Năm 2008, Hội đồng xác lập kỷ lục Việt Nam trao Cúp kỷ lục Việt Nam công nhận làng Tiến sỹ Mộ Trạch có số lượng tiến sĩ nho học nhiều nhất cả nước từ thế kỷ XIV - XVIII. Đây cũng là quê hương của nhiều danh sỹ như: Nhà văn Vũ Ngọc Phan, Lưỡng quốc tướng quân Nguyễn Sơn (tên thật là Vũ Nguyễn Bác), quê ngoại của Giáo sư, Anh hùng lao động Vũ Khiêu…
Đất thiêng sinh tiến sỹ
Nhìn bề ngoài làng Mộ Trạch (nay thuộc xã Tân Hồng, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương) không khác nhiều với các làng quê khác ở vùng Đồng bằng Bắc bộ. Tuy vậy, từ xa xưa nơi đây đã nổi tiếng là làng khoa bảng. Cả vùng xứ Đông (phía Đông kinh thành Thăng Long xưa) vẫn truyền miệng nhau câu nói: “Tiền làng Đọc, thóc làng Nhữ, chữ làng Chằm” (làng Chằm là tên xưa của làng Mộ Trạch) ý nói làng Chằm rất nhiều người học hành đỗ đạt.
Theo thần tích, làng Mộ Trạch (có tên Nôm là làng Chằm Thượng), làng thờ vị Thành Hoàng tên húy là Vũ Hồn. Có lẽ chính vì thế mà họ Vũ là họ lớn nhất ở Mộ Trạch với gần 90% dân số mang họ này. Vũ Hồn, vốn là người Trung Quốc, tư chất thông minh, năm 16 tuổi thi đỗ tiến sĩ, được vua nhà Đường cử sang An Nam làm Thứ sử Giao Châu rồi làm tới chức Kinh lược sứ.
Là người tinh thông thiên văn - địa lý - phong thủy, Vũ Hồn cho rằng, cả vùng Hải Dương là một đại cuộc, huyện Đường An là huyệt trường và làng Chằm Thượng là huyệt kết; giữ làng làm nguyên quán thì đời đời sẽ tiến phát về đường khoa bảng. Vì vậy, Vũ Hồn đã cắm đất lập ấp với tên ban đầu là Khả Mộ trang. Sau này, triều Trần đổi tên thành Mộ Trạch, nghĩa là vùng đất được mến mộ. Do công lao to lớn, gây dựng truyền thống hiếu học cho con cháu đời sau nên người dân Mộ Trạch suy tôn và thờ Vũ Hồn là Thành hoàng làng, ông đồng thời cũng là thủy tổ của dòng họ Vũ nơi đây.
Theo các tư liệu nghiên cứu lịch sử, chỉ tính từ năm 1304 - 1754, trong khoảng 450 năm, Mộ Trạch đã có 36 người đỗ tiến sĩ nho học, trong đó có 1 trạng nguyên và 11 hoàng giáp. Họ Vũ chiếm đa số tuyệt đối với 9 hoàng giáp và 20 tiến sĩ. Và trong số những vị đỗ đạt này, có 1 người làm tể tướng, 4 người làm bồi tụng, 14 người làm thượng thư, 5 người làm quận công...
GS.TSKH. Nhà giáo Nhân dân Vũ Minh Giang, Phó chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Quyền Chủ tịch Hội đồng dòng họ Vũ - Võ Việt Nam nhận xét: “Cụ Vũ Hồn rất đề cao việc học hành, theo ông muốn trở thành người tốt thì phải có sức học. Chính vì thế, ông là người khai sáng ra truyền thống hiếu học của làng khoa bảng nổi tiếng này”.
