Làng khoa bảng và huyền tích cá chép vượt vũ môn

GD&TĐ - Trong các làng khoa bảng nước ta, Hành Thiện (Nam Định) có những nét đặc biệt hơn cả. Ngôi làng có hình cá chép gắn liền với nhà địa lý Tả Ao ẩn chứa nhiều huyền tích lạ kỳ.

Làng Hành Thiện được coi là vùng “địa linh nhân kiệt”.
Làng Hành Thiện được coi là vùng “địa linh nhân kiệt”.

Làng Hành Thiện có tên Nôm là làng Keo thuộc xã Xuân Hồng (Xuân Trường - Nam Định). Do đất làng ở cạnh sông bị sạt lở nên dân làng phải di cư rồi lập thành hai làng Hành Thiện ở bờ Nam và Dũng Nhuệ ở bờ Bắc sông Hồng.

Làng Hành Thiện nằm ở ngã ba sông Hồng và sông Ninh Cơ, có địa thế “lý ngư” - tức con cá chép, bụng chứa nghiên mực. Đầu cá hướng Nam về sông Ninh Cơ, nơi có miếu thờ thần Tam Giáp. Đuôi quẫy về hướng Bắc có sông Hồng như đang quẫy đuôi ra biển lớn.

Tả  Ao “điểm mắt” cá chép

Theo giai thoại làng Hành Thiện, vào thời Lê Sơ nhà địa lý Tả Ao đi qua phủ Xuân Trường, đến làng Giao Thủy (tên cũ của làng Hành Thiện). Người dân nơi đây tiếp cụ Tả Ao rất chu đáo, vì vậy khi dân làng ngỏ ý muốn cụ xem cho thế đất của làng thì cụ đồng   ý ngay.

Theo lời dân làng truyền lại thì cụ Tả Ao nói rằng: Kiểu đất làng này rất đẹp, chẳng khác gì hình con cá đang quẫy đuôi tung mình ra biển. Chỗ kia là đầu và mình cá, còn cánh đồng kia là khúc đuôi. Sau này kết phát, khúc đuôi đó sẽ nở to dần, do đất phù sa ở con sông bồi vào.

Lại nữa, những con lạch bao bọc quanh làng là mạch nước nuôi sống con cá, quanh năm chẳng bao giờ bị cạn, nhờ đó dân trong làng được thịnh vượng, làm ăn phát đạt, ít bệnh tật ốm yếu. Chỉ hiềm một nỗi là con cá không có mắt, nên đến giờ làng vẫn không thể phát khoa danh.

Dân làng nghe vậy thì khẩn khoản xin cụ “điểm mắt” cá chép. Cụ Tả Ao liền tìm đúng vị trí huyệt mạch rồi bảo dân làng đào một cái giếng để làm mắt cá. Nước giếng sẽ rất thiêng cần giữ sạch, sau này dân làng sẽ có nhiều người làm quan.

Tính xác thực của câu chuyện trên tuy chỉ là giai thoại, nhưng sự “đại phát khoa danh” của làng thì không thể bàn cãi. Người dân làng kể rằng, từ sau ngày đào giếng nước, người làng ngày càng giàu có, nam thì học hành đỗ đạt, nữ thì khéo léo ươm tơ. Thời nào làng cũng có người đỗ cao và làm quan lớn trong triều.

Đến thời nhà Nguyễn, vua Minh Mạng rất thích ngôi làng này, vì làng không chỉ có nhiều người đỗ đạt, học cao mà người dân nơi đây sống rất chân thật, đôn hậu, chuyên làm việc thiện. Năm 1823, vua tặng 4 chữ sơn son thiếp vàng: “Mỹ tục khả phong” và đổi tên thành làng Hành Thiện.

Người dân lưu truyền câu “Đông Cổ Am, Nam Hành Thiện” ngụ ý phía Đông có làng Cổ Am (nay thuộc Vĩnh Bảo, Hải Phòng), phía Nam có làng Hành Thiện. Hai nơi này đều là địa danh có nhiều người học hành đỗ đạt, văn hay chữ tốt.

Ở Xuân Trường hiện nay vẫn còn câu cửa miệng “đậu phụ Thủy Nhai, tú tài Hành Thiện” để nói về 2 ngôi làng: Thủy Nhai và Hành Thiện. Thuỷ Nhai là ngôi làng gần đó nổi tiếng về nghề làm đậu phụ, còn làng Hành Thiện thì nhà nào cũng có người đậu tú tài.

