Dạy học tích hợp, liên môn không khó

GD&TĐ - “Môn Lịch sử phải được giảng dạy độc lập; những vấn đề, nội dung của môn Sử có kiến thức chung với các môn khác còn lại trong lĩnh vực khoa học xã hội sẽ được dạy học tích hợp theo các chuyên đề trên cơ sở chuẩn bị kỹ càng sẽ đem lại hiệu quả cao hơn”. Đó là quan điểm của cô Nguyễn Thị Thanh Hòa, giáo viên Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú (PTDTNT) THPT tỉnh Yên Bái, chia sẻ với phóng viên.

Dạy học tích hợp, liên môn không khó

Chúng tôi đã từng dạy học tích hợp từ trước

Là giáo viên có nhiều thâm niên giảng dạy môn Lịch sử, cô Hòa khẳng định: Như vậy vừa đảm bảo nâng cao chất lượng giảng dạy không chỉ riêng môn Sử mà cả ở từng môn khác trong cùng lĩnh vực, vừa đảm bảo xu hướng giảng dạy tích hợp, liên môn trong thời gian tới theo phương pháp và kỹ thuật dạy học tích cực.

Về vấn đề giảng dạy tích hợp, liên môn, cô Hòa cho biết: Trước khi Bộ GD&ĐT có chủ trương dạy học theo phương pháp và kỹ thuật dạy học tích cực, cụ thể là dạy học tích hợp, trong những năm qua, các tổ bộ môn của nhà trường đã có những hoạt động giảng dạy tương tự, tiêu biểu nhất là môn Lịch sử. Hình thức tổ chức giảng dạy ở trường là giáo viên đã tích hợp nhiều kiến thức giảng dạy Văn học trong giáo án giảng dạy môn Lịch sử.

Khi dạy bài lịch sử về Tổng khởi nghĩa tháng Tám, giáo viên sử dụng kiến thức ở tác phẩm “Tuyên ngôn độc lập” của Chủ tịch Hồ Chí Minh; tương tự, khi dạy về cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, giáo viên vận dụng kiến thức ở bài thơ “Việt Bắc” của Tố Hữu; Hoặc khi giảng dạy về văn hóa dân tộc có rất nhiều trong các bài học của chương trình môn Sử, giáo viên đã sử dụng các tài liệu về ca dao, tục ngữ, dân ca... để học sinh hình dung đầy đủ hơn về vấn đề lịch sử đang học.

Khi giảng dạy về lịch sử địa phương Yên Bái, giáo viên Địa lý và giáo viên Lịch sử đã ngồi lại với nhau để xây dựng những nội dung nhằm thực hiện giảng dạy những vấn đề về lịch sử địa phương. Hoặc như khi tổ chức hoạt động ngoại khóa cho học sinh về chủ đề biển, đảo thì giáo viên Lịch sử và giáo viên Địa lý cũng đã biết kết hợp với nhau để dạy học ngoại khóa cho học sinh.

Nói tóm lại, trong hoạt động chính khóa, trong giảng dạy Lịch sử địa phương hay trong hoạt động ngoại khóa thì các giáo viên tổ khoa học xã hội của Trường PTDTNT THPT tỉnh Yên Bái đã có những nội dung giảng dạy tích hợp, liên môn và đã mang lại hiệu quả; thu hút được học sinh hào hứng tham gia học tập, chất lượng giảng dạy của nhà trường được nâng cao. Biểu hiện qua chỉ số các kỳ thi tốt nghiệp, chỉ số thi các kỳ thi vào ĐH - CĐ, hay trong các kỳ thi chọn học sinh giỏi của tỉnh và quốc gia của học sinh nhà trường trong những năm qua ở các bộ môn khoa học xã hội.

Cô Nguyễn Thị Thanh Hòa khẳng định: “Đó là những cách làm (tích hợp, liên môn) mà giáo viên của Trường PTDTNT THPT tỉnh Yên Bái đã làm từ nhiều năm trước, theo tôi rất gần với cách giảng dạy tích hợp, liên môn như hiện nay”.

Chuẩn bị đồng bộ thực hiện dạy học tích hợp

Sau khi Bộ GD&ĐT có chủ trương dạy học tích hợp, liên môn và tổ chức tập huấn cho giáo viên, dưới sự chỉ đạo của Sở GD&ĐT Yên Bái, nhà trường đã tổ chức triển khai sinh hoạt chuyên môn và tổ chức thực hiện theo những phương pháp, kỹ thuật đã lĩnh hội. Tiếp đó là tất cả những giáo viên của tổ bộ môn khoa học xã hội: Văn, Sử, Địa và GDCD cùng ngồi lại, cùng rà soát lại toàn bộ chương trình của mỗi bộ môn nhằm tìm ra những nội dung cùng có chung với các môn khác trong tổ và xây dựng kế hoạch bài học. Những nội dung chung trong các môn, thuộc phân môn nào thì giao trách nhiệm chính cho phân môn đó tổ chức thực hiện giảng dạy.

Nhà trường đang từng bước chuẩn bị cho thực hiện dạy học tích hợp, liên môn trong giảng dạy thời gian tới. Trong quá trình đó, tập thể giáo viên nhà trường rất đồng thuận với chủ trương chung của toàn ngành đang tiến hành đổi mới, cũng như công tác đổi mới mạnh mẽ theo phương pháp và kỹ thuật dạy học tích cực, trong đó có việc giảng dạy theo hướng tích hợp, liên môn.

Tuy nhiên, Trường PTDTNT THPT tỉnh Yên Bái cũng gặp một vài khó khăn trong xây dựng chương trình riêng cho giảng dạy theo hướng tích hợp, liên môn. Theo cô Hòa, tuy trường vẫn đủ định biên giáo viên đứng lớp nhưng vì là trường chuyên biệt nên ngoài những tiết học chính khóa, giáo viên vẫn phải đảm bảo những công tác khác của trường PTDTNT; Do vậy, giáo viên các tổ chuyên môn ít có thời gian để xây dựng chương trình tích hợp nên tiến độ xây dựng chương trình của nhà trường ít nhiều bị ảnh hưởng.

Cô Hòa cũng đề nghị Bộ GD&ĐT rà soát lại toàn bộ chương trình của tất cả các bộ môn liên quan đến tích hợp, liên môn để xây dựng được những chủ đề của môn đó phù hợp, tương đồng với tiến trình thời gian của những môn khác trong cùng lĩnh vực. Như trong môn Lịch sử (có liên quan đến mốc thời gian của tiến trình lịch sử), nếu dạy bài thơ Việt Bắc của Tố Hữu được dạy trước khi dạy phần lịch sử kháng chiến chống Pháp thì sẽ không thể tích hợp, liên môn kiến thức.

Dạy học tích hợp, liên môn không khó ảnh 1Cô Nguyễn Thị Thanh Hòa 
“Chúng tôi nhận thấy dạy tích hợp, liên môn không phải là điều gì quá mới vì chúng tôi đã từng làm rồi. Chúng tôi chỉ nhận thấy có cái mới là có sự thống nhất trong nhận thức, nội dung và phương pháp tiến hành mà Bộ GD&ĐT đang triển khai những phương pháp, kỹ thuật dạy học tích cực”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