Cổng làng Mộ Trạch, phía trước là con đường mang tên Đường làng Tiến sĩ
Vang danh làng khoa bảng
Truyền thống khoa bảng của làng Mộ Trạch trải dài suốt thời kỳ phong kiến, như một mạch nguồn nối dài tới tận ngày nay. Mở đầu cho “bảng vàng tiến sĩ” của làng Mộ Trạch là hai anh em ruột Vũ Nghiêu Tá và Vũ Hán Bi. Hai ông cùng đỗ Thái học sinh năm Giáp Thìn (1304) dưới triều vua Trần Anh Tông và được trọng dụng do tài cao lại chính trực, liêm khiết. Cha của hai ông là Đồng Giang hầu, Tả tướng quân Vũ Nạp (phó tướng của Hoàng tôn Trần Quốc Bảo) với chiến công đánh tan quân Nguyên - Mông trong trận Bạch Đằng, bắt sống hai tướng giặc là Ô Mã Nhi và Phàn Thiếp.
Kể từ đó, truyền thống khoa bảng của Mộ Trạch được bồi đắp ngày một dày thêm qua các triều đại, đến Vũ Huy Đĩnh đỗ tiến sĩ khoa Giáp Tuất (1754) tổng cộng làng Mộ Trạch có 36 tiến sĩ.
Ông Vũ Quốc Ái, thường trực Ban Quản lý di tích làng Mộ Trạch, người được ví là “kho sử sống của làng” chia sẻ: “Khoa thi Bính Thân (1656) dưới triều vua Lê Thần Tông, cả nước có 3.000 người dự thi, nhà vua chỉ lấy 6 người đỗ tiến sĩ, trong đó có 3 người làng Mộ Trạch tuổi còn rất trẻ từ 21 - 23 tuổi là: Vũ Trác Lạc, Vũ Đăng Long, Vũ Công Lượng. Sau này, khi xem lại lịch sử khoa thi, vua Tự Đức uyên thâm về chữ nghĩa, giỏi về chính trường còn phải tấm tắc khen và bút phê là “Mộ Trạch nhất gia bán thiên hạ” tức là “một làng Mộ Trạch bằng nửa thiên hạ”.
Cụ Vũ Đăng Hướng, thủ từ Miếu làng Mộ Trạch cho biết thêm: “Chỉ riêng đời chúa Trịnh Tráng, Mộ Trạch có đến 17 người đỗ đạt, làm quan trong triều, nên dân gian mới có câu “Mộ Trạch họp làng giữa kinh đô”. Đó là chưa kể đến các cử nhân, tú tài nhiều không kể hết”.
Làng Mộ Trạch có nhiều chuyện lạ đến mức lạ lùng, nhiều trường hợp trong 1 nhà có 3 đời đỗ tiến sĩ như Hữu thị lang Lê Lại đỗ trạng nguyên năm 1505, là cháu của tiến sĩ Lê Cảnh Tuân đỗ năm 1381, là anh của tiến sĩ Lê Tư đỗ năm 1511, là bố của tiến sĩ Lê Quang Bí đỗ năm 1526 và có cháu là tiến sĩ Lê Công Triều đỗ năm 1659.
Ngoài ra, còn có gia đình “tam đại tiến sĩ” khác là: Vũ Bạt Tụy (ông), Vũ Duy Đoán (cha), Vũ Duy Khuông (cháu) cùng đỗ tiến sĩ và làm quan dưới triều vua Lê Thánh Tông.
Theo sách Đăng khoa lục sưu giảng, khi thấy làng Mộ Trạch có nhiều người đỗ đạt, triều đình có sự ngờ vực nên bí mật rà xét lại việc thi cử. Khoa thi Kỷ Hợi năm Vĩnh Thọ (1659) triều vua Lê Thần Tông, triều đình chọn một vị quan giám khảo ra đề rất khó. Các thí sinh mỗi người phải ngồi trong một hố sâu làm bài thi, trên mỗi hố lại úp một lồng để ngăn cách, quan giám khảo ngồi trên lều cao kiểm soát rất chặt chẽ. Khi công bố kết quả, làng Mộ Trạch có tới 4 người đỗ tiến sĩ được xướng tên bảng vàng là: Vũ Cầu Hối, Vũ Bật Hài, Vũ Công Đạo, Lê Công Triều; khiến vua hết sức kinh ngạc, khâm phục và tin dùng.
