Lịch sử khoa cử phong kiến Việt Nam với gần 845 năm, kể từ khoa thi Minh Kinh Bác học đầu tiên (1075) thời nhà Lý đến khoa thi cuối cùng năm 1919 triều Nguyễn. Trong đó, làng Kim Đôi đã có 26 tiến sĩ, là một trong hai làng có truyền thống khoa bảng hàng đầu Việt Nam.
5 anh em đều đỗ tiến sĩ
Kim Đôi xưa có tên gọi là Dủi Quan. Theo giải thích của các cao niên, tên làng gắn liền với nghề dủi tôm cá ngoài đồng và sông ngòi, và có nhiều người làm quan. Nằm bên bờ Nam sông Cầu, nơi đây từng được mệnh danh là một trong những “lò tiến sĩ” của nước Nam, nổi tiếng qua lưu truyền dân gian.
Trải từ triều Lê sơ, Lê - Trịnh đến nhà Nguyễn, làng Kim Đôi có 26 tiến sĩ, chủ yếu tập trung vào hai dòng họ Phạm - Nguyễn hội tụ sinh sống và lập đền thờ, văn chỉ ở xóm Ngoài.
Số lượng tiến sĩ của làng tập trung chủ yếu vào dòng họ Nguyễn với 19 vị. Sách “Lịch triều hiến chương loại chí”, “Đại Việt sử ký toàn thư”, “Phong thổ Kinh Bắc thời Lê”, “Đăng khoa lục” và tập sách “Các nhà khoa bảng Việt Nam” đều liệt kê các tiến sĩ làng Kim Đôi.
Cả thảy 26 tiến sĩ, nhưng từ khi Nhà nước công nhận Kim Đôi là Di tích lịch sử văn hóa thì con số 25 tiến sĩ là chính thức. Nhĩ thập lục thành nhị thập ngũ, nguyên nhân vì sao thì cũng ít người tỏ tường.
Khởi thủy của làng tiến sĩ bắt đầu từ gia đình bà Hoàng Thị Hay (quê ngoại ở vùng Bạch Nhạn, Phả Lại, Hải Dương), một người mẹ mẫu mực nuôi dạy con cái nên người. 5 người con trai của bà đều lần lượt đỗ tiến sĩ và trở thành những quan đại thần dưới triều Lê.
Khoa thi năm Bính Tuất (1466), hai anh em Nguyễn Nhân Bỉ và Nguyễn Nhân Thiếp cùng đỗ tiến sĩ, được bổ nhiệm làm Thái Nguyên Tham ngự và Lại Bộ Thượng thư Đông các học sĩ.
Tiếp đó là Nguyễn Nhân Bồng đỗ khoa Kỷ Sửu (1469), làm Lễ Bộ tả thị lang, hội viên Hội Tao đàn nhị thập bát tú. Nguyễn Nhân Dự đỗ khoa Nhâm Thìn (1472), giữ chức Hiến sát sứ và người em út là Nguyễn Nhân Đạc đỗ khoa Ất Mùi (1475), giữ chức Hàn lâm Viện kiểm thảo.
Từ một gia đình nghèo hiếu học, 5 anh em họ Nguyễn đã làm rạng danh làng xã. Họ là những người đã đặt những viên gạch đầu tiên xây nên “làng tiến sĩ” Kim Đôi.
Chuyện đỗ tiến sĩ xưa không phải quá hiếm. Nhưng 5 anh em một nhà đều đỗ đạt và ở lứa tuổi rất trẻ (15 đến 23 tuổi) thì chỉ duy có nhà họ Nguyễn. Thế nên, vua Lê Thánh Tông mới ban cho anh em họ Nguyễn đôi câu đối: Thanh tuyền trúng tuyển nhân gian thiểu/Hoàng bảng thư danh bản tập đa.
Đôi câu đối vua ban hiện còn lưu giữ Bia Minh thế tại từ đường họ Nguyễn, có nghĩa là: “Ngày xưa nhà nghèo chỉ có tiền kẽm gỉ xanh mà đi thi đỗ đạt cao, thật hiếm có trong nhân gian, nhưng được ghi tên bảng vàng thì họ ta có rất nhiều”.
