Kiểm tra, đánh giá thích ứng với chương trình mới

GD&TĐ - Chương trình mới, môn học mới buộc các nhà trường phải đổi mới, linh hoạt trong công tác dạy học cũng như kiểm tra, đánh giá học sinh.

Kiểm tra cuối học kỳ I tại Trường Tiểu học Thăng Long (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội). Ảnh: Vân Anh
Kiểm tra cuối học kỳ I tại Trường Tiểu học Thăng Long (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội). Ảnh: Vân Anh

Đa dạng hình thức đánh giá

Vào thời điểm này, nhiều nhà trường đã hoàn thành việc kiểm tra, đánh giá học kỳ I năm học 2022 - 2023. Với học sinh khối 3 và khối 7, đây là năm học đầu tiên áp dụng dạy và học theo chương trình mới, trong đó có các môn học mới như Tin học, Tiếng Anh, Công nghệ hay các môn tích hợp.

Để chuẩn bị cho kiểm tra cuối học kỳ I, giáo viên Trường Tiểu học Thăng Long (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) đã chủ động xây dựng kế hoạch ôn tập cho học sinh. Các thầy cô tập trung xây dựng nội dung ôn tập kiến thức hệ thống, khoa học, đúng chuẩn kiến thức, kĩ năng. Nội dung ôn tập các môn học được chia theo từng chủ đề cụ thể giúp học sinh ôn tập kiến thức một cách tốt nhất.

Bên cạnh dạy học các môn theo phân phối chương trình, thầy cô cũng tổ chức cho các em ôn tập trong những giờ hoạt động củng cố dưới nhiều hình thức như làm bài tập, trả lời câu hỏi, trò chơi, làm phiếu bài tập… nhằm mục đích khắc sâu cho các em những kiến thức đã học, giúp các em có thể thích nghi với các hình thức kiểm tra, đánh giá phù hợp với Chương trình giáo dục phổ thông mới.

Dưới sự hướng dẫn của giáo viên chủ nhiệm, các em học sinh xác định rõ đợt kiểm tra định kì lần này là dịp để đánh giá lại quá trình học tập trong cả học kì I của mình. Từ đó, các em rất tích cực luyện tập để có tâm lý và kết quả tốt cho đợt kiểm tra.

Thầy Nguyễn Văn Nhã - giáo viên Trường THCS Ngô Gia Tự chia sẻ: Việc đa dạng cách thức kiểm tra đánh giá sẽ tạo động lực để học sinh tiến bộ, song vẫn giúp giáo viên, nhà trường đánh giá năng lực của các em. Khi học sinh hiểu được kiến thức, sử dụng kiến thức vào cuộc sống và tạo ra sản phẩm của quá trình học tập, chúng tôi đều có thể sử dụng để đánh giá chứ không nhất thiết phải sử dụng các bài kiểm tra.

Thầy Nguyễn Hữu Nhật - giáo viên Trường Tiểu học Quỳnh Mai (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết: Năm nay là năm đầu tiên học sinh khối 3 học theo Chương trình GDPT 2018. Trong đó, Ngoại ngữ, Tin học và Công nghệ là các môn bắt buộc đối với lớp 3 nên được đánh giá cuối kỳ như các môn học khác.

Yêu cầu của học sinh lớp 3 trong học kỳ I thì không nhiều, chủ yếu làm quen với môn học máy tính; đồng thời biết cách sử dụng, chức năng các bàn phím. Do là môn học mới nên các hoạt động tương tác, trò chơi trên máy tính được lồng ghép trong chương trình học để tạo hứng thú và thu hút học sinh. Các tiết học ôn tập vì vậy rất vui vẻ hào hứng. Việc đánh giá học sinh cũng rất linh hoạt, không phụ thuộc vào các bài kiểm tra.

Còn tại Trường THCS Ngô Gia Tự (quận Long Biên, Hà Nội), học sinh cũng vừa trải qua kỳ thi cuối học kỳ I. Việc ôn tập các môn học mới, đặc biệt là môn Khoa học Tự nhiên gây lo lắng cho nhiều học sinh. Tuy nhiên, do đổi mới phương pháp theo hướng tăng cường trải nghiệm thực hành, tăng các hoạt động nhóm nên học sinh tích cực và chủ động hơn trong quá trình tiếp thu.

