm cao phải viết đúng, hay. Hay ở đây có thể hiểu là lời văn mạch lạc, trôi chảy, hành văn sáng tạo, chuyên sâu.

Vì thế giai đoạn luyện viết, thầy Nhân yêu cầu học sinh viết đoạn văn theo luận điểm có vận dụng lý luận, dẫn chứng mở rộng theo công thức như sau: (1) Chuyển ý - (2) Luận điểm - (3) Nội dung, nghệ thuật đoạn văn/thơ - (4) Liên hệ mở rộng câu nói hay lý luận, thơ; hay có khi yêu cầu học sinh diễn đạt sáng tạo đưa lý luận lên đầu đoạn, giữa đoạn.

Sau đó, giáo viên tiến hành chấm, chỉnh sửa, rút kinh nghiệm cho từng em. Cùng với đó, cho học sinh đọc những đoạn, bài văn đạt giải rồi yêu cầu các em phân tích cái hay, hạn chế (nếu có) để rút ra kinh nghiệm cho bản thân. 

Giai đoạn cuối (tuần 26 đến 28 ): Củng cố kiến thức cơ bản.

Ảnh minh họa/ITN
Ảnh minh họa/ITN

Đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá

Nhằm tạo hứng thú, say mê học tập, trong quá trình bồi dưỡng, thầy Nguyễn Thanh Nhân cho biết thường vận dụng nhiều phương pháp, như kỹ thuật mảnh ghép, phát vấn, gợi mở, đóng vai, đôi bạn cùng tiến; sử dụng máy chiếu cho học sinh xem đoạn phim tư liệu về tác giả, tác phẩm, sự kiện lịch sử có liên quan, chiếu bài tập đọc hiểu, bài văn hay cho học sinh xem. Tạo Zoom giao bài tập và hướng dẫn, giải đáp cho học sinh.

Để giúp học sinh hình dung được khi làm bài thi thiếu phần nào sẽ mất bao nhiêu điểm, thầy Nhân cho học sinh tiếp cận thang điểm chấm (phần cứng); từ đó các em thấy được tầm quan trọng của việc viết chữ cẩu thả khó đọc hay viết không phân đoạn, mở bài - kết bài không đạt sẽ mất điểm.

Theo sát mức độ tiến triển của học sinh trong quá trình bồi dưỡng, thầy Nguyễn Thanh Nhân thường cho kiểm tra, đánh giá mức độ học tập của học sinh qua mỗi chuyên đề, giai đoạn. Đề có thời gian làm bài 180 phút, giống cấu trúc đề thi học sinh giỏi. Bồi dưỡng tới giai đoạn nào sẽ ra đề phù hợp theo giai đoạn đó.

Giáo viên có khen thưởng quà để động viên, khích lệ; chấm, sửa bài ghi vào quyển nhật kí bảng đánh giá của từng học sinh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.