Kiên trì mục tiêu

GD&TĐ - Đặc thù giáo dục cần phải có thời gian, lâu dài và kiên trì mục tiêu đổi mới; triển khai các môn học tích hợp cũng vậy...

Ảnh minh họa ITN.
Ảnh minh họa ITN.

Thực hiện các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GD&ĐT đã tổ chức xây dựng, ban hành Chương trình GDPT 2018 phù hợp với định hướng, yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT.

Trong chương trình, hầu hết tên các môn học được giữ nguyên; chỉ có Tin học và Công nghệ (tiểu học); Lịch sử và Địa lý, Khoa học tự nhiên (THCS); Hoạt động trải nghiệm ở tiểu học và Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp ở THCS, THPT là môn học, hoạt động giáo dục mới, dựa trên nền tảng các môn học, hoạt động giáo dục của Chương trình GDPT 2006.

Việc lồng ghép những nội dung có liên quan của một số môn học trong chương trình hiện hành để tạo thành môn tích hợp là thực hiện yêu cầu Nghị quyết 29, Nghị quyết 88 và Quyết định 404 của Chính phủ, nhằm tinh giản, tránh chồng chéo nội dung giáo dục, giảm số môn học…

Khi triển khai Chương trình GDPT 2018 với lớp 6 từ năm học 2021 - 2022, Bộ GD&ĐT đã hướng dẫn các trường phân công giáo viên để giảng dạy hiệu quả các môn học, hoạt động giáo dục lần đầu xuất hiện.

Với môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý, không thể thay thế toàn bộ giáo viên đơn môn (Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý) mà bồi dưỡng đội ngũ này để có thể đảm nhiệm môn học.

Bộ GD&ĐT đã ban hành các chương trình bồi dưỡng giáo viên THCS dạy môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý; giao trường sư phạm mở mã ngành đào tạo giáo viên môn học này. Hiện hầu hết cơ sở đào tạo giáo viên đã mở mã ngành, đang đào tạo để dần thay thế số giáo viên nghỉ hưu, bổ sung nguồn tuyển cho các địa phương.

Là môn học mới, lần đầu tiên triển khai nên giai đoạn đầu tổ chức dạy học, kiểm tra, đánh giá, đặc biệt là Khoa học tự nhiên không tránh khỏi khó khăn, lúng túng. Bên cạnh nguyên nhân khách quan, đặc biệt từ điều kiện đội ngũ, những bất cập nảy sinh còn bởi nhà trường chưa chủ động trong xây dựng phân phối chương trình các môn học theo tinh thần: Không nhất thiết phải chia đều số tiết/tuần, không nhất thiết phải dạy học ở các tuần.

Điều này dẫn đến khó khăn trong bố trí giáo viên, xếp thời khóa biểu phù hợp với định mức giờ dạy/tuần. Có giáo viên vì vừa đảm nhiệm dạy môn học mới và môn học theo Chương trình GDPT 2006 nên ở một số thời điểm phải dạy vượt quá nhiều so với định mức.

Bên cạnh đó, vẫn còn trường chưa bố trí dạy môn Khoa học tự nhiên bảo đảm theo đúng mạch các chủ đề, logic của chương trình, mà dạy song song 3 phân môn, khó cho học trò trong tiếp thu kiến thức, vì không được học theo trình tự của chương trình, SGK. Một giáo viên chỉ đảm nhiệm một số chủ đề nên khó nắm bắt được tình hình học tập của học sinh ở các chủ đề khác trong cùng môn học không phải do mình trực tiếp giảng dạy. Vì có từ 2 đến 3 giáo viên cùng giảng dạy một môn nên triển khai kiểm tra, đánh giá cũng còn có lúng túng...

Những tồn tại này đang dần được khắc phục, việc dạy học môn tích hợp đã tốt hơn lên ở các trường sau 2 năm triển khai. Tất nhiên, cũng có không ít cơ sở, khó khăn nói trên vẫn hiện hữu. Nhưng cần nhận thức rằng, đổi mới Chương trình, SGK GDPT là vấn đề lớn. Lần đầu tiên chúng ta triển khai một chương trình GDPT được xây dựng tổng thể, toàn diện, đồng bộ tất cả môn học, hoạt động giáo dục theo hướng tiếp cận phát triển phẩm chất, năng lực học sinh, nên không tránh khỏi lúng túng ban đầu.

Đặc thù giáo dục cần phải có thời gian, lâu dài và kiên trì mục tiêu đổi mới; triển khai các môn học tích hợp cũng vậy. Và thành công đổi mới giáo dục nói chung, môn học mới nói riêng phụ thuộc phần lớn vào quyết tâm cao đối với việc triển khai trong toàn xã hội, nhất là đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

MIT miễn học phí cho sinh viên đến từ gia đình thu nhập thấp.

MIT miễn học phí cho sinh viên

GD&TĐ - Từ học kỳ mùa Thu năm 2025, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), sẽ miễn học phí cho sinh viên thuộc gia đình có thu nhập dưới 200 nghìn USD.

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.