Làng Mộ Trạch cũng là nơi “chôn nhau cắt rốn” của Trạng Cờ Vũ Huyên (người chỉ với 10 nước cờ giúp vua thắng xứ thần phương Bắc bằng mẹo đánh cờ giữa trưa nắng để chỉ nước đi cho vua qua kẽ tia nắng của chiếc lọng), Trạng Toán Vũ Hữu (người tính toán xây dựng cổng thành Thăng Long không thừa không thiếu một viên gạch và cũng là tác giả cuốn sách “Lập thành toán pháp), Trạng Vật Vũ Phong, Trạng Chạy Vũ Cương Trực và Trạng Chữ Lê Nai (đỗ trạng nguyên).
Thời xưa, tất cả những thí sinh của làng muốn lên Kinh thành dự thi đều phải đăng ký vào sổ thi của làng và dứt khoát phải vượt qua kỳ thi thử tại Kỳ Anh quán nơi đầu làng. Tại kỳ thi này, những người có khoa bảng trong làng sẽ làm nhiệm vụ khảo xét bồi dưỡng lớp con em để họ có đủ năng lực và phẩm chất trước khi thi tài với thiên hạ. Nhờ truyền thống giáo dục tốt cộng với sự chăm chỉ dùi mài kinh sử mà người làng Mộ Trạch đã chiếm bảng vàng rực rỡ trong các kỳ thi của triều đình.
Nhà bia vinh danh Đức Thần tổ Vũ Hồn và 36 tiến sĩ làng Mộ Trạch
Tiếp nối truyền thống
Ngày nay, noi gương truyền thống hiếu học của cha ông cùng với việc quan tâm, chú trọng những hoạt động khuyến học của làng xã, của từng dòng họ mà các thế hệ con cháu làng Mộ Trạch vẫn không ngừng phấn đấu học tập, đỗ đạt thành tài.
Ông Vũ Quốc Ái, Chi hội phó Chi hội Khuyến học làng Mộ Trạch cho biết: Hàng năm, trước mỗi kỳ thi Đại học, THPT, Chi hội khuyến học làng Mộ Trạch đều tổ chức Hội nghị tư vấn tuyển sinh và mời các giáo sư, tiến sĩ, thạc sỹ, giảng viên các trường đại học, học viện về trực tiếp giới thiệu, tư vấn, chia sẻ kinh nghiệm chọn trường học, ngành học cho các bậc phụ huynh và học sinh trong làng.
“Tính từ năm 2010 đến nay, tuy làng Mộ Trạch có 3.200 nhân khẩu, nhưng đã có hơn 500 người đỗ đại học chính quy. Danh sách học sinh giỏi cấp huyện, cấp tỉnh qua các năm của làng cũng tăng theo. Từ năm 1960 tới nay, làng có 11 tiến sĩ. Các dòng họ trong làng, đặc biệt là họ Vũ rất coi trọng việc răn dạy con cháu chăm lo việc học hành, thi cử. Những lời khuyên dạy được khắc trên bia dựng tại nhà thờ họ để truyền lại cho con cháu đời sau”, ông Ái chia sẻ.
Vào ngày mùng 8 tháng Giêng âm lịch hàng năm, tại lễ hội kỷ niệm ngày sinh Đức Thần tổ Vũ Hồn - Thành hoàng làng và cũng là Thủy tổ dòng họ Vũ - Võ Việt Nam, Chi hội khuyến học làng Mộ Trạch và Ban khuyến học - khuyến tài của Hội đồng dòng họ Vũ - Võ Việt Nam tổ chức khen thưởng cho các học sinh, sinh viên đạt thành tích xuất sắc trong học tập nhằm động viên, khích lệ thế hệ trẻ tiếp nối truyền thống hiếu học, khoa bảng của cha ông.