Làng khoa bảng nổi tiếng nhất Thăng Long

GD&TĐ - Không chỉ là ngôi làng cổ với những huyền tích lạ lùng, Kẻ Vẽ còn là làng khoa bảng nổi tiếng Thăng Long xưa.

Một trong hai mắt rồng ở đình Vẽ.
Một trong hai mắt rồng ở đình Vẽ.

Làng Kẻ Vẽ, nay là phường Đông Ngạc (Bắc Từ Liêm – Hà Nội) có 4 dòng họ lớn: Phan, Phạm, Đỗ, Nguyễn. Sau này, làng có thêm dòng họ Hoàng từ nơi khác nhập vào. Cả 5 dòng họ này đều có nhiều người đỗ tiến sĩ, bảng nhãn và hoàng giáp.

Họ Phạm có 16 vị tiến sĩ; họ Phan có 7 tiến sĩ, 28 cử nhân và 50 tú tài; họ Nguyễn có 5 tiến sĩ, 30 cử nhân và 40 tú tài.

“Đất Giàn, quan Vẽ”

Từ xửa xưa, người Thăng Long có câu “đất Kẻ Giàn, quan Kẻ Vẽ”. Câu ngạn ngữ chỉ tóm gọn trong sáu chữ mà bao quát hai làng cổ đất kinh thành. Kẻ Giàn, đấy là làng Trung Kính Hạ thuộc quận Cầu Giấy bây giờ.

Câu ví xưa “đất Kẻ Giàn” cũng là để nhắc nhớ người ta đến một ngôi làng đất đai rộng rãi, phì nhiêu. Còn quan Kẻ Vẽ thì sao? Hẳn đấy là một câu chuyện dài liên quan đến việc học và thi cử thời xưa.

Cụ Phạm Quang Đại, một thầy giáo ở Đông Ngạc rất am hiểu lịch sử, tường chuyện làng quê nói rằng, vào năm 1471 chiến tranh Việt – Chiêm nổ ra, cho đến mãi sau này, Chiêm Thành ôm hận cứ mãi xâm lấn Đại Việt. Vùng đất Thanh – Nghệ - Tĩnh vì “đứng mũi chịu sào” bất ổn khiến một số dòng họ phải chuyển cư ra vùng Thăng Long.

Trước đó, cụ Phan Phu Tiên vốn quê trấn Nghệ An. Khi đỗ đạt mới ra làm quan, rồi làm An phủ sứ ở Thiên Trường (Nam Định). Nên việc tiền nhân dụng đất Kẻ Vẽ làm nơi an cư lập nghiệp, cũng là một cái lý tốt.

Cụ Tiên cũng chính là người khai khoa của Kẻ Vẽ khi đỗ Thái học sinh đời Trần Thuận Tông, rồi lại đỗ khoa Minh Kinh triều Lê. Như vậy, danh nhân kỳ tài này hai lần đỗ đạt ở hai triều khác nhau thì đúng là lưỡng triều tiến sĩ.

Cụ Phan Phu Tiên đương thời nổi tiếng hay chữ, cụ vừa là nhà biên khảo, sử học, lại là một thầy thuốc. Cuốn “Việt âm thi tập” chính là bộ hợp tuyển thơ văn đầu tiên của nước do một tay cụ biên soạn.

Hai mươi kỳ nhân khác của làng Kẻ Vẽ sau thời cụ Tiên đều là những người đỗ đạt cao. Người cuối cùng, cũng là gần thời chúng ta nhất là cụ Hoàng Tăng Bí. Cụ Bí đỗ Phó bảng khoa Canh Tuất 1910, sau rồi cụ viết cho báo Trung Bắc tân văn, rồi làm thuốc, dịch văn.

Không chỉ có quan văn, Kẻ Vẽ còn có tiến sĩ võ tên là Đỗ Thế Dận (1739 – 1792) đỗ tạo sĩ khoa Quý Mùi 1763. Cụ Phạm Quang Đại bảo rằng: “Thời xưa, đúng là ra ngõ gặp quan, cho nên mới có câu ví “đất Kẻ Giàn, quan Kẻ Vẽ”.

Bởi nhiều người làm quan nên đường làng cũng lát gạch nghiêng chữ Nhân. Đường nào cũng rộng vừa lối ngựa đi. Còn cổng nhà thì theo lối “văn phòng tứ bảo”, tức mực giấy bút nghiên. Có nhà hình cái khánh, tức tiếng tăm nổi như chuông như khánh. Hầu như cổng làng, cổng ngõ ở Kẻ Vẽ đều có hai ngọn bút tháp vươn cao thể hiện tinh thần hiếu học.

