(GD&TĐ)-Sáng 19/9, tại Hà Nội, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội tổ chức Hội thảo “Lấy ý kiến về chính sách thai sản trong Dự thảo bộ Luật Lao động (sửa đổi)”.
Ngày hội "Nuôi con bằng sữa mẹ" thu hút 200 bà mẹ trẻ tham gia |
Theo dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) lần này có những quy định mới trong vấn đề nghỉ thai sản của phụ nữ. Dự thảo đã đưa ra hai phương án khác nhau. Phương án thứ nhất quy định: lao động nữ được nghỉ trước và sau khi sinh con, cộng lại 6 tháng và được hưởng trợ cấp thai sản theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội. Còn phương án thứ hai giữ nguyên như quy định của Bộ luật hiện hành: lao động nữ được nghỉ trước và sau khi sinh con, cộng lại từ bốn đến sáu tháng tùy theo điều kiện lao động, tính chất công việc nặng nhọc độc hại và nơi xa xôi hẻo lánh.
Tại hội thảo, hầu hết các đại biểu đồng tình thời gian nghỉ thai sản của phụ nữ là 6 tháng cộng với cả trước và sau khi sinh, được hưởng trợ cấp thai sản theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội. Theo các đại biểu những quy định về nghỉ thai sản hiện hành nếu xét về khía cạnh bảo vệ sức khỏe bà mẹ, trẻ em là chưa phù hợp. Bên cạnh đó, chế độ nghỉ thai sản 4 tháng như hiện nay đang tạo áp lực đối với lao động nữ, do không có chỗ gửi con để đi làm. Do vậy, có đến 75% lao động nữ có nguyện vọng được tăng thời gian nghỉ thai sản lên 6 tháng và khoảng 52% mong muốn có nhà trẻ gần nơi làm việc…
Theo khuyến cáo của các chuyên gia Y tế, sản phụ cần phải cho con bú ít nhất trong vòng 6 tháng đầu kể từ khi bé chào đời. Tuy nhiên, Luật Lao động hiện hành chỉ cho phép các bà mẹ nghỉ hậu sản trong vòng 4 tháng. Trên thực tế, nhiều người vì muốn đảm bảo sức khỏe cho ngày “vượt cạn” nên đã xin nghỉ từ trước khi sinh khoảng 15 ngày đến 1 tháng. Do đó, thời gian các bé được bú mẹ hoàn toàn còn ngắn hơn nhiều. Bên cạnh đó, chế độ nghỉ thai sản 4 tháng như hiện nay đang tạo áp lực đối với lao động nữ, do không có chỗ gửi con để đi làm. |
Tại Hội thảo, bà Phan Thị Thanh Hương, Phó Giám đốc Công ty TNHH Pacific, tỉnh Hòa Bình nêu ý kiến: “Thực tế có đến trên 50% chị em xin nghỉ thêm 1-2 tháng nữa. Khi họ nghỉ, DN cũng rất khó khăn nhưng mình không thể không cho họ nghỉ được. Vì thế, có thể nâng thời gian nghỉ thai sản lên 6 tháng để chị em được hưởng bảo hiểm xã hội”.
Tăng thời gian nghỉ thai sản đối với lao động nữ là cần thiết, song việc điều chỉnh này tất yếu ảnh hưởng đến nhiều vấn đề khác nên cần phải thận trọng. Vì khi tăng thời gian nghỉ thai sản lên 6 tháng có nghĩa là tăng chi quỹ Bảo hiểm xã hội.
Để đảo đảm sự cân đối quỹ thì phải tăng mức đóng bảo hiểm, ông Hà Đình Bốn, Phó Vụ Trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cho biết: Đây là chính sách lớn, vì vậy để thực hiện được chúng ta phải có thêm nhiều chính sách để đầu tư nguồn lực, hỗ trợ nguồn nhân lực; khuyến khích các doanh nghiệp thực hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp mình.
Ông Bốn cũng khẳng định: sự thay đổi này nói đến tính ưu việt của chế độ gắn với lợi ích kinh tế, lợi ích xã hội và đây là một chính sách phát triển lâu dài về mặt nguồn nhân lực. Các ý kiến trong hội thảo này sẽ được tổng hợp trình lên Quốc hội vào tháng 10-2011.
Trước đó, ngày 16/9, tại TP HCM, Vụ Pháp chế (Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội) đã tổ chức Hội thảo lấy ý kiến về chính sách thai sản 6 tháng trong dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi. Đa số ý kiến tại Hội thảo đồng ý
với phương án sẽ tăng thời gian nghỉ thai sản lên 6 tháng.
Phương Nguyên