Giai thoại đất tốt phát khoa bảng
Tổ tiên làm quan cao chức trọng nhưng vẫn giữ gìn bồi đắp nhân đức, làm nhiều điều lành hiền phúc, nên con cháu dòng dõi được vinh hiển muôn đời. Quả thực, từ nền tảng khoa danh, con cháu Nguyễn tộc Kim Đôi tiếp tục ghi tên mình trong bảng vàng khoa cử với 14 người đỗ tiến sĩ trong các triều đại phong kiến kế tiếp. Người cuối cùng ghi danh “hoàng bảng” là Nguyễn Quốc Quang đỗ tiến sĩ năm 1700, làm quan đến chức Tham chánh sứ Nghệ An.
Trong số 19 tiến sĩ họ Nguyễn, có 8 người làm đến chức Thượng thư, một số làm Tế tửu Quốc Tử Giám, số còn lại đều là trọng thần. Vì vậy, khi vua thiết triều thấy các quan số nhiều là người họ Nguyễn, mới ban tặng đại tự: “Gia thế Kim Đôi/Chu tử mãn triều”, tức: Họ Nguyễn Kim Đôi/Áo gấm đầy triều.
Ông Nguyễn Văn Bảo - Trưởng đại diện dòng họ Nguyễn, cũng là hậu duệ đời thứ 19 của dòng họ Nguyễn Kim Đôi, nói rằng không biết lý giải như thế nào về sự thành đạt của tiền bối xưa. Chỉ có câu chuyện kể lại để chúng ta nghe như một giai thoại.
Cụ bà thủy tổ họ Nguyễn vốn tên là Hoàng Thị Hay là cháu ngoại của một đại tướng quân nhà Trần. Thời thế loạn lạc khiến bà phải lưu lạc khắp nơi. Sau một trận bão lớn, bà ra xem một gốc cây bị đổ và nhặt được chĩnh vàng.
Một thời gian sau, có người đến bên gốc cây khóc lóc rầu rĩ lắm. Cụ Hay ra hỏi sự tình mới biết chĩnh vàng là của người đang khóc bên gốc cây kia. Cụ đem trả lại mà không nhận tiền trả ơn.
Quãng một năm sau, người được cụ Hay trả lại chĩnh vàng quay lại đền ơn. Người ấy bảo: Tôi có 2 mảnh đất tốt, một là nhất đại đế vương (một đời làm vua), hai là kế thế công khanh (đời đời làm quan), bà chọn đất nào?
Cụ Hay chọn mảnh đất thứ hai. Vậy là người kia đem mộ tổ của bà đến Phao Sơn (Chí Linh, Hải Dương) chôn cất. Ngôi mộ tổ ấy ngày nay vẫn còn và đang nằm trên núi Bạch Nhạn.
Giai thoại thứ hai là chồng cụ Hay vốn là dòng dõi nhà Trần, đã có vợ và 3 người con, hiềm nỗi vợ mất lại phải chạy loạn. Một hôm, ông thấy có hai người đang tranh cãi về đất tốt và đất xấu. Để công bằng, họ thống nhất cắm cành cây lên đó, nếu đất tốt thì cành vẫn xanh tốt, nếu đất xấu cành sẽ úa vàng sau một đêm.
Ông tổ họ Nguyễn rình mãi, thấy cành cây ở mảnh đất Kim Đôi xanh tốt thì mới đánh tráo. Từ khi có đất tốt dựng nhà, thờ tự mộ phần thì sự học của dòng họ cũng phất lên như gió.
Theo ông Bảo, dòng họ Nguyễn vốn có một Trạng nguyên, gọi là “Trạng nguyên 3 ngày”. Đó là Nguyễn Nhân Huân, con tiến sĩ Nguyễn Nhân Thiếp. Trong kỳ thi cuối đời vua Lê Thánh Tông (1496), nhà vua ra lệnh, ai đỗ Trạng nguyên sẽ được gả em gái vua (em gái vua đang là góa phụ và cũng đã có tuổi).