Làng Kẻ Vẽ, tức Đông Ngạc ngày nay nổi tiếng khoa bảng.

 Làng Kẻ Vẽ, tức Đông Ngạc ngày nay nổi tiếng khoa bảng.

Giếng mắt rồng phát khoa bảng?

Trong câu chuyện với các cao niên làng Đông Ngạc, thì hầu như ai cũng gật gù về câu chuyện đình thiêng làng mình. Dù đó chỉ là một sự tích, một giai thoại để lý giải cho những điều lạ lùng, nhưng sự tin tưởng ấy không bao giờ mang tính mê tín, mà có sự xác quyết rất khoa học.

Ông Nguyễn Quang Trinh, thủ từ đình Vẽ kể rằng: Ngày xưa, đình Vẽ chỉ là một ngôi miếu thờ thổ thần ở bờ sông Nhị Hà, tức sông Hồng bây giờ. Đến năm Dương Hòa thứ 3 (1637) triều vua Lê Thần Tông, dân làng chuyển vào trong đê và xây lại đình theo nghệ thuật thời Lê Trung Hưng.

Tích xưa vẫn truyền lại cho đến ngày nay về thế đất đầu rồng của một trong hàng chục ngôi làng có chữ “Kẻ” của ngoại thành Thăng Long. Rằng, khi đình vẫn còn là ngôi miếu bên bờ sông, đã có một thầy địa lý đi qua. Thấy vùng đất nổi rõ khí thiêng là đầu rồng mới bảo với dân làng nên xây đình ở mảnh đất quý.

Nhưng hiềm nỗi lúc ấy, mảnh đất quý đang là sở hữu của gia đình cụ Đường, mà gia đình cụ lại không có con cái. Làng cử người đến ngỏ lời, cụ Đường hào phóng giao cho làng toàn bộ số đất rộng trên ba mẫu để xây đình.

Bởi xây trên thế đất đầu rồng nên cách bố trí của đình Vẽ cũng lạ lắm. Hậu cung xây trên gò đất cao là phần cổ. Hai giếng dưới tam quan ngoại đình là mắt, còn hai trụ phía bên kia đường, ở cạnh sông Hồng là râu rồng.

Từ ấy, Kẻ Vẽ dần có những đổi thay. Nhiều người đỗ đạt, thành tài, làm quan lớn trong triều, và đương nhiên trở thành một trong 6 làng khoa bảng trứ danh của Thăng Long. Nhiều danh sĩ tìm đến, nhiều hiền sĩ tìm về để tỏ tường về một vùng đất tốt như Kẻ Vẽ ven sông.

Theo ông Lê Văn Châu, Phó ban quản lý di tích thì: “Giếng không dùng để lấy nước sinh hoạt như các giếng khác. Chỉ đơn giản là các cụ đào xuống cho đúng với cấu tạo đầu rồng”.

Hai giếng tròn này rất lớn, nhiều người còn gọi đó là ao. Và thậm chí, những người trẻ ở Đông Ngạc còn khẳng định đó là hai cái ao chứ không phải hai cái giếng. Cũng bởi vì là giếng tượng trưng nên không được sâu cho lắm. Nước trong giếng có ngọt có mát hay không thì cũng chẳng ai rõ, vì đơn giản cũng chưa ai thử.

Ở đình Vẽ bây giờ, phía bên tả là khu nhà dựng bia khá quy mô. Cạnh những bức tường mới tô màu vàng hiện đại là những tấm bia bản dầy khắc những hàng chữ nho, cái thì còn rõ, cái lại đã mờ. Chỉ có những trán bia do ít bị sờ vào xét chữ nên vẫn còn mồn một dấu khắc những lưỡng long chầu nguyệt.

Tất thảy 21 tiến sĩ là những quan văn nức tiếng thời xưa. Cứ những chữ những nghĩa ghi khắc xa xưa ấy, thì khởi đầu cho khoa bảng Đông Ngạc là Phan Phu Tiên đỗ Thái học sinh khoa Quý Dậu 1393 và khoa Minh Kinh  triều Lê.

Lại nói đến việc phong thủy, nhờ đào hai giếng “mắt rồng” mà Đông Ngạc mới phát khoa bảng cũng chưa hẳn đúng. Cứ cho là hai giếng này làm cùng đình Vẽ năm Dương Hòa thứ 3 (1637), thì trước đó rất lâu cụ Phan Phu Tiên đã đỗ đạt năm 1393 rồi.

Chuyện học ngày xưa

Bia ghi danh 21 tiến sĩ làng Kẻ Vẽ xưa.

Bia ghi danh 21 tiến sĩ làng Kẻ Vẽ xưa.