Trăm năm khoa bảng

Tiến sĩ Đặng Xuân Bảng – người sau này lập Hy Long thư viện.
Tiến sĩ Đặng Xuân Bảng – người sau này lập Hy Long thư viện.
Khi vào lĩnh mũ áo, dự yến tiệc xong, vua hỏi tân khoa tiến sĩ Đặng Xuân Bảng:  Người ở nhà học ai? - Tâu bệ hạ, từ thuở bé đến lớn, hạ thần chỉ học cha ở nhà thôi. - Cha ngươi đỗ gì? - Tâu bệ hạ, cha hạ thần đỗ bảy khoa tú tài. Vua liền ban cho bốn chữ “Giáo tử đăng khoa” (Cha dạy con mà con thi đỗ Đại khoa). Sau khi đỗ tiến sĩ, Đặng Xuân Bảng vào làm việc ở Nội các, tham gia chỉnh lý bộ sách “Khâm định nhân sự kim giám”, bàn về đạo trị nước của các bậc đế vương.

Trong lịch sử khoa bảng Nho học thời phong kiến, làng Hành Thiện có 7 người đỗ đại khoa (3 tiến sĩ, 4 phó bảng), 97 cử nhân, 315 tú tài. Làng có 4 người làm quan Thượng thư, 4 người là quan Tuần phủ, 4 người là Tổng đốc, 23 người làm quan giúp việc triều đình, 69 người làm Tri phủ, Tri huyện, số người đỗ đạt đi làm thầy giáo, thầy thuốc ở khắp nơi.

Người đỗ cao nhất là tiến sĩ Đặng Xuân Bảng (ông nội cố Tổng Bí thư Trường Chinh) thời vua Tự Đức. Năm 1856 ông thi và đỗ tiến sĩ, đỗ hạng nhì khoa thi năm ấy. Tương truyền quyển thi của ông đáng đậu Hoàng giáp, nhưng phần cuối có lời thẳng thắn can vua thanh sắc tuần du. Vua không thích nên đánh ông xuống đỗ đầu hàng Tam giáp tiến sĩ - tức Tam giáp tiến sĩ đệ nhất danh.

Năm 1861 Ðặng Xuân Bảng giữ chức quyền Tri phủ Thọ Xuân, rồi Tri phủ Yên Bình (Thanh Hoá). Năm 1864, ông làm Án sát tỉnh Quảng Yên, tiếp đến là làm Giáo thụ Phủ Ninh Giang (Hải Dương). Năm 1870, ông được phong chức Tuần phủ Hưng Yên, đến tháng 6/1872 nhậm chức Tuần phủ Hải Dương…

Theo tư liệu khoa bảng, khoa thi Nho học có 2 kỳ thi chính là thi hương tổ chức ở các địa phương, qua được 4 vòng kỳ thi hương sẽ thi hội ở triều đình. Làng Hành Thiện lập kỷ lục khi 42 kỳ thi hương ở Nam Định đều có người đỗ Hương cống.

Ở Hành Thiện có nhiều gia đình có cả cha con đều đỗ đạt như cụ Nhị trường Đặng Vũ Kiểm có ba con đậu Cử nhân, hai con đậu Tú tài. Cụ Đặng Văn Tường có năm con đều đậu Nhị trường, Cử nhân.

Nhiều học trò Hành Thiện sớm bộc lộ thông minh và tinh thần hiếu học đã đỗ đạt rất sớm như Đặng Huyến đỗ Tú tài từ năm 11 tuổi, Nguyễn Âu Chuyên đỗ Tú tài năm 19 tuổi, đỗ Giải nguyên (thủ khoa) năm 20 tuổi, đỗ Phó bảng năm 25 tuổi.

Nhiều người gặp hoàn cảnh khó khăn vẫn quyết chí học tập và đỗ đạt, như Nguyễn Như Bổng nhà nghèo nhưng đã hai lần đỗ Tú tài, đỗ Cử nhân năm 60 tuổi. Nguyễn Ngọc Liên đỗ Cử nhân nhưng không nhận chức Huấn đạo mà ở nhà học thêm ba    năm và thi đỗ tiến sĩ khoa Kỷ Sửu năm 1889.

Thời thuộc Pháp, trong hoàn cảnh khoa bảng không còn được coi trọng như xưa, làng Hành Thiện vẫn có 51 người đỗ Tú tài đến Cử nhân trở lên. Giai đoạn này làng Hành Thiện cũng đã có một số người du học châu Âu.