Cô giáo Trường Tiểu học Tràng An (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội). Ảnh: Vân Anh

Cô giáo Trường Tiểu học Tràng An (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội). Ảnh: Vân Anh

Đánh giá theo hướng thực tế

Chương trình mới, môn học mới buộc các nhà trường phải đổi mới, linh hoạt và sáng tạo trong công tác dạy học cũng như kiểm tra, đánh giá học sinh theo hướng thực tế, ứng dụng hơn. Nhìn thấy rõ nhất chính là cách đánh giá bộ môn Ngữ văn.

Theo thầy Lê Ngọc Hoa - Hiệu trưởng Trường THPT Xuân Đỉnh (quận Bắc Từ Liêm), thời gian qua, Bộ GD&ĐT đã có hướng dẫn đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá môn Ngữ văn nhằm khắc phục tình trạng dạy học theo kiểu đọc chép và thuộc lòng theo văn mẫu. Cách ra đề kiểm tra Ngữ văn đã được nhà trường thực hiện trong học kỳ này.

Năm nay, học sinh lớp 10 phải đối diện với nhiều thay đổi, từ phương pháp học tập đến lựa chọn bộ môn học. Trên thực tế, không ít học sinh lúng túng, thậm chí chưa bắt nhịp kịp với sự thay đổi này. Chính vì thế, theo nhiều trường, hình thức kiểm tra phù hợp sẽ giúp các em bớt áp lực.

Theo đại diện Sở GD&ĐT Hà Nội, việc đổi mới kiểm tra, đánh giá để khích lệ, động viên, tạo động lực cho học sinh phát triển toàn diện là cần thiết và phù hợp với xu thế quốc tế. Tuy nhiên, để hoạt động này đi vào thực chất, đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt, trách nhiệm của nhà trường, giáo viên và các bậc phụ huynh.

Việc làm quan trọng trước mắt là đẩy mạnh công tác tập huấn, hướng dẫn về đổi mới kiểm tra, đánh giá để giáo viên nắm bắt thông suốt, từ đó triển khai hiệu quả, tránh cho điểm hình thức, nhận xét chung chung. Trong đó, chú trọng hướng dẫn thống nhất việc xây dựng đề kiểm tra theo những hình thức mới, bảo đảm đáp ứng các mức độ cần đạt của môn học.

Về phía các nhà trường, cần thực hiện tốt Thông tư số 26/2020/TT-BGDĐT, từng bước thay đổi thói quen của giáo viên, hướng dẫn các thầy, cô giáo cách thức ra đề thi, kiểm tra theo hướng mở; khuyến khích giáo viên áp dụng đa dạng các hình thức đánh giá, như: Làm bài trắc nghiệm, kiểm tra viết tự luận, thảo luận, tranh luận thông qua tương tác của nhóm học sinh.

Đối với các thầy, cô giáo, bên cạnh sự nhiệt tình, trách nhiệm, tâm huyết với nghề, cần tiếp tục rèn luyện kỹ năng, nâng cao kiến thức, làm chủ được quá trình đánh giá và phải sử dụng nhiều công cụ, phương pháp, hình thức khác nhau để đánh giá. Trước khi thực hiện kiểm tra, đánh giá bằng sản phẩm học tập, bài thực hành, cần hướng dẫn và công bố công khai tiêu chí đánh giá nhằm bảo đảm khách quan, công bằng, tạo động lực cho học sinh.

Cô Đàm Thu Hương - Hiệu trưởng Trường THCS Yên Hòa (quận Cầu Giấy) chia sẻ: Với đề Ngữ văn lớp 6 và 7, hai khối lớp học theo Chương trình giáo dục phổ thông mới, ngữ liệu trong đề kiểm tra hoàn toàn nằm ngoài SGK. Đối với lớp 9, trường sử dụng cấu trúc đề cũ nhưng có sử dụng một phần ngữ liệu mới để học sinh thích ứng dần với kiểu ra đề mới.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giá của thi trên mạng

GD&TĐ - Một phụ huynh có con đang học tại Trường Tiểu học Ngô Quyền (Đà Nẵng) đã mất 55 triệu đồng vì đăng ký cho con dự cuộc thi viết chữ đẹp trên mạng.

MIT miễn học phí cho sinh viên đến từ gia đình thu nhập thấp.

MIT miễn học phí cho sinh viên

GD&TĐ - Từ học kỳ mùa Thu năm 2025, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), sẽ miễn học phí cho sinh viên thuộc gia đình có thu nhập dưới 200 nghìn USD.

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.