Theo cụ Phạm Quang Đại, Đông Ngạc còn có một cái tên khác là làng Đống Ếch. Cái tên làng là lạ gắn với giai thoại học trò đọc sách râm ran như tiếng ếch kêu. Những câu chuyện như cụ bảng nhãn Phạm Quang Trạch ham học tới mức đêm đông, lúc ngồi học, cụ lấy khăn vải tẩm nước đặt lên đùi, để không thể ngủ gật. Thậm chí, tất cả gốc cau ở vườn nhà đều nhẵn bóng do vịn tay vào gốc mà học.

Người Đông Ngạc coi trọng học vấn. Dân gian có câu “thơ Mỗ, phú Cách, sách Vẽ”. Nếu thi không đỗ đạt cao để làm quan, thì họ làm thầy đồ, làm nghề thuốc. Bởi thế, thư tịch về Đông Ngạc, trước tác của các bậc nho học Đông Ngạc là một kho tư liệu đồ sộ.

Kẻ Vẽ có 4 dòng họ lớn: Phan, Phạm, Đỗ, Nguyễn. Sau này, làng có thêm dòng họ Hoàng từ nơi khác nhập cư vào. Cả 5 dòng họ này đều có nhiều người đỗ tiến sĩ, bảng nhãn và hoàng giáp. Họ Phạm có 16 vị tiến sĩ; họ Phan có 7 tiến sĩ, 28 cử nhân và 50 tú tài; họ Nguyễn có 5 tiến sĩ, 30 cử nhân và 40 tú tài.

Họ Hoàng dù đến làng khá muộn nhưng cũng đóng góp cho làng 3 tiến sĩ. Cụ phó bảng Hoàng Tăng Bí cũng chính là thân sinh của cố Bộ trưởng Bộ Văn hóa Hoàng Minh Giám.

Cụ Đại bảo rằng, ngày xưa người làng học giỏi, giàu chữ cũng bởi lời dạy của lưỡng triều tiến sĩ khai khoa Phan Phu Tiên, rằng: “Trẻ mà không học khó làm nên/Tự thẹn già nua trót kém hèn/Ôn cũ sau này mong biết mới/Vào nhà ắt phải bước qua hiên”.

Điều đáng quý là truyền thống hiếu học, học giỏi, đỗ cao của làng Kẻ Vẽ không chỉ có ở thời phong kiến mà được gìn giữ và tiếp tục phát huy đến tận ngày nay. Quý hơn nữa là các vị có học vị cao đã và đang đem kiến thức của mình phục vụ cho việc xây dựng quê hương đất nước.

Tiếp nối gương ông cha, các thế hệ sau cũng làm nên sự nghiệp rạng rỡ cho quê hương. Theo thống kê chưa đầy đủ, làng Đông Ngạc hiện nay có trên 1.000 học vị từ cử nhân đến tiến sĩ, nhiều người được phong hàm giáo sư, hay giữ các chức vụ cao cấp của Nhà nước.

Nếu như thời phong kiến có Phan Phu Tiên, Đỗ Thế Giai, Hoàng Tế Mỹ rồi Phan Văn Trường, Hoàng Tăng Bí… thì ngày nay là Hoàng Minh Giám (cố Bộ trưởng Bộ Văn hóa), bác sĩ Hoàng Tích Trí (cố Bộ trưởng Bộ Y tế), Trung tướng, GS.TS Phạm Gia Khánh (Giám đốc Học viện Quân y), GS.TS Phạm Gia Khải (Viện trưởng Viện Tim mạch), TS Phạm Gia Khiêm (nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ) và nhiều chính khách, nhà khoa học khác.

Hầu hết, các dòng họ trong làng, đặc biệt là các dòng họ lớn như: Phạm, Phan, Đỗ, Nguyễn và Hoàng đã thành lập quỹ khuyến học nhằm khích lệ tinh thần học tập, khen thưởng cho các em có thành tích học tập xuất sắc.

Trong bản Điều lệ của Hội đồng gia tộc họ Phạm soạn năm 1932, điều thứ 2, khoản 5, trang 7 có ghi: “Nếu như sau này quỹ hội dồi dào thì sẽ đặt ra những học bổng của họ để cấp cho những con em trong họ xét ra có tài, thông minh, có hạnh kiểm tốt mà vì nhà nghèo không thể đi học được”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Các chiến binh Houthi cùng hệ thống 2K12 Kub.

Ác mộng với tiêm kích Mỹ

GD&TĐ - Lực lượng Ansar Allah (Houthi) ở Yemen tuyên bố đã bắn hạ một tiêm kích hạm F/A-18 của Hải quân Mỹ khi tham gia chiến dịch tấn công Houthi.