Nhân Huân đỗ Trạng nguyên nhưng nhà vua nghĩ, người này tuổi quá trẻ sẽ không hợp với cô em gái đã có tuổi của mình, nên 3 ngày sau vua nói với quần thần: “Đêm qua ta nằm mơ thấy Trạng nguyên có râu”.
Thế là các giám khảo đành “đánh bật” Nhân Huân xuống, và để Nghiêm Viên, sau được vua đổi tên là Nghiêm Viện, người Quế Võ đỗ Trạng nguyên và làm phò mã.
7 tiến sĩ họ Phạm
Tuy nhập cư muộn hơn so với họ Nguyễn Kim Đôi nhưng họ Phạm cũng đã góp vào kỳ tích của làng khoa bảng với 7 tiến sĩ: Phạm Thiệu, Phạm Đình Châu, Phạm Nguyễn Đạt, Phạm Đình Phan, Phạm Đình Dư, Phạm Bá Thiều, Phạm Quĩ.
Theo các cao niên họ Phạm, thì sở dĩ xuất hiện họ Phạm ở Kim Đôi là do thời Lê có cụ Thái bảo Địch giáo Phạm Bá, hiệu Đông Lĩnh tiên sinh lánh nạn về xã Châu Cầu (huyện Quế Dương, nay là huyện Quế Võ - Bắc Ninh), sau theo đến chỗ ruộng thế lộc ở xã Đông Lâu (Yên Phong) nhân ở luôn thôn Chính Trung (xã Dũng Liệt).
Sau chuyến đi sứ Trung Quốc về, Tiến sĩ - Thượng thư Phạm Thiệu được cụ Trung khánh bá Nguyễn Củng Thuận gả con gái út (tên là Từ Giáo). Kể từ đời đó, hai dòng họ Phạm - Nguyễn Kim Đôi làm thông gia với nhau. Tiến sĩ Phạm Thiệu là người đã khai sinh ra họ Phạm tiến sĩ ở Kim Đôi.
Họ Phạm Kim Đôi đã đạt kỷ lục hiếm có, trong 7 tiến sĩ thì có 3 vị đại thần là Thượng thư nắm giữ các bộ quan trọng trong triều đình. Phạm Thiệu là Thượng thư Bộ Lễ, Phạm Đình Dư là Thượng thư Bộ Lại, Phạm Quĩ giữ chức Thượng thư Bộ Binh.
Hai vị là sứ thần là Phạm Thiệu và Phạm Nguyễn Đạt, 2 vị làm Ngự sử là Phạm Đình Châu và Phạm Đình Dư, 1 vị là Tế tửu Quốc Tử Giám Phạm Bá Thiều.
Xưa kia dân gian cho rằng, Kim Đôi khoa bảng rực rỡ bởi “long mạch vượng”. Hai họ Phạm, Nguyễn đều dựng đền thờ hướng Tây, phía trước trông xa hơn là ngọn Tam Thai giống văn bút chấm mực xuống sông Cầu.
Cổng đền họ Phạm đề “Tiến sĩ Thượng thư từ” cổng đền họ Nguyễn ghi “Khoa bảng môn” và hai câu đối: Kim Bảng thạch bi truyền vọng tộc/Hiền xa tứ mã xứng cao môn – nghĩa là: Bảng vàng bia đá được lưu truyền về sau/Kiệu xe tứ mã được xứng cửa cao này.
Tục lệ làng xã động viên người thi cử cả về vật chất lẫn tinh thần. Kim Đôi có ruộng khuyến học dành cho người từ tiến sĩ trở lên. Văn chỉ hàng huyện có quy định, của tế và người dự tế phải có chức danh học vị: Trúng trường quan chi đích tử/Triều quí quan chi đích tôn.
Truyền thống hiếu học còn biểu hiện ở sự tôn sư trọng đạo. Kim Đôi có lệ “tết thầy” vào mồng 5/5, rằm tháng 8 và mồng 10/10 âm lịch.