Đến thời hiện đại, Hành Thiện vẫn là ngôi làng nổi tiếng học giỏi có người đỗ đạt nhiều nhất Nam Định. Theo thống kê sơ bộ, có đến 88 người được phong hàm Giáo sư, tiến sĩ, phó tiến sĩ và trên 600 người có bằng cử nhân cả trong và ngoài nước.

Nhưng trước hết và trên hết, nhiều người biết đến Hành Thiện là một làng nổi tiếng hiếu học và khoa bảng vinh danh. Nhiều người tại ngôi làng này đã trở thành những trí thức, nhà văn hoá, cách mạng và quân sự danh tiếng, có nhiều đóng góp cho dân tộc và đất nước.

Ðặc biệt là nhà cách mạng Trường Chinh (Đặng Xuân Khu) đã trở thành lãnh tụ của Ðảng và Nhà nước, từng giữ các chức vụ: Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Tổng Bí thư BCH Trung ương Ðảng.

Học là một nghề truyền thống

Ngoài tinh thần hiếu học, người Hành Thiện rất gìn giữ phong tục truyền thống.
Ngoài tinh thần hiếu học, người Hành Thiện rất gìn giữ phong tục truyền thống.

Trong hơn 10 thế kỷ khoa cử Nho học, làng Hành Thiện đã có hàng trăm người đỗ đạt nổi danh. Chỉ riêng trong thời Nguyễn, làng Hành Thiện đã có 88 người thi đỗ cử nhân trở lên, trong đó có 7 người đỗ đại khoa, đứng đầu cả nước về khoa bảng, vượt trên cả làng Đông Ngạc (Bắc Từ Liêm - Hà Nội) với 42 người thi đỗ.

Khi bàn luận về làng Hành Thiện, cho đến nay đa số người dân ở Nam Định đều cho rằng ngoài tinh thần hiếu học, người Hành Thiện còn được thế đất “cá chép vượt vũ môn” phù trợ. Xung quanh làng là những con sông bao bọc, bởi vậy mà học trò Hành Thiện như cá gặp nước, thả sức vẫy vùng trong biển học.

Lại có người cho rằng làng Hành Thiện ở giáp khu đất có hình cây bút lông, ngọn bút hướng về làng Hành Thiện. Ở làng Ngọc Cục gần đó lại có khu đất trũng ngập nước hình chiếc nghiên mực. Vì có sẵn bút nghiên nên người Hành Thiện học hành tấn tới, đỗ đạt dễ dàng.

Tuy nhiên, điều dễ thấy và thuyết phục nhất khiến học trò Hành Thiện đỗ đạt là bởi tinh thần hiếu học và sự bồi đắp của nhiều thầy giỏi, sách hay. Chỉ tính từ đầu thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20, Hành Thiện lúc nào cũng có hơn 10 trường học do các vị khoa mục nổi tiếng giảng dạy.

Tiến sĩ Đặng Xuân Bảng sau khi trí sĩ, về làng mở trường dạy học từ năm 1878 tới đầu thế kỷ 20. Ông đã lập ra Hy Long thư viện – nơi chứa sách Hán học lớn nhất Bắc kỳ thời bấy giờ.

Ngoài ra còn phải kể đến tủ sách của cụ Phó bảng Đặng Đức Dịch, cụ nghè Nguyễn Ngọc Liên… Nhờ nhiều thầy giỏi và nhờ nhiều sách quý mà học trò Hành Thiện hiểu rộng, biết nhiều, tri thức uyên thâm vang dội thiên hạ.

Truyền thống hiếu học và khuyến học ở Hành Thiện còn rất đặc biệt. Ngoài việc khắc tên tân khoa vào bia Văn chỉ, làng còn coi việc học là một nghề. Bởi vậy, chỉ ở Hành Thiện mới có “nghề học” đúng như câu ca dao: “Sáng trăng trải chiếu hai hàng/Chiếu anh đọc sách, chiếu nàng quay tơ”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ronaldo và Messi văng khỏi danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Ronaldo và Messi đón tin kém vui

GD&TĐ - Bộ đôi siêu sao của bóng đá thế giới vắng mặt trong danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Minh họa/INT

Truyện ngắn: Hậu phương yêu thương

GD&TĐ - Mấy hôm nay gió bấc đã tràn về đảo nhỏ. Lão gió gào thét lùng sục khắp các ngõ ngách, thấy cái gì cũng lật tung lên như thể để tìm kiếm thứ gì đó.